Nhạc Việt xuất hiện trào lưu cố tình 'vay mượn ý tưởng', đánh mất mình để tìm sự nổi tiếng

Làng nhạc Việt thời gian qua không hiếm những MV triệu view, những bản hit gây sốt. Nhưng, nhiều nghệ sĩ không thể tận hưởng trọn vẹn niềm vui vì "đứa con tinh thần" của họ khiến dư luận dậy sóng với những tranh cãi liên quan đến nghi án "đạo nhạc, vay mượn".

Lằn ranh “đạo nhạc” và “mượn ý tưởng”

Dạo một vòng làng nhạc Việt, không khó để khán giả bắt gặp cụm từ nghi án “đạo nhạc”, đạo ý tưởng. Đáng nói, việc “vay mượn của người khác” vốn là điều cấm kỵ trong lĩnh vực luôn đặt sự sáng tạo lên hàng đầu. Ấy nhưng, nhạc Việt lại nhan nhản những câu chuyện đáng buồn xoay quanh chữ “đạo”.

Tất nhiên, chịu ảnh hưởng phong cách của một làn sóng nào đó là có thể hiểu được. Nhưng, đâu là ranh giới giữa bị ảnh hưởng và ăn cắp? Thậm chí, nhiều trường hợp giống nhau lộ liễu khiến công chúng nghi ngờ có sự cố tình nhằm gây chú ý.

Vẫn “bổn cũ soạn lại”, mới đây, ồn ào này lại nóng lên khi Hoa khôi Nam Em “nhá hàng” sáng tác mới nhất của mình – Đau vì yêu (nhạc phim Gọi tên nỗi đau). Tuy nhiên, vừa công khai, ca khúc này đã vướng ngay nghi vấn có giai điệu giống với Đừng như thói quen của Dương Khắc Linh – Jaykii. Thậm chí, nhiều khán giả nhận xét, phần điệp khúc của hai bài hát có sự tương đồng đến 90%.

Trước nghi án “vay mượn ý tưởng”, chính Nam Em đã thẳng thắn thừa nhận: “Đúng là tôi nghe bài của anh Dương Khắc Linh xong mới sáng tác ca khúc này”. Tuy nhiên, cô khẳng định, mình chỉ ảnh hưởng chứ không hề đạo nhạc.

Nhạc Việt xuất hiện trào lưu cố tình vay mượn ý tưởng, đánh mất mình để tìm sự nổi tiếng-1
Nam Em vừa ra mắt MV "Đau vì yêu".

Trước đó, chính ca khúc Đừng như thói quen của Dương Khắc – Jaykii cũng vướng nghi vấn “đạo” ca khúc Đã biết sẽ có ngày hôm qua do Trịnh Thăng Bình sáng tác cách đây 8 năm. Khi ấy, nhạc sĩ Dương Khắc Linh lên tiếng cho rằng, những ca khúc ballad có vòng hòa âm như vậy rất dễ giống nhau ở giai điệu. "Quan trọng là lời khác, cách hát khác, người khác hát là đã thành một bài mới", anh nói. Tuy nhiên, phát ngôn này của nhạc sĩ không được khán giả đồng tình và gây tranh cãi.

Còn nhớ dư luận từng nổi sóng khi bản hit Đâu chỉ riêng em bị cho là “vay mượn” ca khúc nhạc hoa Tình lay động nhói đau. Ngày ấy, người ta có những cuộc tranh cãi nảy lửa về những điểm giống nhau khó hiểu của 2 ca khúc này. Trước những khúc mắc, “cỗ máy tạo hit” Khắc Hưng lý giải, đó chỉ là sự “trùng hợp ngẫu nhiên”. Tuy nhiên, khán giả vẫn đặt nghi vấn, vì không tin có sự trùng hợp kỳ lạ đến vậy.

Nhiều gương mặt đình đám khác của làng nhạc Việt như: Sơn Tùng M-TP, Bảo Thy, Đông Nhi, Tóc Tiên,... cũng từng chao đảo vì có phong cách giống ca sĩ nọ hay sản phẩm giống của người kia. Tuy nhiên, có một mô-típ dễ nhận ra, mỗi khi bị vướng nghi án này, người trong cuộc hoặc im lặng hoặc cho rằng, đó là trùng hợp ngẫu nhiên, hoặc lập lờ kiểu ảnh hưởng chứ không hề đạo nhái khiến câu chuyện “khổ lắm, nói mãi” trở thành căn bệnh khó chữa. Rồi, cuối cùng, tất cả vẫn chỉ nằm trong vòng luẩn quẩn: nghi án.

Dưới góc độ của nhạc sĩ Dương Khắc Linh, nhạc giống nhau là chuyện bình thường, điều cần làm rõ là giống ở mức độ nào, có thể chấp nhận được hay không. Lằn ranh giữa đạo nhạc và ảnh hưởng là điều cực kỳ khó đối với một người theo đuổi âm nhạc. Nhưng, đã là người làm nghề nghiêm túc, chẳng ai dại gì dính vào những ồn ào này.

“Bản thân tôi cũng từng rất ức chế khi vướng phải nghi án này. Nếu trường hợp cố tình 'đạo' chất xám, ý tưởng của người khác thì khi bị phát hiện, mình phải chấp nhận trả giá, xin lỗi. Nhưng khi đã quyết tâm làm nghề nghiêm túc mà vẫn vô tình vướng phải ồn ào không hay thì cảm thấy rất buồn. Với tôi, đây là một bài học kinh nghiệm để đời cho quãng thời gian làm nghề sau này”, nhạc sĩ Dương Khắc Linh chia sẻ.

Nhạc Việt xuất hiện trào lưu cố tình vay mượn ý tưởng, đánh mất mình để tìm sự nổi tiếng-2
Nhạc sĩ Dương Khắc Linh ức chế khi vướng phải lùm xùm đạo nhạc.

Với những người theo đuổi sự nghiệp sáng tạo, một khi đã tự tin vào khả năng tư duy, ý tưởng của mình, họ sẽ không bao giờ cho phép sản phẩm của bản thân giống với bất cứ sản phẩm nào khác, dù hay tới cỡ nào. Đó là lòng tự tôn, tự trọng của người làm nghệ thuật.

Bản thân nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung từ khi sáng tác, anh chấp nhận hy sinh sở thích nghe nhạc Việt, nhạc nước ngoài vì sợ rằng sẽ bị “dớp”, ám ảnh giai điệu đó vào đầu rồi vô tình sáng tác giống. “Bởi người nhạc sĩ vốn rất nhạy cảm với giai điệu và có khả năng ghi nhớ rất nhanh, nên khó tránh khỏi được sự đồng điệu hay trùng hợp ngẫu nhiên”, tác giả Nhật ký của mẹ nói.

Nghịch lý càng “đạo” càng nổi tiếng

Đã có nhiều năm trong nghề, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung thẳng thắn nhìn nhận, âm nhạc hiện nay trong showbiz Việt phần đa là cố tình “vay mượn” ý tưởng. “Không ít nghệ sĩ trẻ hiện nay đang bị cuốn theo xu hướng, trào lưu. Thấy bài hát hay dòng nhạc nào đó hay thì sẽ sáng tác một bài hát gần giống với bản gốc. Bởi, đó là cách nhanh nhất để thu được lợi nhuận, chạm tới sự nổi tiếng. Tuy nhiên, khả năng của bản thân lại có hạn, và trong một giây phút nào đó, họ đã tham lam, lười tư duy, sáng tạo nên lấy luôn giai điệu và viết thành bài mới của mình”, nam nhạc sĩ cho hay.

Nghịch lý ở chỗ, càng vướng nghi án, nghệ sĩ và sản phẩm đó lại càng nổi như cồn. Có lẽ, ví dụ điển hình nhất cho trường hợp này là ca sĩ S.Tg. Hầu hết các sáng tác của anh đều vường nghi án “đạo nhạc” vì có phần giai điệu giống với nhiều ca khúc quốc tế. Không chỉ âm nhạc mà hình ảnh, phong cách thời trang của anh ta cũng bị đánh giá là na ná giống một ca sĩ nước ngoài.

Những lùm xùm xung quanh chuyện đạo nhái khiến S.Tg phủ sóng truyền thông và trở thành cái tên hot. Sau nhiều lần “tố” đạo nhái, nam ca sĩ này ngày càng đắt show, sức hút từ sản phẩm của anh cũng tăng vọt đến kinh ngạc.

Thực tế, làng nhạc Việt thời gian qua không hiếm những câu chuyện cố tình “đạo nhạc” để tìm kiếm sự nổi tiếng. Không cần biết đó là nổi tiếng, hay tai tiếng, điều họ muốn là khán giả biết đến mình nhiều hơn. Dư luận cứ mặc sức chỉ trích, họ vẫn có danh vọng và tiền bạc, cát-xê tăng chóng mặt, liên tục ra sản phẩm mới, “đắt show”.

Có vẻ như với nhiều bạn trẻ hiện nay, scandal không còn là “nỗi hổ thẹn” mà là bước đệm nhanh nhất để họ chạm tới sự nổi tiếng. Tất nhiên ai cũng có quyền theo đuổi con đường riêng, nhưng nếu cố tình “đạo nhạc” để nổi tiếng thì họ đã vi phạm đạo đức nghề nghiệp và sớm muộn gì cũng phải trả giá cho hành vi sai trái ấy!

Theo Đời sống & Pháp luật

 


đạo nhạc nhạc Việt

Tin tức mới nhất