Phương pháp chữa bệnh bằng giòi khiến ai cũng phải dựng tóc gáy

(2Sao) - Những con giòi vốn dĩ gắn liền với những thứ hôi thối, bẩn thỉu, chết chóc. Tuy nhiên, từ xa xưa giòi cũng là 1 trong những con ấu trùng được y học sử dụng để chữa bệnh.

Ngày nay, dù cho công nghệ có phát triển, nhưng khoa học vẫn áp dụng giòi để chữa lành những vết thương và thậm chí chúng còn có hiệu quả hơn những ca phẫu thuật hay thuốc thang. Khi kháng sinh đang trở thành một trong những mối đe dọa đến sức khỏe con người và đang dần bị hạn chế sử dụng thì liệu pháp giòi ngày càng được áp dụng phổ biến.

Liệu pháp giòi là gì?

Là sử dụng những con giòi để chữa bệnh, đặc biệt với những vết thương hở. Từ thế kỷ 16, các nước phương Tây đã sử dụng phương pháp này để trị các vết thương lở loét trên da. Phương pháp này tình cờ được phát hiện bởi các bác sĩ quân y ở thời Napoleon khi họ nhận ra các ấu trùng của nhặng xanh chỉ ăn những phần tế bào chết mà không ăn các tế bào sống.

Trong chiến tranh thế giới thứ I, một số bác sĩ quân y Mỹ cũng phát hiện ra rằng tỷ lệ lành lặn của những vết thương có giòi cao hơn so với những vết thương không có giòi tương tự. Trong thế chiến thứ II, liệu pháp giòi được sử dụng phổ biến để điều trị cho các binh lính ở Anh. Những năm 1930 và 1940, hàng trăm bệnh viên ở Mỹ đã áp dụng phương pháp trị bệnh này cho tới khi kháng sinh ra đời. Ở Châu Âu, tính tới năm 2008, việc dùng giòi điều trị bệnh tật này đã được áp dụng trên 1.000 trung tâm y tế.

Tuy nhiên, không phải loài giòi nào cũng được dùng để chữa bệnh. Theo Trưởng khoa nuôi giòi ở 1 bệnh viện tại Anh: ‘chỉ những ấu trùng của giống nhặng xanh, phổ biến là Lucilia sericata mới được sử dụng vì loài này ăn những chất thải hữu cơ (mô chết) mà không tấn công những mô sống.’

Giòi Lucilia sericata dùng để chữa bệnh


Công dụng của liệu pháp giòi

Điều trị vết thương lở loét, tránh nhiễm trùng : Giòi ăn các tế bào chết thay vì tế bào sống nên chúng sẽ dọn sạch vết thương cho bệnh nhân. Nhiều bệnh viện ở Singapore và Thái Lan đã áp dụng liệu pháp này để làm sạch vết thương, giảm vi khuẩn, giúp vết thương mau lành. Những con giòi chữa bệnh được cho vào bao vải mỏng hoặc để trần lên vết loét và chúng sẽ trú ngụ ở vết thương vài ngày để dọn sách các mô chết. Subramaniam Manikam, 1 bệnh nhân người Singapore đã được trải nghiệm liệu pháp giòi để điều trị vết thương ở gót chân. Sau khi để những con giòi làm sạch trong 2 ngày, vết thương của ông tiến triển rất tốt.

Một kết quả nghiên cứu ở Pháp năm 2011 nhấn mạnh : ‘Dùng giòi trị bệnh nghe có vẻ ghê tởm, nhưng liệu pháp này vô cùng hiệu quả. Giòi giúp đẩy nhanh quá trình làm sạch vết thương và giúp nó mau lành.’

 Liệu pháp giòi mang lại kết quả trong điều trị các vết thương lở loét

Các nhà nghiên cứu từ bệnh viên trung tâm đại học Caen, Pháp cũng đã thực nghiệm trên 100 bệnh nhân với cùng dạng tổn thương hở ở tay chân. Một nửa trong số họ được điều trị bằng phương pháp phẫu thuật truyền thống. Nửa còn lại điều trị bằng liệu pháp giòi. Các bệnh nhân điều trị bằng giòi được bịt mắt khi điều trị và phải trai qua quá trình điều trị 2 lần/ tuần trong suốt 2 tuần. Sau 8 ngày, các mô chết ở những vết thương được điều trị bằng giòi là 54,5% còn ở phương pháp truyền thống là 66,5%. Tuy nhiên, sau 2 tuần đến 1 tháng, tỷ lệ mô chết giữa các vết thương được điều trị ở cả 2 liệu pháp đều tương đương nhau. Sau khi phỏng vấn những người được trị bệnh bằng liệu pháp giòi, họ đều công nhận rằng ‘Tôi có cảm giác như con gì đó đang bò trong vết thương của mình và nhiều khi thấy đau nhức.’

Điều trị viêm : Ngoài việc áp dụng liệu pháp giòi cho những vết thương hở, các bác sĩ còn sử dụng giòi để điều trị các bệnh viêm như viêm đại tràng. Thay vì để ấu trùng giòi lên vết thương hở, bệnh nhân sẽ phải nuốt giòi vào bụng. Một bệnh nhân Mỹ bị viêm đại tràng đã bay sang Thái Lan để trị dứt điểm bệnh của mình bằng liệu pháp ‘ớn lạnh’ này. Ông đã phải nuốt khoảng 1500 trứng giòi trong 2 lần điều trị. Sau 3 tháng, bệnh viêm đại tràng của ông gần như khỏi hoàn toàn.

Ăn giòi để trị dứt điểm viêm đại tràng

Giòi cũng mang tới cho những người bị tiểu đường một tin vui. Y học đã áp dụng liệu pháp này để điều trị các biến chứng tiểu đường thành công trên người bệnh. Thay vì phải cắt cụt chi, liệu pháp giòi giúp người bệnh chữa lành các biến chứng do bệnh tiểu đường gây nên. Một bệnh nhân bị tiểu đường chia sẻ về liệu pháp này : ‘Họ đưa giòi vào. Nó giống như ấu trùng muỗi. Sau hai ngày nó khá lớn và khi mở các vết thương thì nó rơi ra khỏi. Những con giòi này hoạt động chủ yếu vào ban đêm. Khi chúng bắt đầu ăn thịt thì rất đau, tôi đã phải dùng thuốc giảm đau’. Theo một báo cáo nghiên cứu y khoa, kết quả điều trị liệu pháp giòi trên 14 bệnh nhân thì có đến 2/3 trong số họ đã tránh được việc cắt cụt chi.

Bệnh nhân 53 tuổi, Phee Kian Lip đã giữ lại được chân của mình
 khi áp dụng liệu pháp giòi để trị biến chứng tiểu đường


Tác dụng phụ của liệu pháp giòi

Việc sử dụng giòi để chữa bệnh không phải là không có những biến chứng ngoài mong đợi. Tác dụng phụ đầu tiên mà hầu hết các bệnh nhân đều cảm nhận thấy là đau nhức khi những con giòi gặm nhấm các tế bào chết; và cảm thấy khó chịu khi chúng di chuyển trong vết thương. Ngoài ra, nhiều bệnh nhân cảm thấy vô cùng ngứa ngáy và ngửi thấy mùi hôi thối khi dung liệu pháp giòi. Một số bệnh nhân còn phàn nàn về sự bất tiện khi họ xấu hổ, không dám gặp gỡ người thân, bạn bè lúc trị bệnh.

Ngoài một số tác dụng nhất thời đó thì y học chưa ghi nhận những biến chứng sau khi điều trị phương pháp này. Tuy nhiên, nhiều bác sĩ trên thế giới vẫn e dè trước liệu pháp giòi bởi hiệu nghiệm của nó so với việc phẫu thuật thông thường hay điều trị truyền thống vẫn chưa có gì đáng nổi bật. Khi kháng sinh ra đời, liệu pháp chữa bệnh gây ớn lạnh này gần như bị bỏ quên. Cho đến thời điểm này, khi các vi khuẩn kháng kháng sinh xuất hiện, người ta mới bắt đầu quay lại sử dụng liệu pháp giòi nhiều hơn trước, chủ yếu để kháng viêm mà không phải dung tới thuốc kháng sinh.

Boho
Theo Vietnamnet

Tin tức mới nhất