Những nét đặc trưng “không thể lẫn vào đâu được” của phim Ấn

(2Sao) – Các motif quen thuộc, những tình tiết vô lý và slow-motion là các nét đặc trưng của phim Ấn.

Phim Ấn Độ đã và đang là món ăn tinh thần của nhiều gia đình Việt vào mỗi tối, khi các nhà đài đua nhau nhập phim Ấn về chiếu trên màn ảnh nhỏ. Phí bản quyền thấp, số tập dài, nội dung gần gũi với về đời sống gia đình, phim Ấn Độ dễ dàng thu hút khán giả Việt quan tâm và theo dõi. Cũng như phim các nước khác, phim Ấn luôn có những đặc trưng nhất định mang phong cách của nước này. Hãy cùng 2Sao điểm qua những điểm làm nên thương hiệu phim Ấn:

Phim Ấn Độ dần trở nên quen thuộc với khán giả Việt


Các Motif quen thuộc của phim Ấn

Đa số phim Ấn Độ đều có những motif quen thuộc. Motif thứ nhất là nữ chính nhà nghèo sẽ về làm dâu cho gia đình giàu có. Với tấm lòng lương thiện, dù bị gia đình chồng ức hiếp, cô cũng không để tâm mà ngược lại sẽ luôn vâng lời và giúp đỡ họ. Để rồi sau khi trải qua nhiều sóng gió, gia đình chồng đã nhận ra rằng nữ chính có trái tim nhân hậu và bắt đầu yêu mến, bảo vệ cô. Nhân vật nữ chính càng về sau càng mạnh mẽ và kiên cường hơn. Tấm lòng của cô đã được nhà chồng thấu hiểu, chồng cô từ người bị ép kết hôn nay cũng dần có tình cảm. “Cô dâu 8 tuổi”, “Âm mưu và tình yêu” là những phim điển hình cho motif dạng Lọ Lem vào nhà Hoàng Tử như thế này.

“Cô dâu 8 tuổi” thu hút các bà nội trợ vì sự chịu thương chịu khó của Anandi.


Motif thứ hai là chuyện kết hôn giả qua hợp đồng hôn nhân. Nữ chính vì một chuyện gì đó mà buộc phải kết hôn với oan gia, mà ở đây là nam chính. Hợp đồng hôn nhân đượ lập ra, cả hai về sống chung nhưng không có tình cảm. Dần dần, cả hai đã cảm mến nhau và bí mật về cuộc hôn nhân kỳ lạ này có nguy cơ bị bại lộ… Với motif này thường là các phim có nội dung nhẹ nhàng hơn, khán giả xem cũng không có cảm giác ức chế nhiều như motif Lọ Lem ở trên. Các phim điển hình cho motif kết hôn giả là “Mối tình kỳ lạ”, “Hạnh phúc muộn màng”.

“Mối tình kỳ lạ” lại có motif hôn nhân giả khá thú vị .


Sự lạm dụng “Slow motion” liên tục

Nhắc đến phim Ấn Độ thì khán giả thường sẽ nghĩ ngay tới “Slow-motion”. Khái niệm “Slow motion” ám chỉ việc quay chậm các cử động của diễn viên, thường đượ dùng trong phim hành động để khán giả có thể thưởng thức các màn võ thuật một cách rõ nét hơn. Trong phim Ấn Độ hay các gameshow truyền hình, khái niệm “Slow-motion” lại mang một ý nghĩa khác. Đó là quay cận cảnh các diên viên, các ban giám khảo, các thí sinh… để thấy rõ thái độ, cảm xúc của họ khi một sự việc bất ngờ xảy ra hay khi phải đưa ra quyết định nào đó.

“Cô dâu 8 tuổi” bị phàn nàn về slow-motion khá nhiều.


Tuy nhiên, việc quá lạm dụng slow-motion trong phim truyền hình Ấn đã khiến khán giả Việt Nam ngán ngẩm. Điển hình như phim “Cô dâu 8 tuổi”, cứ khoảng 2-3 phút là lại slow-motion một lần. Anandi vừa nói xong thì slow-motion toàn bộ các nhân vật có trong khung cảnh. Rồi khi Jagdish tiếp lời thì slow-motion tiếp tục. Có thể dụng ý của các nhà làm phim Ấn là muốn khán giả được thấy các biểu cảm khác nhau của mỗi nhân vật, qua đó thấy được tính cách  các nhân vật thế nào. Song việc quá lạm dụng slow-motion đã khiến nhịp phim chậm hẳn khi mất quá nhiều thời gian cho việc này. Khán giả cần là theo dõi nội dung phim, chứ không cần phải coi nét mặt của các diễn viên được chiếu cận cảnh và liên tục như vậy.

“Âm mưu và tình yêu” được yêu thích vì có lượng slow-motion khá ít

Những chi tiết vô lý đến khó tin

Các phim truyền hình Ấn đều làm theo thể loại phim dài tập kéo dài nhiều năm soap-opera, vì vậy việc những tình tiết rất vô lý đến khó tin xuất hiện dày đặc là chuyện xảy ra như cơm bữa. Như trong “Âm mưu và tình yêu”, nữ chính Gupi bị vu oan từ lần này tới lần khác mà vẫn may mắn thoát nạn đã làm khán giả bội phục. Bởi cô quá may mắn tới khó hiểu, còn phe phản diện thì lập kế hoạch hãm hại cô mà luôn gặp sai sót. Có thể nói Gupi còn gặp may hơn Lọ Lem hay Tấm, khi lần lượt thoát khỏi những âm mưu mà bản thân cô còn… không biết bị ai hại.


Gupi trong “Âm mưu và tình yêu” may mắn thoát nạn một cách vô lý và khó hiểu

Càng nhiều chi tiết càng vô lý càng thu hút các bà nội trợ theo dõi, nhưng nhìn tổng thể phim thì lại không có sự liên kết nào cả. Càng nhiều phim Ấn Độ chiếu, càng thấy nhiều tình tiết vô lý đến ngỡ ngàng. Dù rằng đây là những tình tiết đặc trưng làm nên thương hiệu phim Ấn thì cũng không nên lạm dụng một cách dày đặc như thế. Nên không lạ khi nhiều fan phim Ấn ở Việt Nam đã dần không coi phim Ấn nữa vì nội dung na ná nhau, không có sức hấp dẫn nào khác ngoài những tình tiết phi lý, nội dung xoay đi xoay lại chỉ có bấy nhiêu.

Nhân Sư
Theo Vietnamnet




Tin tức mới nhất