Ngày 23/6, một người đàn ông ở Thẩm Dương (Trung Quốc) theo đuổi nghề mukbang (phát sóng ăn uống) nhập viện ngay khi đang làm việc.
Khi vừa chuẩn bị ăn một đĩa thức ăn khổng lồ gồm nhiều món như thịt lợn om, gà nướng, ngỗng quay, người đàn ông họ Vương bỗng có triệu chứng chóng mặt, tê khắp cơ thể rồi nhanh chóng rơi vào trạng thái bất tỉnh.
Sau một tuần điều trị, người đàn ông này không qua khỏi. Theo bác sĩ, nguyên nhân cái chết đột ngột là xuất huyết não, huyết áp và lipit máu quá cao. Đây là hậu quả của việc tiêu thụ số lượng đồ ăn quá lớn trong thời gian dài khiến cơ thể suy nhược, nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng phát sinh.
Theo lời người vợ, người đàn ông xấu số đến với nghề mukbang từ hồi đầu năm sau khi công việc kinh doanh sa sút. Để thu hút sự chú ý, người này tăng dần lượng thức ăn và trung bình hai ngày lại phát sóng một lần.
Công việc mukbang không dễ dàng như việc tận hưởng một bữa ăn ngon khi không hiếm trường hợp người quay giải nghệ, nặng hơn là tử vong vì thói quen ăn uống không lành mạnh. Ảnh: Insider.
Mặc dù công việc mới đem đến cho cả gia đình thu nhập ổn định hơn, song đổi lại, người đàn ông tăng cân không phanh từ 100 kg lên 140 kg.
Khái niệm Mukbang từ lâu đã không còn xa lạ trong giới trẻ. Vì mức độ yêu thích lớn, nhiều người coi đây là công việc nghiêm túc và “cần câu cơm” quan trọng bởi mukbang hoàn toàn có thể đem lại số tiền thu nhập đáng mơ ước.
Song mọi việc cũng không đơn giản ở mức chỉ ngồi một chỗ và ăn, đằng sau những khay thức ăn hấp dẫn, đầy ụ món ngon là những mối lo bệnh tật đáng nguy.
Giải nghệ vì ăn uống quá nhiều
Mukbang là từ ghép của "mukja" (ăn uống) và "bangsong" (phát sóng) trong tiếng Hàn. Bắt nguồn từ Hàn Quốc, phong trào này dần lan rộng sang các nước Mỹ, Trung Quốc. Trong mỗi video mukbang, các "diễn viên" sẽ ngồi trước màn hình, ăn một lượng thức ăn khổng lồ và giao lưu với khán giả thông qua khung trò chuyện trực tuyến.
Lý giải tại sao mukbang lại hot tới vậy, nhiều người cho rằng lý do yêu thích đơn thuần xuất phát từ việc thích nhìn người khác “nhúng đẫm miếng thịt vào bát nước sốt” và “ăn nó với thật nhiều hứng thú”.
“Lý do khiến mukbang được yêu thích là nó biến ăn uống thành một hoạt động tập thể. Ai cũng thích đồ ăn ngon và hành động này kết nối mọi người thông qua các bữa ăn dù họ ở khắp nơi trên thế giới”, Victor Chang, Giám đốc tiếp thị của chuỗi nhà hàng gà rán có trụ sở tại Hàn Quốc, cho biết.
Nhà tâm lý học tiêu dùng Michal Strahilevitz cho biết lúc đầu ý tưởng mukbang nghe có vẻ điên rồ nhưng “việc xem mọi người ăn uống vô tội vạ thoải mái hơn nhiều so với việc chính bạn ăn uống thả phanh”.
Các video phát sóng ăn uống luôn hút người xem vì khán giả thích nhìn đồ ăn ngon và cảnh người khác tận hưởng bữa ăn. Ảnh: Stephanie Soo.
Tuy nhiên, khi tiêu thụ một lượng thức ăn khổng lồ một cách thường xuyên, không ít những người làm mukbang đối mặt với các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
Hồi cuối tháng 5, một “thánh ăn” nổi tiếng ở Trung Quốc có biệt danh là “Tiểu Nam dạ dày khủng” thông báo giải nghệ sau thời gian ăn uống quá nhiều.
Tiểu Nam từng gây chú ý trên mạng xã hội nước này nhờ các clip quay lại cảnh ăn hết 10 bát tiết vịt cỡ lớn hay 200 con sò điệp một lúc, dù bản thân cô gái có vóc dáng nhỏ bé.
Sau khi dạ dày phải tiêu thụ một lượng thức ăn liên tục khác nhau, từ đồ nóng đến đồ lạnh, đồ cay, cơ thể của cô bắt đầu “biểu tình”. Mặt khác, để đáp ứng yêu cầu của công ty, Tiểu Nam cũng phải ép mình ăn số lượng món ngoài mong muốn, khiến cô gái dần dà chán ghét việc ăn uống, coi đây là một gánh nặng.
Theo Tiểu Nam, mức thu nhập của cô cũng không hề cao như mọi người thường nghĩ. Mức lương cố định nhận được chỉ ở mức khoảng 3.000 NDT/tháng, và mỗi khoản tiền thu được từ hợp đồng bên ngoài, cô đều phải chia phần lớn cho ekip hỗ trợ.
Dạ dày thường xuyên phải tiêu thụ khối lượng đồ ăn khổng lồ khiến người ăn dễ sinh ra cảm giác sợ, chán ghét. Ảnh: NY Times.
Nicholas Perry, từng là một nghệ sĩ violin được đào tạo bài bản, trước khi giã từ sự nghiệp nghệ thuật để theo đuổi nghề mukbang vào năm 2016.
Ban đầu, khác với các mukbang còn lại, Nicholas tập trung vào lối sống, ăn uống thuần chay. Cuối cùng, để thu hút khán giả, anh đã từ bỏ thói quen ăn chay hơn 5 năm của mình để quay các video ăn uống hàng tá đồ ăn nhanh, đồ dầu mỡ.
Sau khi tăng cân nhanh chóng, giờ đây Nicholas phải cố gắng chống lại các tác hại của đồ ăn nhanh bằng cách tập thể dục và uống một lượng lớn vitamin mỗi ngày.
“Tôi chỉ muốn làm công việc này thêm một vài năm nữa. Lối ăn uống này thực sự không lành mạnh chút nào”, Nicholas than thở.
Tăng cân vô tội vạ và nhiều nguy cơ bệnh tật khác
Đối với những người quay mukbang, họ luôn phải ăn nhiều các món bắt mắt để đảm bảo về mặt hình thức khi lên hình. Nếu không ăn nhiều, họ cũng phải nhờ đến "sự trợ giúp" của các món cay nóng hay chiên rán để thu hút người xem.
Những món này càng kích thích sự thèm ăn, dẫn tới việc nạp nhiều calories vào cơ thể. Điều này gây ra tình trạng tăng cân không lành mạnh.
Tăng cân, béo phì, các bệnh về đường tim mạch là nguy cơ người quay mukbang phải đối mặt với công việc đem về thu nhập cao này. Ảnh: Huff Post.
Ngoài vấn đề tăng cân, những người ăn nhiều cũng có nguy cơ mắc chứng rối loạn tiêu hóa, gặp vấn đề về đường ruột. Trong trường hợp nặng hơn, họ có thể mắc triệu chứng sợ thức ăn, không thể ăn dù bụng đói…
Một nữ mukbang nổi tiếng ở Nhật Bản từng khuyên fan không nên theo nghề này nếu chưa tìm hiểu kỹ. Cô cho biết mình phải kiên trì tập thể dục và gym đều đặn để cơ thể không bị tích mỡ.
Bethany Gaskin, người sở hữu 2,2 triệu lượt đăng ký trên YouTube, coi nghề mukbang là một nguồn thu khổng lồ. Với việc quảng cáo cho các nhà hàng thông qua các clip ăn hải sản, sườn nướng, người phụ nữ 34 tuổi kiếm được gần 1 triệu USD tiền thù lao trong gần 2 năm làm công việc này.
Nhưng với chiều cao chưa đến 1,5 m và nặng gần 60 kg, Bethany không hoàn toàn “tận hưởng” toàn bộ khay đồ ăn khổng lồ như trong video của mình mà vẫn phải chú trọng đến nguy cơ cao bị béo phì. Trong đoạn video dài 30 phút, cô cho biết mình thực sự chỉ ăn từ 10- 15 phút.
Khi ngành công nghiệp Mukbang phát triển, chính phủ Hàn Quốc lo ngại điều này góp phần làm gia tăng tỷ lệ người béo phì do khích lệ thói quen ăn uống vô tội vạ.
Năm 2018, Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc từng ra thông báo “sẽ xây dựng những phương hướng phát triển cho chương trình phát sóng trên Internet về Mukbang để cải thiện hành vi ăn uống của người dân và xây dựng hệ thống giám sát chặt chẽ hơn”.
Tuyên bố này là một phần của chương trình chống béo phì Hàn Quốc tiến hành để điều chỉnh sự gia tăng đáng báo động về tỷ lệ béo phì của người dân. Theo The Telegraph, trong năm 2016 có 34,8% người dân xứ sở kim chi được phân loại là béo phì, tăng đến 26% kể từ năm 1998.
Theo Zing