Nghề săn vé hộ kiếm 10 triệu đồng/lần: Có 'dễ ăn' đến thế?

Thực hiện thành công một "phi vụ", những người mua hộ vé có thể nhanh chóng kiếm được hàng chục triệu đồng. Tuy nhiên, công việc này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Nghề săn vé hộ kiếm 10 triệu đồng/lần: Có dễ ăn đến thế?-1

Đúng 11h30, P.N. (25 tuổi, TPHCM) cùng 3 người bạn có mặt tại quán net để sẵn sàng "săn" vé xem nhóm nhạc Hàn Quốc được mở bán vào ngày 7/7.

Vì đã quá thành thục trong việc mua vé hộ suốt 5 năm qua, P.N. không quá lo lắng. Anh nhanh chóng chọn 4 máy, sao chép thông tin thanh toán trước và đợi đến giờ vào mua vé.

"Trong lần đầu nhóm nhạc về Việt Nam, tôi thực sự không có gì để lo lắng khi nhận mua hộ vé. Chỉ cần chuẩn bị mạng thật tốt và thông tin đầy đủ, tôi nghĩ nhiều người sẽ mua được.

Những ai tìm đến tôi, đa số không có thời gian. Họ bận đi làm. Bỏ ra 200.000 đồng để thuê người đặt hộ, họ có thể chấp nhận được", P.N. chia sẻ với phóng viên Dân trí.

Bị "hớ" khi nhận công mua hộ quá thấp

Lần này, P.N. nhận mua hộ 8 vé, giá 3,8 triệu đồng/vé. Nếu phi vụ này thành công, anh nhận được 1,6 triệu đồng.

Đúng 12h, cổng bán vé mở, anh nhanh chóng vào được và xếp sau 27.157 người đợi. Theo anh, con số này cho thấy tín hiệu khả quan. Chưa đầy một giờ, anh cùng đồng đội giải quyết xong 8 tấm vé.

Tuy nhiên, khác với vẻ tự tin ban đầu, anh có chút bất ngờ khi nhận thấy mức cạnh tranh khá cao. Ban đầu, anh nghĩ vé bán ở Việt Nam sẽ không "hot". Do vậy, anh chỉ rao tiền công 200.000 đồng/vé.

Trong khi đó, những người làm nghề mua hộ khác rao giá 500.000 đồng đối với vé 3,8 triệu đồng.

Nghề săn vé hộ kiếm 10 triệu đồng/lần: Có dễ ăn đến thế?-2
P.N. xếp sau 27.157 người khi vào được hệ thống mua vé (Ảnh: NVCC).

Người này cho biết thêm: "Vé hạng cao ở Việt Nam không phải "chọi" quá nhiều. Bởi giá cao, sơ đồ sắp xếp chưa hợp lý, nhiều người không sẵn sàng mua. Với tâm lý đó, mọi người tự săn hạng cao chứ không cần tìm đến những người nhận mua hộ như tôi.

Với những concert (buổi biểu diễn) ở Thái Lan hay Philippines, tôi lấy tiền cao hơn vì tốc độ hết vé rất nhanh. Thông thường, công mua hộ chiếm 15% giá vé.

Khi nhận 4 tấm vé giá 10 triệu đồng, tôi đã có được 6 triệu đồng. Cộng thêm những tấm vé hạng thấp hơn, tôi có thể kiếm được gần 10 triệu đồng/ngày".

Tuy nhiên, để có được số tiền đó, P.N. phải tốn nhiều thời gian và công sức hơn quá trình mua hộ cho concert ở Việt Nam. Anh thường đợi nhiều giờ và tải lại trang web liên tục. Chưa kể, có những lần anh mua "hụt" và đành chấp nhận bỏ phí khoảng thời gian ngồi đợi.

Bị "bom" hàng cũng là tình huống anh hay gặp phải. Những lúc đó, anh chỉ biết dựa vào yếu tố may mắn để bán lại.

Nếu là những concert được săn đón, anh không quá lo lắng. Tuy nhiên, với các sự kiện ít nổi tiếng, việc bán lại rất "hên xui".

"Không người mua hộ nào có thể hứa hẹn tỷ lệ thành công 100%"

Theo Vice, TPA (viết tắt của ticket purchasing assistance, có nghĩa là hỗ trợ mua vé) thực sự nở rộ khi nhu cầu "đu" thần tượng ngày càng phát triển trong giới trẻ.

Ban đầu, mọi người thường nhờ bạn bè mua hộ. Lâu dần, sự mua hộ đó trở thành dịch vụ có trả phí. Dịch vụ này hỗ trợ những người thiếu kỹ năng và kiến thức giành được vé.

Đối với nhiều người hâm mộ, tiền công mua hộ là mức giá tương đối nhỏ phải trả để đổi lấy sự thuận tiện. Đó là sự trợ giúp đáng hoan nghênh cho những người mua lần đầu và phải đi làm, không có thời gian mua vé vào các ngày trong tuần.

Nghề săn vé hộ kiếm 10 triệu đồng/lần: Có dễ ăn đến thế?-3
Trong trường hợp không thành công, người mua hộ sẽ trả tiền cọc cho khách hàng một nửa hoặc toàn bộ (Ảnh: Getty).

Jai (30 tuổi, đến từ Phillipines) đã giúp hơn 300 người hâm mộ có được tấm vé xem concert của thần tượng kể từ khi ra mắt dịch vụ hồi tháng 5/2022.

Jai cho hay, không có thủ thuật nào khác để giành chiến thắng khi vào được hệ thống mua vé ngoài sự kiên nhẫn, siêng năng và rất nhiều may mắn.

Mỗi lần "vào trận", cô thường mở 5-6 trình duyệt. Cô gọi đó là trận chiến giữa những người "điên cuồng" muốn giành lấy tấm vé đáng thèm muốn. Trong trường hợp mua không được, Jai hoàn lại tiền cọc cho khách hàng một nửa hoặc toàn bộ.

"Không TPA nào có thể hứa hẹn tỷ lệ thành công 100%. Bản thân những người làm dịch vụ mua hộ cũng là fan (người hâm mộ).

Chúng tôi thấu hiểu cảm giác thất vọng khi thấy những kẻ đầu cơ trục lợi từ người hâm mộ muốn gặp thần tượng của họ", Jai cho biết.

Trước khi TPA xuất hiện, nhiều người mua vé với mục đích đầu cơ. Họ bán lại vé với giá gấp đôi hoặc gấp ba lần so với giá ban đầu. Vì không còn lựa chọn, người hâm mộ đành bỏ ra số tiền lớn để mua lại tấm vé đó.

Nhận lại quá nhiều sự nghi ngờ

Đôi khi, những người làm dịch vụ mua hộ vé bị đánh đồng với đầu cơ. Bởi cả hai hoạt động đều mang mục đích kiếm lãi.

Thông thường, người mua hộ đề xuất tiền công không vượt quá 20% giá vé gốc. Vượt qua mức chuẩn này, họ sẽ bị cho là tính phí quá mức giống như đầu cơ.

Trong 3 tháng, Jai mua được 44 vé cho 24 khách hàng thuộc 3 concert là Be the Sun của SEVENTEEN, Born Pink của Blackpink và Manifesto của ENHYPEN. Yếu tố về số lượng đã làm nảy sinh sự hoài nghi.

"Khi những người hỗ trợ mua vé không tìm được khách hàng tiềm năng, một số người vẫn sẵn sàng tâm thế để săn. Về cơ bản, họ trở thành những người đầu cơ truyền thống.

Có một ranh giới mong manh giữa hai điều này", Nicole (23 tuổi, Philippines) - người hâm mộ các nhóm nhạc Hàn Quốc - bày tỏ quan điểm.

Nghề săn vé hộ kiếm 10 triệu đồng/lần: Có dễ ăn đến thế?-4
Để có thêm một tấm vé để bạn đi cùng, Nhật Trường đã phải mua lại với giá gấp 3 lần giá gốc (Ảnh: NVCC).

Nicole hiểu rõ quy trình bán vé. Tuy nhiên, cô không thể đảm bảo được vấn đề kết nối Internet nhanh hơn hay có nhiều thiết bị để đăng nhập. Trong 4 lần tham gia các sự kiện bán vé, cô đều không giành được vị trí đẹp, dù có số thứ tự xếp hàng thấp.

Cô nói thêm: "Đúng là TPA sẽ chỉ mua một số vé nhất định theo yêu cầu của khách hàng. Tuy nhiên, việc những người như họ có mặt trong hệ thống cũng chiếm kha khá chỗ. Như vậy, người hâm mộ thực thụ có ít cơ hội để vào hệ thống".

Vì hầu hết nền tảng có chính sách không chuyển nhượng, những người mua hộ có thể vào tài khoản của khách hàng, truy cập tài khoản ngân hàng, số thẻ tín dụng hoặc ví di động để dễ dàng giao dịch. Lúc này, phần trăm rủi ro nhiều hơn lợi ích.

Do đó, để tăng niềm tin cho khách hàng, P.N. thường công khai căn cước công dân hay những loại giấy tờ tùy thân quan trọng khác.

Ngoài ra, một số người hâm mộ thực thụ có suy nghĩ phải tự mình bỏ thời gian xếp hàng mới chứng minh được bản thân xứng đáng xem concert đó.

Họ đo lường tình yêu dành cho thần tượng bằng lượng thời gian mình sẵn sàng hy sinh. Kể từ khi hình thức mua hộ phát triển, nó làm giảm việc "lãng mạn hóa" phần giành vé.

P.N. cho rằng, quan điểm trên đã quá cũ kỹ. Bởi hoàn cảnh sống mỗi người khác nhau, không phải ai cũng có thời gian hay bỏ một ngày làm việc để săn vé.

Theo Dân Trí

Xem link gốc Ẩn link gốc https://dantri.com.vn/nhip-song-tre/nghe-san-ve-ho-kiem-10-trieu-donglan-co-de-an-den-the-20230708132612929.htm?fbclid=IwAR0OqHXDohBvSnuWd4WEbl5Jk4tSPfdebzGSCnitCoLePgdhUqJHQu7eEzM

người hâm mộ

Tin tức mới nhất

Hay nhất 2sao