Những cú lừa ngoạn mục "khuynh đảo" cả thế giới

Tin tức giả nở rộ trên mạng, đặc biệt là mạng xã hội, trong năm 2015 nhiều hơn bất cứ năm nào khác, từ chuyện nghiêm trọng như Ả Rập Saudi dùng xe ủi dọn thi thể bị giẫm đạp ở Mecca.

Iran - Ả Rập Saudi căng thẳng vì ảnh giả

Trước khi hục hặc vì vụ Ả Rập Saudi xử tử một giáo sĩ dòng Shiite nổi tiếng đầu năm 2016, Iran một phen “lên máu” trước hình ảnh xe ủi dọn thi thể nạn nhân ở Ả Rập Saudi lan truyền trên mạng xã hội Facebook và Twitter.

 Tấm ảnh bị đồn thổi rằng Ả Rập Saudi dọn dẹp thi thể người hành hương. Ảnh: France24

Tấm ảnh bị đồn thổi rằng Ả Rập Saudi "dọn dẹp" thi thể người hành hương. Ảnh: France24

Vụ việc xảy ra vài tuần sau thảm kịch giẫm đạp gần thánh địa Mecca làm chết hơn 2.400 người hồi tháng 9-2015. Riêng Iran có hơn 400 người thiệt mạng trong vụ này.

Người ta thi nhau chì chiết, một số thậm chí gọi chính quyền Ả Rập Saudi là “quỷ Satan” cho đến khi một người dùng Twitter ở Ả Rập Saudi lật tẩy số ảnh trên có từ năm 2004 và xe ủi có vẻ dọn đất đá hơn là xác người.

Trước khi sự thật được phơi bày, truyền thông Ả Rập Saudi và Iran đã tổng công kích lẫn nhau.

Bị báo chí Iran liên tục xỉ vả, truyền thông Ả Rập Saudi trả đũa bằng cách đăng tải hình ảnh một vụ sập cần cẩu ở Tehran và chỉ trích chính quyền đối phương gây áp lực khóa miệng báo giới.

Tuy nhiên, sự thật tiếp tục được phanh phui, số ảnh trên chụp tai nạn cần cẩu hồi tháng 6-2013 và tháng 6-2014. Phát hiện ra điều mờ ám này lại một cư dân mạng Twitter người Ả Rập Saudi khác.

Những kẻ khủng bố “dỏm” ở Paris

Vụ khủng bố liên hoàn ở thủ đô Paris – Pháp hôm 13-11-2015 khủng khiếp bao nhiêu thì tình trạng nhiễu thông tin kéo theo hỗn loạn bấy nhiêu.

Một tờ báo Bỉ “nhanh nhảu đoảng” lấy hình của một cư dân Brussels vô can gán cho Brahim Abdeslam, một trong những kẻ đánh bom tự sát.

Nạn nhân của sự nhầm lẫn tai hại này vội vã đăng một đoạn video lên Facebook để lấy lại danh dự.

 Anh Brahim Ouanda (khoanh đỏ) bỗng dưng thành kẻ đánh bom tự sát. Ảnh: Facebook

Anh Brahim Ouanda (khoanh đỏ) bỗng dưng thành kẻ đánh bom tự sát. Ảnh: Facebook

Một nạn nhân khác là một phụ nữ ở tận Morocco. Hôm 19-11, cô sửng sốt nhìn thấy tấm hình đang nằm trong bồn tắm của mình chễm chệ trên trang bìa tờ Daily Mail (Anh) nhưng với cái tên Hasna Aït Boulahcen, một nữ đồng bọn của Abdelhamid Abaaoud - kẻ bị tình nghi là chủ mưu vụ khủng bố Paris.

Boulahcen bị giết khi cảnh sát đột kích một căn hộ ở Saint-Denis, ngoại ô Paris.

Cũng như anh chàng người Bỉ kể trên, cô gái Morocco phải tự quay video “lấy lại tên” cho mình, trong đó giải thích một người bạn cũ đã đem hình cô bán cho nhà báo.

 Cô gái Morocco bị báo Daily Mail (Anh) nhận nhầm là nữ đồng phạm trong vụ khủng bố Paris. Ảnh: France24

Cô gái Morocco bị báo Daily Mail (Anh) nhận nhầm là nữ đồng phạm trong vụ khủng bố Paris. Ảnh: France24

Ngoài những vấn đề nghiêm trọng, trên mạng còn đầy rẫy những hình ảnh và video “nhầm lẫn” tai hại trong năm 2015, đa phần liên quan đến những sự kiện nóng gây chấn động.

Bức ảnh ám ảnh “trong động đất Nepal”

Ngay sau trận động đất kinh hồn làm gần 9.000 người chết ở Nepal hồi tháng 4-2015, có một tấm hình được chia sẻ với tốc độ chóng mặt.

Trên Facebook và Twitter, tấm ảnh này lan truyền với chú thích “một cậu bé 4 tuổi bảo vệ em gái 2 tuổi ở Nepal”, kèm theo những lời kêu gọi cứu trợ.

 Tấm ảnh chụp ở Việt Nam bị nhầm sang Nepal. Ảnh: Na Son Nguyen

Tấm ảnh chụp ở Việt Nam bị nhầm sang Nepal. Ảnh: Na Son Nguyen

Tấm ảnh là thật nhưng nó chẳng hề liên quan đến thảm kịch Nepal. Thực ra, nó được nhiếp ảnh gia người Việt Nam Na Sơn chụp ở một ngôi làng vùng núi nước này từ năm 2007.

“Đây có lẽ là tấm hình được chia sẻ nhiều nhất của tôi nhưng không may đã bị nhầm lẫn bối cảnh” – ông Sơn nói.

Cùng với tấm ảnh trên, một đoạn video quay cảnh hồ bơi rung lắc cũng xuất hiện trên YouTube và Twitter với chú thích “do máy quay an ninh quay lại ở một hồ bơi trong khách sạn tại Kathmandu (thủ đô Nepal)”.

Thế nhưng, cư dân mạng lật tẩy đoạn video này có thể tồn tại từ năm 2010 và quay trong một trận động đất ở Mexico. “Cứ mỗi lần có động đất mạnh là đoạn video lại bị lôi ra” – một người dùng YouTube nói rõ.

Người chồng cưa đôi tất cả

Một ông chồng người Đức sau khi ly dị đã cưa toàn bộ tài sản của mình làm đôi và đem rao bán. Câu chuyện này có mặt trên rất nhiều tờ báo hồi tháng 6, làm người ta tin sái cổ và lấy làm đề tài lúc trà dư tửu hậu.

 Hình ảnh tài sản chia đôi trong đoạn video trên YouTube

Hình ảnh tài sản chia đôi trong đoạn video trên YouTube

Theo đài BBC, mẩu rao bán trên trang eBay nhưng câu chuyện – thông qua đoạn video trên YouTube - chỉ là sản phẩm tiếp thị của Hiệp hội Quán bar Đức.

Phải tới khi đoạn video có khoảng 4,5 triệu lượt xem, hiệp hội trên mới thừa nhận đã dựng chuyện để gây chú ý.

Nhà ga tồn tại vì 1 hành khách

Đầu tháng 1 năm nay, mạng xã hội Nhật Bản và Trung Quốc sôi lên vì câu chuyện về nhà ga Kami-Shirataki hẻo lánh ở Hokkaido – Nhật Bản.

Theo những chia sẻ trên mạng, ngành đường sắt Nhật muốn đóng cửa Kami-Shirataki từ 3 năm trước nhưng đã đổi ý khi phát hiện ra vẫn còn 1 cô bé ngày ngày đến trường từ nhà ga này.

Nhà chức trách quyết định cho nhà ga tồn tại đến ngày 26-3 tới, tức ngày cô bé tốt nghiệp trung học.

 Trang Facebook của CCTV đăng tải câu chuyện về nhà ga Nhật Bản với sự tán thưởng nồng nghiệt của cư dân mạng. Ảnh: CCTVNEWS/FACEBOOK

Trang Facebook của CCTV đăng tải câu chuyện về nhà ga Nhật Bản với sự tán thưởng nồng nghiệt của cư dân mạng. Ảnh: CCTVNEWS/FACEBOOK

“Mỗi ngày, chỉ có 2 chuyến tàu dừng lại ở ga Kami-Shirataki vào giờ giấc cố định để đưa cô bé đến trường và về nhà” – Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) đưa tin.

Câu chuyện được chia sẻ hàng chục ngàn lần kèm theo sự ngưỡng mộ tràn trề của cư dân mạng, xem đây là hành động hết sức nhân văn.

Tuy nhiên, báo Apple Daily của Đài Loan cất công tìm hiểu và phát hiện thực tế đã bị lãng mạn hóa.

Theo tờ báo, đúng là cô bé trong câu chuyện bắt tàu đi học hàng ngày nhưng em đi từ ga Kyu-Shirataki chứ không phải Kami-Shirataki. Thêm vào đó, em đi cùng 10 bạn học khác.

Apple Daily cũng cho biết Nhật Bản định đóng cửa 3 nhà ga Kami-Shirataki, Kyu-Shirataki và Shimo-Shirataki vào tháng 3-2016 nhưng lý do là có ít người sử dụng chứ không liên quan tới chuyện tốt nghiệp của nữ sinh nọ.

                                                                                                                 Theo Người lao động


Tin tức mới nhất