Cú sốc BTS

HYBE nói riêng và Kpop nói chung bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi việc BTS tạm gián đoạn. Công ty chưa có nhóm nhạc nào đủ sức thay thế 7 thần tượng.

“BTS không bền vững” là tiêu đề bài viết mới trên Korea JoongAng Daily. Đây cũng là quan điểm của Kim Won Bae - Giám đốc tin tức kinh tế và công nghiệp của JoongAng Ilbo. Giám đốc Kim Won Bae gọi việc BTS tạm gián đoạn là cú sốc.

Nhóm nhạc Kpop đã thông báo tạm ngừng hoạt động vào tuần trước. Trước đó, nhóm bán được hàng triệu bản album, thống trị bảng xếp hạng Billboard, được đề cử giải Grammy và thậm chí được Tổng thống Joe Biden mời đến Nhà Trắng.

Lời thú nhận vạch trần hệ thống hoạt động của các công ty Kpop

BTS có một bài phát biểu tại Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên, BTS muốn nghỉ ngơi và các thành viên trong nhóm muốn dành thời gian để phát triển sự nghiệp solo. HYBE - công ty điều hành BTS - tuyên bố nhóm nhạc vẫn hoạt động như một đội. Tuy nhiên, người hâm mộ toàn cầu đang bắt đầu nhận ra có điều gì đó đã thay đổi. Và sự thay đổi đó có thể là mãi mãi.

Sau thông báo đáng tiếc của BTS, giá cổ phiếu của HYBE giảm 25% vào 15/6. Vốn hóa thị trường của BTS giảm xuống 2.000 tỷ won (1,54 tỷ USD) chỉ sau một đêm. Giám đốc Kim Won Bae nhận định đây là con số khổng lồ. Hôm sau, giá cổ phiếu của HYBE phục hồi. Tuy nhiên, so với tháng 11/2021, giá cổ phiếu của tập đoàn vẫn giảm mạnh (hơn 60%).

Trong video dài một tiếng được phát hành vào 14/6, các thành viên của nhóm nhạc tiết lộ nỗi đau tinh thần lẫn thể xác họ phải chịu đựng từ trước đến nay. Đặc biệt, tiết lộ của trưởng nhóm RM gây sốc.

“Hệ thống thần tượng Kpop không cho phép các thành viên trong nhóm trưởng thành”, anh nói.

"Chúng tôi không có thời gian để phát triển ở cấp độ cá nhân", RM chia sẻ.

Cú sốc BTS-1
BTS gây xôn xao khi thông báo hoạt động nhóm tạm gián đoạn.

Những tiết lộ của trưởng nhóm BTS phản ánh “hệ thống nhà máy” của các công ty giải trí Kpop. Như lời thú nhận của RM, Kpop không phải một thể loại âm nhạc mà là sản phẩm phụ của hệ thống sản xuất phức tạp và khắc nghiệt.

Một công ty giải trí nhận bài hát của các nhạc sĩ nổi tiếng trên khắp thế giới. Họ biên đạo và quay phần trình diễn của bài hát. Đồng thời, họ bắt tay vào tiếp thị toàn bộ gói sản phẩm trên toàn cầu.

Sau khi trải qua quá trình đào tạo nghiêm khắc, các thành viên của nhóm nhạc Kpop sống cùng nhau ngay cả khi họ mới ra mắt.

Họ làm việc không mệt mỏi để giao tiếp với khán giả toàn cầu và tạo ra một fandom hợp nhất.

Đổi lại, những người hâm mộ mua album hàng loạt, tham dự các buổi concert của họ và mang lại lợi nhuận khổng lồ cho công ty quản lý.

Trong hoàn cảnh đó, việc nhóm nhạc thành công nhất Hàn Quốc tuyên bố tạm dừng hoạt động khi đang ở đỉnh cao sự nghiệp càng làm dấy lên nghi ngờ về cách đối xử của công ty quản lý với các thành viên trong nhóm.

BTS đã liên tục gửi đi thông điệp rằng: "Bạn nên yêu bản thân trước".

Có vẻ bây giờ các thành viên thực hiện lời khuyên đó một cách nghiêm túc. Nhóm nhạc cho biết các thành viên sẽ tiếp tục biểu diễn với tư cách cá nhân.

HYBE bị tổn thất

Nhưng HYBE - một công ty niêm yết - không thể cảm thấy thoải mái vì bất kỳ sự tạm lắng nào trong hoạt động của BTS.

Với HYBE, BTS là tài sản sinh lời cao nhất. Do đó, việc BTS tạm dừng hoạt động đã giáng một đòn chí mạng vào lợi nhuận của công ty. Kế hoạch của họ là gì thì bất kỳ sự thay đổi nào của BTS cũng sẽ gây tổn thất cho HYBE.

Công ty đã kiếm được lợi nhuận kỷ lục vào năm 2021, nhưng hoạt động của HYBE đã đẩy các thành viên đến giới hạn tinh thần. Điều đó đặt ra câu hỏi về khả năng quản lý bất kỳ loại khủng hoảng nào của HYBE. Đồng thời cho thấy HYBE cần thay đổi chiến lượng.

Đáng nói, khi BTS tạm gián đoạn, HYBE mất đi một nhóm nhạc mang lại lợi nhuận khủng. Bất chấp lời hứa tạo ra một nhóm nhạc nam đầy triển vọng khác, nhưng ai sẽ tin tân binh của HYBE có thể thành công như BTS?

Cú sốc BTS-2
BTS ảnh hưởng nghiêm trọng tới kinh tế của công ty khi tạm hoãn hoạt động.

Lúc này, các cách tiếp cận thông thường không giúp công ty tạo ra một BTS khác. Sự lao dốc thảm hại của cổ phiếu HYBE cho thấy một thực tế rõ ràng mà nền kinh tế của Kpop phải đối mặt.

Đó là Kpop thiếu trầm trọng động cơ tăng trưởng cho tương lai. Có vô số trường hợp công ty địa phương đã bị từ chối lên sàn chứng khoán sau khi không đáp ứng được nhu cầu từ thị trường.

Thành công đòi hỏi một thời gian dài tích lũy. Tuy nhiên, việc buộc một nhóm nhạc nam 7 thành viên như BTS sống chung dưới một mái nhà để giúp hoàn thiện màn trình diễn của họ là không thể duy trì.

Họ cũng không thể mãi biểu diễn cùng nhau. Trong khi đó, việc thay thế thành viên cũng là bất khả thi với các nhóm nhạc Kpop. Do đó, sau khi vượt qua một cấp độ nhất định, HYBE nói riêng và các công ty nói chung phải thay đổi chiến lược.

Chuyên gia nhận định ngành công nghiệp Kpop phải tìm ra bước đột phá theo những cách khác nhau. Cùng lúc, Chính phủ và Quốc hội phải tạo ra một môi trường nơi những người sáng tạo và doanh nghiệp có thể mở ra tương lai mới. Họ cũng phải tạo ra những thay đổi trong hệ thống xã hội.

Theo Zing

Xem link gốc Ẩn link gốc https://zingnews.vn/cu-soc-bts-post1328327.html

BTS

Tin tức mới nhất