Đại dịch vô hình nguy hiểm không kém Covid-19

Các tài khoản và bài đăng “siêu lây lan" để lan truyền tin giả trên mạng xã hội khiến cuộc chiến chống Covid-19 ở đời thực trở nên khó khăn hơn.

Bà Melissa Fleming - Phó tổng thư ký Liên Hợp Quốc phụ trách truyền thông toàn cầu, chia "đại dịch tin giả" (infodemic - cụm từ được đề cập lần đầu trong dịch SARS năm 2003, và được sử dụng lại thường xuyên hơn bởi Tổ chức Y tế Thế giới - WHO hiện nay) trong bối cảnh dịch Covid-19 thành 2 làn sóng chủ yếu.

Làn sóng đầu tiên tập trung về những thuyết âm mưu đối với virus và nguồn gốc của nó. Làn sóng thứ 2 gồm các thông tin sai trái, "tiêm nhiễm sự sợ hãi trong người dân" về vaccine, theo South China Moring Post.

Tổng Y sĩ Mỹ Vivek Murthy hồi giữa tháng 7 từng khẳng định đại dịch tin giả nguy hiểm không kém dịch Covid-19 ngoài đời thực. Điều khiến ông lo ngại nhất là sự lây lan của tin giả "nhanh như đám cháy rừng" mà nhiều nước vẫn chưa có cách xử lý triệt để.

Giữa cuộc chiến "ảo" này, Facebook một lần nữa phải đối mặt với chỉ trích khi Nhà Trắng, khi chính Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết những “gã khổng lồ" công nghệ đang “giết người” vì không giải quyết được vấn nạn tin giả chống vaccine.

Nhà Trắng cho biết họ phải can thiệp vào “hàng tá thông tin sai lệch" chống vaccine trên các nền tảng xã hội. “Các nền tảng mạng xã hội phải thừa nhận họ đóng vai trò quan trọng trong việc lan truyền thông tin sai lệch (về vaccine)", Tổng Y sĩ Murphy nói, theo Reuters.

Và mặc dù Facebook, trong một thông báo tỏ ra có trách nhiệm, nói đã gỡ bỏ 18 triệu mẩu thông tin sai lệch về Covid-19, nhiều chuyên gia nhận định hàng triệu người dùng vẫn có thể gặp phải tin giả hàng ngày, Guardian đưa tin.

Đại dịch vô hình nguy hiểm không kém Covid-19-1
Thông tin sai lệch về vaccine Covid-19 đe dọa nỗ lực chặn đứng đại dịch. Ảnh: Reuters.

Facebook hành động chưa đủ

Theo báo cáo của Facebook trong tháng 3, mạng xã hội này phát hiện 12 tài khoản “siêu lây nhiễm” chuyên lan tin giả.

Phát ngôn viên của Facebook sau đó cho biết công ty đã cấm vĩnh viễn trang, nhóm và tài khoản “liên tục vi phạm các quy tắc khi đưa thông tin sai lệch về Covid-19”. Thế nhưng, nhiều chuyên gia nhận định điều này chưa đủ.

“Facebook tuyên bố nhiều lần rằng họ sẽ hành động. Nhưng thực tế, chúng tôi chứng kiến ​​việc thực thi quy định nửa vời, khi một số tài khoản bị xóa khỏi Instagram chứ không phải Facebook, và ngược lại”, Giám đốc điều hành Trung tâm Chống thù hận trên mạng xã hội (CCDH) Imran Ahmed cho biết.

“Đó là lỗi mang tính 'hệ thống", ông nói.

Chẳng hạn, mặc dù tài khoản Instagram có tên Robert F Kennedy Jr, chuyên đưa tin sai lệch về vaccine, bị khóa, tài khoản trên Facebook vẫn hoạt động.

Trong khi đó, vài tuần gần đây, một bác sĩ với hơn 1,7 triệu người theo dõi đã đăng các bài viết, bày tỏ thái độ hoài nghi về vaccine và được hàng trăm người chia sẻ.

Ông này cũng sử dụng nền tảng ảo để quảng cáo cho cuốn sách chống tiêm chủng “Sự thật về Covid-19” mà không gặp phải bất cứ trở ngại nào.

Đại dịch vô hình nguy hiểm không kém Covid-19-2
Thông tin sai lệch về vaccine Covid-19 vẫn tràn lan trên Facebook. Ảnh: South China Morning Post.

Theo cơ quan giám sát truyền thông xã hội Accountable Tech, một nhóm tin giả phổ biến và được lan truyền rộng rãi chính là vaccine Covid-19 không an toàn, không hiệu quả và không đáng để tiêm; mặc dù chính phủ các nước, giới khoa học đều khẳng định điều ngược lại..

Thuyết âm mưu cũng xuất hiện dày đặc không kém. Một thuyết âm mưu được nhiều người mù quáng tin nhất chính là chính phủ tiêm vaccine để cấy vào người dùng một loại vi mạch giám sát.

“Facebook cần một cơ chế tốt hơn nhiều để ngăn chặn sự lan truyền của thông tin sai lệch về vaccine”, Giám đốc điều hành Free Press Jessica Gonzalez cho biết.

Tin giả khiến cuộc chiến chống Covid-19 khó khăn

Chiến dịch tiêm chủng tại Mỹ thời gian gần đây bị trì hoãn khi một số người e ngại không muốn tiêm vaccine. Mỹ cho biết nước này đã không thể hoàn thành mục tiêu tiêm ít nhất một mũi cho 70% dân số vào hôm 4/7.

Trong bối cảnh đó, các quan chức liên bang đổ lỗi thông tin sai lệch về vaccine Covid-19 đe dọa nỗ lực chặn đứng đại dịch và cứu người.

“Thông tin sai lệch là mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng. Nó có thể gây nhầm lẫn, ngờ vực, gây hại cho sức khỏe của mọi người và phá hoại các nỗ lực vì sức khỏe cộng đồng”, Tổng Y sĩ Mỹ Murphy nói.

Trước cáo buộc, Facebook khẳng định trang mạng xã hội không phải là lý do khiến Mỹ bỏ lỡ mục tiêu tiêm chủng và yêu cầu chính quyền ngừng “chĩa mũi dùi" vào họ.

"Chính quyền Biden chọn đổ lỗi cho một số công ty truyền thông xã hội của Mỹ", Phó chủ tịch Facebook Guy Rosen nói. “Thực tế là ngày càng nhiều người dùng Facebook ở Mỹ chấp nhận vaccine".

Dẫu vậy, rõ ràng Facebook đang trở thành nơi để các đối tượng xấu lan truyền thông tin sai lệch. Và theo Tổ chức y tế Thế giới (WHO), “hành động dựa trên thông tin sai lệch có thể trả giá bằng cả tính mạng".

WHO cho biết trong ba tháng đầu năm 2020, khi đại dịch bắt đầu lan rộng ra khắp thế giới, "gần 6.000 người trên toàn cầu đã phải nhập viện, trong khi ít nhất 800 người có thể đã chết do thông tin sai lệch liên quan đến Covid-19".

Đại dịch vô hình nguy hiểm không kém Covid-19-3
Thông tin sai lệch là mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng. Ảnh: AFP.

Trước nạn tin giả tràn lan, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) khuyến cáo độc giả cần bình tĩnh, tỉnh táo sàng lọc thông tin.

Người đọc cần kiểm chứng cơ sở nguồn tin, xem thông tin đó đến từ nguồn nào. Nếu đến từ một người lạ, thông tin không rõ ràng thì cần cảnh giác, có thể xem mục giới thiệu để xác minh.

Bên cạnh đó, độc giả nên kiểm tra tác giả, đọc kỹ nội dung để xác định thông tin thật hay giả. Thông thường, tin tức giả hay bị lỗi chính tả hoặc có bố cục lộn xộn. Các hình ảnh, video trong tin giả thường bị chỉnh sửa, cắt ghép. Ngày tháng của sự kiện thường bị thay đổi.

Ngoài ra, theo Reuters Institute, một số câu chuyện lồng ghép giữa tin giả và tin thật, gây hoang mang cho người đọc.

Chẳng hạn, có thông tin cho rằng virus corona không chịu được nhiệt và sẽ bị tiêu diệt ở nhiệt độ 30°C. Trên thực tế, mặc dù khả năng sinh tồn của virus trong điều kiện nhiệt độ cao bị hạn chế, nhưng cho đến nay, chưa có thông tin chính thức cho biết virus corona bị tiêu diệt ở nhiệt độ bao nhiêu.

Vì vậy, giữa nhiều luồng thông tin hỗn loạn, độc giả nên tìm đọc tin, bài viết trên trang chính thống, có nội dung tương tự để đối chiếu hoặc xin sự tham vấn của các chuyên gia trên từng lĩnh vực.

Theo Zing

Xem link gốc Ẩn link gốc https://zingnews.vn/dai-dich-vo-hinh-nguy-hiem-khong-kem-covid-19-post1241689.html

SARS-CoV-2 COVID-19

Tin tức mới nhất