Tiêu tiền người khác chuyển nhầm vào tài khoản có thể lĩnh 7 năm tù

Theo luật sư, khi thấy một số tiền gửi nhầm vào tài khoản, chủ thẻ nên báo nhà băng. Nếu rút tiền tiêu xài, chủ tài khoản có thể bị phạt tù cao nhất đến 7 năm.

Đầu tháng 4, Cù Chi Nguyên (19 tuổi) bất ngờ nhận được gần 5 tỷ đồng do một ngân hàng chuyển vào tài khoản. Biết nhà băng chuyển nhầm nhưng nam thanh niên vẫn rút hơn 1 tỷ ra tiêu xài.

Liên quan vụ việc, Công an quận 1 (TP.HCM) mời Nguyên lên trụ sở để lấy lời khai. "Người này rút hơn trăm lần ở nhiều trụ ATM trên địa bàn TP với tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng", một cán bộ điều tra nói.

Trước sự việc hy hữu, nhiều bạn đọc cho rằng lỗi thuộc về ngân hàng. Tuy nhiên, không ít độc giả nhận định việc làm của Nguyên đã vi phạm pháp luật.

Nhìn nhận vụ việc dưới góc độ pháp lý, luật sư Diệp Năng Bình (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng ngay sau khi phát hiện có số tiền chuyển nhầm vào tài khoản, việc đầu tiên mỗi người cần làm là báo ngay với ngân hàng.

Tiêu tiền người khác chuyển nhầm vào tài khoản có thể lĩnh 7 năm tù-1
 Luật sư Diệp Năng Bình. Ảnh: NVCC.

Cùng với đó, chủ tài khoản nên yêu cầu ngân hàng kiểm tra các giao dịch, biến động số dư liên quan để xử lý theo quy định. Trong mọi trường hợp, nhà băng phải có trách nhiệm kêu gọi người nhận tiền nhầm trả lại.

Nếu không nhận được sự hỗ trợ của khách hàng đối với khoản tiền giao dịch nhầm, ngân hàng có thể thông báo cơ quan chức năng giải quyết.

Theo luật sư Bình, đối với chủ tài khoản được chuyển tiền nhầm, nhất định người đó phải trả lại. Theo quy định tại Điều 579 Bộ luật Dân sự 2015, khi chiếm hữu tài sản của người khác không có căn cứ pháp luật thì phải hoàn trả cho chủ sở hữu.

Hành vi không thực hiện nghĩa vụ hoàn trả là vi phạm pháp luật và có thể bị phạt hành chính theo quy định tại Điều 15 Nghị định 167 của Chính phủ.

Cụ thể, người không trả lại tiền chuyển nhầm tài khoản có thể bị phạt tiền từ 1-2 triệu đồng nếu sử dụng trái phép số tiền người khác chuyển nhầm; phạt từ 2-5 triệu đồng nếu chiếm giữ trái phép tài sản của người khác.

Nghiêm trọng hơn, người không trả lại tiền chuyển nhầm tài khoản có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Chiếm giữ trái phép tài sản, theo Điều 176 Bộ luật Hình sự 2015. Khi đó sẽ bị phạt tiền từ 10-50 triệu đồng, hoặc bị phạt tù cao nhất là 5 năm.

Còn nếu sử dụng số tiền đó (tùy số tiền) thì bị truy cứu tội Sử dụng trái phép tài sản theo Điều 177. Với tội danh này, người phạm tội có thể bị phạt thấp nhất là cải tạo không giam giữ 2 năm, cao nhất là 7 năm tù.

Theo Tri Thức Trực Tuyến


ATM

Tin tức mới nhất