Tâm sự của nữ sinh Nam Định xinh đẹp từng theo bố đẩy xe rác khắp Hà Nội, bươn chải kiếm tiền ăn học

Có một lần Linh đang đẩy xe rác phụ bố thì gặp một người bạn cấp 3. Thấy Linh lao động vất vả sau giờ học, bạn vẫn thể hiện thái độ xem thường.

Có 1 câu chuyện về nữ sinh xinh đẹp vượt khó theo con đường học vấn đang gây xôn xao trên các Fanpage của Hội đồng hương Nam Định, Hội những người con huyện Xuân Trường... những giờ qua. 

Nhân vật chính thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng là Phạm Thuỳ Linh (sinh năm 1993, tại huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định). Nữ sinh đã trải lòng về quãng thời gian khó khăn, từng làm rất nhiều việc để tự kiếm tiền trang trải học phí ở Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp Cao đẳng Du lịch, Linh tiếp tục đăng ký học Quản trị Kinh doanh tại một trường quốc tế. Dù biết học phí rất cao nhưng Linh vẫn nỗ lực theo đuổi vì muốn có một tương lai ổn định hơn.

Như bao tâm sự gây chú ý khác, câu chuyện riêng của Linh đã "chạm" đến khá nhiều người đọc. Đặc biệt là với những ai từng lớn lên ở những vùng quê nghèo, tìm cơ hội đổi đời chân chính bằng con đường học vấn.


Thuỳ Linh - nữ sinh xinh đẹp với tâm sự vượt khó theo việc học đang gây chú ý.

Cấy lúa thuê kiếm tiền, đẩy xe rác phụ bố

Linh là con cả trong gia đình có 3 chị em. Bố cô bạn làm đủ nghề lao động tay chân, từ Nam Định đến Hà Nội ở đâu có việc là ông nhận hết. Mẹ của Linh có sạp rau nhỏ ở chợ. Như những đứa trẻ sinh ra ở vùng quê nghèo, Linh giỏi đồng áng từ nhỏ. Những việc như cấy lúa, trông em, nấu ăn... chẳng làm khó được cô.

Việc đồng áng không chỉ theo Linh ở những năm cấp 3 khi còn sống gần bố mẹ. Lúc Linh đậu Cao đẳng Du lịch trên Hà Nội, mỗi vụ mùa đến nữ sinh cũng phải về nhà để cấy lúa kiếm tiền. Nhà Linh có mỗi một mẫu ruộng, trồng lúa để bán và để ăn. Cấy xong ruộng nhà mình, Linh còn đi cấy thuê cho ruộng nhà hàng xóm.

Suốt 12 năm phổ thông, Linh đều đạt danh hiệu học sinh Khá, Giỏi. Môn cô bạn có điểm cao nhất là tiếng Anh. Nhờ thế mạnh này mà nữ sinh có cơ hội trở thành một trong hai đại diện Việt Nam sang Nhật tham gia hội nghị International Youth Exchange do Hội chữ thập đỏ quốc tế tổ chức vào năm 2010. 



Nữ sinh trong lần đi Nhật cuối năm lớp 12.

Đậu cao đẳng trên Hà Nội, biết nhà không có tiền, Linh tự mưu sinh kiếm tiền đóng học phí - trang trải mọi khoản sinh hoạt đắt đỏ ở thủ đô. Từ những kiến thức được học cộng với khoản ngoại hình ưa nhìn, nữ sinh kiếm được một số tour dắt du khách đi tham quan gần Hà Nội. Nhờ vậy, 3 năm cao đẳng cũng trôi qua nhanh.

Những năm đó, Linh phụ giúp bố đẩy xe rác (bố Linh cũng lên Hà Nội theo người ta tháo dỡ công trình, đẩy xe rác, thu gom phế liệu).

Cô bạn nhớ mãi lần mình mặc quần áo lao động, đeo khẩu trang vài lớp, găng tay cáu bẩn thì gặp đúng ngay người bạn thời cấp 3. 

Thấy Linh, bạn bất ngờ: "Linh, đi đâu đây?".

Nữ sinh đáp: "Tớ đi làm với bố".

Người bạn ấy chỉ bảo "cố lên nhé" rồi khểnh miệng cười quay đi.

"Mình biết người đó không thật lòng xem mình là bạn. Mình bỏ qua thôi", Linh tâm sự.

Linh kể, công việc mà bố con mình từng làm ở Hà Nội trong suốt quãng thời gian mình học cao đẳng còn khó khổ hơn công việc của những cô lao công mà mọi người thấy trên đường. Hai bố con đi sâu vào những con ngõ nhỏ. Nhiều khi, rác thì đầy mà dốc thì cao quá lên không nổi. Nhiều người cũng hỏi: "Nếu đứa mày thích biết mày đi làm như vậy thì sao?". 

"Lúc đó, mình không thấy ngại cũng không nghĩ gì cả. Đó là cuộc sống của mình mà. Không chỉ cày thuê, đẩy xe rác, mình còn bán đồ mẹ gửi ở quê lên để kiếm đồng ra đồng vào. Ai chẳng biết mình là con nhà nông...", Linh nói.


Cô bạn rất có khiếu buôn bán.


Linh nhận mình là con nhà nông thứ thiệt.

Vừa làm vừa học trường quốc tế: Cứ 4 tháng lại đóng 25 triệu tiền học phí

Linh tâm sự, ai ở tuổi của mình cũng thích bay nhảy và kiếm tiền thật nhanh, nhưng sau vài năm đi làm du lịch cô bạn nhận ra nghề này đúng là vui thật nhưng vất vả quá, phải đi lại nhiều. 

Sau khi tốt nghiệp Cao đẳng Du lịch, được anh chị đi trước định hướng, Linh đăng kí học thêm về Quản trị Kinh doanh và bây giờ cô gái xác định sẽ theo chuyên ngành Quản trị nhân lực trong ngành lớn đã chọn.

Thay vì học hệ buổi tối ở những trường bình thường, Linh chọn hẳn vào một trường quốc tế với mức học phí cao, cứ 4 tháng lại đóng 25 triệu đồng, để lấy tấm bằng này. 


Thuỳ Linh liều đăng ký học trường quốc tế sau khi tốt nghiệp Cao đẳng Du lịch.


Thuỳ Linh (bên phải ngoài cùng).

"Lúc đầu khi đặt bút đăng ký mình cũng ngần ngại dữ lắm. Nhưng nghĩ đến chuyện mình phải làm sao để cái bằng ngày càng giá trị hơn nữa, trong tương lai sẽ cho mình thêm nhiều cơ hội... nên mình mạnh dạn.

Mặt khác, sau quá trình làm việc trong ngành du lịch mình nhận ra ở hầu hết các nơi làm việc thường có những yêu cầu rất cao: Ngoại ngữ, kiến thức, sự nỗ lực. Nếu học cao đẳng như mình thì thực sự vẫn chưa đủ điều kiện để đi làm ở những nơi mình mơ ước. Mình muốn làm việc ở nơi có thể gắn kết lâu dài và phát triển bản thân chứ không thích vài tháng lại rải hồ sơ đi khắp nơi", Linh chia sẻ.

Không có sự hậu thuẫn của gia đình, bài toán học phí mà Linh phải giải lần này khó gấp 10 lần khi phải tự lập ở Hà Nội lúc đậu vào cao đẳng.

Cô bạn quyết định làm một lúc 3 việc: quản lý một cửa hàng bán đồ Nhật, dẫn tour du lịch, làm nhà hàng Nhật. Trung bình mỗi tháng, nữ sinh kiếm được khoảng 15-20 triệu. Nếu tháng cao điểm du lịch thu nhập sẽ nhiều hơn. Với số tiền này, Linh tiêu dè xẻn thì đủ để vừa tích góp đóng học phí ở trường quốc tế vừa có vốn riêng cho mình. 


Sở thích của Thuỳ Linh là du lịch, cô bạn đã đi một số nước như Nhật, Thái, Indo, Campuchia, Singapore và Úc.


Thuỳ Linh luôn giữ nụ cười tươi tắn.

"Vì không có nhiều thời gian nên mình học theo kiểu cuốn chiếu. Cứ học xong đến đâu là mình làm bài tập luôn đến đó. Sinh viên sẽ có thời gian nộp bài được lên lịch trước nên mình tự cân đối thời gian giữa làm việc và học tập. Mình thấy cũng không vất vả lắm!", Linh nói.
 


Theo Helino


giới trẻ nữ sinh

Tin tức mới nhất