Nghỉ lễ, ăn lẩu đừng mắc sai lầm này để tránh rước bệnh vào người

Ăn quá nóng, quá cay hoặc nhúng đồ ăn chưa chín kỹ là một số thói quen ăn lẩu tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho sức khỏe.

Vào những dịp nghỉ lễ, Tết, ăn lẩu là lựa chọn của rất nhiều gia đình. Lẩu là món ăn tổng hợp nhiều loại thực phẩm, do vậy, nguyên liệu nấu lẩu cũng rất phong phú, tùy vào từng loại lẩu và khẩu vị của người dùng.

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, lẩu chỉ là món ăn bình thường như mọi món ăn khác. Nó không tự gây ra bệnh mà cách ăn, cách sử dụng các nguyên liệu của người dùng mới tạo ra bệnh.

Nghỉ lễ, ăn lẩu đừng mắc sai lầm này để tránh rước bệnh vào người-1

Ăn lẩu sai cách có thể gây hại cho sức khỏe. Ảnh minh hoạ

Dưới đây là một số thói quen ăn lẩu tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho sức khỏe, người dùng cần lưu ý:

Cho quá nhiều sa tế, bột ngọt

Khi làm nước lẩu, nhiều người thường có thói quen là cho nhiều bột ngọt để nước dùng được ngon ngọt, đậm đà hoặc cho quá nhiều sa tế để tăng vị cay nồng, đậm vị món lẩu. Tuy nhiên đây lại là thói quen rất có hại cho sức khỏe.

Sa tế thực chất là bột ớt chưng với dầu, nước và một số gia vị khác. Nếu ăn lẩu quá nhiều sa tế, vị chua cay sẽ tác động đến lên niêm mạc dạ dày gây hại đến cơ quan tiêu hóa này.

Ăn quá nóng

Khi ăn lẩu, chúng ta thường để thực phẩm sôi liên tục khiến cho nhiệt độ thức ăn luôn nóng. Việc ngay lập tức gắp rau, thịt từ nồi lẩu đang nóng hổi, chưa kịp chờ cho đủ nguội đã bỏ vào miệng có thể dẫn đến bỏng niêm mạc miệng bởi miệng thường chỉ chịu được mức nhiệt khoảng 50 độ C.

Hơn nữa, nuốt thực phẩm nóng cũng có thể gây bệnh viêm dạ dày cấp tính hoặc viêm thực quản cấp tính.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng từng cảnh báo nguy cơ khi tiêu thụ đồ uống, thực phẩm quá nóng. Theo WHO, việc sử dụng đồ ăn nóng trên 65 độ C cũng làm tăng nguy cơ mắc ung thư thực quản, ung thư khoang miệng, vòm họng.

Nhúng đồ còn tái, đỏ

Nhiều người cho rằng ăn thịt chín tái thì đồ ăn sẽ ngọt hơn, nhiều dinh dưỡng hơn. Các chuyên gia cho rằng đây là thói quen nguy hiểm.

Đồ ăn chưa chín có thể chứa nhiều vi khuẩn và ký sinh trùng, cực kỳ nguy hại cho hệ tiêu hóa. Nhất là với các loại nội tạng động vật thì càng nên nấu chín kỹ.

Ăn quá lâu

Nhiều người thường có thói quen ngồi lai rai bên nồi lẩu, vừa ăn vừa trò chuyện. Tuy nhiên, việc ngồi ăn trong vài tiếng đồng hồ khiến dạ dày phải làm việc liên tục bởi các dịch vị dạ dày, dịch mật, tụy phải tiết ra nhiều, liên tục để xử lý lượng thức ăn nạp vào cơ thể. Do đó, ăn lâu dễ gây đau bụng, rối loạn tiêu hóa...

Nghỉ lễ, ăn lẩu đừng mắc sai lầm này để tránh rước bệnh vào người-2
Ăn lẩu quá nóng, quá lâu ảnh hưởng đến niêm mạc miệng và các cơ quan tiêu hóa. Ảnh minh họa

Hơn nữa, ăn lẩu trong thời gian dài và để nước đun quá lâu khiến hàm lượng nitric tăng cao. Ngoài ra, các vitamin, dinh dưỡng cũng bị phân hủy, chất béo cũng bão hòa, gây hại cho cơ thể. Để đảm bảo hương vị và an toàn cho cơ thể, tốt bạn nên thay nước lẩu sau 60 phút.

Những lưu ý khi ăn lẩu

Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe, các chuyên gia khuyến cáo, khi ăn lẩu, nên lựa chọn những loại rau dễ ăn và lành tính vì lẩu thường kết hợp nhiều loại thực phẩm nên dễ gây ngộ độc nếu kỵ nhau. Một số loại rau lành tính thường được dùng khi ăn lẩu như: rau cải thảo, cải thìa, rau muống, cải cúc, tía tô…

Bên cạnh rau, còn có các loại thịt như thịt bò, lợn hay hải sản. Khi mua thịt và hải sản, cần phải chọn sản phẩm tươi sống. Tuyệt đối tránh những thịt cũ, ôi thiu. Ngoài ra, khi mua về phải rửa sạch rồi mới tẩm ướp gia vị.

Nguyên tắc "bất di bất dịch" cần nhớ khi ăn lẩu là "ăn chín uống sôi" để đạt được hiệu quả khử trùng tốt nhất, tránh các loại giun, sán gây hại cho cơ thể.

Không nên ăn quá chua hoặc cay vì đây là những "kẻ thù" đáng sợ của dạ dày cũng như các cơ quan tiêu hóa.

Không nên ăn lẩu trong thời gian dài (3-4 tiếng), chỉ nên ăn trong 2 tiếng, nếu có thể nên thay nước lẩu sau 60 phút là tốt nhất.

Với nồi lẩu chứa các loại hải sản có vỏ như tôm, ngao, ốc... không nên kết hợp với các loại rau chứa nhiều vitamin C như cà chua, mướp đắng... vì dễ gây ngộ độc.

Với lẩu có chứa thịt bò, tốt nhất không nên ăn kèm với rau mồng tơi vì sẽ làm mất đi tính nhuận tràng dẫn đến tiêu hóa kém. Đặc biệt, những người bị táo bón nếu ăn hai thực phẩm này với nhau sẽ khiến bệnh nặng hơn.

Những ai nên hạn chế ăn lẩu?

- Người bị đau dạ dày: Khi chế biến nước lẩu thường có các loại sa tế ớt, sả, gừng... để tăng độ hấp dẫn. Ngoài ra, trong gia vị để chấm lẩu cũng luôn có ớt và các loại gia vị. Vì vậy, đối với những người bị đau dạ dày, không nên ăn lẩu nhiều. Các gia vị cay, nóng sẽ tác động khiến dạ dày bị đau trở lại.

- Phụ nữ đang mang thai: Trong lẩu có nhiều gia vị cay nóng, không tốt cho thai nhi. Vì vậy, phụ nữ mang bầu không nên ăn lẩu quá cay.

- Những người mắc bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, mỡ máu, phong thấp nên hạn chế hoặc không nên ăn các loại lẩu nhiều đạm mỡ (lẩu hải sản, lẩu lòng...)

- Những người viêm họng mãn tính, viêm miệng, chảy máu nướu răng nên hạn chế ăn lẩu để tránh tình trạng nặng thêm.

- Những người bị dị ứng với nấm cũng nên tránh ăn lẩu có chứa nấm vì sẽ gây chóng mặt, khó thở và buồn nôn khi ăn.

Theo Gia đình & Xã hội

Xem link gốc Ẩn link gốc https://giadinh.suckhoedoisong.vn/nghi-le-ca-gia-dinh-quay-quan-an-lau-dung-nen-mac-nhung-sai-lam-nay-de-tranh-ruoc-benh-vao-nguoi-172220430100937242.htm

thói quen ăn uống

Tin tức mới nhất