Sự thật về lời nguyền xác ướp Ai Cập

Những câu chuyện về lời nguyền xác ướp hay xác ướp báo thù thật ra chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng.

Từ trước đến nay, các bộ phim về xác ướp Ai Cập của Hollywood luôn có hai đặc điểm chung, đó là giới thượng lưu giàu sụ mê đồ cổ và một lời nguyền khủng khiếp sẵn sàng chôn vùi những kẻ săn lùng kho báu. Tuy nhiên, ngay cả các nhà làm phim Hollywood cũng không phải là những người phát minh ra khái niệm về lời nguyền xác ướp.


Lời nguyền xác ướp hay xác ướp sống dậy báo thù hóa ra không phải là sự thật như vẫn thấy trên phim ảnh. (Ảnh: Internet)


Thuật ngữ “lời nguyền xác ướp” lần đầu tiên được lan truyền rộng rãi trên khắp thế giới là vào năm 1922, khi hầm mộ của vị Vua Tutankhamun nổi tiếng được phát hiện tại Thung lũng các vị Vua, nằm ở bờ tây của dòng sông Nile, đối diện với thành phố Luxor ngày nay.

Ngày 26/11/1922, nhà khảo cổ học và Ai Cập học người Anh Howard Carter đục một cái lỗ nhỏ để nhìn vào bên trong ngôi mộ và trông thấy đống kho tàng ẩn giấu ở đó suốt 3.000 năm. Nhưng đồng thời, Carter cũng giải phóng một thứ niềm tin có quy mô toàn cầu về thế giới Ai Cập cổ đại: những lời nguyền.

Đống ngọc ngà châu báu lấp lánh của Tutankhamun trở thành đề tài giật gân của báo chí trên khắp thế giới. Chưa kịp hoàn hồn, người ta tiếp tục bị sốc trước cái chết của Bá tước Carnarvon, người tài trợ cho cuộc khai quật này. Tuy nhiên trong thực tế, Carnarvon không phải chết vì trúng lời nguyền mà vì bị nhiễm độc máu. Trong số 26 người hiện diện lúc hầm mộ được khai mở, cũng chỉ có 6 người chết trong vòng một thập kỉ sau đó. Riêng Howard Carter, nhân vật chắc chắn phải là mục tiêu số một của các pharaoh vì đã tự tay mạo phạm chốn yên nghỉ của họ bằng một cái đục, thì sống đến năm 1939.


Howard Carter (trái) đang xem xét chiếc quách của Vua Tutankhamen vào năm 1922. Ông qua đời vào năm 64 tuổi vì bệnh ung thư hạch. (Ảnh: National Geographic)


Dù biết lời nguyền của pharaoh là thứ gây hiếu kì cao độ, nhưng khái niệm này có nguồn gốc từ đâu?

Nhà Ai Cập học người Anh Dominic Montserrat đã từng thực hiện một cuộc điều tra toàn diện và phát hiện ra rằng khái niệm này xuất phát từ một buổi biểu diễn thoát y ở London vào thế kỷ 19.

“Cuộc điều tra của tôi cho thấy rõ ràng rằng khái niệm lời nguyền xác ướp có từ trước khi ngôi mộ của Tutankhamen được khám phá và trước cái chết của Carnarvon một trăm năm,” Montserrat phát biểu.

Montserrat tin rằng buổi biểu diễn nói trên, trong đó có cảnh những xác ướp Ai Cập được gỡ bỏ đồ mai táng đã truyền cảm hứng cho các nhà văn viết nên câu chuyện về xác ướp báo thù.
“Cuộc nghiên cứu của tôi không những xác nhận rằng rõ ràng ban đầu người Ai Cập cổ đại không hề có ý tưởng nào về lời nguyền xác ướp, mà quan trọng hơn nữa, thuật ngữ này cũng không có nguồn gốc từ những bài báo có từ năm 1923 xoay quanh việc khám phá ra ngôi mộ của Tutankhamun.”

Tuy nhiên, theo Salima Ikram, một nhà Ai Cập học tại Đại học Mỹ ở Cairo, bà tin rằng khái niệm lời nguyền thực ra có tồn tại ở Ai Cập cổ đại như một phương pháp bảo vệ nguyên sơ. Bà cho biết trên các bức tường của những ngôi mộ có từ trước thời đại kim tự tháp ở Giza và Saqqara có khắc các “lời nguyền” nhằm hù dọa những kẻ có ý định mạo phạm hay cướp bóc nơi yên nghỉ của hoàng tộc.

“Họ thường đe dọa những kẻ mạo phạm bằng sự trừng phạt tối cao của hội đồng thần linh,” Ikram cho biết. “Hoặc bằng cái chết gây ra bởi cá sấu, sư tử, bọ cạp, hoặc rắn.”

Trong những năm gần đây, các nhà nghiên cứu cho biết những lời nguyền của các pharaoh thật ra chỉ là các hiện tượng sinh học trong tự nhiên.

Những ngôi mộ đóng kín có thể nào chứa đựng mầm bệnh gây nguy hiểm hay thậm chí giết chết ai đó mở nắp chúng sau hàng ngàn năm, đặc biệt là những người có hệ miễn dịch yếu như Bá tước Carnarvon hay không? Câu trả lời là có. Bên trong những lăng tẩm này không chỉ có xác người và động vật mà còn chứa vô số thực phẩm để họ mang theo sang thế giới bên kia.

Nhiều cuộc nghiên cứu còn phát hiện các xác ướp cổ đại chứa đầy nấm mốc, trong đó có những loại có độc tính cao, có khả năng gây tắc hoặc chảy máu phổi. Ngoài ra một số loại vi khuẩn có hại cho phổi cũng có thể phát triển trên các bức tường của hầm mộ, khiến cho việc đặt chân vào đó trở nên nguy hiểm, và bí ẩn, nếu không nhìn nhận theo góc độ khoa học.

Tuy nhiên, cũng như việc các xác ướp trong phim Hollywood thường hồi sinh bằng bùa chú, có lẽ niềm tin về những lời nguyền xác ướp sẽ không bao giờ chết.


Xác ướp Vua Tutankhamen, được khai quật sau 3.000 năm. (Ảnh: National Geographic)

Theo Thế giới trẻ

Tin tức mới nhất