Người đồng tính - nỗi ám ảnh lòe loẹt và những cảnh nóng gợi dục

Những bộ phim như “Thưa mẹ con đi” hay “Ngôi nhà bươm bướm” đã đưa đến một hình ảnh khác về người đồng tính. Từ những vai phụ lòe loẹt, õng ẹo, gây cười họ đã đường hoàng bước lên màn ảnh, trở thành nam chính trong câu chuyện.

Từng là nhân vật phụ lòe loẹt, gây cười

Sau giai đoạn khủng hoảng cuối thập niên 1990, dòng phim thương mại của điện ảnh Việt manh nha trở lại với Gái nhảy (2003) của đạo diễn Lê Hoàng.

Đây chính là một trong những tác phẩm đầu tiên khai thác hình ảnh người đồng tính để gây cười với vai má mì do Anh Vũ thủ vai. Trong phim, nhân vật của cố diễn viên xuất hiện với tạo hình son môi đỏ chót, giọng nói chua ngoa, cử chỉ ẻo lả.

Người đồng tính - nỗi ám ảnh lòe loẹt và những cảnh nóng gợi dục-1

Như phát súng mở đầu thành công, hình ảnh các nhân vật đồng tính trong nhiều bộ phim Việt sau đó thường xuyên được xây dựng theo mô-típ đồng bóng, đanh đá, ăn mặc lòe loẹt, và mê trai lộ liễu. Họ luôn bám lấy các nam chính điển trai, nhưng cũng không quên nhìn ngắm những anh chàng “6 múi” khác lướt qua màn ảnh.

Đến Trai nhảy (2007), Lê Hoàng tiếp tục theo đuổi công thức ấy qua nhân vật của Đức Hải khi nhân vật để râu nhưng lại có sở thích tô son môi để chọc cười khán giả. Hay Dũng (Tô Lâm) trong Những nụ hôn rực rỡ (2010) cũng là dạng nhân vật câu khách theo cách kể trên. Sau khi tỏ tình thành công với thần tượng là nam ca sĩ thuộc một nhóm nhạc nổi tiếng, chuyện tình của Dũng được miêu tả theo kiểu lố lăng, đồng bóng.

Câu chuyện cứ thế diễn ra trong suốt thời gian dài, tới nỗi số đông khán giả mang quan niệm rằng cứ đồng tính thì ắt hẳn phải õng ẹo, chanh chua. Mẫu nhân vật hoặc là tình địch, hoặc là bạn thân để làm nền cho tình yêu của nam nữ chính.

Người đồng tính - nỗi ám ảnh lòe loẹt và những cảnh nóng gợi dục-2
Suốt một thời gian dài, hình ảnh người đồng tính trên phim Việt là những nhân vật đồng bóng, lòe loẹt, gây cười.

Như trong Âm mưu giày gót nhọn (2013), Danny (Don Nguyễn) làm nghề trang điểm người mẫu và giúp Thái An (Kathy Uyên) xâm nhập vào showbiz. Nhân vật cũng chính là người thường xuyên nghĩ ra đủ thứ chiêu trò để giúp cô bạn thân đánh ghen hoặc trừng phạt người yêu ngoại tình.

Thành công nhất trong việc dùng hình ảnh người đồng tính để gây cười chính là loạt phim Để Mai tính của Charlie Nguyễn. Trong phần đầu ra mắt năm 2010, Hội (Thái Hòa) được xây dựng là một thương nhân thành đạt, nhưng lại mê trai đến mức ngu muội và thường xuyên có nhiều hành động nhõng nhẽo, ưỡn ẹo.

Bộ phim thắng lớn tại phòng vé và biến Hội trở thành nhân vật chính của Để Mai tính 2 (2014). Số đông hâm mộ nhân vật của Thái Hòa tới mức giúp bộ phim thu 101,3 tỷ đồng. Từ đây, đông đảo hãng phim thi nhau làm phim đồng tính hài hước.

Tuy gặt hái doanh thu lớn là vậy, nhưng Để Mai tính 2 thực tế không phải không gặp tranh cãi. Một bộ phận cộng đồng LGBT đã chỉ trích hình ảnh của Hội không phải là đại diện cho họ và tiếp tục đem đến cho công chúng cái nhìn sai lệch về người đồng tính. Chưa kể, bản thân tác phẩm cũng bị đánh giá là có chất lượng nội dung trung bình, mải mê chọc cười khán giả mà quên đi cốt truyện chính.

Một tác phẩm khác cũng gây ra nhiều tranh cãi trong cộng đồng LGBT là Xóm trọ 3D (2017). Bộ phim tuy mang đến nhiều cảm xúc về tình người, nhưng vẫn bị lên án bởi loạt nhân vật do Minh Nhí, Anh Vũ, Xuân Nghị thủ vai. Tất cả vào vai “thế giới thứ ba”, và lại lòe loẹt, mè nheo, thích hờn dỗi.

Gắn liền với bi kịch và cảnh nóng gợi dục

Vũ Ngọc Đãng là một đạo diễn rất thích khai thác đề tài đồng tính. Tuy nhiên, các tác phẩm của anh lại gắn cộng đồng LGBT với những bi kịch và cảnh nóng. Hot boy nổi loạn (2011) và Hot boy nổi loạn 2 (2017) đều tràn ngập những cảnh quan hệ khiến người xem phải “bỏng mắt” của Lương Mạnh Hải với các bạn diễn như La Quốc Hùng, Hồ Vĩnh Khoa.

Cảm hứng hoàn hảo (2011) cũng là một tác phẩm khiến người xem nóng mắt khi nhân vật Hải và người tình đồng tính thường xuyên có nhiều cảnh khoe thân và âu yếm nhau trên giường lẫn bồn tắm một cách gợi dục. Hay Cầu vòng không sắc (2015) mang đến rất nhiều cảnh tắm và ngủ chung giữa hai mỹ nam Nguyễn Thanh Tú và Vũ Tuấn Việt.

Một số tác phẩm gắn cộng đồng LGBT với bi kịch thậm chí cho rằng đồng tính là một “căn bệnh” cần phải chữa trị hoặc tránh xa. Như trong Cảm hứng hoàn hảo, Hải (Thanh Duy) được các chị gái “chữa bệnh” bằng cách mặc đồ hở hang nhằm khơi dậy sự nam tính. Anh chàng sau đó “hết” đồng tính nhờ cú sốc vì bị người yêu phản bội. Còn Ẽo Ợt (Ngô Kiến Huy) trong Nàng men chàng bóng (2014) vốn đồng tính nhưng cuối cùng lại yêu con gái chỉ vì… được hôn.

Hầu hết chuỗi tác phẩm chọn cái kết bi kịch và chia ly. Trở lại loạt Hot boy nổi loạn, các nhân vật chính đều hành nghề mại dâm nam, sống dưới đáy xã hội. Cái kết dành cho họ thực sự đau lòng và đặt ra nhiều suy ngẫm.

Hai nhân vật trong Tao không xa mày (2017) cũng đều có gia đình đầy đủ mới có thể gặp lại nhau rồi cuối cùng lại chia xa. Mối tình chớm nở giữa Dũng (Liên Bỉnh Phát) và Linh Phụng (Isaac) trong Song Lang (2018) thì nhanh chóng tàn lụi bởi cái kết bi thương.

Người đồng tính - nỗi ám ảnh lòe loẹt và những cảnh nóng gợi dục-3
Sau những vai phụ lòe loẹt gây cười, những đồng tính nam trên màn ảnh gây "ám ảnh" cho người xem với những phân cảnh nóng gợi dục, có phần sống sượng.

Hay dàn nhân vật trong Lô tô (2017) đều gắn liền với cuộc sống tủi nhục và bi thương khi bị gia đình chối bỏ, phải mưu sinh dưới ánh đèn sân khấu lập lòe để mua vui cho người đời.

Những bước tiến nhân văn

Năm nay, Thưa mẹ con đi (2019) như giúp hình ảnh người đồng tính trên màn ảnh rộng được bước sang một trang mới, gần gũi hơn, hiện thực hơn. Cả Văn (Lãnh Thanh) và Ian (Gia Huy) trong phim đều không tô son lòe loẹt, không ưỡn ẹo ra vẻ nữ tính. Sự khác biệt có chăng chỉ đến từ chất giọng nhỏ nhẹ và tính cách có phần hiền lành, dịu dàng của Ian.

Không những thế, tình yêu của cả hai trong phim được miêu tả nhẹ nhàng, hợp lý qua các chi tiết cảm xúc vừa phải, không lố lăng hay phản cảm. Phim không có cảnh nóng thái quá để câu khách, nhưng người xem vẫn cảm nhận được sự quan tâm sâu sắc hay cảm xúc mãnh liệt của bộ đôi thông qua những cử chỉ quan tâm bình thường.

Họ cũng không cần phải đấu tranh với cô gái nào để giành lấy tình cảm của đối phương hay đôi lúc “lạc giới”. Điều duy nhất Văn phải đối mặt là trách nhiệm lấy vợ sinh con của một người cháu đích tôn. Song, anh đã xác định rõ cảm xúc của mình. Ngay cả bà nội (NSƯT Lê Thiện) và bà Hạnh (Hồng Đào) cũng không hề bắt Văn phải đi “chữa bệnh”, mà trái lại còn ủng hộ con cháu mình.

Yếu tố cảm xúc của Thưa mẹ con đi không đến từ tình yêu đồng tính, mà là mối quan hệ gia đình, từ những mâu thuẫn trong quan niệm xưa cũ của người Việt và tình cảm của giới trẻ hiện đại. Để rồi đến cuối, Văn đã có lựa chọn vượt ngoài khuôn khổ, giúp khán giả nhận ra rằng tình yêu đồng tính cũng chỉ là tình yêu đôi lứa bình thường.

Người đồng tính - nỗi ám ảnh lòe loẹt và những cảnh nóng gợi dục-4
Từ "Song Lang" đến "Thưa mẹ con đi", "Ngôi nhà bươm bướm", cách khai thác và góc nhìn của giới làm phim về người đồng tính đã có nhiều thay đổi, tinh tế và nhân văn hơn.

Sang đến Ngôi nhà bươm bướm, đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh tiếp tục thể hiện hình người đồng tính thêm phần gần gũi và hiện đại hơn. Không như Ian và Văn phải lén lút thể hiện tình cảm, dì Hân (NSƯT Thành Lộc) và ông Cường (Quang Minh) không ngại bộc lộ giới tính cũng như quan điểm cá nhân trước mặt người thân.

Cả hai có nhiều cử chỉ quan tâm, chăm sóc hệt như bất cứ cặp vợ chồng nào đã ở bên sau suốt hàng chục năm. Ở cả hai bộ phim, các nhân vật đồng tính đều có sự tiết chế rõ ràng khi không có hành động nào lố lăng hay phản cảm.

Nhưng tác phẩm của đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh lại nhỉnh hơn trong mặt diễn xuất nhờ Thành Lộc cùng hình ảnh dì Hân như một người vợ đảm đang.

Cũng đã đến lúc công chúng cởi mở hơn nhiều với “thế giới thứ ba”. Các đạo diễn, như Trịnh Đình Lê Minh và Huỳnh Tuấn Anh, đã nhìn ra điều đó. Đây chính là thời điểm điện ảnh Việt mở lòng hơn với cộng đồng LGBT và dành cái nhìn công tâm, xứng đáng cho họ.

Theo Zing


Vũ Ngọc Đãng phim đồng tính thái hòa

Tin tức mới nhất