Trẻ dưới 17 tuổi phản ứng ra sao sau khi tiêm vaccine Covid-19?

Sau khi tiêm vaccine Covid-19, trẻ có thể gặp các phản ứng thông thường như sốt, sưng đỏ hoặc đau nhức tại chỗ tiêm, nổi cục nhỏ, ngứa hay nhức mỏi cánh tay.

Theo Sức khỏe & Đời sống đưa tin, trước đó, tại cuộc làm việc của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam với Bộ GD&ĐT về kế hoạch thực hiện năm học 2021-2022 chiều ngày 12/10, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, Bộ Y tế đang lên kế hoạch, lộ trình triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em, trước hết sẽ triển khai tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi.

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên thông tin, Bộ Y tế phấn đấu trong quý IV/2021 sẽ tiêm đủ 2 mũi vaccine Covid-19 cho 95% trên tổng số 8,1 triệu trẻ em từ 12-17 tuổi trên cả nước.

Cùng với đó, Bộ Y tế đang rà soát, thống kê số trẻ em từ 3-11 tuổi; đồng thời tiếp cận các nguồn vaccine, tham khảo ý kiến chuyên môn của các chuyên gia, nhà khoa học để sẵn sàng có hướng dẫn tiêm cho trẻ từ 3-11 tuổi khi có vaccine.

Loại vaccine Việt Nam dùng để tiêm cho trẻ em

Ghi nhận của Lao Động, ngày 14/10 vừa qua, Bộ Y tế đã có văn bản số 8688/BYT-DP về việc tiêm phòng vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur. 

Theo Bộ Y tế, trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục mua, nhập khẩu và tiếp nhận các loại vaccine có công nghệ sản xuất khác nhau (vaccine mRNA, vaccine bất hoạt...). 

Một số loại vaccine phòng Covid-19 theo hướng dẫn của nhà sản xuất đã có chỉ định tiêm cho trẻ em. 

Trẻ dưới 17 tuổi phản ứng ra sao sau khi tiêm vaccine Covid-19?-1
Ảnh minh họa

Chia sẻ trên Lao Động, TS.BS Phạm Quang Thái, Trưởng Văn phòng tiêm chủng mở rộng miền Bắc, Phó Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết sẽ sử dụng vaccine Pfizer để tiêm cho trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi với liều tương đương như của người lớn. 

Được biết, nhiều nước hiện cũng chỉ dùng vaccine Pfizer tiêm cho trẻ em. 

Bên cạnh đó, nhóm dưới 12 tuổi hiện đang được hoàn thiện hồ sơ, dự kiến sẽ thấp hơn so với liều tiêm cho người lớn.

Ngoài ra, trong quy định của Bộ Y tế, bố mẹ hoặc người chăm sóc phải ký đồng ý trước khi cho con tiêm vaccine.

Về vấn đề này, TS.BS Phạm Quang Thái cho biết các vaccine này đều chưa tiến hành thử nghiệm lâm sàng và cấp phép chính thức tại Việt Nam, nên dù đã được phê duyệt chính thức tại Mỹ thì với người Việt Nam vẫn cần thực hiện các thủ tục như với vaccine cấp phép khẩn cấp.

"Không có bất cứ báo cáo nào về việc vaccine có thể ảnh hưởng đến gene, vaccine không tích hợp vào bộ gene của người, mà chỉ thông qua cơ chế tổng hợp protein tại khu vực ngoài nhân tế bào của một số tế bào hệ miễn dịch để sản xuất ra protein S đặc trưng của virus, từ đó giúp cơ thể sinh ra kháng thể đặc hiệu", TS.BS Thái nói trên Vietnamnet

Phản ứng có thể xảy ra ở trẻ sau tiêm vaccine Covid-19

Ghi nhận của VnExpress, trẻ có thể gặp các phản ứng thông thường sau tiêm như sốt, sưng đỏ hoặc đau nhức tại chỗ tiêm, nổi cục nhỏ, ngứa hay nhức mỏi cánh tay.

Theo bác sĩ Nguyễn Hiền Minh, Phó trưởng đơn vị tiêm chủng Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, thời điểm sau tiêm, người thân nên ở bên cạnh trẻ 24/24 giờ, ít nhất là trong 3 ngày đầu để kịp thời phát hiện những dấu hiệu bất thường. 

"Tùy từng trẻ có thể xuất hiện những triệu chứng sau tiêm khác nhau, kéo dài 2-3 ngày. Có những trường hợp triệu chứng xuất hiện muộn hơn 7-14 ngày sau tiêm", bác sĩ Minh nói.

Trẻ dưới 17 tuổi phản ứng ra sao sau khi tiêm vaccine Covid-19?-2
Ảnh minh họa. Nguồn Lao Động

Tại chỗ tiêm có thể có các phản ứng như sưng, đỏ, đau nhức. Cánh tay nhức mỏi hoặc nổi cục nhỏ, ngứa. Trẻ có thể sốt, mệt mỏi, nhức đầu, nhức mỏi toàn thân, buồn nôn. Một số trẻ buồn ngủ hoặc đói bụng nhiều hơn bình thường.

Phụ huynh cần thường xuyên đo thân nhiệt cho trẻ. Nếu sốt dưới 38,5 độ C, cho mặc quần áo mỏng, thoáng mát song lưu ý không để nhiễm lạnh, nhắc nhở trẻ uống nhiều nước.

Sốt từ 38,5 độ C trở lên hoặc sưng đau nhiều tại chỗ tiêm, cho uống thuốc hạ sốt với liều cho trẻ 12-17 tuổi là mỗi lần uống một viên paracetamol 500 mg (như panadol, hapacol, tylenol, efferalgan...), ngày uống 3-4 lần.

Phụ huynh không nên bôi, chườm hay đắp bất cứ thứ gì như lá cây, dầu gió, trứng gà,... vào chỗ sưng đau; chỉ nên massage nhẹ nhàng cánh tay và chỉ dùng thuốc kháng dị ứng sau khi có cho phép, hướng dẫn của nhân viên y tế

Nếu thấy xuất hiện các dấu bất thường sau tiêm, như: đau ngực, cảm giác ép nặng hoặc khó chịu ở ngực, thở hụt hơi, khó thở, cảm giác nhịp tim nhanh hay chậm bất thường, không đều hoặc đập thình thịch, hồi hộp đánh trống ngực phụ huynh phải đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra kịp thời.

Ngoài ra, theo lời TS.BS Phạm Quang Thái được biết đã ghi nhận những trường hợp viêm cơ tim sau tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em mặc dù rất hiếm, và nếu có bị thì đáp ứng với điều trị tốt, không để lại di chứng.

HT (t/h)
Theo Vietnamnet

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vietnamnet.vn/ban-doc/cong-dong/tre-duoi-17-tiem-vaccine-se-co-phan-ung-gi-n-281667.html

COVID-19 vaccine

Tin tức mới nhất