Không có cầu, 400 hộ vượt suối bằng thuyền tự chế

Cách trung tâm xã 5 km nhưng hơn 400 hộ dân ở 3 thôn 8, 11 và 14 của xã Ea Uy (huyện Krông Pắc, Đắk Lắk) phải qua vượt suối bằng thuyền tự chế, nguy hiểm rình rập hàng ngày.

Clip người dân kéo dây qua suối

Trước đây, các thôn 8, 11 thuộc xã Vụ Bổn. Đến năm 2000, hai thôn này được sáp nhập vào xã Ea Uy. Xã này bị chia cắt bởi suối Nước Đục khiến việc đi lại của các hộ dân ở 3 thôn gặp nhiều khó khăn.

Theo người dân để qua trung tâm xã có 2 cách: một là đi đường vòng dài gần 15 km hoặc đi thuyền qua suối chỉ mất khoảng 5 km.

Ông Hà Văn Hùng (50 tuổi, ngụ thôn 8) cho biết, mùa nắng nước cạn, suối đầy sình và lầy lội. Còn vào mùa mưa, nước dâng cao, việc đi lại rất khó khăn.

Người dân muốn đến UBND xã để giải quyết các thủ tục hành chính, hoặc tới trạm y tế chăm sóc sức khỏe phải đi qua suối bằng thuyền tự chế.

Không có cầu, 400 hộ vượt suối bằng thuyền tự chế
Người dân phải vượt qua suối bằng thuyền tự chế, nguy hiểm rình rập. Ảnh: M. Q

“Biết là nguy hiểm nhưng phải đi. Quãng đường đến UBND xã chỉ hơn 5 km nhưng mất hơn 2 giờ di chuyển. Nhiều khi phải mất một ngày mới hoàn thành công việc. Vì buổi sáng khi qua được suối thì hết giờ làm việc, người dân lại phải chờ đến chiều…”, ông Hùng nói.

Anh Nguyễn Văn Nhàn (40 tuổi, ngụ thôn 11) đã hơn 7 năm chèo đò ở đây cho biết, vì không có cầu nên người dân đi lại có nhiều bất tiện và tốn kém.

"Vào mùa mưa, lòng suối sâu cộng với nước chảy xiết rất nguy hiểm. Đã có khách qua suối, do bất cẩn nên cả người và phương tiện rơi xuống nước, may mắn chưa có ai tử vong", anh Nhàn nói thêm.

Ông Ngô Giáo - Chủ tịch UBND xã Ea Uy cho biết: "Giao thông cách trở nên toàn bộ học sinh của 3 thôn phải trọ học tại các trường thuộc xã Vụ Bổn. Chính quyền đã nhiều lần xin kinh phí xây cầu nhưng hiện nay vẫn chưa được bố trí".

Cũng theo ông Giáo, để qua xã còn có đường vòng khoảng 15 km nhưng do xa nên người dân không đi. Thấy người dân di chuyển bằng thuyền nguy hiểm, xã nhiều lần kiến nghị UBND huyện xây cầu nhưng được thông báo là chưa có vốn.

Trao đổi với phóng viên, ông Đỗ Bình Chính - Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Đắk Lắk cho biết, trước đây Sở đã bố trí vốn xây cầu nhưng sau đó vì nhiều lý do nên không thể triển khai.

"Hiện Sở đã đưa nội dung xây cầu tại xã này vào kế hoạch bố trí vốn giai đoạn 2016-2020, với kinh phí khoảng 10 tỷ đồng", ông Chính nói.

Vị phó giám đốc cho biết thêm, hiện tuyến đường vào khu vực 3 thôn trên cũng xuống cấp nghiêm trọng. Vừa qua, Sở đã kiến nghị tỉnh bố trí 1,5 tỷ đồng để sửa chữa tạo thuận tiện cho người dân đi lại.

Theo Zing


Tin tức mới nhất

Hay nhất 2sao