'Quái nữ' lên ngôi trên phim truyền hình

Các cô nàng nữ chính ủy mị nước mắt đã lỗi thời, giờ là thời đại quái nữ và ác nữ chiếm sóng truyền hình Việt Nam.

Năm 2018, màn ảnh nhỏ Việt Nam chứng kiến sự lên ngôi của một dàn nữ nhân vật phản diện và cá tính. Bộ đôi ác nữ Diệu (Lan Phương) và Tú (Thùy Anh) trong Cả một đời ân oán làm khán giả phẫn nộ nhưng không thể ngừng theo dõi câu chuyện của họ.

Kẻ thứ ba đáng ghét Nhi trong Gạo nếp gạo tẻ làm người xem ghét cay ghét đắng, ghét lây cả diễn viên Băng Di. Còn với series tình cảm Ngày ấy mình đã yêu, hai nữ chính Hạ (Nhã Phương) và Sol (Bảo Thanh) đều là những cô nàng quái chiêu.

Quái nữ lên ngôi trên phim truyền hình-1
Lan Phương, Thùy Anh và Băng Di - bộ ba ác nữ bị ghét nhất màn ảnh Việt năm nay.

Bên cạnh ba tựa phim nội địa này, bom tấn truyền hình Trung Quốc Diên hy công lược cũng đang làm mưa làm gió trên màn ảnh Việt Nam.

Gần như toàn bộ vai nữ của phim này đều là phản diện, góp phần làm nên diện mạo cuộc tranh giành quyền lực chốn hậu cung. Riêng nữ chính Ngụy Anh Lạc (Ngô Cẩn Ngôn) từ khoảnh khắc đầu xuất hiện đã lộ rõ bản tính ghê gớm, nửa chính nửa tà.

Đối với loạt nhân vật này, người xem có yêu có ghét, nhưng luôn dành sự quan tâm đặc biệt. Họ trở thành đề tài bàn luận sôi nổi trên mạng xã hội. Trái lại, các nữ chính mang hình tượng dịu dàng lại không chiếm nhiều tình cảm đến vậy.

Cô Dung (Hồng Diễm) của Cả một đời ân oán bị khán giả trách là hiền lành đến nhu nhược. Còn nàng Hương (Lê Phương) của Gạo nếp gạo tẻ từng khiến nghệ sĩ Hồng Vân phát bực vì quá cam chịu.

Hiệu ứng này của phim truyền hình tại Việt Nam dường như đảo lộn hoàn toàn so với vài năm trước. Hồi đó, với bất kể dòng phim gia đình Việt Nam, thần tượng Đài Loan, tình cảm Hàn Quốc hay cổ trang Trung Quốc, vai nữ chính thường hội tụ đủ mọi tính cách tốt đẹp, không cam chịu thì cũng quá hiền lành, bị bắt nạt.

Hình ảnh xấu xí luôn thuộc về nữ phụ - kẻ đối đầu của nữ chính. Còn các cô gái cá tính thì rất hiếm xuất hiện trên phim.

Giầy thủy tinh, Nấc thang lên thiên đường, Vườn sao băng, Hoàn Châu cách cách, thậm chí cả Tuổi thanh xuân của Việt Nam ra mắt cách đây không lâu cũng đều sở hữu mô-típ như vậy.

Theo dõi những cuốn phim này, số đông khán giả dành cho nữ chính nhiều tình cảm sâu đậm, trong khi các nữ phản diện chịu nhiều chỉ trích thậm tệ.

Xuất hiện trong Cả một đời ân oán với vai bà giúp việc nhiều chuyện, tham lam và gian lận, NSƯT Minh Vượng góp thêm một vai nữ xấu cho màn ảnh Việt năm nay. Chia sẻ về hiện tượng vai diễn cá tính gây sốt trên màn ảnh nhỏ, nữ nghệ sĩ cho rằng nhân vật càng xấu càng dễ để lại dấu ấn trong lòng khán giả.

Quái nữ lên ngôi trên phim truyền hình-2
NSƯT Minh Vượng trong vai bà giúp việc Hến trong "Cả một đời ân oán".

Nhân tố chi phối câu chuyện

Trong phần đầu của Cả một đời ân oán, bà Lan (NSƯT Mỹ Uyên) và Diệu là hai nhân vật thu hút nhiều sự quan tâm nhất. Một người đàn bà độc đoán và một cô gái tham vọng trở thành bộ đôi đối trọng trong phim, ly gián quan hệ của các tuyến vai khác, gieo rắc những mâu thuẫn và đau khổ, đẩy diễn biến của phim liên tục thay đổi với nhiều nút thắt.

Sang tới phần thứ hai của phim, vai trò này được san sẻ nhiều cho nhân vật Tú của diễn viên Thùy Anh. Ban đầu, Tú hiện diện khá khiêm tốn trên phim, trong hình ảnh cô gái đưa chuyện. Tuy nhiên, khi cô nàng hám vật chất đóng giả tiểu thư Nguyên An để trà trộn vào Vũ gia, tác động của cô trở nên quan trọng với toàn bộ phim, đặc biệt là ở những tập gần cuối.

Nếu lược bỏ các tuyến vai này, số phận của các nhân vật còn lại không phải chịu đả kích, cuộc đời họ cứ bình yên trôi qua và câu chuyện phim không có gì để kể. Họ là nhân tố chi phối mạch truyện trong phim.

Theo lời kể của Thùy Anh, Tú vốn dĩ chỉ có 20 phân đoạn và sớm bại lộ thân phận. Song nhờ diễn xuất của cô thuyết phục, nhân vật tạo hiệu ứng lý tưởng trên truyền hình, hai đạo diễn Trọng Trinh và Bùi Tiến Huy đã quyết định tăng đất diễn của cô lên 100 phân đoạn, đưa Tú trở thành vai diễn chủ đạo của hơn 10 tập cuối cùng.

Nhân vật cá tính đẩy cao cảm xúc

Trong khi các tuyến vai chính diện thường chỉ làm khán giả yêu quý hoặc thương xót, cảm động, thì hình tượng quái nữ, ác nữ lại đưa người xem đến nhiều cung bậc cảm xúc đa chiều, có khi là tận cùng của căm ghét, có lúc là tận cùng của sự hả hê.

Gần đây nhất, vai Sol của Bảo Thanh thể hiện màn chửi bài bản trong phim Ngày ấy mình đã yêu, dằn mặt cô bạn gái răng hô của Mr. Cần Trô (Xuân Nghị) khiến nhiều người thích thú.

Từ đầu phim, Sol đã thể hiện mình là một cô nàng tính cách đàn ông, mạnh mẽ, không sợ trời không sợ đất. Chiêu trò theo đuổi Đức "Cần Trô" hay các màn “nắn gân” cô dành cho những kẻ xấu tính trong phim vừa hài hước vừa làm khán giả cảm thấy thỏa đáng.

Quái nữ lên ngôi trên phim truyền hình-3
Sol (Bảo Thanh) nhiều chiêu trò "Ngày ấy mình đã yêu".

Tương tự như vậy, cung nữ Ngụy Anh Lạc trong Diên hy công lược ở những tập đầu làm người xem thấy thỏa mãn với quan niệm sống “đi với Bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy”, sẵn sàng chơi xấu những người không tử tế với mình.

Tham vọng và vẻ ngang ngạnh của Anh Lạc cũng là điểm nhấn khác biệt so với các nhân vật nữ chính thường thấy trong phim cung đấu, hóa giải tâm trạng ấm ức thay nhân vật mà khán giả hay phải chịu đựng.

Chỉ có điều, nhân vật này về sau gây nhiều tranh cãi do cô nàng thông minh tới mức khó tin, vượt mọi trở ngại dễ dàng một cách phi lý.

Quái nữ lên ngôi trên phim truyền hình-4
Nữ chính Ngụy Anh Lạc của series "Diên hy công lược" khiến khán giả thích thú ở những tập đầu phim.

Tú, Diệu của Cả một đời ân oán hay Nhi của Gạo nếp gạo tẻ thì hứng chịu nhiều “gạch đá” từ dư luận. Song càng ghét họ, khán giả càng khó dứt khỏi bộ phim. Người ta chờ đợi kết tục tồi tệ đến với các nhân vật này.

So với nhiều năm về trước, hình ảnh nữ nhân trong phim Việt và các series phát hành tại Việt Nam đang ngày càng đa diện hóa, đưa đẩy câu chuyện diễn tiến theo nhiều chiều và tạo nên nhiều lớp cảm xúc cho khán giả.

Theo NgoiSao


Băng Di Bảo Thanh Lan Phương Phim truyền hình

Tin tức mới nhất