"Vì em còn trinh..."

Chị "đứng hình" trước câu hỏi sỗ sàng của anh trong bữa tối: “Em còn trinh không?”. Chị gật đầu và cảm thấy thức ăn bắt đầu đắng nghét trong cổ họng.

Ngày cưới, ai cũng mừng cho chị. Chị, một người phụ nữ bình thường, xuất thân trong một gia đình nghèo khổ, nhan sắc cũng chẳng nổi bật gì, thế mà lấy được chồng lại khá hoàn hảo. Chồng tiến sĩ của chị hiện là giảng viên một trường đại học danh tiếng, gia đình giàu có, khá điển trai, chững chạc, hơn chị 10 tuổi. Nhiều người thắc mắc vì sao chị lại được anh chọn. Có người ác miệng còn nói: “Con bé đó mèo mù mà vớ được cá rán, phen này nhà bà Hậu (mẹ chị) tha hồ mà hưởng lộc của con gái nhé”.

Chỉ chị mới hiểu vì sao anh lại chọn chị, cái lí do cũng chẳng mấy hay ho để chị khoe cho mọi người biết: vì chị còn trinh. Chị là giáo viên cấp 2 ở một trường miền núi. Chị quen anh trong một lần học nâng cao nghiệp vụ, do chính anh là giảng viên. Khi ấy, chị đã 25 tuổi, và chưa có người yêu. Còn anh, sau buổi học, chính anh là người hẹn chị đi ăn. Chị cũng bất ngờ lắm chứ, nhưng lại không thể từ chối được một người hoàn hảo như vậy.

Nhưng ngay trong lần hẹn hò đầu tiên, anh đã làm chị sốc đến nỗi muốn “phun” cả thức ăn trong miệng ra ngoài. Anh gắp thức ăn cho chị, rồi ngồi nhìn chị ăn, sau đó nói: “Em có biết vì sao tôi chọn em không? Rõ ràng là còn nhiều cô giáo viên khác xinh đẹp, thậm chí quyến rũ hơn em, nhưng tôi không thích. Vì em chân chất, thật thà, và trong có vẻ ngô nghê. Tôi thích con người như vậy”. Cô ngước nhìn anh mà chẳng hiểu anh định nói gì. Đến khi anh tiếp lời thì cô mới dần dần hiểu ra. “Em cũng biết gia đình tôi rất danh giá, tôi lại là tiến sĩ trẻ nhất nhì của trường đại học nơi tôi công tác. Nên tôi không thể chọn vợ sơ sài được. Và tiêu chí đầu tiên tôi đưa ra để đánh giá nhân cách một người con gái đó là cô ta có còn trinh hay không? Em đừng nghĩ tôi lạc hậu, nhưng những cô gái đã mất trước khi lấy chồng, đa số là dễ dãi. Tôi chỉ muốn đảm bảo an toàn cho cuộc hôn nhân của mình mà thôi”. Sau đó, anh hỏi thẳng vào mặt chị: “Em còn trinh không?”. Chị "đứng hình" trước câu hỏi sỗ sàng ấy. Chị khẽ gật đầu, và cảm thấy thức ăn bắt đầu đắng nghét trong cổ họng.

Thế rồi anh cầu hôn chị, và hôn lễ nhanh chóng được tiến hành bởi ba mẹ anh hối thúc. Chẳng tìm hiểu lâu dài, chị chấp nhận làm vợ anh. Chị nghĩ, anh sẽ là bến đỗ an toàn cho đời mình và cả gia đình của mình, bởi dù sao, anh cũng là tiến sĩ, là giảng viên trường đại học.

Nhưng cưới về rồi, chị mới thấu hiểu, chị đã quá vội vàng khi trao thân gửi phận cho một anh chồng tiến sĩ cổ hủ, lạc hậu quá mức. Đêm tân hôn, sau khi ân ái xong, anh vùng ngồi dậy, bật đèn sáng choang. Chị ngạc nhiên hơn nữa khi thấy anh lần mò dưới ga trải giường và gật gù khi nhìn thấy vết máu hồng nhỏ. Chị bàng hoàng hiểu anh đang kiểm tra thứ gì. Nếu đêm nay không có vết máu ấy, chắc đây sẽ là đêm địa ngục với chị.

Chồng tiến sĩ
Cưới về rồi, chị mới thấu hiểu, chị đã quá vội vàng khi trao thân gửi phận cho một anh chồng tiến sĩ cổ hủ, lạc hậu quá mức (Ảnh minh họa).

Anh bắt chị nghỉ việc bởi: “Anh cần người chăm sóc, cơm nước cho ba mẹ anh. Anh biết có thể thuê người giúp việc nhưng dù sao dâu con chăm sóc cũng tốt hơn người ngoài. Anh tin tưởng ở em. Vả lại, lương giáo viên cấp 2 của em cũng chẳng nhiều, hàng tháng, anh sẽ cho em số tiền đó, cứ 3 năm lại tăng bậc lương một lần như em đi làm. Vậy chắc em không ý kiến gì nữa đúng không?”. Chị đau đớn nhận ra, anh cưới chị về, chỉ để có người giúp việc cho nhà anh. Chị giờ đây, chẳng khác nào cô ôsin tận tụy trong nhà.

Nhưng từ khi nghỉ việc, tiếng nói của chị trong gia đình cũng biến mất. Con gà, anh nói con vịt, chị cũng chẳng dám cãi lại. Bởi nếu chị cãi, anh sẽ lớn giọng “Cô tưởng cô là cái thá gì? Chỉ tốt nghiệp cao đẳng, còn tôi, tôi là tiến sĩ, tôi đi du học ở Tây, chẳng lẽ lại thua tầm nhìn của một người đàn bà dưới quê hay sao?”. Rồi thì không chỉ chị khổ mà ba mẹ chị dưới quê cũng sẽ khổ vì mất đi tiền trợ cấp hàng tháng của con rể quý.

Cưới nhau hơn nửa năm nhưng chị có cảm giác như cả thế kỉ. Chị không được yêu thương, chị không được tôn trọng, chị thấy mình bị xúc phạm nhiều hơn khi anh chẳng bao giờ để ý lời chị nói. Dần dần, chị và anh cũng không nói chuyện với nhau nữa. Chị lầm lũi sống trong căn nhà rộng lớn, cặm cụi làm việc, phục vụ nhà chồng để có tiền gửi về cho ba mẹ nuôi mấy đứa em ở dưới quê.

Chị thực sự kinh tởm tài diễn xuất của anh mỗi khi có khách đến nhà chơi. Khi đó, anh sẽ ngọt ngào với chị, sẽ cưng nựng giống như yêu thương chị lắm, chị ghét sự giả dối đó.

Thế rồi, một ngày, chồng chị dẫn mấy người về nhà, yêu cầu họ sơn sửa lại căn nhà vẫn còn rất mới. Trong số ấy, chị thấy Trung, người thợ chính, rất hay nhìn chị. Anh đi làm hoài, chỉ có chị lo nước non cho đám thợ. Chị và Trung nói chuyện với nhau nhiều hơn. Rồi Trung hỏi chị màu sơn, chị chần chừ: “Để chiều về hỏi anh đã”. Nhưng Trung bảo cần phải lầm gấp cho xong để thợ chuyển sang công trình khác. Chị chọn màu vàng nhạt, tối anh về, thấy nhà đã sơn, anh lao vào đánh mắng chị. “Cô dám tự quyết định ư, đây là nhà của tôi. Cô là cái thá gì mà quyết định. Ăn nhờ ở đậu mà không biết thân biết phận này…”. Cũng may Trung vào nhà lấy máy khoan, nhìn thấy anh đánh chị thì lao tới giữ anh và che cho chị. Lần đầu tiên, chị cảm thấy ấm áp bởi bờ vai của một người đàn ông, không phải chồng mình.

Sau chuyện đó, Trung và chị yêu nhau. Hai người hay hẹn gặp nhau, nói chuyện phiếm hay tâm sự với nhau. Chị thấy mình trẻ lại, mắt chị long lanh, má chị hồng, chị đang yêu, yêu thật sự, đây là mối tình đầu của chị.

Một ngày, khi chị đang cặm cụi quét sân thì một người đàn bà cùng mấy tên cao to chạy xộc vào nhà. Cả khu phố tụm lại xem cảnh vợ ông giảng viên tiến sĩ bị đánh ghen bởi vợ một anh thợ sơn. Chị khóc, khóc vật vã và cố che đi những chỗ nguy hiểm.

Chồng chị về, anh không can đám người hung hãn đó ra mà đi thẳng vào nhà, lấy cây sắt để trong nhà kho, đánh tới tấp vào chị: “Đồ lăng loàn, làm mất mặt tao, tao đánh cho mày chết. Mày dám phản bội tao, phản bội tao này, phản bội tao này…

Mọi người ngạc nhiên rồi hoảng hốt can anh ra. Nhưng anh như một con thú điên bị đâm, anh gào và đánh cho đến khi chị ngất xỉu.
Lấy những giấy chứng thương, chị đệ đơn ly hôn. Chị đã chịu quá nhiều đau khổ, chị không muốn đời mình dấy trong những bất hạnh đó nữa. Chị cần sống và làm lại từ đầu, dù bây giờ, chị gần như mất tất cả.

Trung, anh chàng thợ sơn sau vụ đánh ghen đó cũng sợ tím mặt và chẳng dám đến gặp chị nữa. Chị cười, cười cho cái kiếp đau đớn của mình. Nhưng đau đớn đến mấy cũng phải đứng dậy, lau nước mắt và bước tiếp, dù đường đời thật nhiều chông gai đang chờ chị phía trước.

Theo Trí Thức Trẻ

Tin tức mới nhất

Hay nhất 2sao