Gameshow không thể trông mãi vào chiêu trò

Các gameshow liên tục ra mắt trong năm 2024 khiến các nhà sản xuất cũng phải đau đầu tìm hướng tiếp cận mới để hút khán giả.

Một số chuyên gia giàu kinh nghiệm trong thị trường này cho rằng, tìm kiếm sự khác biệt ở gương mặt mới hay đẩy mạnh tính chuyên môn, bớt chiêu trò là cách giữ chân người xem.

Cạnh tranh khắp nền tảng

Khán giả chờ đón hàng loạt gameshow trở lại trên sóng truyền hình trong năm 2024, tạo ra cuộc cạnh tranh thú vị. Sau hiệu ứng tích cực của Chị đẹp đạp gió rẽ sóng, Anh trai vượt ngàn chông gai sẽ lên sóng vào tháng 6/2024.

Đây là phiên bản Việt hóa của chương trình truyền hình thực tế nổi tiếng Trung Quốc Call me by fire. Tương tự sân chơi Chị đẹp, Anh trai vượt ngàn chông gai tập hợp hơn 30 nghệ sĩ nam ở các lĩnh vực nghệ thuật và ngành nghề khác nhau như ca sĩ, diễn viên, vũ công hay nhạc công… Các khách mời có độ tuổi từ 30 trở lên.

Nhà sản xuất khẳng định, các anh tài cùng nhau thi đua, gắn kết và vượt qua những giới hạn của bản thân thông qua nhiều thử thách trong suốt chặng đường tham gia chương trình. Họ tạo thành các nhóm nhạc và luyện tập để có những tiết mục trình diễn đặc sắc.

Được dự đoán cạnh tranh trực tiếp với Anh trai vượt ngàn chông gai là gameshow âm nhạc thực tế Anh trai say hi. Lam Trường, Đan Trường, Bằng Kiều, Ưng Hoàng Phúc, Hiếu Thứ Hai là những cái tên có mặt trong danh sách dự đoán mà ê-kíp tung ra.

Sau Tết Nguyên đán, VTV thông báo phát sóng loạt gameshow mới với chủ đề đa dạng, phục vụ nhiều đối tượng khán giả. Sàn chiến giọng hát mùa 6 lên sóng từ 29/2 trên VTV3, với 20 tập.

Nhà ta là nhất là chương trình giải trí mới toanh dành cho gia đình, thông qua những trò chơi vừa truyền thống vừa hiện đại cả vận động lẫn trí tuệ, cảm xúc.

Mỗi tập sẽ có 3 gia đình tham gia. Mỗi gia đình có 3 đến 4 thành viên của các thế hệ từ ông bà, cha mẹ, con cái từ 6-18 tuổi. Ngoài các vòng thi đấu chính thức còn có vòng thi đặc biệt mang đến cơ hội nâng cao giải thưởng cho đội chiến thắng.

Chương trình do bộ ba diễn viên hài được yêu mến Lâm Vỹ Dạ, Lê Dương Bảo Lâm và Võ Tấn Phát dẫn dắt. Tập đầu tiên lên sóng từ 3/3.

Gameshow không thể trông mãi vào chiêu trò-1
Loạt gameshow mới chuẩn bị ra mắt trong năm 2024

Chương trình truyền hình thực tế về đề tài gia đình nổi tiếng của Trung Quốc Super mom được Việt Nam mua bản quyền và sản xuất với tên gọi Mẹ siêu nhân, dự kiến lên sóng ngày 16/3 trên VTV3. Chương trình xoay quanh hành trình nuôi dạy con cái của những người mẹ nổi tiếng trong lĩnh vực nghệ thuật.

7 năm sau mùa Vietnam’s next top model all star năm 2017, Vietnam’s next top model (Người mẫu Việt Nam) trở lại vào năm 2024. Chương trình truyền hình thực tế về tìm kiếm và đào tạo người mẫu hứa hẹn thu hút khán giả, tuy thế đây cũng là sân chơi tạo ra nhiều tình huống tranh cãi giữa các người mẫu trong nhà chung.

Tiết chế chiêu trò, hài nhạt

Các gameshow liên tục công bố ra mắt trong năm 2024 khiến các nhà sản xuất cũng phải đau đầu tìm hướng tiếp cận mới để hút khán giả. Bà Nguyễn Minh Hương, CEO Golden Communication Group, đại diện đơn vị sản xuất gameshow Đệ nhất mưu sinh cho rằng, trong cuộc cạnh tranh, mỗi chương trình đều có điểm mạnh riêng.

Điểm mạnh của Đệ nhất mưu sinh là để nghệ sĩ thực sự trải qua cuộc sống mưu sinh với công việc đặc thù ở từng vùng miền. Nghệ sĩ tham gia phải tự kiếm tiền theo tình hình thực tế, không làm theo bất cứ kịch bản nào. Chương trình cũng không có sự dẫn dắt của biên tập, người chơi tự tạo ra câu chuyện.

Ngoài phát sóng truyền hình, các gameshow còn phát trên nền tảng YouTube. Đây là phương thức kiếm tiền từ lượt xem, lượt hiển thị quảng cáo hay các hình thức ủng hộ từ người xem nội dung trên nền tảng. Tại Việt Nam, mức chi phí mà nhà quảng cáo phải trả cho nhà sáng tạo nội dung là khoảng 1.000 đôla Mỹ (hơn 23 triệu đồng) cho 1 triệu lượt xem.

Gameshow không chỉ xoay quanh các nghệ sĩ, chúng tôi muốn mở rộng nhiều gương mặt mới để tạo sự khác biệt. Cách kinh doanh của mỗi đơn vị mỗi khác, nhưng chung quy cuối cùng vẫn là tôn trọng sự khác biệt của các nghệ sĩ”, bà Minh Hương nói.

Bà cũng cho biết, mọi sự so sánh sòng phẳng, văn minh giữa các gameshow đều được đón nhận. Nếu gameshow chất lượng, nghệ sĩ sẽ không phải gồng lên “giỡn hớt” để mua tiếng cười của khán giả.

Gameshow không thể trông mãi vào chiêu trò-2
Gameshow nên đi sâu vào giá trị đem lại cho người xem, người chơi thay vì diễn trò hài nhảm

Từ sau thành công của một số chương trình thực tế, các nghệ sĩ cũng đi đến nhiều nơi, trải nghiệm văn hóa, ca hát và biểu diễn. Tuy nhiên chúng tôi tự tin vào nội dung nguyên bản của Đệ nhất mưu sinh - khi giá trị cốt lõi của chương trình không nằm ở nghệ sĩ, chiêu trò mà nằm ở chính những câu chuyện chân thật do chính người dân địa phương và nghệ sĩ cùng tạo nên thông qua các công việc mưu sinh hằng ngày. Những con người bình thường, không phải nghệ sĩ cũng có thể góp phần tạo nên những tiếng cười hết sức chân thật, những khoảnh khắc cảm động thật sự”, bà Minh Hương chia sẻ.

Khán giả là bộ lọc quan trọng của gameshow. Khán giả ngày càng khó tính, sự cạnh tranh giữa các gameshow ngày một gay gắt đòi hỏi nhà sản xuất làm việc chỉn chu, tâm huyết.

Đạo diễn Trương Quốc Phong lý giải, một số gameshow chỉ dừng ở một mùa do nhàm chán, chiêu trò lặp đi lặp lại. Một vài gameshow tung tin đồn tiết lộ ngầm kết quả, rồi thay đổi phút chót khiến công chúng luôn có tâm lý đề phòng khi xem.

“Để giữ được phong độ cho các mùa phát sóng, format (kịch bản/thể thức) là yếu tố quyết định. Gameshow muốn hút người xem phải có giá trị về mặt giải trí, tạo được tiếng cười, niềm vui hay sự thỏa mãn. Khán giả cần thưởng thức nghệ thuật tiếp nhận kiến thức về lĩnh vực nào đó mỗi khi mở ti vi, thay vì các chương trình thừa chiêu trò, thiếu chuyên môn”, đạo diễn Quốc Phong chia sẻ.

Theo Tiền Phong

Xem link gốc Ẩn link gốc https://tienphong.vn/gameshow-khong-the-trong-mai-vao-chieu-tro-post1615259.tpo

truyền hình thực tế gameshow

Tin tức mới nhất