Mức đóng bảo hiểm xã hội mới: Kêu ca vẫn phải thực hiện

Từ tháng 1.2016, các doanh nghiệp đã đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) theo quy định mới. Mặc dù chưa có một đánh giá chung nào về tình hình đóng BHXH ở các doanh nghiệp nhưng khá nhiều lao động tỏ ra lo ngại vì thu nhập giảm.

Thu nhập giảm

Chị Nguyễn Thị Lan - công nhân may Công ty Giày Hong Fu (Thanh Hóa) cho biết, kể từ tháng 1.2016 tiền lương của chị giảm đáng kể. “Trung bình trước đây lương của tôi được hơn 3 triệu đồng/tháng, cộng với các khoản phụ cấp tăng ca, tiền ăn trưa… tổng thu nhập của tôi được khoảng 4,3 - 4,7 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên kể từ tháng 1.2016 lương của tôi giảm hơn 100.000 đồng do đóng BHXH theo cách mới”.

muc dong bao hiem xa hoi moi: keu ca van phai thuc hien hinh anh 1

Chị Nguyễn Thị Lan lo lắng vì giờ đây tiền lương sụt giảm hơn 100.000 đồng/tháng. 
Ảnh: Minh Nguyệt

Cũng theo chị Lan, 100.000 đồng tuy không lớn, nhưng với những công nhân ở quê lại rất giá trị.  

Ông Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Dệt may Hưng Yên cho biết, hiện nay tất cả các doanh nghiệp thuộc tổng công ty đã triển khai đóng BHXH theo cách mới từ tháng 1.2016.

“Về cơ bản công ty đã chuyển đổi thang bảng lương từ khá lâu. Việc tăng đóng BHXH cũng chỉ dịch chuyển theo thang bảng lương này. Năm 2015, một doanh nghiệp khoảng 2.000 lao động nộp khoảng 2,5 tỷ đồng/tháng. Giờ mỗi tháng tăng thêm 300 triệu đồng (2,8 tỷ đồng/tháng). Có nghĩa mỗi năm tăng thêm 3,6 tỷ đồng, một con số không nhỏ. Về phía người lao động, thu nhập cũng sẽ giảm bởi bản thân họ cũng phải bỏ thêm tiền đóng BHXH (10,5%) tổng thu nhập” – ông Dương nói.

Mặc dù vậy, theo ông Dương, các doanh nghiệp vẫn phải chấp hành nghiêm chỉnh, bởi đối tác nước ngoài đánh giá rất kỹ việc doanh nghiệp có hợp tác thực hiện pháp luật và quyền lợi cho người lao động hay không.

Ông Dương phân tích thêm: “Trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn, hội nhập khiến cho việc cạnh tranh càng khốc liệt. Mặc dù có khá nhiều chính sách nhưng UBND cấp tỉnh, cấp bộ còn chưa thực hiện kịp thời, chưa có sự hỗ trợ doanh nghiệp. Như vậy đầu vào tăng mà đầu ra giảm, khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn”.

Trước bối cảnh đó, không còn cách nào khác, các doanh nghiệp phải tăng năng suất lao động, cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng lao động.

Sẽ có điều chỉnh sau khảo sát

Chiều 23.2, trao đổi với PV, ông Phạm Minh Huân - Thứ trưởng Bộ LĐTBXH cho biết: “Về cơ bản các doanh nghiệp đã thực hiện việc đóng BHXH dựa trên lương và các khoản phụ cấp từ tháng 1.2016. Tuy nhiên Bộ LĐTBXH chưa có khảo sát cụ thể nên không thể đưa ra nhận xét cụ thể được”.

Các doanh nghiệp thực hiện đóng BHXH theo cách mới từ tháng 1. Tuy nhiên, việc quyết toán BHXH thực hiện theo quý, vì vậy tổng kết quý, đơn vị BHXH có thể tính toán cân đối lại mức đóng BHXH của doanh nghiệp.

"Về cơ bản sẽ có hơn 400.000 doanh nghiệp đang hoạt động trong cả nước chịu ảnh hưởng từ việc thay đổi cách đóng BHXH. Theo đó, các doanh nghiệp phải đóng BHXH cả các khoản phụ cấp có tính chất đầu vào như: Tiền tăng ca, tiền nhuận bút, tiền tàu xe...”. (Ông Phạm Minh Huân - Thứ trưởng Bộ LĐTBXH)

Dự kiến, đầu tháng 3.2016 Bộ LĐTBXH và Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội sẽ tiến hành khảo sát để đánh giá tình hình thực hiện. Doanh nghiệp đầu tiên đoàn khảo sát sẽ là Công ty May Sông Hồng, Nam Định.

“Chắc chắn, giờ doanh nghiệp vẫn còn kêu ca, thế nhưng họ vẫn sẽ phải nghiên cứu thực hiện bởi ai cũng hiểu việc thay đổi cách đóng là nhằm đảm bảo quyền lợi của người lao động khi về hưu” – ông Huân nói.

Ông Bùi Sỹ Lợi – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội thừa nhận: “Bản thân người lao động và doanh nghiệp đều chịu tác động, bởi mức đóng đều tăng, tuy nhiên mức tăng là không đáng kể”. Theo ông Lợi, dù khó khăn chúng ta vẫn phải thực hiện lộ trình đóng BHXH theo cách mới để cân đối Quỹ BHXH, đặc biệt là đảm bảo đời sống cho lao động khi về hưu. Thời gian đầu có thể khó khăn, nhưng sau một thời gian, mọi thứ ổn định, Chính phủ sẽ dãn lộ trình đóng./.

Theo Dân Việt


Tin tức mới nhất