Đạo diễn Dũng ‘khùng’: Cảm ơn Thanh Hằng, nhưng nhớ nhất Hồng Ánh
Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng giải thích lý do anh quyết định thực hiện phiên bản Việt hóa của “Sunny” - bộ phim Hàn Quốc từng thu hút hơn 7,3 triệu lượt khán giả quê nhà hồi 2011.
Không hẹn mà gặp, đầu năm mới có đến 3 tác phẩm điện ảnh Việt Nam được remake từ phim Hàn Quốc: Tháng năm rực rỡ làm lại từ Sunny, Yêu em bất chấp làm lại từ My Sassy Girl (2001), và Ông ngoại tuổi 30 làm lại từ Scandal Makers (2008).
Trong đó, Tháng năm rực rỡ của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng được quảng bá từ rất sớm. Phim quy tụ dàn sao thuộc hai thế hệ khác nhau, với nhiều cái tên đáng chú ý như Hồng Ánh, Thanh Hằng, Mỹ Duyên, Mỹ Uyên, Minh Tuyền, Hoàng Yến Chibi, Hoàng Oanh, Jun Vũ, Khổng Tú Quỳnh, Trịnh Thảo, Thanh Tú…
Remake phim Hàn để làm mới bản thân
Giống như Sunny (2011) của người Hàn Quốc, Tháng năm rực rỡ là bộ phim nói về tuổi thanh xuân và ký ức tuổi mới lớn. Toàn bộ nội dung phim được Việt hóa, với bối cảnh chính là thành phố Đà Lạt vào những năm 1974 - 1975, và câu chuyện thời sau đó diễn ra năm 2000.
Tháng năm rực rỡ là bộ phim mới nhất của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, dựa trên nguyên tác Sunny (2011) của Hàn Quốc.
Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng hồi tưởng: “Khi được tiếp cận cho dự án, tôi đã xem 'Sunny'. Đó là một bộ phim hay, xúc động, nhưng tôi không dám chắc mình có thể Việt hóa thành công hay không. Bởi nguyên tác giống như một cuốn nhật ký, mang tính nghệ thuật rất cao. Sự khéo léo của đạo diễn Kang Hyung-chul thực sự khiến tôi e ngại”.
Bản thân hãng CJ ban đầu cũng rất e dè về Sunny trước giờ tác phẩm ra rạp tại Hàn Quốc, bởi hãng phim cho rằng đây là một dự án mang tính nghệ thuật nhiều hơn là giải trí. Rốt cuộc, hồi đầu mùa hè 2011, bộ phim thống trị phòng vé và bán ra tới hơn 7,3 triệu lượt vé. “Nguyên tác thắng lớn vì bộ phim rất hay, giàu cảm xúc”, Dũng “khùng” giải thích.
Cuối cùng, Nguyễn Quang Dũng cũng ký hợp đồng để ngồi trên chiếc ghế đạo diễn của Tháng năm rực rỡ. Đây có lẽ là bước đi khiến nhiều người ngạc nhiên.
Bởi dù từng thành công hay thất bại, Dũng “khùng” vốn nổi tiếng thích theo đuổi những ý tưởng mang tính đột phá, còn mới mẻ đối với điện ảnh Việt Nam, như Hồn Trương Ba, da hàng thịt (2006), Những nụ hôn rực rỡ (2010), Mỹ nhân kế 3D (2013), hay Siêu nhân X. (2015) đã chứng minh.
Tuy nhiên, vị đạo diễn lại đưa ra lý giải rằng: “Tôi nghĩ trong giai đoạn này của sự nghiệp, remake phim ngoại là điều hợp lý. Trước đây, tôi luôn tự viết kịch bản. Dù các câu chuyện có thế nào đi nữa, chúng cũng chỉ cùng mang cái mác ‘Dũng khùng’, với chủ đề chính là bản sắc của mỗi cá nhân. Kể từ 'Dạ cổ hoài lang' (2017), tôi bắt đầu làm phim dựa trên kịch bản người khác, cốt để thay đổi và làm mới bản thân”.
Nhiều người vẫn có quan niệm rằng remake phim ngoại sẽ chỉ cho ra một sản phẩm copy, mang tính bắt chước. Nhưng tác giả của Tháng năm rực rỡ thì không nghĩ như vậy.
Anh giải thích: “Tôi từng là nhà sản xuất của 'Em là bà nội của anh' (2015) - phim remake từ 'Miss Granny'. Tôi thấy rằng làm lại phim ngoại là công việc rất hay. Có thể bạn không cần phải sáng tạo 100%, nhưng được ‘đứng trên vai của người khổng lồ’ là một cơ hội tốt, đầy thú vị”.
“Mỗi khán giả, mỗi nhà làm phim sẽ có cảm nhận riêng về những câu chuyện khác nhau, bởi họ sống ở các xã hội khác nhau. Khi làm lại một tác phẩm nào đó, người đạo diễn cần khéo léo tìm ra sự đồng cảm giữa tất cả, đồng thời đưa vào trong đó những nét văn hóa riêng của quê hương mình”, Quang Dũng nhận xét thêm.
Điện ảnh Việt Nam "thiếu và yếu" kịch bản
Việc điện ảnh Việt Nam liên tiếp cho ra đời các bộ phim làm lại từ Hàn Quốc hoặc Thái Lan trong thời gian qua đến từ vấn đề khan hiếm kịch bản. Cách đây khoảng một thập kỷ, mỗi năm chỉ có khoảng 4-5 phim tư nhân, cùng 4-5 phim nhà nước ra đời. Nhưng lượng phim Việt ra rạp hàng năm lúc này có thể lên tới trên 50 tác phẩm.
Nguyễn Quang Dũng giãi bày: “Thị trường luôn luôn đòi hỏi và hiện phát triển nhanh chóng mặt. Tốc độ nhanh tới mức quá trình đào tạo người làm nghề không thể theo kịp. Đó là lúc các nhà sản xuất buộc phải chọn giải pháp làm lại phim nước ngoài".
"Dĩ nhiên, sẽ đến ngày đội ngũ đào tạo biên kịch của chúng ta bắt kịp, cho ra đời nhiều kịch bản Việt tốt. Lúc đó, chẳng còn ai dại gì đi remake phim ngoại nữa. Nhưng rõ ràng hiện nay, điện ảnh Việt Nam thiếu và cần thêm kịch bản nước ngoài để đáp ứng nhu cầu của thị trường”, anh nói.
Cho tới trước khi giữ chức vụ nhà sản xuất của Em là bà nội của anh và làm đạo diễn trực tiếp cho Tháng năm rực rỡ, Nguyễn Quang Dũng từng tham gia sản xuất không ít chương trình truyền hình thực tế phiên bản Việt hóa.
Đó có lẽ là lợi thế nhất định, giúp anh biết mình cần phải làm gì khi đến với dự án remake Sunny. “Muốn làm lại phim nước ngoài thì phải phát hiện ra cái gì nên giữ, cái gì nên sửa ở bản phim của mình. Nhà làm phim cũng không thể thay đổi quá đà mà làm mất đi cái hay của nguyên tác, và làm thế còn có thể gây lãng phí đối với tiền bản quyền đã bỏ ra”, Quang Dũng nói.
Thay đổi chủ quan và khách quan
Nhà làm phim thừa nhận anh sẽ lược bỏ một số nhân vật phụ bởi bản phim gốc của Hàn Quốc có thời lượng dài hơn. Toàn bộ nhân vật trong phim có thay đổi ít nhiều về mặt số phận, sao cho phù hợp với bối cảnh không gian và thời gian của Việt Nam. Nhưng Dũng “khùng” tiết lộ những chi tiết đắt giá nhất của Sunny thì chắc chắn vẫn có mặt trong bản phim của anh.
Dù thế nào, các fan của nguyên tác nói riêng và khán giả đại chúng nói chung vẫn mong muốn thấy Dũng “khùng” mang tới những thay đổi, sáng tạo nhất định cho Tháng năm rực rỡ.
Thay đổi chủ quan lớn nhất nằm ở bối cảnh thời gian. Sunny là câu chuyện của thập niên 1980-1990 và năm 2010. Còn Tháng năm rực rỡ xảy ra vào quãng thời gian 1974-1975 và năm 2000.
Nguyễn Quang Dũng giải thích: “Tôi phải thay đổi vì ở cả hai phim, biến cố trong cuộc sống, xã hội rất mạnh, khiến nhóm bạn tan rã, thậm chí không thể tìm thấy nhau. Ở Hàn Quốc, khoảng thập niên 1980 bắt đầu du nhập văn hóa phương Tây. Còn tại Việt Nam, bối cảnh cần đưa về giai đoạn 1970-1975 bởi các sự kiện lịch sử. Năm 2000 cũng là cột mốc đáng nhớ bởi cuộc sống ở Việt Nam khi ấy có nhiều thay đổi sau thời mở cửa”.
Một điểm mạnh của Sunny là phần âm nhạc với những bản hit đến từ Boney M., Richard Sanderson, Joy, hay Cyndi Lauper. Tuy nhiên, lý do khách quan về mặt ngân sách khiến ê-kíp không thể thoải mái lựa chọn các bản nhạc nước ngoài quen thuộc.
Sau một thời gian nghiên cứu, đạo diễn Dũng “khùng” và nhạc sĩ Đức Trí nhận ra rằng âm nhạc Việt Nam vào thập niên 1970 có rất nhiều ca khúc hay, mang tính nổi loạn, và phù hợp với bầu không khí của Tháng năm rực rỡ. Cộng thêm kinh nghiệm thực hiện Những nụ hôn rực rỡ, Nguyễn Quang Dũng trở nên vô cùng nhạy bén trong việc chọn nhạc cho dự án mới nhất.
Và không chỉ âm nhạc, đạo diễn Dũng “khùng” còn phải dày công tái dựng bối cảnh thành phố Đà Lạt của thập niên 1970, từ phục trang nhân vật cho tới nhà hát Hòa Bình, để tránh những sai sót không đáng có về mặt thời gian.
“Nếu 'Cô Ba Sài Gòn' là phim thời trang, đề cao tính thẩm mỹ, thì tính thẩm mỹ của 'Tháng năm rực rỡ' cốt chỉ để phục vụ cho câu chuyện, giúp toàn bộ tác phẩm trở nên thuyết phục hơn trong mắt khán giả”, anh so sánh.
Có duyên với phái đẹp hơn phái mạnh
Tháng năm rực rỡ quy tụ hơn 10 người đẹp thuộc hai thế hệ khác nhau, và dường như nối tiếp “truyền thống” thích cộng tác với nữ giới của Nguyễn Quang Dũng.
Anh cho rằng: “Có người bảo tại phong thủy: hầu hết phim trước của tôi đều có nhân vật chính là nữ. Hai phim có nhân vật chính thuộc phái mạnh là Siêu nhân X. và Dạ cổ hoài lang thì không thành công.
Tôi nghĩ đó có lẽ là cái duyên. Tôi nhận thấy cách kể chuyện của bản thân dường như phù hợp hơn với những nhân vật nữ. Đã có lúc tôi muốn thay đổi, nhưng rồi lại nhận ra đây chính là thế mạnh của bản thân. Có lẽ bởi tôi hợp với những suy nghĩ nữ tính của người phụ nữ”.
Nhà làm phim đồng thời tiết lộ anh không bao giờ lo lắng khi phải đi casting những nhân vật nữ, bởi “các nữ nghệ sĩ tại Việt Nam luôn rất quyết liệt, thích hợp với dòng chuyển động của showbiz; còn diễn viên nam tốt thì chưa có quá nhiều”.
Trong số các “nàng thơ” của Tháng năm rực rỡ, Dũng “khùng” dành nhiều lời khen ngợi cho Hoàng Yến Chibi. “Trong nghề, có những khoảnh khắc mình cảm nhận thấy sự may mắn. Đọc kịch bản, tôi lập tức tìm thấy Hoàng Yến Chibi, và cô bé đóng đúng như suy nghĩ ban đầu của tôi, mang nguồn năng lượng tích cực đến cho bộ phim. Hoàng Oanh và Jun Vũ cũng sở hữu nhiều nguồn năng lượng, nhưng ngầm hơn Chibi”, anh nhận xét.
Và dĩ nhiên, một bộ phim điện ảnh của Nguyễn Quang Dũng khó lòng có thể thiếu vắng gương mặt quen thuộc Thanh Hằng. Tuy nhiên, vị đạo diễn tiết lộ nhân vật dành cho cô không phải là vai diễn lớn, và sự góp mặt của người đẹp đến từ yêu cầu của nhà sản xuất.
“Tôi phải gửi lời cảm ơn Thanh Hằng khi đã gắn bó cùng sự nghiệp của mình, có lúc nổi trội, có lúc ở vị trí hỗ trợ. Nhưng với dàn diễn viên lớn tuổi của bộ phim mới, tôi nhớ đến Hồng Ánh hơn cả. Dù là bạn từ hồi phổ thông trung học, đến giờ cả hai mới có cơ hội trực tiếp làm việc chung”, Dũng “khùng” hồi tưởng.
Hai tác phẩm gần nhất của nhà làm phim, Siêu nhân X. (2015) và Dạ cổ hoài lang (2017), đều vấp phải luồng dư luận không tốt, và khó có thể được xem là thành công. Chính vì lẽ đó, Tháng năm rực rỡ vẫn nhận không ít sự hoài nghi từ một bộ phận công chúng trước giờ ra rạp.
Dũng “khùng” hoàn toàn ý thức được điều đó. “Có người thích phim của tôi, có người không. Tôi hiểu rằng khả năng của bản thân là chưa đủ để thuyết phục 100% khán giả", anh thừa nhận.
"Cuộc sống là thế. Có những cô gái được người này yêu, người kia ghét; và các bộ phim của tôi cũng vậy. Sống ở trên đời phải có yêu, có ghét, thì mới thú vị. Song, tôi luôn theo dõi lại các tác phẩm trước của mình, để nhận ra những điểm còn non, còn yếu kém, nhằm có thể khắc phục trong lần kế tiếp và hoàn thiện bản thân”, anh kết luận.
Theo Zing
-
5 giờ trướcNăm 2024, Triệu Lệ Dĩnh có nhiều bước tiến mạnh mẽ trong sự nghiệp của mình.
-
10 giờ trướcTập 8 'Khi điện thoại đổ chuông' chạm đỉnh rating khi diễn biến phim ngày càng gay cấn, nam chính Baek Sa Eon gặp nạn, bất tỉnh trong biển lửa.
-
15 giờ trướcTạp chí Time của Mỹ đã chọn ra 10 bộ phim truyền hình Hàn Quốc hay nhất năm. Điều này chứng minh sự bành trướng của các tác phẩm nội dung tiếng Hàn ở thị trường Mỹ.
-
18 giờ trướcNhiều ý kiến cho rằng đạo diễn "Công tử Bạc Liêu" cần nghiêm túc nhìn nhận khuyết điểm vì đã xây dựng một tác phẩm hời hợt, thiếu chiều sâu và làm méo mó đi hình tượng nhân vật vốn quen thuộc với người dân.
-
19 giờ trướcSao nữ gây tiếc nuối vì sa đà vào việc chỉnh sửa nhan sắc dẫn tới khuôn mặt bị biến chứng.
-
1 ngày trướcSao cấp S của showbiz Việt tung dự án mới ngay thời điểm Phương Lan vướng ồn ào.
-
1 ngày trướcTrấn Thành khẳng định bản thân chưa từng so sánh mình với bất kỳ ai chứ đừng nói đến "vua hài" như Châu Tinh Trì.
-
1 ngày trướcTrấn Thành cho biết Tiểu Vy được chọn đóng chính trong "Bộ tứ báo thủ" chỉ sau một buổi casting. Đạo diễn nói liều lĩnh khi mời Hoa hậu Việt Nam 2018 làm nữ chính trong tác phẩm chiếu Tết.
-
1 ngày trướcPhim Việt "Bộ tứ báo thủ" gây chú ý vì đánh dấu sự trở lại của đạo diễn Trấn Thành sau thành công rực rỡ của "Mai". Tuy nhiên, trailer phim lại nhận phản ứng không tốt khi nhiều người cho rằng nội dung chưa hấp dẫn, không tạo được sự tò mò với khán giả.
-
1 ngày trước"Mufasa: Vua sư tử" được kỳ vọng mang đến góc nhìn mới cho thương hiệu hoạt hình đình đám. Song, nội dung phim lại thiếu sáng tạo và không đủ chiều sâu nên chưa thể ghi điểm với giới phê bình.
-
1 ngày trướcThương Tín lúc hoàng kim có 4 vai diễn nhận được nhiều yêu mến của khán giả. Đó là những vai diễn nào?
-
1 ngày trướcTrấn Thành chính thức nhắc đến tin đồn Negav bị cắt vai, không còn được xuất hiện trong phim Tết "Bộ tứ báo thủ".
-
2 ngày trướcTừng được mệnh danh là mỹ nam màn ảnh nhưng Lý Dịch Phong đã bỏ bê chăm chút khiến ngoại hình sa sút thấy rõ.
-
2 ngày trướcThời gian qua, nhiều nàng hậu nổi tiếng của showbiz Việt chuyển hướng khi lấn sân sang lĩnh vực phim ảnh, song không phải ai cũng thành công.
-
2 ngày trướcPhim với tựa đề "Công tử Bạc Liêu" nhưng lại xây dựng nhân vật mang những cái tên hư cấu, hời hợt về chiều sâu giá trị tác phẩm thông qua những thước phim.
-
2 ngày trướcLấy nhau đã lâu nhưng đây là lần đầu tiên Son Ye Jin làm điều này cho Hyun Bin.
-
2 ngày trướcRachel Zegler, nữ diễn viên 23 tuổi được chọn đóng vai Bạch Tuyết trong bom tấn "Snow White" của Disney ra mắt năm sau gây tranh cãi vì nhan sắc và ngoại hình.
-
2 ngày trướcTrong "Không thời gian" tập 16, cô giáo Tâm xúc động và nảy sinh tình cảm với Trung tá Đại khi cùng bộ đội đi tìm học sinh mất tích.