'Đỉnh Mù Sương': Hành động chưa đã, nội dung nhiều sạn

Bên cạnh kịch bản đầy sạn, yếu tố hành động của “Đỉnh Mù Sương” cũng không hề xuất sắc như quảng bá.

Cùng với Bằng Chứng Vô Hình, Đỉnh Mù Sương là tác phẩm được kỳ vọng sẽ thay đổi màu sắc u ám của phòng vé Việt lúc này nhờ sự góp mặt của nhiều tên tuổi đình đám thuộc làng võ. Song, bộ phim cuối cùng lại gây thất vọng với nội dung chắp vá cùng yếu tố hành động thiếu điểm nhấn.


Trailer phim

Nhân vật chính của Đỉnh Mù Sương là Phi (Peter Phạm) – một võ sĩ bất bại tại các sàn đấu ngầm xứ Panadi. Lúc vừa giải nghệ, Phi lại được mời trở lại thi đấu với lời hứa về số tiền thù lao đủ sức đưa vợ của anh là Lành (Trúc Mây) về Việt Nam chữa mắt.

Tuy nhiên, chàng võ sĩ lại vô tình chọc tức tay trùm Ba Râu (Thạch Kim Long). Gã đánh Phi một trận “thừa sống thiếu chết” rồi giết chết Lành.

Anh quyết tâm báo thù và bám theo tên trùm về tận Việt Nam tại Đỉnh Mù Sương. Đây là nơi tay trùm dùng làm sào huyệt để buôn bán phụ nữ, trẻ em sang biên giới. Ba Râu cũng liên tục sách nhiễu người dân tộc tại bản làng gần đó, đồng thời bắt cóc luôn Băng Tâm (Lê Thảo) – một học trò cũ của Phi. 

Chàng võ sư buộc phải gác lại việc trả thù để giải cứu cho những nạn nhân của Ba Râu. Song, mọi chuyện cũng chẳng hề dễ dàng khi dưới tay trên trùm là vô số đàn em cùng cao thủ Voong Akor (Simon Kook).

Đỉnh Mù Sương: Hành động chưa đã, nội dung nhiều sạn-1

Bối cảnh và diễn xuất là điểm cộng

Điểm đáng khen đầu tiên của Đỉnh Mù Sương chính là việc chọn bối cảnh “sương khói mờ nhân ảnh” ở vùng Tây Nguyên. Hình ảnh những thác nước hùng vĩ, dãy núi thấp thoáng trong mây ở phía xa hay những cánh rừng xanh bạt ngàn khiến không ít khán giả phải xuýt xoa.

Đạo diễn Phan Anh cùng ê kíp cũng thường xuyên sử dụng các góc quay toàn cảnh để bắt trọn hết vẻ đẹp hoang sơ của nước nhà. Ngoài ra, phần bối cảnh trên còn đóng vai trò quan trọng khi các nhân vật buộc phải lội suối, trèo đèo hay vượt qua các vách núi cheo leo chứ không chỉ làm nền như trong nhiều bộ phim khác.

Một điểm cộng khác cho tác phẩm chính là phần diễn xuất, đặc biệt là của Thạch Kim Long. Anh là một cái tên khá quen thuộc của điện ảnh Việt qua nhiều phim như Mùa Len Trâu (2004), Bi, Đừng Sợ! (2010) hay Hai Phượng (2019)

Đỉnh Mù Sương: Hành động chưa đã, nội dung nhiều sạn-2

Tài tử đã có màn hóa thân xuất sắc thành tay trùm giang hồ cáo già Ba Râu. Ngoài mặt, gã luôn tỏ ra thân thiện và hay nói đạo nghĩa. Nhưng ẩn sau đó, nhân vật toát lên vẻ thâm hiểm và tàn ác qua phong thái từ tốn nhưng lạnh lùng, ánh mắt sắc bén hay giọng cười man dại. 

Peter Phạm cũng có lần đầu lấn sân điện ảnh khá tốt. Dù nhiều đoạn còn hơi “đơ” nhưng anh đã thể hiện tương đối ổn nỗi đau của Phi khi phải chứng kiến cái chết của người vợ thân yêu. Trên thực tế, nhân vật của anh cũng không đòi hỏi quá nhiều biểu cảm gương mặt mà chỉ cần ngầu là đủ.

Song, sự xuất hiện của Simon Kook, đáng tiếc thay, lại không mang đến hiệu quả. Nhân vật của anh được xây dựng một chiều và hời hợt dù có kha khá đất diễn. Tài tử Thái Lan cũng chỉ có duy nhất một câu thoại suốt phim mà thôi. Những cái tên còn lại chỉ ở mức tròn vai và không để lại nhiều ấn tượng.

Đỉnh Mù Sương: Hành động chưa đã, nội dung nhiều sạn-3

Hành động và nội dung không như kỳ vọng

Đỉnh Mù Sương vẫn mắc phải điểm yếu muôn thuở của điện ảnh Việt khi mang đến một kịch bản chắp vá và đầy lỗ hỏng. Tác phẩm gây khó hiểu khi xây dựng Ba Râu là một kẻ máu lạnh, sẵn sàng giết chết cả đàn em thân thuộc nhưng cuối cùng lại… giữ lời hứa với kẻ thù. 

Thay vì bắt cóc những người dân tộc thiểu số ít có khả năng chống cự, gã lại chọn mục tiêu là các cô gái miền xuôi để tốn nhiều công sức mà lại nguy hiểm hơn nhiều lần. Không những thế, Đỉnh Mù Sương được cho là địa bàn của tay trùm trong suốt nhiều năm nhưng mãi đến khi phim bắt đầu thì mới tìm cách hòa hoãn với dân làng.

Ba Râu đã thế, câu chuyện của Phi còn nhiều sạn hơn. Từ hành trình báo thù, phim bỗng chuyển sang những màn rượt đuổi không hồi kết của chàng võ sư cùng nhóm giang hồ. Nhóm con tin cứ bị bắt rồi được giải thoát nhưng lại tiếp tục lạc nhau để bị bắt rồi lại tốn thời gian giải cứu như một vòng lặp không dứt.

Đỉnh Mù Sương: Hành động chưa đã, nội dung nhiều sạn-4

Ê kíp phim cố ý cho mỗi nhân vật phụ chút ít tình tiết tỏa sáng khiến phim càng trở nên chắp vá hơn. Không những thế, nhiều cái tên còn có khả năng xuất hiện ở mọi địa điểm theo ý của đạo diễn mà chẳng tuân theo bất kỳ một quy tắc nào. Cuối cùng, mọi thứ đều được giải quyết một cách đơn giản và ngô nghê đến mức khó tin. 

Yếu tố hành động, vốn được đẩy mạnh trong quá quảng bá của Đỉnh Mù Sương cũng không như kỳ vọng của người xem. Với sự góp mặt của Peter Phạm, Trương Đình Hoàng hay Simon Kook, các pha ra đòn trong phim đều khá uy lực và mãn nhãn. Các đòn thế đều đẹp mắt và đậm tính bạo lực.

Thế nhưng, dù xuất hiện xuyên suốt thời lượng, không có một trận đánh nào mang đến cảm giác thật sự “đã”. Nguyên nhân là bởi chúng liên tục bị cắt ghép dẫn đến vô cùng rời rạc, thiếu liền mạch.

Đạo diễn Phan Anh đã quá lạm dụng việc thường xuyên thay đổi góc quay khiến các cảnh cận chiến càng trở nên chóng mặt, khó theo dõi. Tính ác liệt cũng vì thế mà chẳng còn.

Tóm lại, Đỉnh Mù Sương là một tác phẩm có chất lượng trung bình và khó lòng mà vực dậy được niềm tin của khán giả Việt đối với điện ảnh nước nhà.

Xuân Vũ
Theo Vietnamnet

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vietnamnet.vn/ban-doc/cong-dong/dinh-mu-suong-hanh-dong-chua-da-noi-dung-nhieu-san-n-229217.html

phim hành động phim chiếu rạp

Tin tức mới nhất