Hương biển

Một cơn gió thổi qua lau khô những giọt nước mắt của tôi. Rồi tôi nghĩ đến mẹ, đến bố, đến bác Mười, đến những người dân làng chài và vẫn chưa kịp nói cho mẹ biết tôi ao ước được gặp lại bố biết bao.

Buổi sáng ở biển trong veo, tôi thích cảm giác ấy và trải qua khá thường xuyên. Ban đầu là một tháng hai lần, nhưng dạo gần đây hầu như sáng Chủ Nhật nào tôi cũng dành chút thời gian để đón cảnh bình minh trên biển. Cảm giác ấy thật đặc biệt, giống như một hạt mầm vừa nhú lên khỏi mặt đất, nhận ra mình đã trở thành một cây con bé xíu và được tưới mát dưới nắng vàng rực rỡ.

Cũng như mọi người ở làng chài này, một ngày của mẹ tôi bắt đầu từ rất sớm. Tôi chưa bao giờ thức dậy cùng lúc với mẹ nhưng trong giấc ngủ chập chờn tôi đoán mẹ dậy lúc nhà dì Bảy hàng xóm lục đục bắt nồi sữa đậu nành lên bếp. Đó là lúc mẹ chuẩn bị bắt đầu công việc của mình, là phụ bếp trên chiếc tàu đánh cá mà bác Mười là thuyền trưởng. Bác Mười cũng là hàng xóm với gia đình tôi, vợ mất sớm, bác sống với Lim, cậu con trai duy nhất. Hai bố con ngày ngày đi về lặng lẽ trong căn nhà nhỏ cạnh làng chài, cuộc sống hiu quạnh nhưng Lim lúc nào cũng hiếu thảo với bố cậu, Lim cũng là bạn tắm mưa từ nhỏ với tôi.

Tính ra mẹ tôi làm công việc này đã ngót năm năm, khoảng thời gian đó đủ làm thay đổi một cuộc đời. Nhưng mẹ, bác Mười, cả chúng tôi bao năm vẫn vậy, vẫn sống hạnh phúc với nhau, chỉ tôi và Lim là trưởng thành hơn trong cách suy nghĩ, trong cách học làm người lớn. Có lần mẹ nhìn tôi cười “con gái mẹ đây sao, khác xưa nhiều quá”. Tôi lặng im, chỉ biết rúc vào lòng mẹ, những lúc như vậy tôi lại nghe thấy mùi hương quen thuộc ấy, hình như là mùi ẩm ướt của cát biển và mùi mồ hôi nồng nồng của mẹ. Cái mùi đi dọc tuổi thơ tôi không bao giờ quên được.

Biển chiều thật yên bình, tĩnh tại, nắng đang ngả sang màu nhạt. Màu đỏ của mặt trời chìm vào lòng biển trộn lẫn với màu xanh của nước tạo thành hỗn hợp màu đỏ thẳm cứ thế chạy cùng sóng xa dần, xa dần. Hôm nay Lim không nhảy tàu đi biển, được rảnh rỗi nên chúng tôi ngồi trên hòn cù lao nhỏ gần bờ, tám chuyện. Đột nhiên cậu ấy nhìn xa xăm, vô định.

Hương biển

- Nè, cho tui hỏi cái này nha. Nếu bây giờ bố Hiên xuất hiện trước mặt Hiên thì Hiên sẽ làm gì ?

Tôi không ngạc nhiên về câu hỏi của Lim, chẳng là những lúc nhớ mẹ cậu ấy thường hay hỏi tôi như vậy, không có gì đặc biệt. Nhưng lần nào tôi cũng trả lời Lim, chỉ lần này không hiểu sao tôi im lặng, có lẽ tôi không muốn lại nghĩ ra một kiểu nào đó nói về bố mình nữa. Điều đó chưa từng tồn tại cũng như bố tôi chưa từng tồn tại trong cuộc sống này. Có mẹ là niềm hạnh phúc lớn nhất đối với tôi. Nên tôi rất hiểu nỗi nhớ mẹ của Lim. Mẹ cậu ấy không bỏ đi như bố tôi mà đã mất khi Lim vừa tròn sáu tuổi. Cũng năm đó, từ cái buổi sáng tháng Mười Hai trời âm u tôi không còn nhìn thấy bố nữa .Trong tâm hồn non nớt của một đứa trẻ sáu tuổi, ngoài vẻ mặt mong mỏi và ánh mắt khát khao được có bố thì còn những giọt nước mắt. Nhưng tôi đã không khóc và chưa bao giờ nhắc đến bố trước mặt mẹ. Chuyện của bố, có thể mẹ biết mà cũng có thể mẹ không biết. Hai mẹ con chỉ lẳng lặng sống với nhau như một nỗi buồn, trong bàng bạc hơi thở của rất nhiều thiếu thốn và buồn tẻ. Không chỉ tôi, bác Mười và Lim cũng vậy. Tất cả đều đã trải qua một giai đoạn mất mác tình thân, rồi sau đó lại là sợi dây kết nối vững chắc cho những mảnh ghép không còn nguyên vẹn .Tôi nhớ hồi đó Lim hay hát .”Ba là cây nến vàng. Mẹ là cây nến xanh. Con là cây nến hồng. Ba ngọn nến lung linh .Thắp sáng một gia đình… “ Làm tôi suy nghĩ mãi. Giá như Lim còn có mẹ… Nhưng thời gian là thứ không thể quay lại, không thể níu kéo, tôi của ngày xưa và tôi của hôm nay đã khác đi nhiều lắm .Tôi của hôm nay đã biết cho Lim mượn bờ vai bất kể khi nào cậu ấy buồn, tất nhiên là mượn miễn phí rồi.

Chúng tôi ngồi quay lưng lại với nhau, chẳng ai nói gì. Chỉ có gió và sóng vỗ ầm ầm vào bờ đá. Mãi một lúc sau, tôi mới lên tiếng.

- Không được buồn nữa. Mẹ Lim đang ở trên kia .Tôi lấy tay chỉ lên trời rồi quay qua hét vào biển cả mênh mông trước mặt. Nếu bác thấy Lim buồn thì bác sẽ không vui tẹo nào đâu. Hiểu chưa, bạn hiền.

Lim nhìn về phía biển rồi quay sang tôi, gật gù, có vẻ đã thông suốt.

- Ừ, tui hiểu rồi, bạn hiền.

Ngoài kia vài chiếc thuyền lấp loáng đằng xa, trên bãi cát những con còng gió đang rượt đuổi nhau, dưới chân tôi nước biển trải dài ấm nóng. Khung cảnh chiều bình yên nhưng lòng tôi lại dậy sóng. Ngày mai Lim phải lên tàu đi biển, mẹ tôi cũng tháp tùng theo bác Mười và Lim .Tôi tự nhủ, mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi mà. Chắc cũng giống như những mùa cá trước đây, ngoài thuyền của bác Mười, mẹ còn theo ghe ông Sáu gỡ vỏ sò vỏ ốc. Mỗi bận về, người lúc nào cũng nồng nồng mùi sóng, mùi gió. Vị nồng nồng ấy không thể tan khỏi bờ môi tôi.

Chiều nay, vừa kết thúc tiết học cuối cùng. Tôi về nhà đã thấy mẹ nấu rất nhiều món ăn mình thích. Nhìn mẹ đứng trong gian bếp chật hẹp và lúi cúi chiên xào, tự nhiên tôi có cảm giác thật thương mẹ. Đôi khi trong những giấc mơ, tôi hay mơ thấy một giọng nói xa vời. Giọng nói kể cho tôi nghe về bố, về cái thế giới mẹ đang sống, giọng nói còn hỏi tôi có muốn đi tìm bố không? Tận đáy lòng tôi rất muốn trả lời có, nhưng nghĩ đến mẹ và xóm chài đầy ắp tình người này, tôi liền nói “không “. Chợt giật mình tỉnh giấc, thấy mẹ đang ngồi bên cạnh tự bao giờ. Hiển nhiên, tôi giấu mẹ những giấc mơ kín của mình, lăn qua lăn lại rồi ngủ tiếp. Lát sau tôi thức giấc một lần nữa thấy mẹ vẫn ngồi đó, lặng lẽ như một cái bóng, y như ngày bố bỏ đi để lại hai mẹ con trong căn nhà nhỏ chỗ nào cũng từng mảng ký ức rớt xuống nát vụn, rã rều.

Bão đến, cả làng chài xôn xao. Tôi nghe đài báo bão trong bản tin thời sự buổi chiều khi mẹ tôi và bác Mười còn đang ở trên tàu ngoài khơi. Không biết con thuyền của họ có bị sao không. Một mình tôi ở nhà kéo sập cửa sổ và chờ đợi. Bên ngoài trời đen kịt, gió thổi mạnh, bão cát bắt đầu cuộn lên dày đặc .Trong cái khoảnh khắc đó, tôi chỉ mơ về ngày sum họp với mẹ, với bà con hàng xóm, hy vọng những con thuyền sẽ trở về, dẫu biết hy vọng thật mong manh. Nhưng tôi vẫn hy vọng vì mùa này đang là mùa bấc biển .Tôi nhớ ông Sáu có khả năng phán đoán mọi diễn biến của thời tiết .Tôi từng nghe ông nói, những cơn bão mùa hè thường có sức tàn phá dữ dội, nó lớn gấp 3, gấp 4 lần so với những cơn bão mùa đông, vì mùa hè không có áp thấp nhiệt đới nhiều để làm đổi chiều hướng bão đi hoặc làm tan bão từ ngoài đại dương. Nhớ lại những lời ông Sáu nói, tôi tự nhủ “mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi mà”.

Hai ngày sau, bão tan, trời lặng sóng. Từ tờ mờ sớm, rất đông người dân làng chài đã tụ tập tại bãi biển chờ đón những người thân của mình. Tôi cũng đứng chờ với một dáng vẻ lo âu và mệt mỏi. Có tiếng loa phát thanh lan đi ù ù trong gió. “Tám ngư dân trên hai con tàu đã bình yên trở về, mong bà con đừng quá lo lắng… “.”Mẹ”.Tôi chỉ kịp kêu lên rồi chạy đến ôm chặt mẹ. Lúc này tôi mới nhận ra, hạnh phúc đơn giản vậy đó, đứng bên cạnh mẹ là bác Mười và Lim, cậu ấy cười toe khoe chiếc răng sún.

- Tui về rồi nè, có vui không ?

Tôi nhìn mái tóc lòa xòa nước biển của Lim, lại cũng cười.

- Vui lắm !

Tôi khóc, đó là lần đầu tiên tôi thấy mình có ý nghĩa trong cuộc sống này. Người ta có thể khóc cho nỗi buồn và hạnh phúc nữa kia mà. Buổi tối, trong bữa cơm, hai mẹ con vừa ăn vừa nói chuyện vui vẻ, chợt mẹ quay qua hỏi tôi.

- Con gái, mẹ chỉ giả sử thôi nhé. Nếu mẹ không về nữa thì con có đi tìm bố con không ?

- Sao mẹ lại nói thế chứ ! – Tôi nhăn mặt như cắn phải miếng ớt bự. Nhỡ mẹ xảy ra chuyện gì con biết làm sao đây.

- Ơ, cái con bé này, chẳng phải mẹ vừa nói chỉ giả sử thôi sao, thiệt đâu mà thiệt.

- Nhưng phòng bệnh tốt hơn chữa bệnh chứ mẹ.

- Ừ, con nói gì cũng đúng ! – Mẹ gật gù .Thôi, bây giờ trả lời câu hỏi của mẹ đi.

- Con… chắc là… con ! – Tôi nặng nhọc thốt lên từng tiếng. Con sẽ không đi tìm bố đâu.

- Sao thế, con không muốn gặp lại bố à ?

Tôi cảm giác hai má mình nóng ran mỗi khi nghe mẹ nhắc đến bố .Thực ra tôi nhớ bố nhiều hơn là giận bố, nhưng lại không muốn để mẹ biết. Không muốn để mẹ nhìn thấy nỗi buồn của mình cứ chất chồng ngày này sang ngày khác, mà thực tế đã vậy.

- Nói mẹ nghe thử xem lý do vì sao con không muốn gặp lại bố.

- Dạ, là vì… ! – Tôi ngập ngừng, không biết nói thế nào cho mẹ hiểu. Phải khó khăn lắm tôi mới kể hết những suy nghĩ đã giữ kín trong lòng bấy lâu nay. Là con sợ bố lại bỏ đi nữa, con sợ bố mẹ lại chia tay, con sợ những nứt vỡ. Nét mặt mẹ lập tức chuyển sang ngạc nhiên. Rồi mẹ nhìn thẳng vào mắt tôi, thì thầm.

- Có phải con sợ mẹ lại bị tổn thương thêm một lần nữa.

Hương biển

Mẹ nói nhẹ nhàng, nhưng tôi cứ thấy một nỗi buồn nào đó chặn ngang cổ họng. Tôi không sao trả lời được. Bên ngoài căn nhà gió rít đều, dư âm từ cơn bão, những chiếc lá thi nhau rớt xuống, giòn tan, trong tiếng xào xạc của gió. Không biết là bão lòng hay cơn bão nào lại sắp quét qua làng chài. Từ khi mới chập chững biết đi, tôi đã không nhìn thấy bố rồi. Mẹ tôi cũng chưa từng nghĩ đến chuyện phải đi thêm bước nữa. Mẹ nhìn tôi cười “Chỉ cần có con là đủ với mẹ”. Càng thương mẹ, tôi càng cố gắng xóa sạch mọi ký ức về bố và không bao giờ nhắc bố trước mặt mẹ. Nhưng… đã biết bao lần tôi phải chứng kiến sự trống trải, cô đơn trong căn nhà một chiều mùa đông, nét thảng thốt bất ngờ của mẹ khi nhìn tôi trong buổi chiều hôm đó, rồi những tháng ngày mẹ vừa làm mẹ vừa làm bố gánh vác tất cả mọi công việc nặng nhọc, nhưng mẹ vẫn chịu đựng. Những nỗi đau đã hằn sâu trong tâm trí tôi, cứ thế lặng lẽ cứa vào tim một vết cắt nhỏ. Theo thời gian, những vết cắt sẽ phai mờ đi. Nhưng vệt dài buồn thăm thẳm từ ký ức đọng lại vẫn còn. Đó là lý do vì sao tôi không muốn gặp lại bố, tôi sợ trái tim mình sẽ bị tổn thương thêm một lần nữa, sợ lại phải một mình tìm kiếm, lượm lặt những nỗi buồn rớt đâu đó quanh căn nhà khi bố bỏ đi.

Buổi chiều, tôi lại ra biển. Biển chiều thật đẹp, như mang nỗi buồn vô tận của tôi trôi lang thang cùng những bọt sóng. Ý nghĩ đó cũng đang chạy đi đâu dài tít tắp trên bãi cát này. Nó chạy xa, thật xa. Nó làm tôi nhớ lại những lời mẹ nói hôm hai mẹ con ngồi dưới mảnh trăng non đầu tháng .

“Con gái, mẹ chưa bao giờ hối hận khi cưới bố con. Kể cả quãng thời gian sau này bố con bỏ đi, kể cả mọi thứ giữa bố và mẹ có tan thành bọt biển thì mẹ vẫn yêu bố con. Thật sự mẹ rất buồn và hụt hẫng nhưng giờ mẹ có con rồi, con chính là món quà lớn nhất của bố mẹ, là thương yêu duy nhất trong lòng mẹ. Thế nên con đừng giận bố, cũng đừng bao giờ oán trách bố. Không phải mọi thứ trên đời này đều tan theo bọt sóng đâu, những năm tháng tuổi trẻ của mẹ, của bố ở cạnh nhau là những năm tháng tuyệt vời nhất mà mỗi khi nhớ lại mẹ vẫn thường tự mỉm cười. Dù sau này bố con có bước ra khỏi cuộc sống của mẹ, mẹ cũng không bao giờ thấy hối hận, bởi nếu không bắt đầu thì tình yêu của mẹ đã không có quả ngọt rồi, chính là con đấy. Và nếu như được bắt đầu lại, mẹ vẫn chọn bố con”.

Một cơn gió thổi qua lau khô những giọt nước mắt của tôi. Rồi tôi nghĩ đến mẹ, đến bố, đến bác Mười, đến những người dân làng chài và vẫn chưa kịp nói cho mẹ biết tôi ao ước được gặp lại bố biết bao. Cuối cùng, tôi nghĩ, giống như mẹ, tôi không còn giận bố nữa, tôi tin bố sẽ trở về, với căn nhà có những năm tháng dài dằng dặc cô đơn của hai mẹ con. Nơi những con sóng vỗ bờ, hiền hòa, mênh mang.

Theo Blog radio


Tin tức mới nhất