Nữ công nhân môi trường bị đánh ngất xỉu vì nhắc đổ rác đúng nơi quy định: '7 năm rồi tôi chưa được về quê ăn Tết'

Chị Thanh cho rằng, mình đến với nghề công nhân môi trường như một cái duyên và khẳng định mình sẽ gắn bó với nghề này lâu dài.



Bị mắng, bị chửi như “cơm bữa”

Như báo đã đưa tin, khoảng 19h20 ngày 15/6, trước cửa số nhà 7 Nguyễn Hữu Huân, phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, khi chị Trần Thị Thanh nhắc nhở người dân đổ rác đúng nơi quy định, bất ngờ chị bị một cặp vợ chồng đến gây sự, rồi lao vào đánh khiến chị bị ngất tại chỗ.

Chị Thanh sau đó được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội). Người hành hung chị Trần Thị Thanh là Phạm Thị Bích Diệp (32 tuổi, trú ở phố Hàng Muối) sau khi bỏ trốn đã đến Công an phường Lý Thái Tổ để trình diện.
 


Chị Thanh bị đánh ngất xỉu vì nhắc nhở người dân đổ rác đúng nơi quy định vào tối ngày 15/6. Người hành hung chị Thanh đã ra trình diện công an.

Theo lời khai của Diệp, vì bị nhắc nhở bán nước mía để vương vãi rác nên đã bức xúc với chị Thanh. Thấy chị Thanh đi đến phố Nguyễn Hữu Huân, Diệp gọi người nhà đi tìm để “nói chuyện”.

Ngày 19/6, PV Báo Gia đình & Xã hội đã có mặt tại Khoa Ngoại Thần Kinh – Bệnh viện Thanh Nhàn, nơi chị Trần Thị Thanh đang điều trị. Tại đây, chúng tôi được các bác sỹ thông tin, chị Thanh nhập viện với chẩn đoán tổn thương não, tuy nhiên kết quả chụp cắt lớp chưa phát hiện tổn thương não, hiện tình trạng chị Thanh đã ổn định hơn.

Nằm trên giường bệnh, chị Thanh vẫn chưa hết bàng hoàng với những gì vừa xảy ra với mình. Tuy sức khỏe đã ổn định, có thể tự đi lại được nhưng chị Thanh vẫn cảm thấy choáng váng đầu óc và chưa ăn uống được gì nhiều. Hằng ngày chị chỉ ăn được vài thìa cháo và một vài mẩu bánh ngọt.

Chị Thanh kể, đây là lần đầu tiên chị bị hành hung kể từ khi làm công nhân môi trường. Còn trước đó, vì đặc thù công việc là nhắc nhở người dân đổ rác đúng nơi quy định, mà địa bàn chị làm chủ yếu là khu vực phố cổ, nơi có nhiều hộ kinh doanh nên việc bị chửi mắng thậm chí bị sỉ nhục là chuyện như “cơm bữa”. “Bị mắng, bị chửi tủi thân lắm nhưng chúng tôi toàn phải nhịn qua chuyện”, chị Thanh nói.

7 năm chưa được về quê ăn Tết

Khi chúng tôi hỏi về chuyện gia đình, chị Thanh cho biết, tuy thu nhập của chị và chồng không cao nhưng chị vẫn cho rằng mình là người phụ nữ may mắn vì lấy được một người chồng biết quan tâm, chăm sóc vợ con. Hiện tại, vợ chồng chị đang sống trong một căn nhà nhỏ cùng hai đứa con.

Chị Thanh kể, năm 2006, chị và anh Nguyễn Quang Đức nên duyên vợ chồng. Kết hôn được một thời gian, vì cuộc sống ở quê (Hà Nam) quá khó khăn nên chị và chồng quyết định khăn gói lên Hà Nội lập nghiệp. Lên Hà Nội chị làm đủ nghề để mưu sinh. Đến năm 2009 chị Thanh chuyển qua làm công nhân môi trường. Người phụ nữ này cho rằng, mình có duyên với nghề này vì đã gắn bó được hơn 7 năm.
 


Sáng 18/6, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã đến Bệnh viện Thanh Nhàn để thăm hỏi chị Trần Thị Thanh. Chủ tịch Hà Nội động viên chị Thanh cùng gia đình yên tâm điều trị, sớm hồi phục sức khỏe để trở lại với công việc. Ảnh: Duy Linh.

Theo chị Thanh, nghề công nhân môi trường vốn là nghề vất vả, người làm ca đêm như chị lại càng vất vả hơn.

“Làm cái nghề này thì phải chấp nhận, đến ca trực của mình thì bất kể dù nắng, mưa thậm chí bão vẫn phải đi làm, vất vả là thế nhưng lương cũng chỉ được hơn 5 triệu. Số tiền đó chỉ vừa đủ lo cho hai đứa con. Còn mọi chi tiêu khác trong gia đình thì phải nhìn vào thu nhập từ nghề xe ôm của chồng”, chị Thanh tâm sự.

Chị Thanh cho rằng, mình đến với nghề công nhân môi trường như một cái duyên và khẳng định mình sẽ gắn bó với nghề này lâu dài. Duy chỉ có điều khiến chị cảm thấy áy náy với gia đình và chồng con là, 7 năm gắn bó với nghề cũng là ngần ấy năm chị không được về quê ăn Tết.

“Tủi thân lắm, đúng 7 năm rồi tôi chưa được sum vầy cùng gia đình mỗi khi Tết đến xuân về. Cứ đúng dịp ấy là tôi lại phải trực, chỉ có chồng với con về thôi. Nhiều đêm về đến nhà cứ khóc tu tu vì tủi thân. May mà có chồng luôn an ủi, động viên”, Chị Thanh ngậm ngùi.

Hiện tại chị Thanh đang mong mình sớm được ra viện để quay lại với công việc. Tuy nhiên, người phụ nữ này vẫn không thể giấu được sự lo lắng vì sợ bị trả thù.
 


Hiện tại sức khỏe của chị Thanh đã ổn định, có thể ăn uống nhẹ. Ảnh: Đình Việt.

Ở một diễn biến khác, sáng 18/6, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã đến Bệnh viện Thanh Nhàn để thăm hỏi chị Trần Thị Thanh. Chủ tịch Hà Nội động viên chị Thanh cùng gia đình yên tâm điều trị, sớm hồi phục sức khỏe để trở lại với công việc.

Ông Chung cho rằng, việc nhân viên vệ sinh môi trường của thành phố bị hành hung khi đang làm nhiệm vụ là rất đáng lên án và thành phố đã giao công an điều tra, xử lý nghiêm những người vi phạm.

Lãnh đạo thành phố yêu cầu Bệnh viện Thanh Nhàn điều trị tốt nhất cho bệnh nhân; Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) có trách nhiệm hỗ trợ chị Thanh sớm vượt qua khó khăn.

Ông Đào Quang Minh - Giám đốc Bệnh viện Thanh Nhàn thông tin, chị Trần Thị Thanh nhập viện với chẩn đoán tổn thương não, tuy vậy kết quả chụp cắt lớp chưa phát hiện tổn thương não, tình trạng bệnh nhân đã ổn định hơn.

Theo Gia Đình & Xã Hội


bạo lực đường phố bạo lực hành hung

Tin tức mới nhất