Dân tình ồ ạt thế chấp tài sản, nhà đất lấy tiền đầu tư lan đột biến

Nhiều người cho hay chỉ đến khi thấy hoa nở màu tím chứ không phải màu trắng ngọc như lan đột biến, họ mới biết mình bị lừa đảo.

Người dân ồ ạt cắm sổ đỏ, tài sản... lấy tiền đầu tư lan đột biến

Thời gian gần đây, nhà nhà, người người đầu tư, mua bán lan đột biến, liên tiếp xuất hiện các vụ chuyển nhượng lên tới hàng tỷ đồng, thậm chí là chục tỷ đồng cho một kie lan đột biến (kie lan là những mầm con được phát triển từ những mắt ngủ nằm trên thân mẹ). 

Dân tình ồ ạt thế chấp tài sản, nhà đất lấy tiền đầu tư lan đột biến-1
"Cơn sốt" lan đột biến trở lại thời gian gần đây

Đặc biệt, nhiều dân chơi lan đột biến liên tiếp ghi tên mình vào giới mê xế xịn. Nhiều chủ vườn lan đột biến bất ngờ đổ xô "khoe" đã tậu xế khủng như Lamborghini, Ferrari hay McLaren khiến dân mạng vừa choáng ngợp, vừa hào hứng hơn để "ném" tiền vào đầu tư.

Ghi nhận của Dân Trí tại một số xã, huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, nhiều hộ gia đình ồ ạt cắm sổ đỏ, thế chấp đất đai, tài sản, vay nặng lãi,... để góp vốn cho một số người kinh doanh hoa lan.

Dân tình ồ ạt thế chấp tài sản, nhà đất lấy tiền đầu tư lan đột biến-2
Dân tình ồ ạt thế chấp tài sản, nhà đất lấy tiền đầu tư lan đột biến-3
Người dân ở Hòa Bình ồ ạt cầm cố tài sản để đầu tư mua giống lan đột biến

Trước tình trạng trên, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hòa Bình; UBND các huyện, thành phố; các sở, ban ngành trong tỉnh đều đã có các văn bản khuyến cáo, cảnh tỉnh người dân, cán bộ công chức, viên chức không nên tham gia vào hoạt động đầu tư, mua bán lan đột biến tránh gặp rủi ro khôn lường.

Ngân hàng Nhà nước tỉnh Hòa Bình vào cuộc

Ngay sau khi nắm bắt thông tin, người dân đổ xô đi cầm cố nhà cửa, đất đai, tài sản để đầu tư lan đột biến, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước tỉnh Hòa Bình đã có Công văn số 227/HBI-TTGSNH gửi các ngân hàng, tổ chức tín dụng (NH, TCTD) trên địa bàn về việc chấn chỉnh hoạt động cho vay các giao dịch có nguy cơ rủi ro cao.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước tỉnh Hòa Bình yêu cầu các ngân hàng, tổ chức tín dụng chỉ đạo các phòng, ban nghiệp vụ kiểm tra, rà soát các hợp đồng tín dụng của các hộ sản xuất, kinh doanh, tập trung vào địa bàn đang có phong trào trồng hoa lan và các giao dịch mua bán hoa đột biến gen. 

Khi phát hiện khách hàng vay vốn để đầu tư vào lan đột biến, nhân viên ngân hàng phải đưa ra cảnh báo rủi ro cho khách hàng. Đồng thời, ngân hàng cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay của khách hàng phát hiện kịp thời các trường hợp vi phạm cam kết Hợp đồng tín dụng, sử dụng vốn vay sai mục đích, không hiệu quả, có nguy cơ thất thoát vốn vay, áp dụng các biện pháp, chế tài xử lý phù hợp, nhằm đảm bảo an toàn vốn vay ngân hàng.

Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ, kết hợp nắm bắt thông tin từ các cơ quan chức năng để phát hiện và xử lý kịp thời đối với cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên ngân hàng liên quan đến các giao dịch mua, bán hoa lan bất bình thường nêu trên hoặc có hành vi thông đồng với các đối tượng lợi dụng mua, bán hoa đột biến gen để lừa đảo.

Nhiều gia đình mất tiền tỷ vì lan đột biến

Không chỉ riêng ở Hòa Bình, mới đây, trên MXH xôn xao thông tin chủ vườn lan H.T (ở xã Hòa Nam, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) bỏ trốn cùng khoảng 200 tỷ đồng của người mua bán hoa. Tuy nhiên, người thân của anh T. (chủ vườn lan trên) cho biết, anh T. cũng chỉ là nạn nhân, anh chỉ tạm lánh đi chứ không phải bỏ trốn.

Chia sẻ với Dân Việt, bà Lộc (mẹ anh T.) cho hay, con trai bà chỉ bán hộ lan được một người đàn ông ở Hà Nội gửi nhờ ở vườn lan nhà anh để anh chăm sóc. Anh T. chỉ được chia phần trăm nhờ công chăm sóc hoa lan đột biến và đứng ra bán hoa lan đột biến nếu có người mua.

Dân tình ồ ạt thế chấp tài sản, nhà đất lấy tiền đầu tư lan đột biến-4
Chủ vườn lan ở Hà Nội bị tố "ôm" 200 tỷ của khách bỏ trốn

Theo một số người dân sống gần với gia đình anh T. cho biết, trước đây anh này lái xe ba gác chuyên chở củi, vật liệu quanh xã. Sau đó, anh T. bán xe ba gác đi, chuyển sang buôn bán kinh doanh lan đột biến.

Thế nhưng anh T. không phải người duy nhất khốn đốn vì lan đột biến thời gian gần đây.

Anh Nguyễn Văn Sự (trú tại huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) cho biết, từ cuối tháng 10/2020, anh mua lan đột biến của các nhà vườn B. N. (ở huyện Chương Mỹ, Hà Nội), nhà vườn H. C. (ở xã Ngọc Tảo, Hoài Đức), L. B. D. (ở xã An Phước, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai), T. V. T. và T. V. Đ. (ở huyện Yên Thuỷ, Hoà Bình).

Tuy nhiên, trước tình trạng hàng loạt các thương vụ mua bán lan đột biến với tổng giá trị lên tới cả trăm tỉ đồng vừa diễn ra, nhiều người mua lan bị lừa, nhà vườn thổi giá, anh kiểm tra lại số lan vừa mua và phát hiện nhiều gốc lan sai nguồn gốc.

Ngay sau đó, anh Sự liên hệ với các nhà vườn để kiểm tra thông tin, song không thể liên lạc được. Được biết, số tiền anh mua hoa chủ yếu vay ngân hàng và huy động vốn từ người dân.

"Số lan đột biến tôi mua từ các nhà vườn này lên tới hàng chục gốc, gốc rẻ cũng từ 70 triệu - 200 triệu, gốc đẹp có giá từ 500 triệu đến cả tỉ đồng. Hiện tại, tôi bị lừa gần 10 tỉ đồng để mua hoa", anh Sự nói.

Dân tình ồ ạt thế chấp tài sản, nhà đất lấy tiền đầu tư lan đột biến-5
Nhiều người lao đao, mất tiền tỷ khi đầu tư vào lan đột biến

Anh Sự cho hay, anh phát hiện bị lừa đảo khi thấy hoa nở màu tím, không phải màu trắng ngọc như lan đột biến. Anh Sự sau đó viết đơn trình báo sự việc lên cơ quan chức năng nhưng đơn khiếu nại của anh vẫn chưa được giải quyết do không thể liên lạc được với các nhà vườn. 

Anh Sự cũng đã thông báo tới những người mua lan đột biến từ anh hãy giữ lại hoa đến khi chúng nở xem có bị sai hay không. Nếu sai, anh sẽ tìm cách khắc phục dần cho người mua. 

Chia sẻ với Doanh nghiệp & Tiếp thị, ông Nguyễn Ngọc Mẽ (Trưởng Công an huyện Hoài Đức) cho biết, khi "cơn sốt" lan đột biến rộ lên, đơn vị không chỉ tiếp nhận đơn của anh Nguyễn Văn Sự mà còn 6 - 7 đơn trình báo của các công dân khác. 

HT (tổng hợp)
Theo Vietnamnet

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vietnamnet.vn/ban-doc/cong-dong/nguoi-dan-o-at-cam-nha-dat-lay-tien-dau-tu-lan-dot-bien-n-258095.html

lan đột biến

Tin tức mới nhất