Người dân từng bất an khi sống gần chùa của 'Thích Tâm Phúc'

Nhiều người từng đến đây quay phim, ghi hình đăng mạng xã hội. Cũng có người thù ghét, đến chờ chực làm người dân bất an.

Chiều 28/7, Dân Trí có mặt tại ấp Làng Cát, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi - nơi thường trú của ông Nguyễn Minh Phúc (sinh năm 1983).

Ông Phúc là người giả danh tu sĩ Phật giáo, tự xưng pháp danh là "Thích Tâm Phúc", từng tự dựng bảng tên chùa tại nơi mình sinh sống. Những ngày gần đây, ông này gây xôn xao dư luận và chính quyền địa phương khẳng định đã từng mời ông Phúc làm việc nhiều lần, thậm chí xử phạt.

Người dân từng bất an khi sống gần chùa của Thích Tâm Phúc-1
Cổng căn nhà tình thương, nơi người tự xưng "Thích Tâm Phúc" từng đặt biển "Chùa Hoằng Pháp Trung Ương" (Ảnh: Hoàng Hướng).

Sống khép kín, nhưng ai tới vẫn tiếp đón nhiệt tình

Theo ghi nhận của phóng viên, nơi người tự xưng "đại đức Thích Tâm Phúc" giới thiệu là Chùa Hoằng Pháp Trung Ương đã đóng kín cổng. Phía bên ngoài, bảng chữ "Thầy Thích Tâm Phúc đi vắng, không tiếp khách, không mở cửa" được treo lên.

Người bên trong căn nhà này cho biết, ông Phúc đang "đi công tác". Bên trong căn nhà, khu vực trước sân vẫn còn trưng bày nhiều tượng phật, tủ trưng bày nhiều giấy tờ, cùng biển chức danh "Trụ trì chùa Hoằng Pháp Trung Ương".

Người dân từng bất an khi sống gần chùa của Thích Tâm Phúc-2
Bảng chữ "Thầy Thích Tâm Phúc đi vắng, không tiếp khách, không mở cửa" được treo trên cánh cổng (Ảnh: Hoàng Hướng).

Theo người dân sinh sống gần đó, ông Phúc đã sống cùng gia đình tại căn nhà đã hơn chục năm nay. Thường ngày, ông Phúc sống khá khép kín, chỉ ra nhà tưới cây, quét dọn ở trước cổng, ít khi trò chuyện với bà con lối xóm.

Tuy nhiên, khi người dân hiếu kỳ, tìm đến nhà ông Phúc chơi, người này vẫn đón tiếp nhiệt tình.

UBND huyện Củ Chi cho biết, nơi người tự xưng "Thích Tâm Phúc" giới thiệu là Chùa Hoằng Pháp Trung Ương thực chất là nhà tình thương tặng cho dân nghèo. Thời gian tặng là từ ngày 9/1/2003.

Đây cũng là nơi vào năm 2010, Nguyễn Minh Phúc tự ý treo bảng hiệu "Chùa Ngộ Chân Tử". 

Bất an vì Youtuber chờ chực

Anh Phi (30 tuổi, người dân tại khu vực) chia sẻ, khoảng thời gian trước, khi ông Phúc bắt đầu gây xôn xao mạng xã hội, Youtuber hàng đoàn đã kéo đến quay phim. Quán nước gần ngôi chùa "tự phong" có thời điểm đông kín khách mỗi ngày.

Bẵng đi một thời gian sau đó, lượng người tới quay phim, chụp ảnh giảm dần. Gần đây, khi hình ảnh về người đầu trọc, mặc áo nhà sư xuất hiện trên mạng xã hội, một số người lại xách điện thoại, máy móc tới đây ghi lại hình ảnh.

Người dân từng bất an khi sống gần chùa của Thích Tâm Phúc-3
Một số youtuber đến trước nhà ông Phúc quay video (Ảnh: Hoàng Hướng).

"Tôi đã nhiều lần vào nhà ông Phúc, nói chuyện với ông rất vui, tuy nhiên tôi không đồng tình việc ông Phúc mặc áo nhà sư, có nhiều phát ngôn phản cảm trên mạng xã hội. Trước đây nhà ông Phúc còn để địa chỉ trên bản đồ là Chùa Hoằng Pháp Trung Ương, địa chỉ này đã được gỡ bỏ sau đó", anh Phi cho hay.

Một cư dân khác bày tỏ bức xúc khi nhớ lại quãng thời gian bị những người hiếu kỳ về ông Phúc tới làm phiền.

Theo người này, có trường hợp vì tò mò, vì muốn có hình ảnh đăng mạng xã hội nên đến quay phim, ghi hình, nhưng cũng có người thù ghét đến tìm ông Phúc, suốt ngày chờ chực bên ngoài cửa khiến người dân bất an.

Người dân từng bất an khi sống gần chùa của Thích Tâm Phúc-4
Công an có mặt trước nhà ông Phúc đảm bảo an ninh trật tự khu vực (Ảnh: Hoàng Hướng).

"Tôi cũng xem nhiều video của ông Phúc trên mạng xã hội, thực sự không rõ ông Phúc là nhà sư thật hay giả. Tuy nhiên, việc cạo đầu, mặc đồ nhà sư, tự xưng là người của Phật Giáo thì không thể có những phát ngôn, hành động phản cảm như vậy", chị N. nói.

Hiện tại, UBND xã Tân Phú Trung đã phân công lực lượng trực tiếp theo dõi, giám sát địa bàn, tuyên truyền, giải tán các Youtuber tụ tập quay phim trước khu vực nhà ông Nguyễn Minh Phúc.

Lực lượng công an xã cũng kiểm tra, mời làm việc đối với 5 Youtuber có hành vi cố tình chụp ảnh, quay phim dù đã được nhắc nhở và yêu cầu viết cam kết không tiếp tục tái phạm.

Người dân từng bất an khi sống gần chùa của Thích Tâm Phúc-5
Người đàn ông đầu trọc, mặc áo giống nhà sư cười nói trong quán nhậu (Ảnh cắt từ clip).

Đã bị xử lý nhiều lần

Từ năm 2015 đến nay, ông Nguyễn Minh Phúc tổ chức thành lập 6 công ty tại địa chỉ trên nhằm lợi dụng danh nghĩa công ty, thường xuyên tổ chức các sự kiện vận động, quyên góp gây quỹ không đúng mục đích và tụ tập đông người. Việc này ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương.

Thời điểm tháng 1/2015, UBND huyện Củ Chi đã chỉ đạo UBND xã Tân Phú Trung đến làm việc, đề nghị ông Nguyễn Minh Phúc ngừng tổ chức ca hát, tụ tập nhiều người và phát quà cho hộ nghèo tại nhà riêng khi chưa được địa phương cho phép.

Tháng 2/2016, UBND xã Tân Phú Trung đã đến làm việc và đề nghị ông Nguyễn Minh Phúc thu hồi các thư mời, không tổ chức khai trương công ty. 

Đến tháng 12/2016, chính quyền địa phương đã mời và đến trực tiếp địa chỉ thường trú của ông Nguyễn Minh Phúc làm việc, nhưng ông đều vắng mặt không có lý do. Xã Tân Phú Trung đã họp dân và thông báo việc giả danh tu sĩ Phật giáo của Nguyễn Minh Phúc hồi cuối năm 2016.

Đến thời điểm hiện tại, toàn bộ 6 công ty mà Nguyễn Minh Phúc thành lập đã bị khóa mã số thuế.

Sau khi ông Nguyễn Minh Phúc có những phát ngôn, hành động trái với truyền thống Phật giáo Việt Nam, năm 2019, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo huyện Củ Chi có văn bản khẳng định, người xưng là "Thích Tâm Phúc" không xuất trình được giấy tờ chứng nhận thọ giới là Chứng điệp Sa Di, Chứng điệp Tỳ Kheo, Chứng nhận Tăng Ni do Ban Tăng sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp.

Cùng thời điểm này, UBND huyện Củ Chi đã phối hợp Ban Thi đua - Khen thưởng TPHCM xác minh các hình thức khen thưởng cấp Nhà nước tặng cho tập thể và cá nhân ông Nguyễn Minh Phúc. Qua đó, các cơ quan nhận thấy các bằng khen, giấy khen do ông Phúc tự khai đều không có trong hồ sơ lưu trữ.

Đến năm 2021, UBND huyện Củ Chi cũng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phối hợp, xử lý nghiêm trường hợp ông Nguyễn Minh Phúc giả danh tu sĩ, có những phát ngôn được đăng tải trên mạng xã hội gây nhiều dư luận bức xúc trong cộng đồng mạng, làm ảnh hưởng đến uy tín của Phật giáo Việt Nam.

Ngày 11/1/2022, Công an xã Tân Phú Trung đã tham mưu UBND xã ban hành Quyết định số 39/QĐ-XPHC về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự đối với ông Nguyễn Minh Phúc về hành vi "khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm, lăng mạ, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác" với hình thức phạt tiền là 2,5 triệu đồng và ông Phúc đã nộp phạt.

Ngày 9/3/2023, UBND huyện Củ Chi đã chỉ đạo Phòng Nội vụ huyện phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan và UBND xã Tân Phú Trung mời làm việc và yêu cầu ông Nguyễn Minh Phúc cam kết không phát ngôn sai sự thật, không chia sẻ những thông tin trái với quy định của pháp luật, trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam.

Theo  Dân trí

Xem link gốc Ẩn link gốc https://dantri.com.vn/xa-hoi/nguoi-dan-tung-bat-an-khi-song-gan-chua-cua-thich-tam-phuc-20230728174507095.htm?fbclid=IwAR0VCsrgqcHi6_JfvQgyh97ye3Vh8-Njo83iEoKIB7qQGcx3Fa2alI83bpw

Phật giáo đền chùa

Tin tức mới nhất