'Dương tính giả' khi tự test Covid-19 và sai lầm khi sử dụng kit test

Các loạt kit test nhanh khác nhau sẽ có thời gian đọc khác nhau, vì vậy cần đọc kết quả đúng thời gian quy định của loại test đang được lấy mẫu xét nghiệm.

Phân biệt "dương tính giả"

Thời gian này, số ca Covid-19 ngày càng tăng nhanh, nhiều người đã lựa chọn phương pháp tự test nhanh tại nhà bằng kit test để sớm phát hiện mình có mắc Covid-19 hay không, từ đó sẽ có những biện pháp xử lý phù hợp, hạn chế khả năng lây nhiễm cho mọi người. 

Thế nhưng, đã có nhiều trường hợp nhận về kết quả "dương tính giả" khi tự test nhanh ở nhà.

Việc sử dụng test nhanh không còn quá xa lạ với mọi người, ai cũng hiểu khi test nhanh nếu hiển thị cả 2 vạch bên cạnh chữ C và chữ T thì đó là dương tính, còn nếu chỉ hiển thị 1 vạch bên cạnh chữ C thì âm tính.

Ngoài ra còn có trường hợp vạch cạnh chữ T rất mờ nhạt, điều này khó để xác định được kết quả có chính xác hay không.

Dương tính giả khi tự test Covid-19 và sai lầm khi sử dụng kit test-1
Người dân xếp hàng mua kit test nhanh Covid-19

Ghi nhận của Sức khỏe & Đời sống, các chuyên gia y tế đưa ra khuyến cáo rằng khi thực hiện test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 phải đọc kỹ hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất và lựa chọn loại test nhanh được cấp phép bởi các cơ quan y tế.

Đặc biệt phải chú ý đến khung thời gian đọc kết quả. Bởi thực tế, với các loạt kit test nhanh khác nhau có thể sẽ có thời gian đọc khác nhau. Chính vì vậy, cần đọc kết quả trong đúng thời gian quy định của loại test đang được sử dụng lấy mẫu xét nghiệm.

Trong trường hợp 2 vạch xuất hiện sau quãng thời gian quy chuẩn thì rất có thể đó là dương tính giả. 

Ghi nhận của Doanh nghiệp & Tiếp thị, theo Thượng tá, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm oxy cao áp thuộc Trung tâm nhiệt đới Việt Nga, Bộ Quốc Phòng, đã có một số trường hợp khi test nhanh hiện 2 vạch, trong đó vạch T rất rõ nét, nhưng khi xét nghiệm PCR lại âm tính.

Bác sĩ Hoàng cho rằng có thể test nhanh bị lỗi nên cho kết quả dương tính giả. "Trường hợp dương tính giả ít xảy ra, nhưng không phải không có. Cách xử lý tốt nhất là test lại với bộ kit test nhanh khác", bác sĩ Hoàng nói.

Bác sĩ Hoàng cũng thông tin thêm, một số yếu tố khác gây tác động đến kết quả dương tính giả như cách ngoáy mũi lấy mẫu bệnh phẩm không đúng thao tác, quá trình bảo quản mẫu không đúng, hoặc người bệnh bị nhiễm các chất gây ức chế phản ứng PCR.

4 việc cần làm để tránh dương tính giả khi test nhanh Covid-19

Để giảm nguy cơ dương tính giả, bạn cần phải làm những điều sau trước khi thực hiện test nhanh Covid-19:

1. Rửa tay thật sạch.

2. Xì mũi, tránh để mũi có quá nhiều dịch mũi.

3. Tránh ăn hoặc uống một thời gian ngắn trước đó.

4. Làm đúng theo hướng dẫn được ghi trên bao bì của bộ test nhanh.

Việc người bệnh test nhanh 1 vạch sau khi khỏi bệnh, cũng không đảm bảo sạch virus. Virus có thể không còn ở dịch tỵ hầu nhưng trong phổi hoặc các cơ quan khác.

Hơn nữa, test nhanh thường chỉ chính xác khi chỉ số CT dưới 25. Với CT trên 25, nhiều loại test nhanh không phát hiện được. Với CT trên 30, đa số các loại test nhanh không thể phát hiện.

Lúc này, để chắc chắn, mọi người nên liên hệ cơ sở y tế để được hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm xét nghiệm RT-PCR.


 Bộ Y tế hướng dẫn tự lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại nhà

Sai lầm khi sử dụng kit test

Thứ nhất, có lẽ vì quá lo lắng nên nhiều người dân đã mua kit test nhanh số lượng lớn để ngày nào cũng tự test, nhất là sau khi vừa tiếp xúc gần với F0.

Tuy nhiên, các chuyên gia khẳng định việc này không cần thiết và gây lãng phí bởi, sau khi tiếp xúc với F0 phải có thời gian nhất định để virus nhân lên, xét nghiệm ngay không có giá trị. 

Theo ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, ít nhất phải 2 ngày sau khi tiếp xúc gần với F0 test mới có thể cho kết quả dương tính. Nếu xét nghiệm lần đầu âm tính thì tối thiểu phải 2-3 ngày sau mới test lần 2.

“Theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế, với F1 đã tiêm đủ ít nhất 2 liều vắc xin phòng Covid-19 thì thực hiện cách li y tế 5 ngày tại nhà, kể từ ngày phơi nhiễm cuối cùng.

F1 này chỉ cần thực hiện xét nghiệm vào ngày cách li thứ 5. Nếu kết quả âm tính thì tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong 5 ngày tiếp theo và nghiêm túc thực hiện thông điệp 5K”, ông Khổng Minh Tuấn lưu ý.

Dương tính giả khi tự test Covid-19 và sai lầm khi sử dụng kit test-2
Vạch mờ hay đậm không nói lên được bệnh nặng, nhẹ, nhiều hay ít virus SARS-CoV-2.

Nếu vừa tiếp xúc với nguồn lây hoặc ở giai đoạn ủ bệnh, bạn có thể đã nhiễm bệnh song tải lượng virus thấp… nếu test cũng không chính xác vì khả năng âm tính cao bởi virus chưa nhân lên đủ số lượng để phát hiện bằng test nhanh. Nếu không có triệu chứng thì có thể test vào ngày thứ 5 và ngày thứ 7 sau tiếp xúc F0.

Trong trường hợp gia đình có người mang thai, người mắc bệnh lý nền, nếu lo lắng quá thì trước hết cần tuân thủ biện pháp 5K theo khuyến cáo của Bộ Y tế và đợi đến ngày thứ 4 mới nên test, nếu âm tính thì ngày thứ 7 test lại để hoàn toàn yên tâm.

Còn các trường hợp khác chỉ cần nên test khi có các biểu hiện nghi ngờ như: chảy nước mũi, ho, sốt, đau nhức mình mẩy…

Sai lầm thứ 2 chính là sự lầm tưởng về lượng virus nhiều hay ít phụ thuộc vào độ đậm, nhạt của vạch hiển thị trên kit test. Trên thực tế, vạch mờ hay đậm không nói lên được bệnh nặng, nhẹ, nhiều hay ít virus SARS-CoV-2 mà phải có ý kiến của các chuyên gia hoặc nhân viên y tế xác định. 

Hơn nữa, khi có xét nghiệm test nhanh dương tính, bạn cũng không nhất thiết phải làm xét nghiệm RT-PCR khẳng định.

Thứ ba, nhiều người cho rằng cứ test âm tính là đã khỏi bệnh nhưng các chuyên gia cho rằng điều này không chính xác. Test nhanh âm tính chỉ có nghĩa là nguy cơ lây thấp vì còn ít hoặc không còn virus ở đường hô hấp trên. Do đó vẫn phải tiếp tục theo dõi. 

HT (t/h)
Theo Vietnamnet


SARS-CoV-2 COVID-19

Tin tức mới nhất