Phim Việt đến thời doanh thu 'khủng' chính là nhờ những 'bí kíp' này đây

Quy tụ nhiều sao, đạo diễn Việt Kiều hay có kịch bản chuyển thể nước ngoài… đều là những công thức thành công hiện tại.



Phim điện ảnh Việt những năm vừa qua đã có nhiều tiến bộ trong cách làm phim cũng như tạo ra những sản phẩm chất lượng, thu hút khán giả đến rạp. Có những công thức giúp cho các phim điện ảnh Việt thành công trong bối cảnh “thượng vàng hạ cám” phim ảnh nhiều như hiện nay. Vậy đâu là những công thức làm nên thành công ấy? 

 

Phim càng nhiều sao càng tốt 


Đây được xem là công thức thành công của phim điện ảnh Việt những năm 2005 kéo dài đến 2010. Với việc quy tụ dàn diễn viên hoành tráng, có người chỉ xuất hiện vài giây trên khung hình, song vẫn là nhân tố khiến khán giả đến rạp theo dõi. Ưu điểm của cách làm này là dễ dàng kéo fan của diễn viên tới rạp, còn khuyết điểm chính là kịch bản sẽ bị loãng bởi những vai diễn không cần thiết. 



“Khi đàn ông có bầu” quy tụ nhiều gương mặt tên tuổi làng hài kịch Việt Nam

 

Hãng phim Phước Sang được xem là hãng tiên phong cho cách làm phim "càng nhiều sao càng thích", với các phim như Khi đàn ông có bầu, Đẻ mướn, Võ lâm truyền kỳ… quy tụ dàn sao khách mời đều là tên tuổi lớn làng giải trí. Tuy nhiên theo thời gian, cách thức làm phim này dần tàn lụi, bởi khán giả ngày nay xem phim kỹ tính hơn. Họ chú trọng vào nội dung và tính logic thay vì “càng đông càng vui” như xưa. 



“Nhà có 5 nàng tiên” có một dàn sao từ chính tới phụ 

 

Dẫu đã tàn lụi, song mùa Tết, một số hãng phim vẫn quan niệm “Tết là dịp khán giả thoải mái xem phim”, nên vài năm gần đây công thức mời nhiều sao tham gia vẫn còn thịnh. May mắn, nó vẫn mang đến thành công nhất định cho phim điện ảnh Việt. Nhà có 5 nàng tiên, Tía tui là cao thủ… là những đại diện cho công thức này. 


Có sự tham gia của đạo diễn Việt Kiều 


Điện ảnh Việt ngày càng trở nên khởi sắc không thể không kể tới công lao của các đạo diễn Việt Kiều, khi họ sinh sống và học ở nước ngoài rồi về Việt Nam làm phim. Được đào tạo bài bản ở nước ngoài, lại có tư duy khác biệt so với cách làm phim truyền thống của Việt Nam, sự trở về quê hương của các đạo diễn Việt Kiều đã mang lại làn gió mới, góp phần thay đổi đáng kể bộ mặt của điện ảnh Việt Nam. 



“Cô dâu đại chiến” của Victor Vũ đã mang đến tư duy phim hài sạch và văn minh

 

Đây có thể được xem là công thức thành công của phim điện ảnh Việt, khi lựa chọn các đạo diễn Việt Kiều “mát tay” giúp nhà sản xuất yên tâm về doanh thu và nội dung của phim. Điển hình là đạo diễn Victor Vũ, khi hàng loạt phim anh thực hiện như series Cô dâu đại chiến, series Scandal, Quả tim máu… đều có doanh thu đáng kể và được khán giả khen ngợi. Một gương mặt khác là đạo diễn Charlie Nguyễn cũng đã tạo nhiều thành tích qua Dòng máu anh hùng, Để mai tính, Long Ruồi, Tèo Em… 



“Tèo Em” của Charlie Nguyễn lại mở màn thể loại phim hài hành trình vốn còn mới mẻ ở Việt Nam

 

Dĩ nhiên không phải lúc nào các đạo diễn Việt Kiều này cũng giữ được phong độ, song tư duy sáng tạo cùng tinh thần cầu tiến đã giúp họ vẫn luôn “giữ lửa” khi làm phim và cho ra đời nhiều phim điện ảnh hay. Có thể nói mời được những đạo diễn Việt Kiều chỉ đạo phim thì đã có 50% yên tâm về độ thu hút khán giả và chất lượng. 


Kịch bản chuyển thể hay 


Kịch bản được gọi là “xương sống” của phim, bởi dù quy tụ dàn sao hùng hậu hay đạo diễn tên tuổi mà kịch bản không hay, không thu hút thì phim cũng khó mà ăn khách. Ở Việt Nam, vấn đề kịch bản hay luôn là nỗi lo canh cánh, bởi các biên kịch Việt thường viết không chắc tay và hay có hiện tượng “đầu voi đuôi chuột”, càng về sau càng hụt hơi.

 

Vì vậy việc chuyển thể kịch bản từ tiểu thuyết hay mua bản quyền kịch bản phim nước ngoài được xem là bước đi đúng đắn ở thời điểm hiện nay. Bởi tiểu thuyết, truyện dài vốn đã có sẵn lượng fan nhất định, đồng thời việc chuyển thể nội dung từ sách lên phim cũng không quá phức tạp. Hay mua bản quyền kịch bản phim nước ngoài thì cái khó là làm ra chất Việt, yếu tố Việt, song thuận lợi là tuyến nhân vật cùng mạch truyện đã có sẵn. 



“Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” thành công khi chuyển thể từ truyện dài cùng tên của Nguyễn Nhật Ánh

 

Thành công của Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh – chuyển thể từ truyện dài cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã cho thấy mảnh đất chuyển thể từ sách truyện có tiềm năng rất cao. Tuy vẫn bị phàn nàn vì nội dung bị thay đổi một chút cho phù hợp với phim thì Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh đã đoạt doanh thu kỷ lục với hơn 80 tỷ đồng. Phim nhận được nhiều lời khen ngợi từ báo giới và khán giả. 



“Bạn gái tôi là sếp” dễ dàng mang lại doanh thu 16 tỷ chỉ sau 4 ngày chiếu vì nội dung hài hước, hấp dẫn

 

Hay việc mua bản quyền kịch bản phim nước ngoài để chuyển thể thành bản Việt cũng đã mang về doanh thu cao cho nhà sản xuất. Năm 2015, Em là bà nội của anh mua bản quyền từ phim cùng tên của Hàn, đã đưa tên tuổi Miu Lê lên cao và mang về doanh thu hơn 100 tỷ đồng. Hay gần đây nhất có Bạn gái tôi là sếp được mua bản quyền kịch bản từ phim Thái là ATM: Er Rak Error đã mang về 16 tỷ đồng doanh thu chỉ sau 4 ngày công chiếu.


Qua đó cho thấy được xu hướng chuyển thể tiểu thuyết, truyện dài văn học hay mua bản quyền kịch bản nước ngoài là một trong những công thức “hot” hiện nay, giúp phim điện ảnh Việt đạt nhiều thành công về doanh thu và phản hồi khán giả. 

 

=> Phim điện ảnh Việt năm 2016: Vì sao khán giả không còn mặn mà?

 

Nhân Sư

Theo Vietnamnet

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vietnamnet.vn/giai-tri/showbizplus/phim-viet-den-thoi-doanh-thu-khung-chinh-la-nho-nhung-bi-kip-nay-day-n-110005.html

phim điện ảnh việt

Tin tức mới nhất