Mộ yểm và những lời đồn đại gây hoang mang cho người sống

Không ít những lời đồn đại về các ngôi mộ yểm gây họa cho người sống. Thực hư thế nào?

Năm 2003, TP Biên Hòa làm đường Biên Hùng. Trong quá trình thi công, khi san lấp mặt bằng để mở rộng đường tại một mảnh vườn, xe ủi đất làm đường phát hiện một ngôi mộ cổ chìm dưới mặt đất. Hỏi ông chủ vườn, ông này cho biết từ trước giờ gia đình không có ai được chôn trong khu vườn. Mộ này hẳn là mộ xưa, vô thừa nhận.

Ngôi mộ bí ẩn

Ban đầu đơn vị thi công định san ủi ngôi mộ để giải tỏa nhưng ông chủ vườn nói: “Đây chắc hẳn là ngôi mộ thiêng, các anh không nên động tới. Gia đình tôi trồng nhiều cây ăn trái trong vườn, trước đây ăn vào đều bị bệnh, chỉ khi không ăn mới hết bệnh nên gia đình từ đó bỏ luôn, không động tới cây trái trong vườn nữa dù không biết nguyên nhân, giờ tôi mới đoán là do có ngôi mộ này trong vườn mà ra…”.

Mộ yểm và những lời đồn đại gây hoang mang cho người sống-1
Người khai quật mộ cổ nên đeo mặt nạ phòng độc để đề phòng khí độc trong quan tài. Ảnh tư liệu

Đơn vị thi công cho người đi báo với cơ quan văn hóa. Sau đó nhà khảo cổ Đỗ Đình Truật được mời đến nghiên cứu mộ để đánh giá, tìm giải pháp. Ông Truật cho biết những mảnh vỡ cho thấy đây là một ngôi mộ làm bằng hợp chất kiên cố nhưng không có bia mộ, người trong mộ phải rất giàu hoặc là quan chức, muốn xác định người trong mộ là ai phải khai quật ngôi mộ. Tỉnh Đồng Nai đồng ý việc khai quật.

Ngày khai quật, ông Nguyễn Thiện Đức, học trò ông Truật, đi xe máy từ sáng sớm ra chợ Bà Quẹo mua hoa đến lễ, thắp hương trước khi đoàn đến. 8 giờ sáng, ông Truật đến. Sau khi khảo sát, đoán định, ông Truật phán: “Khả năng rất cao mộ này không có người và rất độc”.

Sau đó 10 nhân công cùng khai quật, phải mất tám ngày mới phá xong lớp hợp chất cứng rắn. Khi mở quan tài thì bên trong không có hài cốt, chỉ có một bình gốm, bên trong có một ít tro, một nhúm tóc và một đồng tiền vàng 18 đúc hình một bàn tay đưa hai ngón chĩa lên trời cùng với ba chữ Vạn gia bảo.

Sau khi nhìn những đồ vật khai quật được, ông Truật kết luận: “Chúng ta đã khai quật được một ngôi mộ yểm, tôi tin chắc ngôi mộ này nằm trong chuỗi các ngôi mộ yểm của tướng quân Trịnh Hoài Đức, vì ngôi mộ này chỉ cách khu lăng mộ của ngài có vài trăm mét. Xung quanh đây hẳn còn vài ngôi mộ yểm như thế này nữa nhưng chưa phát hiện ra hoặc bị xây lấp lên trên rồi”.

Sau đó ông Truật nhờ mang một lò than tới, quạt than thật hồng để cân bằng âm dương, gỡ mộ yểm, còn chiếc bình gốm và đồng tiền cổ được chuyển đến bảo tàng Đồng Nai lưu trữ và trưng bày.

Mộ yểm là gì?

Trong từ Hán Việt, “yểm” là giấu đi, đồng nghĩa với ếm, ém. Mộ yểm là những ngôi mộ mà khi xây có đầy đủ thành phần như một ngôi mộ bình thường, thậm chí rất hoành tráng, quy mô vì làm giống hệt theo mộ chính nhưng không có bia ký ghi họ tên, thân phận người dưới mộ.

Khi khai quật thì bên dưới có quan tài mà không có hài cốt, không có đồ tùy táng mà chỉ có những vật dụng linh tinh nào đó do các thầy địa lý trước đây cho chôn theo để yểm.

Những vật dụng này cũng rất đa dạng không giống nhau, có khi là tóc, tiền (như mộ yểm ở trên), có khi là dao, đinh, mảnh sành vỡ… nhưng cũng có khi là người sống được chôn theo để canh giữ mộ (đối với vua chúa).

Cần phân biệt mộ yểm khác với mộ gió, vì mộ gió tuy không có hài cốt (vì lý do gì đó không tìm được xác) nhưng vẫn có bia ký nên còn gọi là mộ chiêu hồn, mục đích để gọi người chết về nhập vào mộ.

Theo quan niệm của người xưa, mục đích của các ngôi mộ yểm là để tấn các phương, ngăn tà ma ác quỷ không vào quấy phá mộ chính, thậm chí mộ yểm còn có tác dụng gây họa cho người sống có ý định đào phá mộ chính (để trả thù hay trộm đồ tùy táng).

Mộ yểm có thể chỉ có một nhưng cũng có thể là số nhiều để có thể vây quanh mộ chính, thậm chí có thể lên đến năm, bảy mộ, tùy theo mức độ giàu có của người chết hoặc quyết định của thầy địa lý.

Dễ bị đồn nhảm rằng mộ yểm gây tai họa

Từ lâu đã có không ít những câu chuyện thêu dệt về những ngôi mộ yểm gây họa cho người sống cố ý hoặc vô tình xâm phạm tới mộ. Dễ dàng đoán được những sự cường điệu, thậm chí bịa đặt trong các yếu tố rùng rợn của những câu chuyện này là nhằm gây nỗi sợ hãi cho người nghe để khiến họ không dám xâm phạm mồ mả.

Tuy nhiên, cũng có rất nhiều câu chuyện khiến người ta đâm ra bán tín bán nghi về các truyền thuyết mộ yểm. Chẳng hạn lời đồn về khu mộ hoàng tử Cảnh là con trưởng vua Gia Long được khai quật, mộ này có bốn ngôi mộ yểm xung quanh bốn góc, chôn sống theo bốn người lính đứng để canh giữ mộ.

Trong khi khai quật và di dời mộ, đơn vị thi công đã san ủi mất mộ yểm, không mang hài cốt của những người lính này đi. Chính nhà khảo cổ Đỗ Đình Truật khi khai quật ngôi mộ hoàng tử Cảnh đã lăn ra ngất xỉu tại chỗ lúc mở nắp quan tài, may có GS-BS Phan Bảo Khánh cùng xe cấp cứu túc trực ngay đó cấp cứu kịp thời, nếu không đã có thể ảnh hưởng đến tính mạng.

Cũng ông Truật, sau khi khai quật mộ của bà Nguyễn Thị Hiệu (cô ruột của vua Gia Long), trong đó có một ngôi mộ yểm kế bên, ngày hôm sau ông đang ngồi trên lầu vịn lan can bỗng ngã xuống đất, gãy chân phải nằm viện bốn tháng trời… Những câu chuyện như vậy được lan truyền khiến nhiều người tin rằng mộ yểm có thể gây họa cho bất cứ ai động chạm đến.

Khi tôi đặt câu hỏi cho những người từng khai quật những ngôi mộ yểm, rằng họ có tin vào sự gây họa cho người sống của các ngôi mộ yểm hay không, họ đều thận trọng trả lời: Xét về yêu tố tâm linh, có những chuyện đến nay khoa học vẫn chưa lý giải được nên nhiều người cứ tin theo mà giữ gìn.

Khi khai quật mộ cổ, kể cả mộ yểm, mọi người đều phải “trấn” để những người tham gia được an lành, mạnh khỏe sau đó. Mỗi thầy một phương cách nhưng đều giữ bí mật và chỉ truyền thụ cho học trò thân thiết.

Họa sĩ Đỗ Đình Chiến, Giám đốc Công ty Trống Đồng chuyên khai quật mộ cổ, nói: “Khai quật mộ là việc cần phải làm, tôi không làm cũng có người khác làm thôi. Nếu bị người âm quở thì với số lượng rất lớn các ngôi mộ tôi đã khai quật, giờ này tôi đâu có ngồi đây trò chuyện với anh”.

Xét về yếu tố khoa học, có thể giải thích được nhiều câu chuyện tưởng chừng hoang đường bí ẩn, như ông Truật bị ngã là do tay vịn cầu thang bị gỡ mất ốc mà không biết.

Hoàng tử Cảnh bị cho là chết do bệnh đậu mùa nên người ta đã đổ vào quan tài rất nhiều chất độc để tránh lây lan bệnh, dù trải qua hàng trăm năm nhưng chất độc vẫn còn tích tụ trong quan tài nên khi mở nắp thì bốc ra khiến ông Truật không phòng bị ngất ngay vì hít phải khí độc.

Theo lời ông Nguyễn Thiện Đức, mộ càng lâu càng tích tụ khí độc, chôn từ 70 năm trở lên khí âm rất nhiều, có trường hợp những người tham gia khai quật hoặc chứng kiến đứng thắp hương thì không sao. đấy không chỉ là yếu tố tâm linh, mà ba nén hương chính đã tạo ra dương khí, cân bằng lại với âm khí của mộ lâu năm. Duy nhất một người lúc đó không thắp hương mà chỉ đến cúi đầu, tối hôm đó về bị bệnh rất nặng, là do bị khí âm xâm nhập vào cơ thể.

Theo Pháp luật TP HCM


Biên Hòa chuyện lạ

Tin tức mới nhất