Lời giải nào cho những hành vi "giết người không ghê tay" ngay trên đường phố?

"Manh động, nguy hiểm, sẵn sàng giết người" là những tính từ đáng sợ mà người ta đang truyền tai nhau về một bộ phận thanh niên bây giờ.

Nhất là sau vụ một chàng trai chết oan uổng dưới nhát dao của 2 cô gái trẻ ở Sài Gòn vừa qua.

Đây không phải vụ án đầu tiên khiến dư luận phải sợ hãi. Va quệt xe ngoài đường, hùa nhau đánh hội đồng chỉ vì soi đểu, rồi cầm dao đâm chết người vì mâu thuẫn giao thông... không chỉ được đưa tin nhan nhản trên các báo, mà còn xảy ra hàng ngày, hàng giờ ngoài đời thực. Những câu chuyện kể ra "tưởng như đùa": chỉ vì va xe nhau 1 chút, sẵn sàng gọi cả họ hàng hang hốc người ta ra chửi bới và xông vào đòi "xin tí huyết". Hay đi ngoài đường cảm thấy bị soi đểu là sẵn sàng đánh hội đồng nạn nhân lên bờ xuống ruộng, hoặc cầm dao đâm người đến chết..., khiến người ta phải hoảng sợ trước sự manh động của một bộ phận thanh niên bây giờ.

Ra tay với người lớn tuổi sau những va chạm nhỏ

Tháng 9/2015, chỉ vì mâu thuẫn trong va chạm giao thông giữa ông Lê Công Thu (50 tuổi. Nghệ An) và anh Trần Quý Ngọc (29 tuổi, Quỳnh Lưu Nghệ An), mà con trai ông Thu là Lê Công Tương đã dẫn theo 5 thanh niên đến "hỏi tội" anh Ngọc và sau đó bất ngờ rút dao trong người đâm một nhát trúng bụng nạn nhân.

11999971-2183123278495050-6762-6053-8177-1442230411-18c01
Lê Công Tương - kẻ gây nên cái chết cho anh Ngọc chỉ vì va chạm giao thông
 - (Ảnh: Tuổi Trẻ).


Nạn nhân được đưa cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa huyện Quỳnh Lưu nhưng đã tử vong. Một tiếng sau khi gây án, Tương bị bắt tại nhà riêng khi đang chuẩn bị hành lý chuẩn bị bỏ trốn khỏi địa phương. Tại cơ quan điều tra, Tương thừa nhận trực tiếp gây ra cái chết của anh Ngọc. 

Vụ án này khiến dư luận không khỏi bức xúc bởi va chạm giao thông thiệt hại về vật chất không lớn, đã dàn xếp ổn thỏa nhưng tên Tương vẫn mang lòng thù tức, kiếm chuyện để đâm chết nạn nhân. Chỉ vì va chạm giao thông rất bình thường giữa bố mình với người khác, mà kẻ thủ ác với gương mặt non choẹt sẵn sàng thủ dao trong người để xử nạn nhân tới cùng. 

Tối ngày 26/10 vừa qua, một vụ án mạng xảy ra tại một điểm trông xe tại ngõ tự do sau Ký túc xá trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội khiến nhiều người dân trong ngõ Tự Do (phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) vẫn chưa hết bàng hoàng. Người đàn ông bị đâm tử vong tên là Hòa (53 tuổi, quê Hà Nội), là nhân viên bảo vệ quán ốc Dũng Béo, còn người sát hại ông Hòa là Đinh Văn Trung (23 tuổi, quê ở Ninh Bình), Trung cũng là nhân viên bảo vệ của quán ốc trên.

quanoc-470aa
Quán ốc Dũng Béo nơi ông Hòa làm việc.

Được biết, cả hai đều là nhân viên của quán ốc nhưng xích mích nhau từ trước, trong lúc cãi vã, Trung đã cầm dao gọt hoa quả đâm ông Hòa nhiều nhát khiến nạn nhân tử vong ngay sau đó rồi nhanh chóng bỏ trốn khỏi hiện trường.

Rút dao đâm chết người ngay giữa đường sau va chạm giao thông

Tối 24/10 vừa qua, một vụ án nghiêm trọng xảy ra tại vòng xoay Dân Chủ (Quận 3, TP. HCM) khiến một nam thanh niên tử vong. Nạn nhân bị hai cô gái rút dao đâm sau khi xảy ra va quẹt xe trên đường. Thì dư luận càng hoảng sợ xôn xao hơn nữa. Có người kêu trời rằng "Đâu là giới hạn giữa con người với nhau?".

Vụ án mạng xảy ra vào khoảng 19h30 ngày 24/10 tại vòng xoay Dân Chủ phường 14, quận 3, TP. HCM. Khoảng thời gian trên, Võ Thanh Quang (SN 1990, quê Kon Tum) điều khiển xe máy mang BKS 52.S4 – 9xx chạy theo hướng từ quận 3 về quận 10. Khi vừa đến vòng xoay Dân Chủ thì bị va quẹt xe với 2 cô gái (chưa rõ danh tính), khiến cả 3 ngã ra đường.

IMG_2679-08d11-18c01
Cơ quan chức năng phong tỏa hiện trường vụ án

IMG_2696-08d11-18c01
Vị trí nơi nam thanh niên bị một trong hai cô gái trẻ đâm chết

Sau khi dựng xe đứng lên, cả 3 dắt xe vào lề cạnh vòng xoay để giải quyết, trong lúc thương lượng, bất ngờ 2 bên xảy ra mâu thuẫn, một trong hai cô gái rút dao mang theo bên mình rồi đâm nam thanh niên gục tại chỗ, sau đó leo lên xe rời khỏi hiện trường. Nạn nhân nhanh chóng được người dân đưa đến bệnh viện 115 để cấp cứu, nhưng do vết thương quá nặng nên đã tử vong tại bệnh viện.

Cái chết oan uổng của cậu thanh niên mới qua tuổi 25, đã khiến gia đình suy sụp hoàn toàn.  Bà Trương Thị Thơ (58 tuổi) - mẹ của Quang lịm đi suốt hai hôm nay. Bà Thơ có tiền sử bệnh tim. Ông Võ Đức Trí - bố của Quang, cố ghìm chặt mất mát, gượng dậy lo hậu sự cho con.  Hiện tung tích của hai nghi can nữ sát hại chàng thanh niên xấu số này vẫn chưa được tìm ra.

Chưa rõ động cơ nào khiến một trong 2 nghi can nữ kia xuống tay nhẫn tâm đến vậy, hay chỉ vì tranh cãi sau khi va chạm xe ngoài đường. Tuy nhiên, vì bất cứ lý do gì, việc đoạt mạng sống của người vô tội cũng không thể chấp nhận được. Cái ác trong lúc bột phát đã khiến gia đình nạn nhân ngất lên ngất xuống trong những ngày qua, và cả xã hội phải bàng hoàng, vừa bức xúc vừa hoảng sợ. Ngoài việc phạm vào tội Giết người, căn cứ Điều 93 Bộ luật hình sự (BLHS) năm 1999, theo đó người nào có hành vi cố ý giết người khác, thì sẽ phải đối diện với mức án thấp nhất là 7 năm tù giam và cao nhất là tử hình, tùy theo tính chất của hành vi phạm tội. 2 kẻ thủ ác này còn khiến người ta lo lắng trước sự manh động, trước cách hành xử không tính người của những tội ác trẻ măng.

Đánh chửi, bắt nạt người lớn tuổi

Mới đây có đoạn clip một thanh niên hùng hổ chửi bới, đòi đánh một bác chở xe đá trông rất khổ sở vì va chạm giao thông chẳng có gì to tát. Thanh niên này sau 1 hồi xưng hùng xưng bá, chửi và hỏi bác chở đá "Mày có biết tao là ai không", thì một chàng trai do quá bất bình với chuyện bắt nạt người già, lao vào đóng vai Lục Vân Tiên "xử" cẩn thận thanh niên bắt nạt người già.

Đoạn clip được quay lại Hải Phòng đã lan truyền với tốc độ chóng mặt trên mạng, không phải vì tính chất nghiêm trọng của sự việc. Mà thể hiện một điều rằng, người ta đang cần - đúng hơn là đang khát khao những Lục Vân Tiên như thế ngoài đời thật, để đứng về phía kẻ yếu thế, để xử lý những tên bắt nạt người già, người yếu đuối chỉ vì những va chạm nhỏ nhặt ngoài đường. Cư dân mạng thi nhau share clip và tôn vinh, khen ngợi anh chàng tốt bụng. Không phải ai cũng sẵn sàng làm việc ấy vì sợ bị trả thù, nếu không có chàng trai nghĩa hiệp ấy đứng ra, thì có lẽ bác bán đá tội nghiệp đã bị đánh, bị chửi thê thảm hơn. Một hình ảnh đẹp, lóe sáng giữa tình trạng báo động tính manh động, liều lĩnh của thanh niên bây giờ.

Người ta thường rỉ tai nhau rằng, bước chân ra đường bây giờ nên nhịn, một sự nhịn là một vạn sự lành. Đâm xe vào "trẻ trâu" - nhịn. Bị "cà đểu", bị ăn vạ - cũng nhịn đi cho xong chuyện.  Đừng nhìn ngó gì để bị bắt lỗi "nhìn đểu". Đừng mở miệng ra cười to kẻo mang tội "cười đểu". Nói chung, đúng hay sai, thì cứ im lặng là vàng, là còn sống mà về đến nhà bởi giờ đây hở tí là chém giết người, là xử lý tình huống bằng bạo lực... Thậm chí một bộ phận thanh niên đi ra đường bây giờ cầm theo bình xịt hơi cay, dao nhọn, tông... trong cốp xe để có va chạm là sẵn sàng "xiên" luôn đối phương. 

Lời giải cho thói hành xử côn đồ

Chuyên gia tâm lý Huỳnh Anh Bình đã đưa ra một vài nguyên nhân cơ bản của lối hành xử xấu xí này ở lớp người trẻ hiện nay. Theo chuyên gia, có 6 nguyên nhân dẫn đến sự manh động, đáng sợ này.

1. Lệch chuẩn nhận thức về giá trị đạo đức trong hành xử: Rất nhiều bạn trẻ ngày càng có những biểu hiện và hành xử lệch chuẩn. Hành xử côn đồ, gây tổn thương thân thể cho người khác lại được xem là một chuyện bình thường trong suy nghĩ và hành động của các bạn. Rất nhiều bạn trẻ còn xem việc gây tổn thương cho ai đó là một chiến tích bản thân.

2. Thiếu kỹ năng kiềm chế cảm xúc cá nhân: Nhiều người trẻ đang gặp khó khăn về kỹ năng kiềm chế cảm xúc. Các bạn vẫn chưa biết cách để hạ nhiệt xung đột và rất dễ rơi vào trạng thái bị ức chế, từ đó đẩy xung đột leo thang.

3. Luôn muốn chứng tỏ sự vượt trội của bản thân thông qua nắm đấm: Đây là cách các em lựa chọn khi xảy ra xung đột. Các em luôn nghĩ "Tôi bản lĩnh vì tôi có thể khuất phục người khác thông qua sức mạnh cơ bắp, thông qua sức mạnh đám đông lên những người yếu đuối, thế cô".

4. Bạo lực quá nhiều do ảnh hưởng quá nhiều từ internet: Chính internet là một trong những nguyên nhân người trẻ càng manh động. Các em bị ảnh hưởng quá nhiều từ phim ảnh, game bạo lực, hình ảnh, lời nói mang tính chất bạo lực luôn nhan nhản xung quanh mỗi khi truy cập internet đã tác động đến cuộc sống, suy nghĩ và hành động của các em. 

5. Chưa ý thức được cái giá phải trả sau những hành động phạm pháp: Đa phần các em chưa ý thức trách nhiệm bản thân, trách nhiệm trước pháp luật. Sau mỗi sai lầm mới là hối hận, ăn năn và mới ý thức được cái giá của mình phải trả trước luật pháp vì sự thiếu hiểu biết.

6. Giáo dục chưa chạm đến trái tim các bạn trẻ trong hướng dẫn hành xử đúng mực: Gia đình thiếu quan tâm, nhà trường không thể quán xuyến tất cả, xã hội thì tồn tại quá nhiều cái xấu xung quanh các em và với sức đề kháng yếu của bản thân ở cái tuối mới lớn đã dần dần biến các em thành nạn nhân của lối hành xử mang đậm màu sắc bạo lực. Giáo dục giữ vai trò rất quan trọng, nếu giáo dục chưa chạm đến trái tim của các em thì sẽ khó có sự thay đổi.  Nếu giáo dục chưa làm tốt hơn nữa thì trong tương lai gần sẽ còn nhiều vụ việc nghiêm trọng hơn do chính người trẻ gây ra.

Chuyên gia Huỳnh Anh Bình cũng đưa ra các giải pháp được gọi là "cấp bách" trong việc phần nào giảm bớt cách hành xử côn đồ ở một bộ phận thanh niên hiện nay.

Trước hết, giáo dục phải tiên phong trong việc thay đổi hành xử của các bạn. Phải giúp các bạn lựa chọn những tình huống khác nhau để có thể hành xử một cách nhân văn nhất trong mọi hoàn cảnh, đặc biệt là khi xảy ra xung đột.

Thứ hai, cần tăng cường tuyên truyền pháp luật trong giới trẻ để ý thức về trách nhiệm bản thân trước pháp luật qua từng hành vi, hành xử gây tổn thương đến người khác, tránh những giọt nước mắt muộn màng của các em sau những hành động bồng bột nhất thời, khi sự đã rồi.

Điều quan trọng nhất là người trẻ phải tự nhìn lại mình cách nghiêm túc. Cần lắm việc tạo dựng một hình mẫu thanh niên đẹp, hình mẫu thanh niên tiến bộ, để các em có những hướng dẫn, có những mẫu hình noi theo, từ đó trong tương lai gần có thể định hình cách hành xử đúng, bất kể ở tình huống nào.
 
Theo Trí Thức Trẻ

Tin tức mới nhất