Nỗi ám ảnh bị trao nhầm con của mẹ Việt 'vượt cạn' tại Philippines

Chị Thúy Nguyễn dặn đi dặn lại chồng nhớ lấy đặc điểm nhận dạng của con khi được bác sĩ cho gặp bé.

Cách đây một tháng, chị Thúy Nguyễn sinh con tại một bệnh viện tư tại thành phố San Pablo, sau gần hai năm kết hôn cùng người chồng Philippines. Con trai Liam của chị chào đời nặng 3,1 kg. Nỗi sợ hãi lớn nhất trong chị khi đi đẻ là bị trao nhầm con. Chị mang tâm lý lo sợ từ bộ phim Hàn Quốc "Trái tim mùa thu" nên dặn đi dặn lại chồng, lúc người ta cho xem con, hãy nhớ lấy đặc điểm nhận dạng.

"Đến giờ tôi vẫn còn ám ảnh sau khi đọc được tin về vụ nhầm con tại nhà hộ sinh ở Việt Nam. Liam không có vết bớt nào nhưng tôi thấy bé được mặc quần áo bố mẹ mang sẵn, hơn nữa hôm đó chỉ có một ca sinh bé gái nữa nên không thể nhầm. Tôi thở phào nhẹ nhõm", chị Thúy kể.

Theo chị Thúy, nhân viên y tế ở bệnh viện có vòng đeo cho mẹ và con. Sau khi ra đời và được y tá vệ sinh sạch sẽ, bé được mặc quần áo do bố mẹ chuẩn bị sẵn. Ngoài ra, nhân viên y tế cũng chụp nhiều ảnh bé giúp gia đình làm kỷ niệm và in dấu chân con. Bệnh viện cũng làm giấy khai sinh luôn cho bé.

"Bên này không có khái niệm nhầm con nên khi tôi bày tỏ sự lo lắng, các bác sĩ đã rất buồn cười. Tôi thì hãi vụ nhầm lắm", chị Thúy kể.

Trước hôm sinh, chị gọi điện về nhà nhờ người thân xem giờ và chọn ngày hoàng đạo. Ban đầu, vợ chồng chị chọn tên con là Alex nhưng nhà nội không thích nên đổi lại thành Liam cho dễ gọi. Chị Thúy cho hay bệnh viện trữ sữa mẹ để em bé ăn trong ngày đầu ở phòng sơ sinh. Sinh mổ nên chị chưa có sữa luôn mà phải nhờ nguồn sữa mẹ ở viện. Sau khi trả con về với mẹ, bé sẽ không ăn sữa của bệnh viện nữa. Tuy nhiên do sữa mẹ chưa về nên chị Thúy xin thêm. "Bệnh viện tuyệt đối không cho dùng sữa công thức", chị Thúy nói.

Ấn tượng lớn nhất của chị khi sinh tại bệnh viện Philippines là sự chu đáo, nhiệt tình và mọi thứ đều sạch sẽ. Sản phụ có thể lựa chọn cơ sở y tế công hay tư để vượt cạn. Chị tiết lộ chi phí sinh ở bệnh viện công "siêu rẻ", chỉ 1,5 triệu đồng, còn bệnh viện tư là 9 triệu đồng. Ca sinh mổ tại bệnh viện tư của chị Thúy hết gần 50 triệu đồng. Chịu đau kém và có tuổi nên chị mổ cho chủ động. Bác sĩ mổ là người theo dõi thai kỳ cho chị.

Cuộc sống của vợ chồng chị thay đổi hoàn toàn từ khi có em bé. Không nhờ mẹ đẻ ở Việt Nam qua chăm sóc, chị và chồng tự xoay sở tuy mệt và căng thẳng. Sau sinh, chị kiêng tắm vài ngày rồi tự cơm nước, tắm giặt cho con và làm mọi việc.

noi-am-anh-bi-trao-nham-con-cua-me-viet-vuot-can-tai-philippines
Bé Liam là con đầu lòng của chị Thúy.

Dưới đây là Nhật ký đi đẻ tại bệnh viện Philippines của chị Thúy:

Vậy là đã tròn một tháng kể từ ngày em ra đời. Hôm nay mẹ mới ngồi máy tính để gõ cho em những dòng này, trong khi em đang chổng mông say sưa ngủ. Để mẹ kể chuyện em ra đời như thế nào nhé!

17/2

Từ đêm hôm trước, mẹ ngoan ngoãn làm theo lời bác sĩ dặn là không ăn uống bất cứ thứ gì, kể cả nước lọc sau 23h. Quả là một thử thách khó khăn vì bình thường trong lúc bầu bí mẹ đã tu hết một lít nước trong đêm. Không ăn chịu được chứ không uống thì đúng là cực hình.

7h sáng, bà nội đến hộ tống bố mẹ đến bệnh viện, may là bệnh viện ngay gần nhà. Mẹ chọn mổ lúc 11h sáng là giờ hoàng đạo và bác sĩ dặn 7h có mặt ở bệnh viện. Bố vừa trình bày với tiếp tân xong là người ta đưa mẹ luôn vào một phòng gần đó, kêu mẹ trèo lên cân rồi nằm lên giường đo huyết áp, thử phản ứng với kháng sinh, cắm truyền. Thậm chí cô y tá còn tẩy sạch cả màu sơn móng tay mà mẹ cất công bôi suốt từ hôm qua đến sáng nay. Cô ấy nói lý do là phải để móng thật để bác sĩ theo dõi tình hình sức khỏe của mẹ qua màu móng trong quá trình phẫu thuật. Nghe cũng ghê răng phết!

Mọi chuyện diễn ra rất nhanh trong khi bố và bà nội làm thủ tục bên ngoài. Người ta để mẹ nằm lên giường rồi đẩy lên một căn phòng ở tầng khác. Căn phòng tràn ngập màu hồng, từ ga trải giường đến rèm hoa hồng, hoàn toàn yên lặng và vắng vẻ, chỉ duy nhất cô y tá ở đó. Cô ấy đưa mẹ một chiếc váy bệnh nhân cũng màu hồng và giúp mẹ thay đồ, rồi lấy máy đo nhịp tim của Liam. Sau đó, cô ra bàn giấy ngồi nghịch điện thoại, còn mẹ nằm chơi với ống truyền nhỏ từng giọt, từng giọt. Bố và bà nội ngồi bên ngoài, không được phép vào. Thi thoảng, y tá mở ô cửa lửng treo rèm hồng gọi bố lại, lúc bảo bố đưa quần áo của Liam, lúc kêu bố chuẩn bị nọ kia. Tranh thủ những lúc đó, bố nháy mắt cười với mẹ một cái cho mẹ yên tâm.

Lát sau, y tá khác đến với mẫu đơn khai sinh và đưa mẹ điền. Mẹ mừng húm vì không nghĩ rằng mình lại được tự tay điền giấy khai sinh cho Liam. Không phải mẹ thấy thiêng liêng, cảm xúc hay gì gì, mà đơn giản là vì nếu để bố viết thì thế nào bố cũng sống chết nhét thêm tên bố vào tên Liam, và như thế tên em lủng củng phải biết. Chuyện tên họ này bố mẹ đã đấu tranh suốt mấy tháng em nằm trong bụng mà chưa có hồi kết. Mẹ thì muốn tên em càng đơn giản càng tốt, còn bố tha thiết muốn nhét tên mình làm tên đệm cho con trai. Vì vậy, vừa điền xong cái tên Liam Nguyen Estrellado vào giấy khai sinh là mẹ lôi điện thoại ra chụp lại làm bằng chứng luôn, giấy trắng mực đen không bố con thằng nào cãi được nhé.

Buổi sáng hôm đó quả thực là dài. Một lúc sau bác sĩ và chuyên gia gây mê xuất hiện, hỏi han tình hình của mẹ. Bác gây mê còn tranh thủ tám chuyện, hỏi mẹ từ đâu đến, tại sao bố mẹ quen nhau, rồi gật gù: "Chuyện hay thật đấy!". Đợi mãi chưa đến giờ hoàng đạo. Bác gây mê quay trở lại lúc 10h30, hỏi mẹ xem liệu họ có thể chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng từ bây giờ được không. Mẹ bảo được, miễn là Liam chào đời sau 11h là được. Lúc đó, y tá gọi bố lại và hỏi có muốn họ chụp hình giúp lúc Liam ra đời không. Mẹ liền đưa điện thoại của mẹ cho cô ấy chụp.

Phòng mổ ở ngay cạnh phòng mẹ nằm chờ. Căn phòng này toàn màu xanh lá cây, màu yêu thích của mẹ, vì thế cảm giác cũng khá dễ chịu và không đáng sợ. Phòng mổ trong trí tưởng tượng của mẹ là trắng toát với đèn chùm to tướng và tiếng dao kéo va vào nhau loảng xoảng cơ. Mẹ nằm lên giường phẫu thuật. Người ta đeo cái chụp tóc cho mẹ, rồi gang tay ra tiêm thuốc, căng rất nhiều rèm ở giữa bụng để mẹ không nhìn thấy họ làm gì phía dưới. Lúc này người mẹ bắt đầu run bắn lên, không biết vì sợ hay vì thuốc nữa. Mẹ run rẩy bảo bác gây mê là em run quá ạ. Bác ấy bảo tại phòng lạnh quá, bác cho tắt máy lạnh đi mà mẹ vẫn lẩy bà lẩy bẩy. Mũi tiêm ở tay cũng đau buốt, cậu y tá đứng cạnh nhẹ nhàng vuốt ve cánh tay mẹ để xoa dịu cơn đau.

Sau khi nhìn đồng hồ, bác gây mê bảo mẹ là bác bắt đầu tiêm thuốc tê nhé. Mẹ sợ hãi hỏi có đau không, bác bảo không đau bằng mũi tiêm kia đâu. Quả thực là không đau tẹo nào, lại không như mẹ tưởng tượng về cảnh tiêm thuốc tê vào cột sống sau lưng. Mẹ nằm xuống, bắt đầu thấy mơ màng. Mẹ không nghe thấy tiếng dao kéo gì cả, chỉ thấy bác sĩ và một người nữa nói chuyện rất lâu ở phía dưới. Mẹ vẫn đủ tỉnh táo để tự thắc mắc không biết họ làm gì lâu thế, vì mẹ đọc trên mạng là chỉ mất vài phút để kéo em bé ra khỏi bụng mẹ thôi mà. Sau này bác sĩ mới bảo, thật may là mẹ chọn đẻ mổ vì em bé bị hai nút thắt ở dây rốn, siêu âm không phát hiện ra. Nếu đẻ thường cũng phải mổ cấp cứu vì rất nguy hiểm. Bác sĩ phải rạch vết mổ rộng hơn bình thường một chút để đưa Liam ra được an toàn.

noi-am-anh-bi-trao-nham-con-cua-me-viet-vuot-can-tai-philippines-1
Bé Liam được mặc quần áo bố mẹ chuẩn bị sẵn và gặp mẹ ngay khi ra đời.

11h20, mẹ choàng tỉnh vì tiếng khóc của Liam. Nước mắt mẹ từ đâu tuôn ra không ngừng, một cảm xúc rất khó gọi tên. Trong đầu mẹ vẫn thắc mắc, sao Liam không oe óe như các em bé khác mà khóc tông trầm lạ lùng thế nhỉ. Liam cứ khóc mãi, khóc mãi, khóc cả khi đã được mặc quần áo và mang đến đặt lên ngực mẹ. Em gào không ngừng, những lọn tóc loăn xoăn ươn ướt bết lại trên đầu, cặp môi đỏ ngoạc ra rất to, trông em chẳng giống ai cả.

Nỗi sợ lớn nhất của mẹ khi đi đẻ là bị… trao nhầm con. Ám ảnh này là do bộ phim Hàn Quốc "Trái tim mùa thu" mà mẹ xem trước kia. Bởi vậy, mẹ dặn đi dặn lại bố là khi người ta cho xem con, nhớ lấy đặc điểm nhận dạng cho khỏi nhầm. Thực tế, Liam chẳng có cái birth mark nào cả, nhưng vì mẹ đã nhìn thấy em và em được mặc quần áo bố mẹ chuẩn bị, đồng thời hôm đó chỉ có một ca sinh bé gái nữa thôi nên không thể nhầm được. Thở phào!

Sau màn mẫu tử trùng phùng, mẹ thiếp đi không biết gì nữa. Mẹ tỉnh dậy trong căn phòng hồi sức nho nhỏ. Cậu y tá vẫn túc trực bên cạnh để truyền thuốc giảm đau cho mẹ và xoa xoa tay mẹ khi mẹ rên rẩm. Cậu ấy còn xin phép bật nhạc cho mẹ thư giãn. Lát sau, một cô y tá hớn hở chạy đến bảo: "Em bé của chị xinh lắm, mắt dài, da trắng, giống mẹ". Mẹ mỉm cười sung sướng.

Mọi ý niệm về thời gian lúc này hoàn toàn biến mất. Cuối cùng họ đẩy mẹ về phòng nghỉ. Khi đẩy qua phòng sơ sinh, y tá bảo với mẹ rằng em bé của mẹ đang nằm ở đây, mẹ có muốn gặp em một chút không. Mẹ gật đầu cái rụp. Họ dừng lại ở cửa phòng và bế Liam ra. Liam vẫn mải mê khóc không ngừng, trời ơi sức đâu mà khóc vừa dai vừa to nhất bệnh viện thế không biết. Mẹ thơm vào má em và thì thầm: "Đừng khóc, mẹ ở đây mà!".

Mẹ trở về phòng còn Liam vẫn ở lại phòng sơ sinh để theo dõi theo quy định. Y tá đến đo huyết áp, kiểm tra bình truyền và vệ sinh cho mẹ liên tục cả ngày lẫn đêm. Cơn đau chỉ kéo đến khi thuốc giảm đau dần hết và y tá lại đến bơm thêm vào bình truyền, cảm giác hơi buốt một chút. Mẹ ở phòng riêng rất thoải mái và tiện nghi, có phòng vệ sinh, bàn ghế, ghế dài cho người nhà ngả lưng, điều hòa, tivi… Các suất ăn cũng rất đầy đủ và phong phú. Bố rất khoái món ăn ở đây.

Mãi đến chiều hôm sau, người ta mới mang em bé trả cho mẹ và vui vẻ thông báo em hoàn toàn khỏe mạnh, hoàn thành tốt các bài kiểm tra sức khỏe, đo thính giác các thứ. Em ngủ say như một con mèo con, không oe óe như trước nữa. Mẹ ngắm nhìn gương mặt xinh xắn của em và tự hỏi, mình đã làm gì để có được một em bé xinh đẹp như thế này.

Mẹ bắt đầu được uống nước vào 22h đêm đầu tiên. Trước đó, mẹ năn nỉ ỉ ôi xin bố từng nắp chai nước vì khát. Nước lúc đó ngon khủng khiếp, chưa bao giờ ngọt ngào như thế. Ngày thứ hai, mẹ phải dậy tập đi sau khi tháo ống thông tiểu và bắt đầu ăn cháo cùng đồ ăn nhẹ. Chiều hôm thứ ba, mẹ được ra viện sau khi quay lại thay băng ở phòng hồi sức. Các chú y tá tíu tít chào hỏi như gặp người quen cũ.

Cuộc sống của chúng mình hoàn toàn thay đổi từ khi có em. Bố và mẹ tự xoay sở với Liam bé bỏng mà không cần ai giúp. Vết mổ của mẹ đã se lại và khá đẹp sau một tuần. Mẹ vẫn uống kháng sinh, viên sắt và thuốc giảm đau mỗi ngày. Kết quả xét nghiệm máu sau sinh cũng ổn dù lúc sinh mẹ bị thiếu máu một chút. Mẹ tự nấu ăn sau một tuần và tự tay tắm cho Liam ngay từ đầu. Những lóng ngóng, vụng về, stress vì em bé xíu xiu cũng dần qua, dần qua…

Mẹ bắt đầu những bài học chập chững đầu tiên: làm mẹ.

Và chúng mình bắt đầu có nhau trong đời như thế đó.

Mẹ yêu em.

Theo Ngôi sao

Tin tức mới nhất