Gạ tình, ăn chặn tiền và những góc khuất khi đi phượt

Đằng sau vẻ hào sảng trên những cung đường, những bức ảnh ‘vạn người mê’, phượt còn khiến người ta thở dài thườn thượt …

Khi phượt trở thành… món hàng

Nếu ai thường xuyên tham gia các diễn đàn phượt, chắc hẳn chưa quên những vụ 'tố' hành vi ăn chặn tiền của một số đối tượng mang danh leader (trưởng nhóm) với những người mới đi phượt.

Khi niềm tin đặt nhầm chỗ, những người mê xê dịch dễ mất tiền oan

Lợi dụng sự thiếu kinh nghiệm của những người lần đầu đi phượt, không ít các 'lão làng' đã đứng ra làm leader rồi ăn chặn tiền, bán tour nhằm thu lợi nhuận nhờ những khoản chênh lệch giữa tiền mọi người đóng góp và thực chi.

Ví dụ bữa ăn sáng lẽ ra 30 nghìn/suất/bữa thì họ tính lên 60 nghìn/suất/bữa, chỗ ngủ 70 nghìn/người/đêm thì tính lên 100 nghìn/người/đêm,… mỗi người 'mất' một ít nhưng đoàn đông, thành ra sẽ được một khoản 'to to'.

Khi phượt trở thành món hàng, bạn sẽ dễ dàng tìm được các 'black list' (danh sách đen) 'Cảnh báo những thành viên không minh bạch về tài chính, những địa điểm đen cần tránh' trên mạng xã hội.

Bởi vậy hãy thật thông minh, tìm hiểu kỹ trước khi tham gia một chuyến hành trình với người mà mình không quen biết.

Khi bị bạn phượt… gạ tình


Chúng ta đã phải quen dần với chuyện gạ tình trong chuyến những phượt

Cách đây không lâu, một số diễn đạt phượt xôn xao về câu chuyện một 'ôm' (từ chỉ người ngồi sau trong chuyến phượt) bị 'xế' (người cầm lái đồng hành) có hành vi sàm sỡ, gạ tình và liên tục đe dọa bỏ lại cô gái trẻ này trên đường đi.

Câu chuyện gạ tình dễ gặp ở các cô gái chưa có kinh nghiệm đi phượt, đi lần đầu khi bị thả giữa núi rừng hoang sơ thì hoảng sợ, không biết xử trí thế nào. Nhiều xế chỉ cần dọa 'không ưng thì tự tìm cách mà về nhà' thì một số ôm phải ngoan ngoãn… ôm.

Nhưng, đấy là chuyện gạ tình lộ liễu. Để đạt mục đích, nhiều ‘xế' rất kinh nghiệm trong việc buộc ‘ôm' phải tự nguyện… ấp.

Ví như chiêu đi thám hiểm, hóng gió, ngắm cảnh vào…buổi đêm. Trong tĩnh mịch của rừng rú, trong nỗi hoang sơ dễ làm hoảng sợ, việc đèn vô tình bị hỏng, điện thoại vô tình bị quên… sẽ dễ dẫn đến những cú va chạm của 2 cơ thể…

Hay như chuyện xế rủ leo núi, khi màn đêm buông xuống và khi chân đã quá mỏi, ‘ôm' sẵn sàng để ‘xế' cõng, rồi khi ngồi nghỉ, hai người có thể sẽ… 'mệt hơn'. 


Các bạn nữ cần tìm hiểu kỹ bạn đồng hành mình là ai trước khi quyết định
 leo lên xe. Ảnh minh họa.


Người đam mê du lịch thường hòa đồng, cởi mở, nhưng không có nghĩa là dễ dãi.

Đi phượt, có nghĩa là bạn sẽ ôm chặt xế, mọi cọ sát với cơ thể sẽ trở nên… quen thuộc. Đấy có thể là khởi đầu cho những chuyện gần gũi hơn…

Hãy biết bảo vệ bản thân mình và xử lý tình huống khi bị dọa dẫm, bỏ mặc giữa núi rừng.

Khi ra đi không thể trở về

'Ra đi là để được trở về' có lẽ là cụm từ mà nhiều dân phượt hay dùng nhất. Thế nhưng đã có không ít những câu chuyện đau lòng xảy ra trên đường phượt.


Những cung đường hiểm trở hút dân phượt lại ẩn chứa nhiều tai nạn bất ngờ

Dù bạn là một vận động viên leo núi chuyên nghiệp cũng có thể rơi xuống vực sâu, một 'kình ngư' của biển khơi không có nghĩa bạn không bị chết chìm, dù bạn từng độc hành xuyên Việt không có nghĩa những tai nạn đều 'chừa' bạn ra.

Tai nạn ở Mộc Châu, tai nạn ở Hà Giang, tai nạn ở Sa Pa… dường như khiến chúng ta vô cùng sợ hãi. Chiếc xe máy của cô gái trẻ 21 tuổi không thể tránh được xe tải ở phía trước vì sương mù dày đặc khiến cả cộng đồng đau xót. Chiếc mô tô của một phượt thủ đã vượt xe tải cùng chiều rồi lao vào dải phân cách giữa đường đã cướp đi sinh mạng của cậu bạn tuổi 20.

Mới đây nhất là vận động viên leo núi người Anh cũng tử nạn khi chinh phục đỉnh Fansipan. Họ đều ra đi khi tuổi đời còn rất trẻ.

Chúng ta đi, để trở về

Nỗi ám ảnh về những vụ tai nạn thương tâm thực sự không đau thương bằng nỗi ám ảnh nơi những giọt nước mắt người ở lại.


Vậy nên trước khi háo hức 'vác ba lô lên và đi' hay 'đưa nhau đi trốn', hãy luôn nhớ rằng có một mái ấm đang chờ bạn đi và về có trách nhiệm.

Theo Dân việt

Tin tức mới nhất