Mẹo bỏ túi giúp tránh nhiễm bệnh khi đi máy bay

Cuối năm là mùa bận rộn của các ngành giao thông khi mọi người tận dụng ngày nghỉ để về quê, du lịch… Tuy nhiên, cùng thời tiết lạnh, thay đổi liên tục, số người quá đông cũng làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh khi bạn tham gia giao thông công cộng.

Số lượng người nhiễm bệnh do virus tăng vọt trong các tháng 12, tháng 1 và tháng 2 do những nguyên nhân kể trên. Mặc dù vậy, bạn có thể tuân thủ theo các bước cần thiết sau để giảm nguy cơ mắc bệnh và có được những ngày nghỉ vui vẻ.

Một điều cần thiết mọi người nên làm là cho trẻ từ sáu tháng tuổi trở lên tiêm phòng cúm. Bệnh cúm dù có vẻ không đáng sợ nhưng có thể chuyển biến rất phức tạp, gây tử vong cho trẻ em và người lớn tuổi đã có vấn đề sức khỏe trước đó.

Nếu đi máy bay, bạn nên chú ý rằng nhiều nơi trên máy bay và sân bay chứa rất nhiều vi khuẩn gây bệnh. Một nghiên cứu vừa cho thấy rằng sân bay và máy bay bẩn hơn một căn nhà riêng có vệ sinh trung bình. Thậm chí nhiều khu vực còn bẩn hơn phòng vệ sinh.

 Hình minh họa.

Các cuộc thử nghiệm cũng đã cho thấy rằng khu vực bẩn nhất trên máy bay là bàn ăn gấp dành để đặt đồ ăn uống giữa chuyến bay mà mọi hành khách đều dùng. Những vị trí khác là “hang ổ” của nấm, virus và vi khuẩn, chứa vi khuẩn tương đương với nút xả nước trong phòng tắm là lỗ thông khí và khóa đai an toàn trên máy bay.

Để giảm nguy cơ mắc bệnh khi đi lại, bạn nên chú ý làm các bước chuẩn bị sau:

– Đem theo và sử dụng thường xuyên dung dịch rửa tay để lau cả bàn ăn trên máy bay hoặc những nơi bạn hay cần phải chạm vào trên phương tiện di chuyển. Giữ tay bạn không đụng vào mặt và mắt để không lan truyền vi khuẩn. Nên tránh đụng vào lưng ghế trước và phần tựa tay.

– Nên nhờ chuyển chỗ ngồi nếu người ngồi gần bạn ho, có dấu hiệu bị bệnh. Nếu không thể, bạn nên chuẩn bị sẵn khẩu trang y tế dự phòng.

– Đẩy quạt thông khí của máy bay để khí không hướng thẳng vào mặt, chỉ đi qua đầu, vừa để cải thiện lưu thông khí vừa tránh vi khuẩn trên máy bay.

– Nếu có thể, nên chọn chỗ ngồi ở hàng đầu trên máy bay hoặc phương tiện di chuyển, nơi lưu thông khí tốt nhất và tránh lối đi, nơi mọi hành khách bị bệnh đều đi qua.

– Tăng cường khả năng miễn dịch bằng cách hoạt động nhiều, ăn uống tốt và nghỉ ngơi hợp lý.

– Rửa tay thường xuyên hoặc dùng dung dịch rửa tay khô, tránh bắt tay với những hành khách khác.

– Uống nhiều nước hoặc dùng bình xịt nước muối để đường hô hấp được giữ ẩm, tránh mất nước. Không khí khô sẽ khiến bạn dễ nhiễm trùng đường hô hấp hơn.

– Không nên dùng chăn gối có sẵn trên các phương tiện công cộng, do nhiều người sử dụng trước đó.

Khi di chuyển, bạn nên chú ý đến từng dấu hiệu bị cảm lạnh hoặc cảm cúm – như sốt cao, nhức mỏi, ớn lạnh, mệt mỏi, ho và đau đầu, buồn nôn, tiêu chảy… để kịp thời tìm cách chữa trị sớm. Người bị cúm thường có các triệu chứng này trong bảy ngày, trẻ em có thể kéo dài đến 21 ngày.

Theo Infonet


Tin tức mới nhất