Thay vì tập trung cho ý nghĩa nhân đạo của "Về đi Vàng ơi", họ ném đá chúng tôi vì lập luận vô căn cứ"

Anh Trần Gia Bảo (Trưởng nhóm truyền thông của chiến dịch "Về đi Vàng ơi") cho biết mọi người không lường được sự việc lại chuyển sang một hướng "đau đầu" như vậy.

"Thay vì tập trung cho ý nghĩa nhân đạo của chiến dịch, họ ném đá chúng tôi vì những lập luận vô căn cứ", anh nói.

Chúng tôi gặp anh Trần Gia Bảo và những tình nguyện viên của chiến dịch "Về đi Vàng ơi!" vào chiều ngày 16/4 tại văn phòng làm việc của anh tại Quận 1, TP.HCM. Anh Hoàng Anh, Kỹ thuật viên kiêm quản trị website đang đau đầu vì trang web có dấu hiệu bị tấn công và đánh sập. Anh Gia Bảo liên tục trả lời điện thoại giải đáp thắc mắc của báo chí và cả những người đã tham gia ký tên trên website của chiến dịch. Khi một cuộc gọi vừa dứt, anh lại nhận được rất nhiều tin nhắn chửi bới, xúc phạm vì cho rằng anh là kẻ... lừa đảo.

Mọi chuyện rắc rối bắt đầu từ một bài viết trên diễn đàn với chủ đề "Sự thật trang web baovecho.org" khiến mọi người bán tín bán nghi. Một thành viên có tên Mina... nêu lên những nghi vấn: "Cái website của dự án lỗi tùm lum, thông tin mù mờ, và cách liên lạc duy nhất chỉ có cái email từ website. Thử hỏi rằng những người thật sự có tầm nhìn có dám tin tưởng vào các vị hay không? Liệu cậu Gia Bảo có bán thông tin của 1 triệu người ký tên cho bên thứ ba không? Ai dám trả lời chắc chắn chứ?"

Thành viên này còn đăng kèm một bức ảnh hợp đồng mua bán thông tin cá nhân giá 272 triệu đồng khiến mọi người lầm tưởng đây là hợp đồng mua bán giữa công ty riêng của anh Trần Gia Bảo với một bên thứ ba. Thực chất, hình ảnh bản hợp đồng này đã xuất hiện trên một tờ báo điện tử vào năm 2012 trong một bài viết về tình trạng công khai bán thông tin cá nhân, và không hề liên quan đến anh Bảo cũng như chiến dịch vừa được mở ra vào ngày 14/4 này.


Thành viên này đã đăng tất cả thông tin cá nhân, địa chỉ, số điện thoại
của anh Trần Gia Bảo lên diễn đàn này.


Chiến dịch "Về đi Vàng ơi" được khởi động vào ngày 14/4 tại TP. HCM là hoạt động do Liên Minh bảo vệ chó châu Á (gọi tắt là ACPA) thực hiện với mục đích nâng cao sự đồng cảm đối với loài chó và kêu gọi chấm dứt nạn trộm cắp chó cũng như buôn lậu, giết mổ và tiêu thụ thịt chó ở Việt Nam. Chiến dịch vận động hơn một triệu chữ ký trên website Baovecho.org, để trình lên Chính phủ kêu gọi ban hành quy định về phúc lợi động vật, nhất là với loài chó.

Khi chúng tôi đề nghị được phỏng vấn anh Bảo, anh đồng ý trả lời các câu hỏi nhưng không muốn chia sẻ hình ảnh của mình. "Tôi đang bị quấy rối bởi những cuộc gọi, địa chỉ của tôi cũng bị công khai nên tôi không muốn hình ảnh của mình bị lan truyền trong thời điểm này vì sự an toàn của bản thân", anh Bảo giải thích.

Thời điểm này chắc hẳn rất khó khăn với anh và với hoạt động của chiến dịch. Việc mọi người nghi ngờ tính chân thật của chiến dịch bắt nguồn từ việc họ tìm thấy thông tin của người tạo ra website baovecho.org là anh và địa chỉ công ty của anh, hoàn toàn không có thông tin từ các Tổ chức là thành viên của APCA. Anh nghĩ sao về việc này?

Tôi là một người rất yêu chó và luôn mong muốn đóng góp sức mình cho một hoạt động mà tầm ảnh hưởng của nó sẽ thay đổi được thói quen ăn uống của mọi người. Do đó tôi nhận công việc trưởng nhóm truyền thông của chiến dịch "Về đi Vàng ơi!" và đã được ủy quyền bởi ACPA để có thể thay mặt cho các cơ quan, tổ chức hỗ trợ.

Chiến dịch này đã được chuẩn bị từ rất lâu nhưng việc vận động một triệu chữ ký bắt đầu chính thức vào ngày 14/4. Trước đó tôi đã mua tên miền, host từ một nhà đăng ký tên miền lớn nhất Vệt nam (Công ty PA). Tôi dùng thông tin cá nhân của mình để đăng ký, đó là lý do khi người ta tìm kiếm người đứng sau website thì chỉ thấy thông tin cá nhân của tôi. Và bây giờ tôi là người hứng chịu mọi chỉ trích từ sự hiểu lầm của mọi người. Nói thật, tôi không lường trước việc nhỏ nhặt này lại khiến mọi người nghi ngờ tính chân thật của chiến dịch.


Đại diện của 4 tổ chức liên minh đã có mặt ở Việt Nam cho buổi họp báo ngày 14/04/2015
 và được các cơ quan truyền thông quốc gia đưa tin rộng rãi.


Những người đã ký tên đang lo lắng rằng thông tin cá nhân của họ bị bán cho một bên thứ ba, vì họ không thấy dòng thông báo các thông tin sẽ được bảo mật an toàn?

Chúng tôi cam kết thông tin cá nhân của các bạn sẽ được bảo mật. Hiện nay các Tổ chức là thành viên của APCA đã có văn bản chính thức về việc này. Họ khẳng định rằng không thu thập thông tin khách hàng với mục đích lợi nhuận mà chỉ sử dụng những thông tin vào mục đích duy nhất là trình lên chính phủ Việt Nam trong nỗ lực kêu gọi ban hành quy định về Phúc lợi động vật.




Văn bản chính thức từ Tổ chức Thay Đổi vì Động vật và Tổ chức Soi Dog làm rõ những
vấn đề liên quan đến các tin đồn lừa đảo bán dữ liệu khách hàng trên website Baovecho.org.

Tình trạng công khai bán thông tin cá nhân xảy ra rất nhiều ở nước ta, vì vậy khi một chiến dịch thu hút được sự chú ý của nhiều người, lại vận động ký tên bằng cách để lại thông tin cá nhân, mọi người nghĩ đây là tổ chức lừa đảo thì tôi cũng không thể trách được.

Chỉ mong các bạn hiểu rằng chúng ta đang làm một chiến dịch lớn, có ý nghĩa nhân đạo, cần thời gian lâu dài để thực hiện, nhưng các bạn lại mang những tiêu cực nhỏ nhặt của xã hội vào để đắn đo quyết định ký tên hay không, thì chiến dịch này mãi mãi không thành công được. 


Những hình ảnh thế này, bạn có muốn chung tay chấm dứt chúng?

Anh có vẻ rất tự tin sẽ vận động được 1 triệu chữ ký cho chiến dịch "Về đi Vàng ơi!". Trước đó, anh và các thành viên trong APCA đã từng làm một chiến dịch như thế này chưa và hiệu quả ra sao?

"Về đi Vàng ơi!" lấy ý tưởng, nội dung hoàn toàn giống với chiến dịch "I Didn't Know" từng thực hiện vào năm 2014 ở Thái Lan. Chúng tôi cũng tổ chức ký tên trên webiste savedogs.soidog.org và đã vận động được 1,5 triệu chữ ký để trình lên chính phủ Thái Lan yêu cầu chính phủ chấm dứt việc buôn bán và giết thịt chó.


Thái Lan từng tổ chức thành công chiến dịch mang tên "I Didn't Know" vào năm 2014
và chính phủ nước này cũng đã ban hành lại bộ luật bảo vệ động vật.



Có thể thấy sự giống nhau của hai chiến dịch từ giao diện website, cách thực hiện
clip tuyên truyền và các hoạt động truyền thông khác.


Báo Bangkok Post cũng từng đưa tin dự thảo luật bảo vệ động vật (trong đó có chó) đã được Ủy ban lập pháp Quốc hội Thái Lan thông qua lần thứ nhất hôm 31/10/2014 và sẽ được thảo luận lần thứ hai và thứ ba để có thể ban hành luật. Tôi được biết, đến đầu năm nay, chính phủ Thái Lan đã chính thức ban hành luật cấm tiêu thụ thịt chó trong nước. Đó là hiệu quả mà chiến dịch làm được và tôi cũng mong muốn "Về đi Vàng ơi!" cũng có thể làm được điều đó.

Tháng 5/2015, Quốc hội Việt Nam sẽ lần đầu tiên thảo luận các quy định về Phúc lợi động vật trong dự thảo Luật Thú y và đây là cơ hội để APCA trình một triệu chữ ký lên chính phủ để xem xét.

Xin được hỏi anh Bảo một chút về cái tên của chiến dịch. Vì sao ở Thái Lan chúng ta lấy tên "I didn't know" nhưng ở Việt Nam chúng ta lại dùng tên "Về đi Vàng ơi?", dù concept của clip tuyên tryền cũng bắt đầu bằng "Tôi không biết", "Tôi không ngờ"?

Chúng tôi gọi chiến dịch là "Về đi Vàng ơi" bởi hình ảnh chú chó vàng gần gũi trong đời sống con người. Chiến dịch này không chỉ bảo vệ những con chó cảnh xinh xắn, khỏe mạnh mà còn bảo vệ chung tất cả những loài chó khác. Hơn nữa, hình ảnh chú chó Vàng từng rất gần gũi với nhiều người trong tác phẩm "Lão Hạc", hoặc qua bài thơ "Sao không về Vàng ơi?" của nhà thơ Trần Đăng Khoa.

"Cơm phần mày để cửa. Sao không về hả chó? Tao nhớ mày lắm đó. Vàng ơi là Vàng ơi!" - Những câu cuối trong bài thơ thực sự gây ám ảnh cho nhiều người và thôi thúc họ muốn hành động ngay để bảo vệ những chú chó


Trước đây cũng từng có nhiều tổ chức, hội nhóm đứng lên kêu gọi mọi người ngừng ăn thịt chó nhưng chỉ sau một thời gian, các tổ chức này lại... biến mất và hiệu quả vẫn chưa cao lắm. Theo anh, vì sao họ lại thất bại trong việc tuyên truyền vấn đề cấm ăn thịt chó này?

Họ thất bại vì họ chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, họ không kết hợp được với các ban ngành đoàn thể khác. Trước khi APCA được thành lập vào năm 2013, thì các tổ chức thành viên cũng từng làm công việc tuyên truyền, kêu gọi, vận động bảo vệ gấu, mèo... Nhưng đến việc bảo vệ chó thì thực sự khó khăn hơn nhiều và không nên chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, nhất là ở Việt Nam, khi văn hóa và sở thích ăn uống của mọi người đã hình thành từ rất lâu. Hiểu được điều đó, các tổ chức đã hợp với nhau thành một Liên minh Bảo vệ chó Châu Á, để dự án có thể tác động đến một sự thay đổi thực sự.

Chúng tôi hiểu rằng điều đầu tiên là phải có quy định về phúc lợi động vật, chúng ta không thể cấm người khác ăn thịt chó vì đó là sở thích của từng người. Nhưng mọi người không biết rằng trước khi một con chó đến với nhà hàng để giết mổ lấy thịt, thì quá trình trước đó là một sai phạm nghiêm trọng, họ ăn cắp, phạm pháp, giết mổ mất vệ sinh. Chúng tôi không tổ chức chiến dịch để kêu gọi ngừng ăn thịt chó, chúng tôi chỉ kêu gọi ban hành quy định về phúc lợi động vật.

Nhiều người vẫn chưa hiểu phúc lợi động vật là gì và tại sao việc ban hành quy định này lại quan trọng đến thế?

Phúc lợi động vật là việc đối sự đối xử tốt với động vật để con vật có trạng thái tốt về thể chất và tinh thần, tránh những đau đớn không đáng có cho dù con vật đó là vật nuôi làm thực phẩm, công cụ sản xuất hay là thú cưng. Mặc dù khá phổ biến trên thế giới, song, tại Việt Nam, phúc lợi động vật vẫn còn là một khái niệm hoàn toàn mới và không phải ai cũng hiểu được.

Khi động vật được bảo vệ, thì những việc làm phạm pháp như buôn lậu, giết mổ tàn nhẫn, vận chuyển trái phép... sẽ được xem xét vào Bộ luật hình sự, tình trạng buôn lậu và giết mổ chó được cải thiện, việc kinh doanh thịt giảm đi và con người sẽ dần thay đổi sở thích ăn uống của mình. Đó là đường đi mà chúng tôi thực hiện, rất dài và rất khó khăn, có thể phải đến 20 năm sau, người Việt mới dừng hẳn việc ăn thịt chó.


Anh Lê Đức Chính, đại diện Liên minh bảo vệ chó châu Á tại Việt Nam ghi nhận có sự thay
đổi đáng kể về thái độ của người dân đối với thói quen ăn thịt chó trong vòng 5 năm qua
.

Tôi nhận thấy có 15 nghệ sĩ tham gia vào 3 clip tuyên truyền của chiến dịch "Về đi Vàng ơi!", tiêu chí nào để anh chọn các nghệ sĩ vào chiến dịch này, vì họ nổi tiếng, có sức ảnh hưởng, hay vì một lý do nào khác?

Câu hỏi đầu tiên khi tôi mời một nghệ sĩ tham gia chiến dịch là: "Anh/chị có ăn thịt chó không?". Nếu họ trả lời không, tôi mới bắt đầu giới thiệu về nội dung chiến dịch này, rất nhiều nghệ sĩ đã nhiệt tình tham gia vì thực tâm họ hy vọng có thể giúp gửi đi những thông điệp mạnh mẽ và cảm xúc sâu sắc từ cá nhân mình về vấn đề bạo hành đối xử của con người với động vật.


Những nghệ sĩ tham gia chiến dịch đều là những người không ăn thịt chó.

Có đến 45 nghệ sĩ đồng ý tham gia chiến dịch này nhưng vì họ đều bận rộn nên chúng tôi chỉ sắp xếp ghi hình được một số nghệ sỹ nổi tiếng như: Quốc Trung, Charlie Nguyễn, Trần Ly Ly, Thu Minh, Uyên Linh, Hà Lê, Chipu, Gil Lê, Quang Đăng, Trương Thị May, Trang Pháp, Trúc Nhân, Đông Hùng, Trung Quân và Suboi.

Buổi trò chuyện của chúng tôi liên tục bị ngắt quãng bởi những cuộc gọi đến anh Bảo. Có người nhá máy, có người gọi nhưng khi anh chưa kịp nói gì thì đã phải nghe một tràng những câu từ xúc phạm nặng nề. Email của anh cũng đầy ắp thư gửi đến. Tôi hỏi anh có buồn không, anh nói: "Đừng dùng từ buồn, nghe như tôi đã tuyệt vọng và thất bại trước sự ngờ vực của dư luận vậy. Tôi chỉ rất bất bình và nghĩ đến hệ quả mà Tổ chức phải chịu mà thôi, để chạy một chiến dịch thế này cần sự chuẩn bị rất lâu, vậy mà chỉ vì một hiểu lầm nhỏ gây ảnh hưởng đến chiến dịch, tôi tức giận nhiều hơn. Nhưng tôi sẽ không bỏ cuộc mà cố gắng chứng minh cho mọi người thấy những gì ACPA sẽ làm được trong thời gian tới, trước mắt là gầy dựng lại niềm tin cho mọi người vào công cuộc ký tên tập thể trên website này".

Những hoạt động của Liên minh Bảo vệ chó châu Á (Asia Canine Protection Association - ACPA):

•    Tổ chức hội nghị tại Hà Nội năm 2013, các đại biểu Chính phủ cấp cao của Việt Nam, Thái lan, Lào và Campuchia đã đồng ý cam kết ngừng vận chuyển chó giữa các nước trong vòng 5 năm tới, công nhận những tác động của việc buôn bán này đối với cam kết của Chính phủ về loại trừ bệnh dại.

•    Thực hiện cam kết này, tháng 1 năm 2014, Cục Thú y Việt Nam (DAH) đã ban hành chỉ thị tới lãnh đạo các địa phương tăng cường công tác kiểm tra đối với việc buôn lậu chó trái phép phục vụ thị trường thịt chó, hợp tác với các tổ chức quốc tế nâng cao nhận thức pháp luật về hành vi buôn lậu qua biên giới và những nguy cơ đến từ việc tiêu thụ thịt chó. Chỉ thị này được đưa ra sau khi chính phủ Lào ban hành những hướng dẫn về việc kiểm soát vận chuyển chó, trong đó có nêu rõ sẽ không cấp bất kỳ giấy phép nào cho việc buôn bán chó vì mục đích thương mại.

•    Tổ chức cuộc họp song phương giữa đại diện Chính phủ Lào và Việt Nam tháng 7 năm 2014 tại miền trung Việt Nam, các đại biểu 2 nước đã thống nhất thực hiện các chương trình hoạt động tại khu vực cửa khẩu nhằm ngăn chặn buôn lậu chó vào Việt Nam.

•    Tổ chức hội nghị tại Bangkok năm 2014, tại hội nghị này các quan chức Chính phủ đã thống nhất việc hợp tác tại khu vực biên giới nhằm chấm dứt việc buôn bán chó lấy thịt.
 

Theo Trí Thức Trẻ


Tin tức mới nhất