Thực hư thông tin Hà Nội đang ô nhiễm không khí nhất nhì thế giới

Liên quan đến thông tin về mức độ ô nhiễm không khí của Hà Nội đứng thứ 2 thế giới vào sáng 5/10.

Ông Hoàng Dương Tùng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho rằng, chỉ số trên chưa thể khẳng định toàn Hà Nội ô nhiễm, vì chỉ số có thể tăng giảm theo giờ.

Sáng ngày 5/10, Trạm đo lường chất lượng không khí đặt tại Đại sứ quán Hoa Kỳ, Hà Nội đã tiến hành đo mức độ ô nhiễm không khí của một số quốc gia trên Thế giới.

Theo đó, kết quả đo và phân tích không khí Hà Nội cho thấy không khí Thủ đô được xếp vào nhóm "xấu", đứng thứ hai trong các thành phố ô nhiễm nhất được đo. Theo số liệu đo được, bụi PM 2.5 (bụi có đường kính khí động học nhỏ hơn hoặc bằng 2.5µm (micromet) trong không khí đang rất đáng báo động với chỉ số cao ngất ngưởng là 295.

Như vậy, trong sáng nay, Hà Nội đang là thành phố ô nhiễm thứ nhì thế giới. Chỉ số ô nhiễm của Hà Nội chỉ thấp hơn thành phố Ardhali Bazar của Ấn Độ (471) và cao hơn rất nhiều so với những thành phố còn lại có số liệu được thống kê.

Thực hư thông tin Hà Nội đang ô nhiễm không khí nhất nhì thế giới - Ảnh 1.
Danh sách những thành phố ô nhiễm nhất được đo sáng nay.


Những thông tin trên đã nhận được rất nhiều sự quan tâm đặc biệt của dư luận, nhiều người cho rằng, tình trạng tắc đường, khí thải động cơ, cùng với việc khu vực ngoại thành đốt rơm rạ trong mùa thu hoạch nên dẫn đến tình trạng này.

Liên quan đến vấn đề trên, ông Hoàng Dương Tùng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên Môi trường) cho rằng, chỉ số trên chưa thể khẳng định toàn Hà Nội ô nhiễm vì chỉ số có thể tăng giảm theo giờ. Đồng thời, ông Tùng cho rằng, với số liệu đo từ Đại sứ quán Mỹ thì không thể khẳng định không khí Hà Nội ô nhiễm nhất nhì thế giới.

Ông Phạm Ngọc Đăng (Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam) thì cho rằng, cách đánh giá mức ô nhiễm không khí ở Hà Nội như trên là chưa chính xác, thiếu cơ sở khoa học và thực tế.

Vì trị số nồng độ bụi PM 2.5 đo được nêu trên chỉ là trị số cực hạn đột xuất ở thời điểm bất thường. Còn muốn đánh giá mức độ ô nhiễm của một địa phương thì phải trị số trung bình đo của 24 giờ liên tục ngày đó làm đại diện.

Trong khi đó, lí giải kĩ hơn về nồng độ bụi P.M 2.5, bác sĩ Vũ Văn Thành, Trưởng khoa Bệnh phổi mãn tính (Bệnh viện Phổi Trung ương) cho biết, ô nhiễm môi trường đặc biệt là các loại khí bụi ngoài đường đều ảnh hưởng đến con người nhất là hệ hô hấp từ mũi họng hầu, cho đến phổi phế quản.

Thực hư thông tin Hà Nội đang ô nhiễm không khí nhất nhì thế giới - Ảnh 2.
Trong sáng nay (05/10), theo số đo của trạm quan trắc ĐSQ Mỹ, Hà Nội đang là
 thành phố ô nhiễm thứ nhì thế giới.


"Khi hít phải các chất độc hại này, sau một thời gian tích tụ lâu dài sẽ gây ra những bệnh mãn tính về đường hô hấp như viêm phế quản mãn tính, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, có thể là yếu tố gây nên bệnh ung thư...", bác sĩ Thành thông tin.

Đối với bụi PM 2.5, BS Thành cho rằng, những hạt bụi có kích thước PM dưới 2.5 micromet thì nó có thể vào sâu bên trong phế quản và phế nang, đó là điều hết sức nguy hiểm. Sau khi lọt vào phế nang sẽ tích lũy dần dần đến khi đủ lượng nhất định nó sẽ gây nên bệnh cho con người. Đó là lý do vì sao người ta nói hạt bụi PM dưới 2.5 nguy hiểm là vậy.

Theo Trí Thức Trẻ

Tin tức mới nhất

Hay nhất 2sao