Vợ tôi phải vào tù vì lòng tham vô đáy

Chỉ vì lòng tham quá lớn, vợ tôi đã đẩy gia đình đến bờ vực tan nát, đồng thời bản thân cô ấy cũng phải trả giá bên trong song cửa sắt.

Vợ chồng tôi sống ở nông thôn nên với thu nhập từ thợ hàn xì mỗi tháng 8 triệu đồng, tôi cũng nuôi đủ vợ và hai con. Vợ tôi vừa một tay chăm sóc hai đứa con lại việc ruộng đồng cùng với mấy con lợn nên cô ấy rất bận rộn. Nhìn vợ lúc nào cũng lấm lem bùn đất khiến tôi rất thương xót.

 Đã nhiều lần tôi khuyên cô ấy làm ít thôi không đổ bệnh ra thì lại khổ nhưng vợ tôi cười hiền lành nói: “Em muốn làm nhiều để có chút vốn sau đó vợ chồng mình sẽ cho vay mượn để kiếm lời”.

2 năm sau, số tiền vợ chồng tôi tiết kiệm và bán đi mấy mảnh ruộng cũng được 300 triệu đồng. Vợ tôi không làm ruộng và chăn nuôi nữa mà chuyển sang cho vay vốn. Nhờ sự khéo léo trong ngoại giao nên cô ấy kiếm được rất nhiều mối đang cần tiền gấp. Vợ tôi mang hết tiền nhà cho vay. Bình thường cô ấy lấy lãi từ 10-11% năm, sau rồi là 12 – 15% vẫn nhiều người đổ dồn vào vay vì không phải làm thủ tục rườm rà.

Khi số người đến ngày càng nhiều, vợ tôi phải đi vay xung quanh bạn bè, người thân với lãi suất thấp để cho người ngoài vay với lãi suất cao hơn.

Từ khi vợ tôi mở dịch vụ cho vay tiền, nhà cửa bỗng tấp nập hẳn lên. Có nhiều người mang tiền và vàng đến để “nhờ” vợ tôi cho vay giúp. Khách hàng là những bà con hàng xóm hay họ hàng thậm chí cả những người làm công ăn lương bình thường chắt chiu, cũng đưa tiền đến cho vợ tôi quay vòng với hy vọng được tiền lãi cao hơn ngân hàng. Mỗi lần như thế, vợ tôi đưa lại cho mọi người với một tờ giấy viết tay làm tin, không có chữ ký của chính quyền địa phương, không con dấu, không cần tài sản cầm cố.  

tài sản
Mỗi lần như thế, vợ tôi đưa lại cho mọi người với một tờ giấy viết tay làm tin. (Ảnh minh họa)

Có ngày, vợ tôi cầm của mọi người tới mấy tỉ đồng. Nhìn thấy trong nhà ngày càng có nhiều tiền, tôi bắt đầu lo lắng. Tôi tâm sự với vợ: “Sao mọi người lại tin tưởng mà giao hết cả tài sản của họ cho em vậy?”. Vợ tôi cười đắc thắng chỉ tay vào đầu cô ấy mà nói: “Chủ yếu là ở mưu trí đây này. Em biết mọi người ham lãi suất cao nên đánh trúng tâm lý thôi”.

Tôi hỏi: “Thế nhưng lỡ đến hạn mà không trả nổi tiền thì sao? Cả mấy người em cho vay nữa, họ có đáng tin không? Có chịu trả tiền đúng hạn không?”. Thấy tôi hỏi nhiều quá, cô ấy chẹp miệng bảo: “Không nói với anh nữa. Anh thì hiểu gì”. Dù lo lắng, nhưng thấy vợ nói chắc nịch như vậy, tôi cũng không cản nữa.

Tôi đi làm cũng không yên tâm vì lúc nào trong nhà cũng có số tiền lớn. Thế nên tôi bỏ hẳn việc hàn xì, ở nhà nhìn chằm chằm cái két vì sợ bị trộm, rồi không có tiền đền cho họ hàng, làng xóm. Bình thường tôi cũng không mở két ra kiểm tra, vì sợ làm lộn xộn giấy tờ của vợ. Nhưng không hiểu sao, trời xui đất khiến thế nào mà hôm đó tôi lại mở thử ra xem.

Vừa mở cánh tủ ra, tiền đủ các mệnh giá tràn ra nhà làm tôi hoa hết cả mắt, cả đời chưa bao giờ tôi dám mơ ước được nhìn thấy số tiền này. Tôi vội cầm quyển sổ ghi số tiền của những người vợ tôi vay đã lên đến 4 tỷ. Nhưng lục lọi khắp nơi mà vẫn không tìm quyển sổ mà vợ tôi cho vay.

Vậy là vợ tôi chỉ có đi vay và lấy tiền gốc của khách hàng để trả lãi cho họ, cô ấy không hề cho ai vay. Từ trước đến giờ tôi tin tưởng vào sự đảm đang tháo vát của vợ, bây giờ tôi mới hiểu vợ tôi là kẻ hám tiền lừa lọc người khác. Nhìn vào đống tiền không phải của mình tôi suy sụp tột cùng, tôi vội gọi điện thoại cho vợ về gấp.

Vợ vừa về đến nhà, tôi quát: “Em đang làm trò gì em có biết không? Em dám lấy tiền của mọi người làm của riêng cho bản thân à? Thảo nào dạo này anh thấy em suốt ngày phấn son ăn diện như minh tinh màn bạc vậy. Em trả ngay số tiền đấy cho mọi người không thì đừng trách anh”.

Vợ tôi chỉ thẳng vào mặt tôi giận dữ nói: “Anh đừng có phá hoại kế hoạch của em, nếu trả hết mọi người thì bán cả nhà cũng chẳng đủ trả đâu, đâm lao thì phải theo lao. Em tự có tính toán của mình, anh mà bép xép với ai là em đi tù đấy”. Nghe vợ nói đi tù tôi sợ xanh mắt lại không nói nổi lời nào, trong lòng tôi cầu mong vợ mình có kế hoạch trả tiền cho mọi người kịp thời, để khỏi rơi vào bước đường cùng.  

tài sản
Từ trước đến giờ tôi tin tưởng vào sự đảm đang tháo vát của vợ, bây giờ tôi mới hiểu vợ tôi là kẻ hám tiền lừa lọc người khác. (Ảnh minh họa)

Thế nhưng, một hôm tôi vừa đi làm về, trong sân đầy xe và người. Tôi chưa kịp mở miệng hỏi thì họ đã ào ào: “Kìa, chồng nó đấy, tóm lấy để tìm cho ra vợ con nó”. Mọi người túm lấy áo và tay chân tôi như sợ tôi chạy mất. Đám đông đứng quanh tôi quát ầm ĩ: “Trả tiền cho tao, trả tiền cho tao. Đồ lừa đảo”.

Mãi rồi tôi mới biết, vợ tôi ôm toàn bộ tiền bỏ trốn, để lại tôi và 2 con. Nhà cửa xe cộ và các loại tài sản khác tôi đã bán hết để trả nhưng vẫn đọng lại khoản nợ lớn. Ba bố con tôi đành tá túc bên nhà bà nội.

Mấy ngày sau thì tôi nghe tin vợ tôi bị công an bắt giữ. Trong phiên tòa, nhìn cô ấy tiều tụy mà tôi không thể kìm được nước mắt, chung quy lại cũng vì tôi bất tài, không có khả năng cho vợ cuộc sống no đủ khiến cô ấy nảy lòng tham và đi sai đường.

Nhìn cảnh vợ bị dẫn đi, tôi vừa giận vừa thương. Tôi biết nói với các con như thế nào đây khi chúng hỏi mẹ đâu? Vì sao mẹ đi tù? Tôi muốn dọn đi nơi khác sống, để các con được yên, không phải nghe người khác nói mẹ là kẻ lừa đảo tài sản. Mọi người trong gia đình tôi cũng muốn tôi dứt khoát cắt đứt với vợ, nhưng ly dị bây giờ có phũ phàng với cô ấy quá không?

Theo Trí thức trẻ

Tin tức mới nhất