Luật sư Trần Minh Hùng: "Cần tăng mức xử phạt hành vi vi phạm trên Facebook"

Theo ông Hùng, cần ban hành các văn bản quy định pháp luật chi tiết đối với các hành vi vi phạm trên mạng xã hội, tăng mức xử phạt vi phạm hành chính, tăng tiền phạt vi phạm, và cần nghiêm khắc, triệt để hơn trong việc xử lý vi phạm.

Thời gian gần đây có rất nhiều mâu thuẫn, xung đột, hành vi vi phạm pháp luật xuất phát từ người dùng mạng xã hội (MXH) Facebook. Họ cho rằng đây là "mảnh đất riêng tư" nên thích nói sao cũng được cũng như tin rằng tính ẩn danh của MXH sẽ khiến họ không phải chịu trách nhiệm trước những phát ngôn trên thế giới ảo. Chính tâm lý đó là nguyên nhân khiến nhiều người vô tình phạm phải những hành vi trái pháp luật mà đến khi nhận ra thì mọi chuyện đã quá muộn.

Xung quanh vấn liên quan đến trách nhiệm của người sử dụng MXH trước luật pháp, chúng tôi đã có một buổi trò chuyện với Luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn luật sư TP. HCM).

3-fe3eb
Luật sư Trần Minh Hùng.

Nhận án tù chung thân nếu sử dụng facebook để thực hiện hành vi trái pháp luật

Xin chào luật sư Trần Mạnh Hùng! Có lẽ thời gian gần đây, anh cũng đã nghe nhiều về hậu quả của việc lên facebook tung tin đồn nhảm hoặc phát ngôn bừa bãi. Đứng ở góc độ là một luật sư, anh có đánh giá gì về việc này? Theo anh, mọi phát ngôn trên facebook phải chịu sự ràng buộc về mặt luật pháp như thế nào?

Các mạng xã hội nói chung và Facebook nói riêng thì cá nhân được quyền phát biểu quan điểm của mình. Tuy nhiên, ý kiến, quan điểm đó không được xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín và đời tư của người khác thậm chí bôi nhọ, xúc phạm đến các cơ quan nhà nước vì như vậy sẽ vi phạm pháp luật.

Dù mạng xã hội ảo thì pháp luật đều điều chỉnh các hành vi, hoạt động của các tổ chức, cá nhân trên các lĩnh vực này. Pháp luật không chỉ điều chỉnh các quan hệ xã hội ngoài đời thực mà pháp luật còn điều chỉnh các hành vi, giao dịch trên các mạng xã hội.

Hiện có rất nhiều văn bản điều chỉnh về công nghệ thông tin và các trang mạng xã hội nói chung. Tuy nhiên, đa số người dân chưa đọc và chưa hiểu hết các văn bản này nên họ cứ cho rằng Facebook muốn nói gì cũng được, về điều này họ vô tình vi phạm và không biết.

Cụ thể thì chúng ta có những chế tài gì để điều chỉnh hoạt động của các cá nhân trên MXH, nơi mà người ta vẫn xem là thế giới ảo không liên quan nhiều đến đời thực?

Về hành chính, có thể phạt từ 1 triệu đến 50 triệu tùy theo hành vi và sô lần tái phạm. Ngoài ra, Tùy tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự từ cảnh cáo, cải tạo, phạt tù từ ba tháng đến bảy năm. Thậm chí có thể là tù chung thân.

Tuy nhiên, người bị xúc phạm thường không theo đuổi vụ kiện, tố cáo, khiếu nại tới cùng vì sợ mất thời gian, ảnh hưởng đến cuộc sống, nên người dùng mạng xã hội đôi khi biết mình vi phạm nhưng vẫn đăng tải.

Một cô gái mang ảnh cháu ruột của mình lên facebook dựng chuyện nhặt
được con để câu like.

Nếu như một người dùng mạng xã hội để đăng tải những clip, hay chia sẻ  những ý kiến xúc phạm danh dự, uy tín, mang người khác ra làm trò đùa và những người khác thỏa mãn sự giải trí, họ không lên án thì người đăng có phạm luật? Trái lại khi họ lên án, cho là phản cảm thì sẽ xử lý người đăng như thế nào?

Mỗi cá nhân đều có quyền đối với hình ảnh, cũng như bí mật đời tư của mình. Việc sử dụng hình ảnh, đời tư của cá nhân phải được người đó đồng ý; trong trường hợp người đó đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, chưa đủ mười lăm tuổi thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện của người đó đồng ý, trừ trường hợp vì lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng hoặc pháp luật có quy định khác. Việc sử dụng hình ảnh, bí mật đời tư của người khác mà xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của họ

Căn cứ theo quy định trên người bị vi phạm có thể yêu cầu người đang clip chấm dứt hành vi vi phạm, yêu cầu xin lỗi công khai và thấy bị thiệt hại thì được quyền khởi kiện yêu cầu bồi thường.

Gần đây có nhiều status đăng những ảnh, clip về bệnh tật, tệ nạn... rất ghê rợn, nhưng lấy nguồn, ảnh từ các trang nước ngoài và cho rằng sự việc này đang xảy ra ở Việt Nam, như vậy hành động này ngoài việc gây hoang mang dư luận còn có ảnh hưởng gì đến tình hình an ninh trật tự, uy tín của các tổ chức, doanh nghiệp? Nếu có, liệu có bị xử lý tăng nặng hình phạt?

Đối những trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, Điều 226, bộ luật hình sự 1999 được sửa đổi bổ sung năm 2009 quy định, người nào thực hiện một trong các hành vi đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet những thông tin xâm phạm lợi ích của cơ quan, tổ chức, cá nhân, xâm phạm trật tự, an toàn xã hội gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Nếu hành vi có tổ chức, lợi dụng quyền quản trị mạng nhằm thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng trở lên, gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm, phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 200 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm.

h3-8d38c-3d3ac
Bức ảnh khiến hàng chục nghìn người khiếp sợ và câu chuyện do một facebook-er tự nghĩ ra.

Người share những nội dung sai phạm cũng phải chịu trách nhiệm liên đới?

Khi đã "trót" đăng tải những nội dung trái pháp luật nhưng chủ nhân nhanh chóng xóa đi, thậm chí xóa bỏ cả tài khoản MXH của mình, khi đó họ có còn bị khép vào hành vi vi phạm không?

Kể cả việc họ đã xóa, nhưng nếu cơ quan có thẩm quyền có chứng cứ, chứng minh họ đã có hành vi vi phạm thì họ vẫn phải chịu trách nhiệm.

Những bình luận mang tính chất công kích, bôi nhọ... dưới những bài viết chia sẻ của người đăng tải thì người bình luận sẽ chịu hậu quả gì?

Theo quy định, cứ có hành vi xúc phạm, bôi nhọ... thì tùy tính chất sẽ bị xử phạt, không phân biệt là chỉ chia sẻ, thích hay bình luận.

Trên mạng xã hội, hành vi vi phạm có tính nghiêm trọng nhất là gì? Và hình phạt dành cho vi phạm này liệu có đủ sức răn đe chưa?

Thường gặp nhất là những hành vi xúc phạm danh dự, bôi nhọ, vu khống, làm nhục, xúc phạm đời tư, cá nhân. Hiện nay chế tài về các hành vi này chưa đủ sức răn đe, chủ yếu bị xử lý vi phạm hành chính như phạt cảnh cáo, phạt tiền... bồi thường thiệt hại...chứ hầu như ít bị xử lý về mặt hình sự dù luật hình sự có điều chỉnh về những hành vi này.

Cần tăng mức xử phạt các hành vi vi phạm trên facebook

Vì sao biết rằng khi vi phạm có thể bị xử về hành chính, hình sự từ cảnh cáo đến đi tù, thậm chí là chung thân mà người sử dụng vẫn cố tình vi phạm, những vi phạm trên mạng xã hội ngày càng nhiều? Theo anh cần phải bổ sung những gì, và anh gặp những khó khăn gì đối với luật hiện tại trong khi tư vấn, giải quyết những việc xảy ra trên mạng xã hội?

Thực tế những hành vi, vi phạm trên mạng xã hội thì còn tùy tính chất, mức độ của hành vi và hậu quả mà hành vi đó gây ra. Tuy nhiên, hiện nay có rất nhiều hành vi, vi phạm trên mạng xã hội nói chung và Facebook nói riêng, đặc biệt là mạng xã hội Facebook. 

Nhưng các cơ quan chức năng vẫn chưa triệt để, nghiêm minh trong việc xử lý các hành vi vi phạm này khi có đơn khiếu nại, tố cáo. Chủ yếu do việc điều tra, xác minh gặp nhiều khó khăn và phức tạp, hành vi gây thiệt hại chưa nghiêm trọng. Những lý do này tạo điều kiện cho người thực hiện hành vi vi phạm không bị chế tài và cứ tiếp tục vi phạm. 

Ngoài ra, việc hiểu biết pháp luật còn hạn chế, tư tưởng coi thường cuộc sống riêng tư, danh dự, nhân phẩm người khác của đại đa số chưa được ý thức cao nên có nhiều hành vi vi phạm mà không cần suy nghĩ, đắn đo.

Theo tôi cần ban hành các văn bản quy định pháp luật chi tiết hơn đối với các hành vi vi phạm trên mạng xã hội, cần tăng mức xử phạt vi phạm hành chính, tăng tiền phạt vi phạm, và cần nghiêm khắc, triệt để hơn trong việc xử lý hành vi vi phạm. Các cơ quan chức năng cần thụ lý đơn khiếu nại, tố cáo của các cá nhân, tổ chức một cách nghiêm túc, nhanh chóng và hiệu quả nhằm tạo sức răn đe cho người vi phạm.

nguoi-mau-ban-dam-9e895

Anh có thể kể một, hai câu chuyện mà anh nhận giải quyết liên quan đến mạng xã hội mà anh nhớ nhất?

Do bí mật thông tin khách hàng của nghề luật sư phải bảo mật nên tôi không thể tiết lộ. Nhưng tôi thấy đa số những hành vi vi phạm thường là: đánh ghen, ngoại tình, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, đưa hình ảnh lên mạng xã hội nói xấu người khác, lập tài khoản giả người khác để lợi dụng xúc phạm, lừa đảo, gây rối trật tự công cộng... có những chuyện cũng rất hài ước và cảm thấy không thể kể được vì nó quá tế nhị.

Một chút tế nhị, gần đây có một giảng viên đã nói với sinh viên rằng: "Facebook mang lại cho luật sư thêm miếng cơm", anh nghĩ gì về điều này?

Tôi cho rằng Facebook làm cho luật sư thêm mệt hơn, vì chính các khách hàng và đối tượng bị xúc phạm, bôi nhọ trên Facebook thường chỉ hỏi để được tư vấn, cách khắc phục, ngăn chặn hành vi xâm phạm. Rất ít trường hợp kiện tụng, khiếu nại kéo dài, vì mức độ phức tạp, thiệt hại chưa lớn nên họ cũng chưa mời luật sư đi kiện tụng, khiếu nại, bồi thường nhiều. 

Cảm ơn luật sư về những chia sẻ trên!
 
Theo Trí Thức Trẻ

Tin tức mới nhất