Nguyên lãnh đạo bệnh viện Bạch Mai 'ăn dày trên lưng bệnh nhân' như thế nào?

Mặc dù hệ thống robot được nhập khẩu với giá 7,4 tỷ đồng nhưng các đối tượng đã nâng khống lên 39 tỷ đồng. Với giá sau khi nâng khống, hơn 500 ca bệnh đã phải chi trả chênh lệch 18 triệu đồng, tổng số tiền chênh lệch các đối tượng chiếm đoạt lên tới 10 tỷ đồng.

Khởi tố nguyên Giám đốc, Phó giám đốc và kế toán trưởng bệnh viện Bạch Mai

Ngày 25/9, cơ quan Cảnh sát điều tra bộ Công an đang điều tra mở rộng vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại bệnh viện Bạch Mai, Công ty Cổ phần công nghệ y tế BMS (gọi tắt là Công ty BMS) và các đơn vị có liên quan trong việc thực hiện các đề án lắp đặt máy, thiết bị y tế phục vụ khám, chữa bệnh tại bệnh viện Bạch Mai theo hình thức xã hội hóa.

Trong quá trình điều tra mở rộng, Cơ quan Cảnh sát điều tra bộ Công an đã làm rõ hành vi của một số lãnh đạo, cán bộ bệnh viện Bạch Mai đã lợi dụng cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp y tế, chủ trương xã hội hóa liên doanh, liên kết mua sắm trang thiết bị y tế phục vụ khám, chữa bệnh, vì động cơ cá nhân làm trái quy định của Nhà nước, quy định của bộ Tài chính và bộ Y tế, chấp thuận cho Công ty BMS tham gia đề án, nâng giá thiết bị lên nhiều lần, đẩy giá dịch vụ lên cao nhằm mục đích chiếm đoạt tiền của người bệnh, gây bất bình trong dư luận xã hội.

Nguyên lãnh đạo bệnh viện Bạch Mai ăn dày trên lưng bệnh nhân như thế nào?-1
Cơ quan điều tra thực hiện khám xét nhà riêng của ông Nguyễn Ngọc Hiền tối ngày 25/9. Ảnh: Tuổi Trẻ

Hành vi trên của lãnh đạo, cán bộ bệnh viện Bạch Mai đã phạm vào tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo quy định tại điều Điều 356 Bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Căn cứ kết quả điều tra và hồ sơ, tài liệu thu thập được, ngày 25/9, Cơ quan Cảnh sát điều tra bộ Công an đã ra Quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, đồng thời ra các Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm gian và Lệnh khám xét đối với: Nguyễn Quốc Anh (SN 1959 tại Nam Định, nguyên Giám đốc bệnh viện Bạch Mai; Nguyễn Ngọc Hiền (SN 1960 tại Nam Định, nguyên Phó Giám đốc bệnh viện Bạch Mai) và Trịnh Thị Thuận (SN 1974 tại Thanh Hóa, Kế toán trưởng; Trưởng phòng Tài chính kế toán bệnh viện Bạch Mai).

Về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, quy định tại Điều 356 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Cùng ngày, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã phê chuẩn các Quyết định, Lệnh nêu trên. Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra bộ Công an đang tập trung lực lượng điều tra, làm rõ hành vi phạm tội của các bị can, tiếp tục mở rộng điều tra sai phạm của các cá nhân khác có liên quan để xử lý nghiêm trước pháp luật và thu hồi tài sản.

Nguyên lãnh đạo bệnh viện Bạch Mai "ăn dày trên lưng bệnh nhân" như thế nào?

Theo báo Nông Nghiệp, bị can Nguyễn Quốc Anh, Nguyễn Ngọc Hiền và Trịnh Thị Thuận được xác định đã cấu kết với nhau để nâng khống lên nhiều lần giá trị hệ thống thiết bị y tế đưa vào hợp đồng liên doanh, liên kết với bệnh viện Bạch Mai, nhằm chiếm đoạt số tiền lớn của người bệnh.

Cụ thể, trong giai đoạn 2016 – 2017, ông Nguyễn Quốc Anh là Giám đốc bệnh viện Bạch Mai (thời điểm này ông Nguyễn Ngọc Hiền cũng giữ chức vụ Phó Giám đốc bệnh viện Bạch Mai) khi đó ký hợp đồng liên doanh liên kết với Công ty BMS về việc đặt máy robot Rosa (nhập khẩu của Pháp) tại Khoa Phẫu thuật thần kinh, sọ não.

Tuy nhiên, giá hệ thống robot là 7,4 tỷ đồng (kèm thêm cả chi phí đào tạo, chuyển giao công nghệ, ước tính khoảng 10 tỷ đồng) đã bị các bị can câu kết nâng khống lên 39 tỷ đồng, hợp thức bằng chứng thư thẩm định giá không có giá trị pháp lý.

Giá hệ thống robot là 7,4 tỷ đồng, chi phí khấu hao máy cho mỗi ca bệnh là 4 triệu đồng. Tuy nhiên, khi giá thiết bị này bị nâng khống lên 39 tỷ đồng, thì người bệnh phải chi trả 23 triệu đồng/ca, chênh lệch 18 triệu đồng.

Từ năm 2017 - 2019 có hơn 500 ca bệnh sử dụng thiết bị này, số tiền chênh lệch hưởng lợi chiếm đoạt của người bệnh là 10 tỷ đồng.

Nguyên lãnh đạo bệnh viện Bạch Mai ăn dày trên lưng bệnh nhân như thế nào?-2
Ông Nguyễn Quốc Anh (phải) và ông Nguyễn Ngọc Hiền. Ảnh: Dân Trí

Theo báo Tuổi Trẻ, trước đó theo thỏa thuận giữa 2 bên, Công ty BMS đầu tư 100% vốn khai thác theo dạng liên kết tại bệnh viên Bạch Mai trong thời hạn 7 năm (2017 - 2024). Công ty và bệnh viện thống nhất ăn chia 50 - 50 lợi nhuận sau khi trừ đi các chi phí như thuế thu nhập doanh nghiệp, lãi vay ngân hàng, bảo hiểm...

Trước đó, cơ quan Cảnh sát điều tra bộ Công an cũng xác định một số cá nhân tại Công ty BMS và Công ty cổ phần Thẩm định giá và dịch vụ tài chính Hà Nội (Công ty VFS) có thủ đoạn gian dối, câu kết hợp thức các thủ tục để nâng khống lên nhiều lần giá trị hệ thống thiết bị y tế đưa vào hợp đồng liên doanh, liên kết với bệnh viện Bạch Mai, nhằm chiếm đoạt số tiền lớn của người bệnh.

Sau đó, ngày 31/8, Cơ quan Cảnh sát điều tra bộ Công an đã khởi tố vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại bệnh viện Bạch Mai, Công ty BMS và các đơn vị có liên quan.

Đồng thời, ra các quyết định khởi tố bị can, lệnh khám xét, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Phạm Đức Tuấn (sinh năm 1979, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty BMS) và Ngô Thị Thu Huyền (sinh năm 1983, Phó Giám đốc Công ty BMS; Quyết định khởi tố bị can, lệnh khám xét, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Trần Lê Hoàng (sinh năm 1978, Thẩm định viên Công ty VFS).

Các bị can nêu trên đều bị khởi tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Hiện vụ việc đang được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ.

Theo Đời sống & Pháp luật

Xem link gốc Ẩn link gốc https://www.doisongphapluat.com/phap-luat/an-ninh-hinh-su/nguyen-lanh-dao-benh-vien-bach-mai-an-day-tren-lung-benh-nhan-nhu-the-nao-a340321.html

bệnh viện Bạch Mai

Tin tức mới nhất