Sự thật khắc nghiệt bên trong các lò đào tạo hoa hậu quốc tế

Hầu hết thí sinh hoa hậu Venezuela đều trải qua phẫu thuật thẩm mỹ, chấp nhận đau đớn để sở hữu vẻ đẹp được cho là hoàn hảo.

Venezuela và Philippines là hai "cường quốc sắc đẹp" nổi tiếng với các lò đào tạo hoa hậu chuyên nghiệp. Ở Venezuela, cha mẹ sẵn sàng đầu tư tiền bạc, cho con tham gia các khóa học từ nhỏ để theo đuổi giấc mơ. Và hầu hết thí sinh hoa hậu tại quốc gia này đều đã trải qua phẫu thuật thẩm mỹ

Tại Việt Nam hiện nay, lĩnh vực sắc đẹp cũng đang được đầu tư bài bản, chuyên nghiệp hơn. Các thí sinh sẽ được huấn luyện catwalk, kỹ năng ứng xử, giao tiếp, thậm chí được hỗ trợ chỉnh sửa nhan sắc trước khi "chinh chiến" quốc tế. 

Philippines đào tạo hoa hậu như thế nào?

Đào tạo hoa hậu không còn là khái niệm xa lạ tại quốc gia có nhiều hoa hậu, á hậu như Philippines. Trước đây, một cô gái đăng quang có thể nhờ gương mặt đẹp, xuất thân từ gia đình danh giá. Nhưng hiện nay, để đội lên đầu chiếc vương miện, cô gái đó phải có một ê-kíp huấn luyện đứng phía sau.

Một trong những lò đào tạo hoa hậu nổi tiếng nhất Philippines là Aces and Queens - nơi đã mang đến thành công cho rất nhiều người đẹp Venus Raj, Shamcey Supsup, Gwen Ruais, Janine Tugonon, Ariella Arida, Megan Young, Pia Wurtzbach, Maxine Medina...

Sự thật khắc nghiệt bên trong các lò đào tạo hoa hậu quốc tế-1
Jonas Gaffud hướng dẫn Maxine Medina, Hoa hậu Hoàn vũ Philippines 2016. Ảnh: CNN.

Jonas Gaffud, ông trùm đứng đầu trung tâm này, từng chia sẻ về công thức để tạo nên một nữ hoàng sắc đẹp tiềm năng: "Đầu tiên là vẻ đẹp hình thể. Cô gái ấy phải xinh đẹp, cao (ít nhất 1,65 m), có đôi chân dài, tỷ lệ số đo cân đối. Tiếp đến là sự bản năng, yếu tố ngôi sao sẵn có. Tôi không biết phải miêu tả cụ thể thế nào. Nhưng tôi có thể nhìn được ai là nhân tố tiềm năng".

Theo Jonas Gaffud, họ thường "săn" người đẹp khoảng 6 tháng trước khi mùa hoa hậu bắt đầu. Các cô gái sẽ được huấn luyện về cách đi đứng, tạo dáng, cư xử, trả lời phỏng vấn sao cho giống một nữ hoàng sắc đẹp.

Chế độ tập luyện rất nghiêm ngặt: tập gym 3 lần mỗi tuần, tập catwalk 2 lần/ tuần. Người luyện ứng xử cho các cô gái là một luật sư.

"Chúng tôi tham khảo các câu hỏi từ hầu hết các cuộc thi quốc tế trước đó. Và yêu cầu học viên phải trả lời nhanh, không chần chừ, vì bạn chỉ có 30 giây để tỏa sáng".

Trước thắc mắc liệu các cô gái có được cung cấp câu trả lời mẫu và học theo, một thành viên của trung tâm Aces and Queens khẳng định đó không phải cách họ đào tạo hoa hậu.

"Học viên tự trả lời theo suy nghĩ của mình. Chúng tôi sẽ đưa ra những lời khuyên để giúp họ cải thiện. Chúng tôi dạy các cô gái cách để tự tin nói trước đám đông, đứng lên khi vấp ngã".

Sandra Seifert, Hoa hậu Philippines 2009, chia sẻ trên CNN cô từng phải đổ mồ hôi hàng giờ trong phòng tập với nhiều bài tập căng thẳng để cải thiện số đo ba vòng với hình thể săn chắc, khỏe mạnh.

"Hãy tưởng tượng bạn đang thực hiện bài tập lunge trên đôi giày cao gót và vài quyển sách đặt trên đầu, và tuyệt đối không được làm rơi sách", Seifert nói. 

Một thí sinh hoa hậu khác bày tỏ đằng sau mỗi người đẹp đều là quá trình khổ luyện, không chỉ đơn giản đứng trước đám đông và mỉm cười.

Margie Moran, Hoa hậu Hoàn vũ Thế giới 1973, cũng là cựu nữ hoàng sắc đẹp Philippines chia sẻ chìa khóa của sự thành công là quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng - không chỉ về ngoại hình, vóc dáng, mà còn về chiều sâu kiến thức. Một Miss Universe tương lai phải đọc thật nhiều để nắm bắt những gì đang diễn ra trên thế giới.

Maxine Medina, Hoa hậu Hoàn vũ Philippines 2016, cho biết khi chuẩn bị thi Miss Universe 2017, cô đặc biệt tập trung rèn luyện kỹ năng giao tiếp. Mỗi ngày, cô đọc ít nhất ba bài báo và xem chương trình Ted Talks để cập nhật thời sự.

Sự thật khắc nghiệt bên trong các lò đào tạo hoa hậu quốc tế-2
Catriona Gray vừa mang về vương miện Miss Universe thứ 4 cho Philippines. Ảnh: Getty.

"Ông trùm" Gaffud bật mí ông lo cho thí sinh từ những điều nhỏ nhất như chọn váy áo, màu son. Dựa trên vẻ đẹp tự nhiên của mỗi cô gái, các huấn luyện viên sẽ định hướng cho họ xây dựng hình ảnh ngọt ngào hay sexy, quyến rũ. Gaffud cho biết thêm một số huấn luyện viên lấy chi phí đào tạo, nhưng ông thì không. Ông giúp các cô gái vì đam mê dành cho lĩnh vực sắc đẹp.

Đương kim Hoa hậu Hoàn vũ Catriona Gray cũng từng được Gaffud đào tạo khi thi Miss World năm 2016 và đạt thành tích top 5. Đến khi tham gia Binibining Pilipinas 2018, cô đăng ký với tư cách thí sinh độc lập. Tuy nhiên, để thành công ở Miss Universe mới đây, cô có một ê-kíp hùng mạnh khác đứng phía sau.

Sự thật khắc nghiệt phía sau hành trình đào tạo hoa hậu Venezuela

Trước khi Philippines nổi lên, Venezuela vẫn được coi là cường quốc sắc đẹp số một thế giới. Theo một số liệu thống kê vào năm 2015, quốc gia này nắm trong tay 6 Hoa hậu Thế giới, 7 Hoa hậu Hoàn vũ, 6 Hoa hậu Quốc tế và hai Hoa hậu Trái đất.

Và Venezuela cũng nổi tiếng là quốc gia của những người đẹp dao kéo. Trang New York Post từng đăng tải một bài viết, trong đó nói rằng chiếc vương miện hoa hậu thường được đánh đổi bằng một cái giá "cắt cổ" - khi các cô bé 12 tuổi được khuyến khích độn mông, sửa mũi, còn những cô gái 16 tuổi nên bơm vòng một.

Sự thật khắc nghiệt bên trong các lò đào tạo hoa hậu quốc tế-3
Các bé gái xếp hàng tại một trường đào tạo người mẫu ở Caracas. Ảnh: Reuters.

Một số trường hợp khác chọn cách phẫu thuật cắt bớt dạ dày hoặc ruột để tiêu hóa thức ăn nhanh hơn, giúp giảm béo. Wi May Nava, Á hậu Venezuela 2013, đã thực hiện phương pháp khâu lưỡi với một màng lưới bằng nhựa trong suốt để giảm hứng thú ăn uống. Ngoài ra, để chạm đến danh hiệu, cô còn sửa răng, bơm ngực. Tổng chi phí Wi May Nava dành để làm đẹp là 7.000 USD.

Nguồn tin trên Daily Mail tiết lộ các bé gái 8-9 tuổi còn được bố mẹ tiêm hormone trì hoãn dậy thì để tăng chiều cao.

"Ước mơ của hầu hết cô gái Venezuela là trở thành hoa hậu. Họ không khuyến khích vẻ đẹp tự nhiên, mà tôn vinh những cái đẹp dao kéo giả tạo. Các hoa hậu Venezuela không phải hình mẫu lý tưởng cho phụ nữ", nhà hoạt động xã hội Taylee Castellanos bày tỏ.

Cũng giống các nhà hoạt động xã hội khác, Castellanos phản đối các trung tâm đào tạo người mẫu khi chiêu mộ những học viên nhỏ tuổi (dưới 10 tuổi).

Trong khi đó, Alexander Velasquez - người đứng đầu Học viện nổi tiếng Belankazar, có cơ sở tại thủ đô Caracas, cho rằng việc đào tạo sớm đóng vai trò quan trọng và cần thiết. Dù Velasquez thừa nhận đa phần phụ huynh học sinh có thu nhập thấp, chỉ khoảng 50 USD mỗi tháng. Họ sẵn sàng chi một nửa số tiền hàng tháng để đóng học phí và đầu tư vào khoản trang phục, make-up cho các con.

"Tôi không tin Venezuela là quốc gia có nhiều cô gái xinh đẹp nhất, nhưng chúng tôi biết cách tạo nên những nữ hoàng sắc đẹp hoàn hảo. Đó là lý do chúng tôi luôn đạt thành tích cao ở tất cả cuộc thi nhan sắc trên thế giới" - Velasquez phát biểu trên Daily Mail.

Sự thật khắc nghiệt bên trong các lò đào tạo hoa hậu quốc tế-4
Venezuela khuyến khích vẻ đẹp dao kéo để đạt đến sự hoàn hảo. Trong ảnh là Migbelis Lynette Castellanos - top 10 Hoa hậu Hoàn vũ 2014. 

Một trùm hoa hậu khác tên Bruno Caldieron tiết lộ các người mẫu do anh đào tạo có thể phải đeo những chiếc nẹp plastic đau đớn để bó eo. Nếu vòng bụng có mỡ thừa, cô ấy phải hút mỡ. Nếu chiếc mũi chưa đủ thẳng đẹp, cô ấy nên sửa mũi.

Khát khao danh hiệu hoa hậu ở quốc gia Nam Mỹ này mạnh đến mức có những gia đình nghèo sẵn sàng đầu tư toàn bộ tiền bạc cho con đi thi, đầu tiên là chi phí đào tạo - hai tháng tập gym, tham gia các khóa học về dinh dưỡng, catwalk, thuyết trình. Và đương nhiên hóa đơn sẽ ngày càng "chồng chất" nếu cô gái đó càng tiến xa vào những vòng sau.

Phụ nữ Venezuela cho rằng đó là một khoản đầu tư dễ hiểu và có thể chấp nhận được.

Diego Montaldo, một nhà báo giải trí, theo dõi cuộc thi Miss Venezuela hơn 30 năm, nhấn mạnh: "Nếu họ muốn theo đuổi sự nghiệp người mẫu, việc tham gia các cuộc thi sắc đẹp đương nhiên giúp họ tăng cát-xê gấp 10 lần".

Viviana Valente, Hoa hậu Portuguesa 2016, xác nhận sau khi có danh hiệu, cô nhận được nhiều hợp đồng quảng cáo và bù lại số tiền đã đầu tư chỉ trong thời gian ngắn.

Ông trùm hoa hậu Osmel Sousa - từng giữ chức chủ tịch tổ chức Miss Universe từ những năm 1980 và nghỉ hưu mới đây - phát biểu ông sẵn sàng chi tiền cho sự hoàn hảo để tạo ra một búp bê "Barbie sống".

"Đây là một nền công nghiệp và chúng ta phải nỗ lực để đạt đến sự hoàn hảo. Chúng ta không nên thỏa hiệp, dễ dãi", Sousa nói.

Tuy nhiên, cũng có không ít cô gái phải từ bỏ giấc mơ giữa chừng khi nghe đến những con số quá lớn, không đủ sức chi trả. Để sở hữu vẻ đẹp hoàn hảo đậm chất Venezuela, các chi phí phẫu thuật làm ngực, sửa mũi, hút mỡ có thể lên đến 13.800 USD. 

Chuyên gia Esteban Velásquez kể: "Năm ngoái, khoảng 200 cô gái tìm đến tôi. Nhưng khi tôi bắt đầu đề cập đến những chi phí cần thiết, một nửa trong số đó rút lui. Thực sự khó khăn". 


Theo Zing.vn


Miss Universe Hoa Hậu Hoàn Vũ

Tin tức mới nhất