Vụ 4 người chết ở Thanh Hóa: “Thư tuyệt mệnh chưa thể gọi là chứng cứ”

Liên quan đến bức thư tuyệt mệnh ông Hà để lại tố người tên D là “kẻ lừa đảo” khiến gia đình ông rơi vào cảnh đau thương, luật sư cho biết “Thư tuyệt mệnh có thể là căn cứ để tiến hành điều tra chứ chưa thể gọi là chứng cứ”.

“Thư tuyệt mệnh không phải là chứng cứ”

Tối 1/11, người dân tại khu vực đường Trần Phú, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa bàng hoàng khi phát hiện cả 4 người trong gia đình ông Ngô Lê Hà (45 tuổi) đã chết. Ông Hà chết trong tư thế treo cổ dưới tầng 1, còn vợ con ông nằm chết ở tầng 2. Khám nghiệm tử thi bước đầu cho thấy trên người vợ con ông Hà không có vết thương hở.

DSCF1839 copy-33ea1
Ngôi nhà bán đồ điện máy nơi xảy ra sự việc đau lòng.

Nguyên nhân cái chết của 4 người trong gia đình ông Hà sau đó được kết luận ban đầu do ông Hà đã đầu độc chết vợ con mình, sau đó treo cổ tự tử. Tại hiện trường vụ án, cơ quan điều tra tìm thấy nhiều vỏ thuốc an thần, thư tuyệt mệnh cùng đoạn ghi âm ông Hà thú nhận tự tử do vỡ nợ.

Điều đáng chú ý trong tâm thư dài 7 trang giấy được viết vào những ngày khác nhau. Trong đó, có 2 tờ ghi ngày 29/9 và gần nhất là ngày 30/10; 1 tờ ghi là "Tự truyện 2015"; 1 tờ ghi “Chuyện kể về D lừa đảo”…

Bức thư thể hiện sự ân hận của ông vì đã thiếu tỉnh táo trong quan hệ làm ăn dẫn tới nợ nần chồng chất, làm khổ gia đình, anh em, dòng họ. Đặc biệt, trong nội dung bức thư tuyệt mệnh có tới 6 trang liên tục nhắc đến một người có tên là V.T.D. người mà theo ông Hà là “kẻ lừa đảo” đã đẩy gia đình anh đến cảnh đau thương như ngày hôm nay.

Nội dung bức thư tuyệt mệnh “tố” ông D. lừa chạy dự án khiến ông Hà tin tưởng và dồn một khoản tiền lớn cho ông D. Từ số tiền vay mượn lên đến 27,6 tỷ đồng, lãi mẹ đẻ lãi con, đẩy ông Hà đến con đường cùng.

Liên quan đến sự việc trên, cơ quan công an cũng đã mời người được nhắc đến trong thư tuyệt mệnh lên trụ sở công an làm việc. Nhiều người dân băn khoăn đặt dấu hỏi về những tố giác trong lá thư của nạn nhân và tính pháp lý của tài liệu này ra sao? 

Trao đổi với chúng tôi, luật sư Trần Anh Dũng, Công ty luật Đại Phúc (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết: “Dưới góc độ pháp lý lá thư tuyệt mệnh có thể là căn cứ để cơ quan tiến hành điều tra, xác minh chứ chưa thể gọi là chứng cứ được”.

luat su copy-33ea1
Luật sư Trần Anh Dũng cho biết: “Dưới góc độ pháp lý, lá thư tuyệt mệnh
có thể là căn cứ để cơ quan tiến hành điều tra, xác minh”.

Luật sư Trần Anh Dũng lý giải: “Chứng cứ phải là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật tố tụng hình sự quy định mà Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội cũng như những tình tiết khác cần thiết cho việc giải quyết đúng đắn vụ án”. 

Theo luật sư Dũng, cơ quan điều tra cần phải xem xét lại các tình tiết và mối quan hệ giữa nạn nhân và ông D. “Lời trăn trối không được coi là chứng cứ nếu không có tài liệu khác có liên quan. Các cơ quan có thẩm quyền có thể điều tra, xác minh và làm rõ có việc dồn ép, bức tử hay không? Mặc dù nạn nhân chết sẽ gây khó khăn cho quá trình điều tra nhưng trong lá thư có nhắc đến số tiền lớn hay những giấy tờ chứng minh mới có căn cứ”, luật sư Dũng nói thêm. 

Chuyên gia giải mã tâm lý người chồng đầu độc vợ con rồi tự tử

Trở lại vụ việc dù đã xảy ra mấy ngày nay nhưng dư luận vô cùng xót xa, bàng hoàng. Người cha, người chồng là ông Hà đã đầu độc vợ con rồi tự tử, bởi ông nghĩ rằng, sau khi mình ra đi, không ai chăm nom, lo lắng cho vợ con mình và muốn rằng “kiếp này cả nhà sống bên nhau thì sang kiếp khác cũng vẫn mãi bên nhau”.

3-00034-a86b8
Chân dung 4 nạn nhân khiến nhiều người không khỏi đau xót.

Theo thư tuyệt mệnh và lời trăng trối ông để lại trong những đoạn băng ghi âm, ông đều cho rằng mình muốn đưa vợ con đi để “cả nhà được đoàn tụ, vì không ai chăm sóc…”

Trao đổi về sự việc này, chuyên gia tâm lý xã hội Đinh Đoàn cho rằng đây là hành động trên rất tiêu cực, có tính toán từ trước. Tuy nhiên, việc này đáng lên án vì đã tước đi mạng sống của người khác.

“Có lẽ, trong lúc cùng quẫn của nợ nần, ông Hà nghĩ nếu mình mà chết thì vợ con rơi vào cảnh tan tác, khổ vợ khổ con rồi nghĩ đến khoản nợ lớn vợ con phải gánh đỡ hết người đàn ông này không hiểu được rằng, con người ta sinh ra là được pháp luật bảo vệ quyền sống, quyền tự do, không ai được phép xâm phạm, chỉ có chính người đó mới được lựa chọn cho cuộc sống, hay cái chết của mình”, chuyên gia Đinh Đoàn cho hay.

DSCF1872 copy-33ea1
Vụ việc khiến nhiều người dân sinh sống xung quanh bàng hoàng.

Theo chuyên gia Đinh Đoàn: “Đây là hành vi đáng lên án vì không dám đối mặt với cuộc sống. Giống trường hợp một số phụ nữ giận chồng rồi cả mẹ lẫn con tự tử vì nghĩ mình chết phải cho con chết theo để trả thù chồng nhưng không nghĩ rằng đứa con thơ hoàn toàn vô tội”.

Ông cho hay, hai người con còn quá trẻ đang ở tuổi đẹp nhất của cuộc đời, trong đó cậu con trai cả 23 tuổi, đã có người yêu định tiến tới hôn nhân, cậu con trai thứ 2 đang học lớp 7, tương lai các cháu còn đang rộng mở. Kể cả vợ ông Hà là bà Trần Thị Nhung.

“Chỉ vì phút quẫn bách và lệch lạc suy nghĩ, ông Hà đã tước đi mạng sống của những người vô tội này. Ông Hà cứ nghĩ rằng chết rồi sẽ hết, đó là suy nghĩ lệch lạc và sai lầm. Phải nhớ rằng vợ con chết nhưng còn bố mẹ, người thân… họ phải chịu bao đau xót vì mất người thân, áp lực từ dư luận….”, chuyên gia Đinh Đoàn nói thêm.

Theo ông, “Có nhiều cách để tháo gỡ bế tắc trong cuộc sống, cách làm này rất tiêu cực. Mọi người rơi vào cảnh này cần hỏi chuyên gia tâm lý để đầu óc được sáng suốt minh mẫn hơn để vượt qua những khó khăn thực tại đang mắc phải”.
 
Theo Trí Thức Trẻ

Tin tức mới nhất

Hay nhất 2sao