Sợ nhà sập, người dân Sài Gòn dùng giàn giáo chống đỡ

Giàn giáo được lắp chồng chéo, xen kẽ nhau, oằn mình chống đỡ căn nhà đang bị nứt toác và sụt lún khoảng 5cm khiến cuộc sống người dân tại đây phải nơm nớp lo sợ hàng ngày vì sống trong nhà mà như dưới... hầm.

Gần 2 tháng nay, nhiều nhà dân sống trên đường Nam Hòa (phường Phước Long A, quận 9, TP. HCM) bỗng dưng bị nứt toác tạo khe hở lớn và phần nền nhà bị sụt lún nghiêm trọng, gây bất an trong đời sống hằng ngày. Người dân ở đây cho biết, nhiều nhà bị nứt và sụt lún là do một đơn vị thi công đến đào đường để xây dựng hệ thống thoát nước trên đường Nam Hòa nhưng không có biện pháp hạn chế và khắc phục những hệ lụy gây ra cho nhà dân. 

11-c3c3a
Hộ dân Nguyễn Minh Đức bị thiệt hại nặng nề nhất nên phải dùng giàn giáo chống.

8-c3c3a
Trong nhà anh Đức xuất hiện vết nứt ở khắp mọi nơi.

Còn ông Trần Minh Đức (số 157 Nam Hòa, phường Phước Long A) bức xúc: "Khoảng 2 tháng nay, gia đình tôi và những hộ dân khác phải sống trong cảnh "sống dở chết dở" khi "thần chết" cứ luôn rình rập ngay trên đầu, nhà bị sụt lún và xuất hiện vết nứt ở nhiều nơi. Nhà tôi xây đã lâu, mới sửa lại hồi đầu năm 2015. Đến khoảng đầu tháng 9 vừa qua, đơn vị thi công nào đó đến đào đường làm cống thoát nước nên nhà tôi bị tình trạng này. Gia đình còn bố mẹ già (trên 80 tuổi), tôi lo lắng lắm".

Khi bộc bạch những tâm tư, bức xúc của mình vì nhà bỗng dưng bị nứt và sụt lún, gia đình anh Đức dẫn chúng tôi tới nơi được gọi là... hầm chờ sập vì giàn giáo được chống đỡ dày đặc. Nhà anh Đức trước đây làm nghề buôn bán vật liệu xây dựng nên vẫn còn giữ lại giàn giáo để chống. "Lúc trước, gia đình định sẽ bán số giàn giáo này đi vì để lâu cũng không làm gì, ai ngờ nay lại chịu cảnh trớ trêu này nên mới cần đến nó để chống đỡ", người em của anh Đức chia sẻ. 

12-c3c3a
Cửa sổ nứt toác, bong tróc nghiêm trọng

13-c3c3a
Nhiều vết nứt tạo thành khe hở rất to.

Cạnh đó, căn nhà kế bên số 159 Nam Hòa thuộc sở hữu của anh Trần Minh Định (anh trai anh Đức) cũng chịu cảnh tương tự. Bước vào nhà cảm nhận giống như... chui vào hầm khi chỉ có một lối đi duy nhất và bé xíu vì giàn giáo được chống đỡ trần nhà chắn ngang cửa.

Anh Định cho hay, cuộc sống ban ngày đã bị ảnh hưởng không nhỏ, đến khi về đêm lại càng khổ hơn nữa vì nếu lỡ trong nhà quên bật đèn thì... xác định u đầu vì va phải giàn giáo đang chống đỡ. Bên cạnh đó, nền nhà bị sụt lún ở mức khoảng 5 - 7cm khiến cho việc đóng cửa cũng gặp nhiều khó khăn.

9-c3c3a
Nền nhà bị sụt lún khoảng 5cm tạo hố sâu có thể nhìn thấy bên dưới.

2-c3c3a
Tường nhà ông Tặng xuất hiện vết nứt có thể đưa lọt 2 ngón tay vào khe.

Một hộ dân khác là nhà ông Nguyễn Công Tặng (66 tuổi, số 147 Nam Hòa) tường nhà và nền nhà cũng xuất hiện nhiều vết nứt lan dài và khe hở của vết nứt ngày càng rộng. "Tôi đang nằm trong nhà, đột nhiên cảm nhận được tiếng rung chuyển rất mạnh như động đất, khi ra hiên nhà xem thì phát hiện vết nứt dài. Bây giờ nhớ lại cảnh tượng đào đường làm rung nhà cửa mà thấy sợ quá, lỡ sập thình lình thì...", ông Tặng kể lại thời điểm nhà bị nứt toác.

Theo ông Tặng, gia đình ông chỉ muốn công hoàn thành con đường Nam Hòa thật đồng bộ để không bị ảnh hưởng nhiều đến nhà dân. Sau khi phát hiện nhà bị sụt lún và xuất hiện nhiều vết nứt nghiêm trọng, người dân ở đây đã kiến nghị lên phường nhưng vẫn chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng về những vấn đề liên quan đến khắc phục, bồi thường.

4-c3c3a
Tình cảnh phần nền nhà của gia đình anh Định.

7-c3c3a
Con đường Nam Hòa sau khi hoàn thành việc làm cống thoát nước khiến cho nhiều
nhà dân bị sụt lún và tường nứt toác.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, phía UBND phường Phước Long A (quận 9, TP. HCM) cho biết đã tiếp nhận ý kiến của người dân và xuống khảo sát tình hình tường nhà dân bị nứt và sụt lún. "Phường cũng đã cử cán bộ địa chính xuống khảo sát và đo đạc mức độ gây thiệt hại cho nhà dân. Hiện tại, chúng tôi vẫn đang chờ ý kiến chỉ đạo từ cấp trên", một nữ cán bộ tư pháp ở phường nói.

Theo Kênh 14/ Trí thức trẻ

Tin tức mới nhất