Nấm tốt cho sức khỏe, nhưng khi ăn cần tuyệt đối tránh những điều sau đây

Để tránh ngộ độc nấm, tốt nhất chỉ ăn khi biết chắc chắn là nấm ăn được, trường hợp không chắc chắn thì tuyệt đối không nên ăn.



Ngày 21/5, thông tin từ Bệnh viện Đa khoa huyện Quỳ Châu, Nghệ An cho biết, bệnh viện này vừa tiếp nhận và cấp cứu 6 bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm nặng nghi do ăn phải nấm độc.

Được biết, trưa 20/5, gia đình ông Lô Văn Chương (46 tuổi) đã lấy nấm ở rừng về. Kiểm tra nghĩ nấm an toàn nên đã dùng nấm nấu với lá khổ qua dại trong rừng.

Sau khi ăn cơm trưa khoảng 30 phút, 6 người này có triệu chứng buồn nôn, đau đầu, chóng mặt, đi ngoài và co giật. Hiện sức khỏe của 6 người trên đã qua cơn nguy kịch và được theo dõi đặc biệt.

Theo thông tin từ các bác sĩ bệnh viện Qùy Châu, đây có thể là nấm độc, gây chết người.
 

Chỉ nên ăn khi biết chắc là nấm không độc. Ảnh minh họa
Chỉ nên ăn khi biết chắc là nấm không độc. Ảnh minh họa

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, mặc dù đã được cảnh báo, nhưng năm nào cũng xảy ra những vụ ngộ độc đáng tiếc do ăn phải nấm độc. Quan điểm của dân ta thì chỉ nấm có màu xanh đỏ tím vàng mới độc nhưng thực tế, nấm trắng cũng có độc. Một số quan niệm nấm có kiến, sâu bọ ăn thì người ăn không độc, nhưng quan điểm này bị cho là sai hoàn toàn.

Cách phân biệt và phòng ngừa ngộ độc nấm

Ngộ độc nấm chỉ xảy ra khi ăn các nấm mọc hoang dại, thường vào mùa xuân và hè và ở các vùng rừng núi.

Để phòng ngừa ngộ độc nấm, khi ăn cần tuyệt đối tránh những điều sau đây:
 

Nấm có màu sắc sặc sỡ tuyệt đối không nên ăn. Ảnh minh họa
Nấm có màu sắc sặc sỡ tuyệt đối không nên ăn. Ảnh minh họa

- Chỉ ăn nấm khi biết chắc chắn đây là loại nấm ăn được, còn không biết thì tuyệt đối không được ăn.

- Không ăn nấm có màu sắc sặc sỡ, có mùi thơm hấp dẫn vì nấm này thường là nấm độc

- Không ăn các loại nấm hoang dại lúc còn non, vì lúc còn non chúng rất giống nhau (giống cúc áo), khó phân biệt

- Không ăn loại nấm khi cắt, vết cắt có rỉ ra chất trắng như sữa

- Không ăn nấm quá già, nấm có nghi ngờ, không rõ địa chỉ... Cũng có những loại nấm độc giống nấm ăn (nấm trồng), rất khó phát hiện nhưng nếu quan sát kỹ sẽ thấy gốc có bao và có vòng cổ.

Lưu ý: Trường hợp sau khi ăn có biểu hiện của ngộ độc nấm như: Nôn nao, khó chịu, có khi đau bụng dữ dội hoặc nôn ra máu, đi ngoài nhiều lần… thì cần nhanh chóng gây nôn bằng biện pháp cơ học. Sau đó, nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất.

Cách chế biến nấm để giữ được giá trị dinh dưỡng

Nấm là nguồn cung cấp chất xơ và vitamin rất tốt, nhưng phương pháp chế biến có ảnh hưởng đến giá trị dinh dưỡng.

Theo Medical Daily, nghiên cứu mới được công bố trực tuyến trên Tạp chí Quốc tế về Khoa học Thực phẩm và Dinh dưỡng, việc nướng và quay nấm bằng lò vi-ba là phương pháp tốt nhất để duy trì tính chất chống oxy hóa của nấm.

Nghiên cứu cũng cho thấy nấm chiên và nấm nấu sôi dù ngon, nhưng lại mất đáng kể về giá trị dinh dưỡng. Ngoài ra, nướng nấm với một ít dầu, đặc biệt là dầu ôliu, giúp tăng cường giá trị dinh dưỡng của nấm trong khi chỉ bổ sung một ít calo.

Đồng tác giả nghiên cứu Irene Roncero giải thích: "Khi nấm nấu bằng lò vi sóng hoặc lò nướng, hàm lượng polyphenol và hoạt tính chống oxy hóa tăng đáng kể và không có thiệt hại đáng kể về giá trị dinh dưỡng của nấm. Các phương pháp chiên và đun sôi làm mất đi rất nhiều lượng protein và các hợp chất chống oxy hóa, có thể là do nước làm trôi đi các chất hòa tan trong nước hoặc trong dầu, có thể ảnh hưởng đáng kể đến giá trị dinh dưỡng của thực phẩm".

Theo Gia đình & Xã hội


ngộ độc thực phẩm nấm thực phẩm

Tin tức mới nhất