Những suy nghĩ sai lầm của người Việt khi đốt vàng mã

Theo sư thầy Thích Tịnh Giác, bản chất của việc đốt vàng mã không phải là xấu, nhưng nếu lạm dụng quá thì lại trở thành không tốt.

Đốt vàng mã là một nét văn hóa tâm linh có từ ngàn xưa, tuy nhiên đến ngày nay, tập tục này ngày càng trở nên "méo mó". Người ta quan niệm, càng đốt nhiều vàng mã thì người dưới âm càng giàu có, thì họ càng được phù hộ nhiều hơn. Tuy nhiên, quan niệm này là không đúng.

Theo sư thầy Thích Tịnh Giác, bản chất của việc đốt vàng mã không phải là xấu, không phải mê tín, nhưng nếu đốt mà không hiểu thì vô tình người Việt đang mắc phải 6 tội lỗi, trong đó lớn nhất là tội làm mất đi tính dân tộc, lừa gạt chính mình và làm tổn thương lòng từ bi.

Mô tả ảnh.
Ảnh minh họa

Dưới đây là 6 điều sai khi lạm dụng việc đốt vàng mã

Thứ nhất: Mất đi tính dân tộc của người Việt Nam

Vàng mã và hình nhân thế mạng không phải xuất phát từ Việt Nam mà xuất phát từ Trung Quốc. Cách đây mấy nghìn năm, chúng ta nằm ở phương Bắc, chịu ảnh hưởng của nền văn hóa này. Thời xưa, tại Trung Quốc có những hủ tục tin vào thần quyền, tin vào thần linh, tin vào sự huyền bí. Con người thời buổi đó chưa được văn minh, chưa phát triển nên họ nhìn bóng đèn điện cũng cho rằng ma quỷ.

Đốt vàng mã với ý nghĩa để cho người đã chết được tiêu dùng thì lại càng sai, và khi đó, đốt vàng mã trở thành mê tín. Khiến cho nền văn hóa Việt Nam bị mai một, bị đô hộ văn hóa.

Thứ hai: Sự mâu thuẫn trong tâm tư của con người

Khi người thân mất đi, ai cũng cầu mong họ sẽ được về một thế giới an lạc, một thế giới tươi đẹp chứ không ai mong muốn người thân chết đi lại phải xuống âm phủ. Thế nhưng khi người Việt đốt vàng mã thì lại có ý nghĩ rằng đốt cho người thân ở dưới âm phủ có cái mà dùng. Đó chính là một sự mâu thuẫn lớn trong tư tưởng. Tâm thì muốn người thân đi về cõi trên, nhưng hành động thì lại thể hiện là người thân đó bị đày xuống địa ngục làm trâu làm ngựa, làm ma quỷ để nhận những thứ được đốt, tức là người đó sẽ không được siêu thoát.

Thứ ba: Lừa gạt chính mình

Nhiều người cúng cả triệu nhưng lại không dám cầm 1 triệu đó ra để đốt, mà phải tốn thêm cả 100 nghìn mua vàng mã, tức là quy đổi tiền thật thành tiền giả, đồ dùng giả sau đó mới mang về đốt để lừa dối chính mình. Như vậy, chúng ta như đang sống có xác mà không có hồn, không có sự tỉnh thức, còn gây lãng phí vô cùng lớn cho xã hội.

Thứ tư: Đốt giấy tiền vàng bạc để được phù hộ

Thay vì đóng góp tiền để giúp đỡ những người khổ hạnh, vượt qua bệnh tật thì họ lại dùng tiền để mua vàng mã đốt cho một thế lực siêu hình, cầu mong được bình an, được nhiều sức khỏe. Nhưng chẳng ai biết rằng có sức khỏe hay không, có gặp nhiều may mắn hay không là chính bản thân mình, chứ không phải do ai cho cả.

Thứ năm: Tin tưởng vô căn cứ

Chúng ta đang tin tưởng một cách vô căn cứ những điều mà chúng ta đang làm. Việt Nam đồng không phải là tiền tệ phổ biến thế giới, và khi giao dịch với các nước khác, đồng tiền của chúng ta phải được bảo chứng, phải thông qua ngân hàng để đổi sang tiền USD, tiền của Lào, của Thái Lan, của Campuchia.... để giao dịch. Vậy với loại tiền vàng mã mà chúng ta đang đốt, ai sẽ là người bảo chứng cho chúng ta là sẽ dùng được ở dưới âm phủ? Ngân hàng nào sẽ đứng ra quy đổi cho chúng ta? Cho nên đây là điều không hợp lý và chúng ta cần phải xem lại xem tinh thần của mình liệu có đang ổn định?" - Thầy Tịnh Giác nói.

Thứ sáu: Đốt vàng mã là một tập tục dân gian, không thể nào bỏ được

Nếu mọi người tin vào thế giới tâm linh, tin rằng không sát sanh sẽ tích đức thì mọi người nên biết giấy tiền vàng bạc đều được làm từ cây cối mà ra. Hằng năm có biết bao nhiêu cây cối phải đổ xuống để làm vàng mã cho mọi người đốt.

Mọi người cho rằng đó là một tập tục khó bỏ, nếu không đốt nữa thì sẽ không được phù hộ, bảo vệ. Thế cả đời này mọi người mong chờ vào một thế lực siêu hình bảo vệ mình hay sao?

                                                                                                                        Theo Khỏe & Đẹp


Tin tức mới nhất