Vì sao khán giả “lạnh nhạt” với phim truyền hình Việt Nam?

(2Sao) – Kịch bản rập khuôn, diễn xuất không hay, sự xâm lấn của truyền hình thực tế… là những nguyên nhân chủ chốt.

Những năm gần đây, số lượng phim truyện Việt Nam sản xuất giảm dần. Số đầu phim hay nổi bật hàng năm chẳng những không tăng mà còn giảm đáng kể. Khán giả cũng không còn tỏ ra mặn mà ủng hộ phim Việt Nam như trước nữa. Vậy đâu là nguyên nhân khiến khán giả truyền hình một thời ủng hộ phim Việt, nay lại tỏ ra “lạnh nhạt” như thế?

Phim Việt Nam đang bị khán giả “lạnh nhạt”, số lượng phim giảm đáng kể


Kịch bản rập khuôn, không có chiều sâu, thiếu kinh phí 

“Giã từ dĩ vãng” là phim Việt Nam được đánh giá cao về nội dung và tính hiện thực.


Kịch bản là vấn đề luôn bị phàn nàn mỗi khi nhắc đến tình cảnh của phim Việt Nam. Cách đây gần 20 năm, phim Việt Nam là những bộ phim chỉnh chu về nội dung như “Những ngọn nến trong đêm”, “Đồng tiền xương máu”, “Giã từ dĩ vãng”, “Người đàn bà yếu đuối”… Những mảnh đời bất hạnh, những số phận chông gai vượt lên số phận… đều được lột tả rõ nét, chân thật qua từng bộ phim. Khán giả có sự đồng cảm với nội dung phim, có sự thích thú say mê khi theo dõi mỗi ngày. Có thể nói về mặt kịch bản của những phim này không hề thua kém những phim Hàn Quốc, Hong Kong thời bấy giờ về tính giải trí hay nhân văn.

“Vòng xoáy tình yêu” là một trong những phim mở màn cho khái niệm
“Giờ vàng phim Việt”


Qua thời gian, khi khái niệm “phim Việt Nam giờ vàng” được định hình, khi tư nhân tham gia sản xuất phim… thì số lượng phim Việt mỗi năm tăng nhiều đến đáng kể. Lúc này đây thì khuyết điểm đã được bộc lộ, đó là vấn đề kịch bản. Phim Việt tăng lên quá nhiều, trong khi nhân sự biên kịch vẫn chỉ nhiêu đó người, các nhà làm phim phải nhờ tới các biên kịch trẻ tuổi chưa chắc tay, hay thậm chí còn sử dụng tới việc chuyển thể từ kịch bản nước ngoài. Vì vậy mới xảy ra thực trang phim Việt làm ra nhiều, song chiếu không ai mặn mà xem. Nội dung hời hợt, kịch bản rập khuôn thiếu chiều sâu.

“Anh chàng vượt thời gian” là thảm họa phim Việt vì đi theo trào lưu mà kịch bản
hời hợt vô vị.

Khán giả có lẽ không quên khi trào lưu phim vượt thời gian lan tỏa tới Việt Nam thì bộ phim “Anh chàng vượt thời gian” xuất hiện, hứa hẹn sẽ trở thành phim “hot” thời điểm đó. Tới khi phim chiếu trên nhà đài thì khán giả phải lắc đầu ngán ngẩm bởi kịch bản hời hợt qua loa, không có diễn biến nào hấp dẫn. Hay phim chuyển thể “Ngôi nhà hạnh phúc”, dù được quảng bá là kịch bản thuần Việt, song khán giả xem phim vẫn cảm thấy quá xa lạ và nội dung dài dòng khác xa kịch bản gốc.

“Thế lực ngầm” hay nhưng bị hạn chế kinh phí nên các cảnh võ thuật hành động
 không được đầu tư.


Vấn đề kinh phí cũng là bài toán nan giải. Nếu như ở nước ngoài, các phim hành động đều được đầu tư kỹ xảo nhiều và các cảnh hành động bắt mắt thì ở Việt Nam, phần lớn đều theo phương châm “tiết kiệm tối đa ngân sách”. Một số phim có đề tài hấp dẫn như “Thế lực ngầm”, “Tiếng cú đêm”… lại bị vướng những cảnh hành động không đặc sắc, phần nào giảm sức thu hút của phim hành động đấu trí. 

Diễn xuất của diễn viên gượng gạo, giọng nói kém thu hút

“Tuổi thanh xuân” là một trong số ít các phim gần đây có diễn xuất tốt.


Một vấn đề tồn tại từ nhiều năm qua là diễn xuất của các diễn viên trong phim Việt Nam không tự nhiên, không chân thật như các phim nước ngoài. Ngoại trừ những diễn viên được đào tạo bài bản diễn xuất hay xuất thân bên kịch, thì còn lại các diễn viên trẻ hiện nay đều có diễn xuất phải khán giả phải ngán ngẩm. Gương mặt vô hồn, không cảm xúc, từ phim này qua phim khác vẫn một màu trong cách diễn. Nhiều khán giả tinh ý cho rằng phải chăng do việc nhận quá nhiều phim, kịch bản lại rập khuôn nên diễn viên cũng… mang y hệt tính cách nhân vật phim này qua phim khác?

Những diễn viên có đài từ tốt như Minh Hằng, Phương Thanh thường tự lồng
tiếng cho vai của mình.


Nếu như ở Hàn Quốc, Mỹ, Hong Kong, công nghệ làm phim thường là thu tiếng trực tiếp, hoặc phim quay xong diễn viên phải tự lồng tiếng cho vai của mình thì ở Việt Nam mọi chuyện lại không được như vậy. Phim Việt Nam phần lớn đều được lồng tiếng tại, bởi đài từ của các diễn viên đa số không tốt, nếu giữ nguyên giọng của họ hoặc để họ tự lồng tiếng thì e khán giả sẽ không nghe nổi. Chỉ trừ những diễn viên có đài từ thật tốt thì mới tự lồng tiếng cho vai của mình được. Vì việc này mà nhiều khi khán giả xem phim Việt Nam thấy khó chịu, bởi giọng lồng tiếng không hợp mặt, hay diễn viên chính có đổi qua từng phim đi nữa thì giọng lồng tiếng vẫn như một. Việc này làm giảm tính chân thật trong diễn xuất của diễn viên, cũng như tạo ra sự nhàm chán khi nghe mãi một giọng từ phim này qua phim khác.

Cuộc đổ bộ của truyền hình thực tế và phim nước ngoài

Các chương trình truyền thực tế ngày càng chiếm sóng truyền hình nhiều.


Chưa bao giờ mà cuộc đổ bộ của các chương trình truyền hình thực tế ở Việt Nam lại mạnh mẽ như vậy. Mỗi ngày đều có các chương trình thực tế chiếm sóng “giờ vàng” buổi tối, lấn át các phim Việt Nam. Rồi phim Ần Độ, Hàn Quốc… tiếp tục thống trị khung giờ đẹp trên các nhà đài.

Phim Ấn Độ ngày càng phổ biến trên truyền hình và lấn át phim Việt.


Khán giả vốn yêu thích những gì mới mẻ, hấp dẫn, trong khi phim Việt Nam lại đi theo lối mòn và nhàm chán. Nên phim Việt Nam nghiễm nhiên thất bại ngay trên sân nhà là thế. Bản thân các chương trình truyền hình thực tế lượng quảng cáo đổ về nhiều, dễ thu lợi hơn. Còn phim Việt Nam, đầu tư nhiều song khả năng hoàn vốn đã khó, huống chi còn phải sinh lợi. Phim nước ngoài thì mua bản quyền rồi biên dịch lồng tiếng, chi phí tổng thể vẫn không bằng phim Việt Nam. Nên việc khán giả Việt Nam tỏ ra lạnh nhạt với phim Việt hoàn toàn là có cơ sở.


Lãng Khách
Theo Vietnamnet

Tin tức mới nhất