Tấn Minh: "Mỹ Tâm đã là một đẳng cấp, đâu cần nương vào ai nữa"

Ca sĩ Tấn Minh có những chia sẻ thẳng thắn về lần song ca cùng Mỹ Tâm trong đêm nhạc "Hãy về với nhau" sắp tới.

Luôn cân nhắc về sự xuất hiện của mình, lâu nay, Tấn Minh thường đứng cạnh các nữ diva. Nhưng trong đêm nhạc “Hãy về với nhau” tối 23/7 tại Hà Nội, lần đầu tiên, Tấn Minh “so giọng” cạnh một ngôi sao nhạc "thị trường" như Mỹ Tâm?

Ban đầu, tôi cũng phân vân đấy. Rồi, tôi nhận lời, vì một điều rất giản dị: Đây là cuộc chơi thú vị. Âm nhạc mà, nếu mà cứ bị giới hạn và đóng khung thì khô khan và tẻ nhạt lắm, tôi nghĩ thế.

Trên thế giới, chúng ta thấy những ngôi sao dòng classic như Pavarotti vẫn hát với Celine Dion, hay Elton John vẫn thi thoảng hát với những ca sỹ còn rất trẻ, chẳng liên quan gì với nhau. Vì thế, Mỹ Tâm có mời Tấn Minh hay Trọng Tấn hát cùng cũng là chuyện bình thường thôi. Hẳn là, cô ấy thấy việc kết hợp đó thú vị. Quan trọng là văn hóa khi hát song ca với nhau. Câu chuyện này, chỉ những người chuyên nghiệp mới giải được.

Ca sỹ Tấn Minh bật mí, anh và Mỹ tâm sẽ tìm lại cảm xúc ngày nào với những ca khúc mẫu mực của nhạc nhẹ...

Tôi và Tâm không có nhiều mỗi liên hệ trong cuộc sống và đường hướng nghệ thuật, nhưng tôi có theo dõi Tâm từ những ngày đầu. Hồi đó, tôi và một số đàn anh trong nghề đã đánh giá đúng về triển vọng của giọng hát và nội lực ấy. Mỹ Tâm được đào tạo thanh nhạc. Mỹ Tâm có tố chất của một ngôi sao đại chúng. Trong nghề chúng tôi, chuyện phục nhau là hiếm. Nhưng ai cũng phải công nhận, Mỹ Tâm là nghệ sỹ không nhiều ở Việt Nam lao động nghệ thuật cật lực, đi đến tận cùng con đường của mình.

Thú vị thì phải xem mới biết được, nhưng hẳn là không đến mức “làm khó” kiểu, Tấn Minh lần đầu tiên hát nhạc Mỹ Tâm đâu nhỉ? Giống như trường hợp danh ca Tuấn Ngọc còn phải “liều mình” hát “hit” Hồ Ngọc Hà khi được mời tham gia đêm nhạc của nữ ca sỹ này…

Mỗi ca sỹ một phong cách và quan niệm nghệ thuật khác nhau. Trong cuộc chơi của chúng tôi thì cả hai cùng khó. Khó, bởi sẽ hát thứ nhạc đều không phải là thế mạnh của cả hai.

Thực ra, đúng như chương trình - "Hãy về với nhau" - đó cũng là cơ hội để nghệ sỹ chúng tôi tìm về với những giá trị âm nhạc từng thân thuộc, chuẩn mực. Đôi khi vì để tìm cho mình chỗ đứng trên bản đồ âm nhạc, tôi hay Mỹ Tâm đều theo đuổi đường hướng riêng, nhưng giữa chúng tôi lại có sự đồng cảm, và điểm chung là cùng thích những dòng nhạc khác, như Trần Tiến, Thanh Tùng...

Nhiều ý kiến cho rằng, việc Mỹ Tâm mời Tấn Minh trong đêm nhạc ở Hà Nội và Trọng Tấn ở Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy dấu hiệu muốn nâng cấp dòng nhạc pop đại chúng, nói nôm na là, khi bao phủ được bề rộng thì sẽ muốn đi vào chiều sâu?

Điều đó e là hơi cực đoan. Vì, Mỹ Tâm đã là một đẳng cấp rồi. Tiếng hát và dòng nhạc bắt tai, công nghiệp vận hành đầy chuyên nghiệp, luôn ý thức và kiểm soát được sức hút của mình. Ở đây, đơn giản là cuộc chơi nghệ thuật, muốn đem lại những cảm xúc mới, màu sắc mới. Bản thân chính nghệ sỹ hay khán giả, nếu cứ ăn mãi một món thì cũng sẽ có lúc ngán chứ. Làm nghệ thuật, ý thức và cởi mở như Mỹ Tâm là hiếm lắm. Làm được điều đó, nghĩa là cô ấy đã thực sự rất lớn, đâu cần nương vào ai nữa.

Giới trong nghề có nhận xét thế này, họ rất ngại nếu như phải song ca với giọng hát chỉ sinh ra để đứng một mình như Mỹ Tâm?

Điều đó đúng, nhưng chưa đủ. Tâm giọng lạnh, nhưng vẫn đầy cảm xúc. Cảm xúc của giọng hát ấy chính là sự mộc mạc, từ trong ra ngoài như chính con người của cô ấy. Đã là nghệ sỹ, ai cũng phải có một trái tim nóng khi đứng trên sân khấu. Cũng giống như giọng hát Trần Thu Hà, nghe thì tưởng là lạnh, nhưng đầy tinh tế và đẳng cấp.

Mỹ Tâm ra Hà Nội trước đêm nhạc dành thời gian để luyện tập và chuẩn bị.
(Ảnh: Tú Nguyễn)


Những gì khắc kỷ và biết tiết chế thì luôn giữ được giá trị. Tâm là nghệ sỹ thông minh và thức thời. Trong nghệ thuật thì vậy, nhưng bản chất Tâm là người sống mộc mạc, lễ phép, biết trước biết sau. Khí chất nghệ sỹ chính là văn hóa ứng xử đúng mực với người trên, người dưới.

Nhìn thấy đồng nghiệp vận động liên tục, cựa quậy để làm mới mình, làm mới âm nhạc có khiến anh cũng “bồn chồn” ra khỏi quỹ đạo an toàn của mình?

Mọi người cứ nói, Tấn Minh giờ "ngồi mát ăn bát vàng". Nhìn vậy chứ không phải vậy đâu. Tất cả những gì tôi có được hôm nay đều đến từ lao động. Ngày xưa, tôi chỉ đi hát, giờ mang vác đủ hằng hà sa số, nào là nghĩ ra ý tưởng, chiến lược, lo cho anh em, nhà hát, sự phát triển của âm nhạc nói chung... Lắm lúc, bị hao kiệt năng lực, nghĩ dại, hay bỏ “quỹ đạo an toàn” mà nhiều người nghĩ ấy, chỉ làm người nghệ sỹ, sống nhẹ nhàng mang tiếng hát đến với khán giả. Nhưng ai cũng chọn việc nhẹ nhàng thì tẻ lắm.

Nên, tôi thích khi nhìn thấy những ai cứ luôn nung nấu, vận động, lao như con thiêu thân vào cuộc chơi nghệ thuật, không màng đến hậu quả đến đâu. Tôi thích những người đi vào đường hẹp, tìm tòi, cống hiến. Trước những người như thế, tôi rất sướng.

Mình sướng, vì mình không làm được. Nó không thuộc về căn tính nghệ sỹ và âm nhạc của tôi. Tôi là người bình tĩnh, đôi chút bảo thủ, thích đi con đường riêng, chặt chẽ, mình kiểm soát được mọi sự. Suy cho cùng, cái cốt lõi cuối cùng, là mình thấy đủ và vừa vặn.


Theo Vietnam+

Tin tức mới nhất