Tuấn Tú: 'Tôi chi 15 - 16 triệu đồng mua quần áo cho ông Quốc'

Nam diễn viên chia sẻ, tuy chưa nhận được đồng cát-xê nào từ phim "Về nhà đi con" nhưng anh không ngại ngần đầu tư cho vai diễn.

- Nhiều người cho rằng phong cách của Tuấn Tú trong "Về nhà đi con" khá bụi phủi, cá tính và không mấy phù hợp với hình ảnh một doanh nhân. Anh nghĩ thế nào?

Người làm game họ có tư duy rất khác. Trước khi vào vai Quốc, tôi từng đến một công ty game để dự hội thảo. Ngay từ 7h30 sáng, nhân viên công ty này đã được giám đốc cho tập thể dục, chạy vòng quanh sân và hò hét rất vui. Công ty game luôn cần sự sáng tạo nên tính chất và không khí làm việc khác công ty bình thường rất nhiều.

Phải chơi game, tìm hiểu về game thì mới biết giám đốc doanh nghiệp game ăn mặc hoàn toàn khác. Họ ăn mặc rất bụi phủi, cá tính. Quốc trong phim là CEO một hãng game nước ngoài. Để phù hợp với tạo hình nhân vật, tôi thường chọn áo phông, kết hợp với quần bò, đi boots. Gương mặt để râu tạo sự bụi phủi. Khi đi làm, Quốc cũng hay xách theo túi xách da bò, chỉ để vừa một chiếc laptop.

Người làm game, công nghệ, họ rất sáng tạo. Khi phát hành một game mới, thay vì "đóng thùng" như các công việc khác, những ông chủ game vẫn mặc vest, thắt cà vạt nhưng phía dưới họ chọn quần bò, đi giày bụi phủi. Một ông chủ game cũng cần ăn mặc phóng khoáng, tạo sự thân thiện, thoải mái để nhân viên trong công ty sáng tạo. Tôi nghĩ mình lựa chọn trang phục hoàn toàn phù hợp.

Tuấn Tú: Tôi chi 15 - 16 triệu đồng mua quần áo cho ông Quốc-1
Tuấn Tú.

- Anh đầu tư trang phục thế nào khi vào vai Quốc?

Ngoài đời, tôi là người thích chơi những phụ kiện của đàn ông như thắt lưng, ví, túi xách, đồng hồ. Những món đồ này tôi đã mua từ trước đó và sử dụng nên không phải chuẩn bị nhiều. Chỉ có điều khi lên phim, tôi phải suy nghĩ việc sẽ ghép những món phụ kiện này với bộ trang phục nào cho phù hợp thôi!

Trước đây, tôi làm công chức nhà nước nên đi làm chỉ mặc quần vải. Do đó, khi vào vai Quốc, tôi phải đi mua một loạt trang phục mới như quần bò rách, quần kaki, áo phông, áo khoác bụi phủi... Trước khi đi mua, tôi cũng gửi một số hình ảnh của các anh ở công ty game và thống nhất với phía đạo diễn. Chốt xong, tôi mất 1,5 ngày đi sắm đồ tại TP.HCM và Hà Nội.

Trong 1,5 ngày, tôi mua tầm 14-15 bộ trang phục, mỗi món rơi vào khoảng 800 nghìn đồng đến 1 triệu đồng. Ước tính, vào phim này, tôi mua hết khoảng 15-16 triệu tiền quần áo.

- Món đồ nào trong phim anh chưa từng diện ở ngoài đời?

Chiếc mũ trong phim là món đồ tôi chưa từng đội. Thời điểm quay, tóc tôi bị ngắn, cụt quá nên phải mua chiếc mũ ấy để đội vào. Nhiều khán giả gọi chiếc mũi tôi đội là "già làng thần thánh".

Thấy tôi đội mũ này, các anh chơi game khen "mày đội mũ đấy là sáng suốt". Họ bảo là chơi game trong phòng điều hòa lạnh, nếu cày xuyên đêm chắc chắn sẽ bị buốt đầu nên các game thủ hay đội mũ khi chơi game.

- Nhiều khán giả cho rằng cát-xê thấp là lý do khiến anh và nhiều diễn viên không sắm nhiều đồ, dẫn đến việc mặc trùng trang phục trên phim. Anh nghĩ thế nào?

Đến giờ này, đoàn phim Về nhà đi con chưa ai được nhận cát-xê cả. Chúng tôi cũng chẳng biết thấp hay cao. Không biết các diễn viên khác thế nào nhưng khi nhận phim, tôi có ba lý do. Thứ nhất, tôi phải thấy mình trong đấy. Thứ hai, bộ phim phải thú vị. Thứ ba, phải tin tưởng vào biên kịch, đạo diễn thì mới "trao thân gửi phận". Cát-xê được bao nhiêu tiền cũng quan trọng nhưng không phải yếu tố tiên quyết. Điều quan trọng nhất là được làm một bộ phim hay, được tin tưởng, được sống hết mình với đam mê.

Các diễn viên trẻ như Bảo Hân, Quang Anh thì họ có thể quan tâm đến cát-xê vì các bạn còn mới, chưa có nhiều điều kiện. Nhưng tôi ngoài đóng phim còn làm nhiều công việc khác nên không quá nặng nề chuyện ấy. Tôi vẫn đầu tư cho vai diễn. Tất cả việc còn lại tính sau.

Trong phim, tôi có vài cảnh mặc trùng trang phục. Đó là vì những cảnh ấy, bối cảnh gối nhau, không thể thay trang phục mới. Hoặc có những ngày, tôi đi dự quá nhiều event. Mặc trùng giữa trên phim với đời thực cũng là điều không tránh khỏi.

Tuấn Tú: Tôi chi 15 - 16 triệu đồng mua quần áo cho ông Quốc-2
Nhân vật Quốc trong "Về nhà đi con".

- Một số khán giả cho rằng việc đeo lens trên phim khiến anh trở nên thiếu nam tính. Anh nghĩ thế nào?

Tôi cận hơn 2 diop. Trước đó, mắt tôi cũng bị viêm giác mạc. Khi phải quay nhiều, mắt tiếp xúc với ánh đèn sáng, mạnh sẽ bị mỏi, chảy nước mắt và đỏ ngầu. Do đó, tôi phải đeo kính giãn tròng, gam màu tối để mắt dịu hơn. Nhưng kính tôi chọn lại hơi bị giãn quá. Đeo lens cũng rất đau. Nó giảm bớt ánh sáng chiếu trực tiếp vào mắt nhưng lại bị cộm, ngứa nên tôi phải tra thuốc liên tục.

Sau này, khi phim quay được một số tập, Thu Quỳnh có tâm sự với tôi. Cô ấy khuyên tôi nên bỏ đeo lens bởi việc tôi đeo kính giãn tròng khiến Quỳnh và Bảo Hân khó khăn trong việc tạo cảm xúc, nhất là những cảnh phải nhìn vào mắt để diễn. Bên cạnh đó, Quỳnh cũng bảo khi bỏ lens ra, trông tôi nam tính hơn. Thế nên, những cảnh sau này, tôi đã bỏ đeo lens.

Để bảo vệ mắt, những cảnh nào không quay, tôi nhắm mắt để nghỉ. Còn khi quay, tôi mới mở mắt. Quay ở ngoài, tôi chọn đeo kính râm.

Theo IOne


Về nhà đi con MC Tuấn Tú

Tin tức mới nhất