Vì sao nạn bạo hành trẻ em vẫn tiếp diễn?

"Khi trẻ em vẫn bị ngược đãi và bạo hành ngay ở chính gia đình của mình thì cần phải có biện pháp, cơ chế kiểm soát ngược đãi trẻ em", tiến sĩ Hirota Fushihara nói.

Ngày 25/7, TAND quận 12 (TP.HCM) đã xét xử vụ án Hành hạ người khác liên quan chủ cơ sở Mầm Xanh cùng 2 nhân viên. HĐXX đã tuyên bị cáo Phạm Thị Mỹ Linh 3 năm tù giam, Nguyễn Thị Đào và Phạm Thị Huỳnh lĩnh 2 án treo.

Trong khi nhiều ý kiến cho rằng khung hình phạt dành cho loại tội phạm này chưa đủ sức răn đe, chưa tương xứng với hậu quả đã gây ra cho nạn nhân, một vụ bạo hành trẻ em khác lại xảy ra ở trường mầm non Ánh Sao Vàng (huyện Bình Chánh). Bảo mẫu Trần Thị Hồng Phúc (25 tuổi) của trường này bị cáo buộc đã tát bé Phạm Linh Chi (tên đã thay đổi, 5 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh) nứt xương hàm, mặt bầm tím, càng dấy lên sự bất bình.

Hình phạt có đủ sức răn đe?

Trước đây, vào tháng 1/2014, TAND quận Thủ Đức đã mở phiên tòa xét xử Lê Thị Đông Phương và Nguyễn Lê Thiên Lý, tuyên mỗi bị cáo 3 năm tù. Hai bảo mẫu này đã có hành vi dùng tay ấn mạnh bé trai vào đùi, đánh mạnh lên lưng bé hay bế bổng các cháu cho vào thùng nước phía sau bếp.

Các bảo mẫu phạm tội và lần lượt lĩnh án. Tuy nhiên, phụ huynh và nhiều người cho rằng hình phạt đó không đủ sức răn đe những hành vi tương tự về sau, nhất là trong bối cảnh ngày càng nhiều những vụ đánh đập trẻ em xảy ra.

Vì sao nạn bạo hành trẻ em vẫn tiếp diễn?-1
3 bảo mẫu Mầm Xanh trong phiên tòa ngày 25/7. Ảnh: Trương Khởi.

Thạc sĩ Trần Thanh Thảo, giảng viên khoa Luật hình sự trường Đại học Luật TP.HCM, cho rằng khi nghiên cứu luật hình sự thì nhận thấy mức phạt mà TAND quận 12 tuyên trong vụ Mầm Xanh là phù hợp với quy định của pháp luật.

Để phân định tội danh đối với hành vi bạo hành trẻ em, thạc sĩ Thanh Thảo cho rằng cần phải chia làm 2 trường hợp.

Thứ nhất, nếu hành vi bạo hành không gây thương tích thì sẽ áp dụng tội Hành hạ người khác (Điều 140 BLHS) cho bị cáo với mức hình phạt cao nhất là không quá 3 năm tù giam.

Thứ hai, trường hợp bạo hành gây ra thương tích thì sẽ không áp dụng Điều 140 mà chuyển tội danh sang Cố ý gây thương tích (Điều 134). Nếu tỷ lệ thương tật cao thì mức hình phạt gia tăng, hình phạt dành cho người bạo hành có thể lên tới 14 năm tù hoặc chung thân nếu bạo hành nhiều trẻ.

"Khi xác định hành vi của bảo mẫu, hình phạt tòa tuyên là 3 năm hoàn toàn phù hợp với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi của 3 bị cáo. Bởi vì các em bị bạo hành nhưng chưa gây thương tích nên chỉ có thể quy vào tội Hành hạ người khác. Bản án 3 năm là cao nhất của khung hình phạt nên không thể nói là nhẹ", giảng viên luật Hình sự nhận định.

Vị thạc sĩ luật cũng dẫn chứng, ở Cà Mau thời gian trước có vụ bạo hành bé Hào Anh gây rúng động dư luận. Vợ chồng Mã Ngọc Thơm, Huỳnh Thanh Giang gây thương tật cho cậu bé với tỷ lệ 55%. TAND tỉnh Cà Mau đã tuyên hai người này 20 năm tù về tội Cố ý gây thương tích, 3 năm tù về tội Hành hạ người khác.

Hình phạt bạo hành trẻ ở Việt Nam nặng hơn Mỹ, Nhật

Ông Thảo cho rằng quy định về khung hình phạt tội Hành hạ người khác của Bộ luật Hình sự Việt Nam tương xứng với luật pháp thế giới, thậm chí ở một số quốc gia, mức án còn nhẹ hơn Việt Nam.

Cụ thể như ở nước Mỹ, nếu bạo hành không gây thương tích thì hình phạt tối đa cho bị cáo là 1 năm tù. Ở Nhật Bản, tối đa 2 năm và ở Nga cũng tương ứng với Nhật nhưng về tên gọi là hành hung người khác.

Vì sao nạn bạo hành trẻ em vẫn tiếp diễn?-2
Thạc sĩ Trần Thanh Thảo, giảng viên luật Hình sự của trường Đại học Luật TP.HCM. Ảnh: Kim Ngân.

Còn khi bạo hành gây thương tích, ở các nước này cũng chuyển sang tội Cố ý gây thương tích. Ở Nga hình phạt tối đa là 10 năm tù, Nhật Bản tối đa 8 năm và ở Mỹ là 30 năm.

"Có thể nói quy định của luật Việt Nam tương đối nghiêm khắc so với các nước. Nếu bảo mẫu gây thương tích cho từ 2 trẻ trở lên mà tỷ lệ thương tật 61%, thì mức hình phạt cho người thực hiện hành vi phạm tội có thể lên tới tù chung thân", vị giảng viên chia sẻ.

Ông Hirota Fushihara, tiến sĩ luật thực hành (J.D), chuyên gia pháp lý người Nhật Bản đang sống và làm việc tại Việt Nam, cho rằng mỗi quốc gia có chính sách pháp luật khác nhau nên mọi so sánh về pháp luật sẽ khập khiễng.

Tiến sĩ Hirota Fushihara cho rằng không chỉ vấn đề hình phạt cho các bị cáo hay nhà trẻ, mà căn nguyên bắt nguồn từ ý thức của người lớn về quyền con người của trẻ em.

"Khi mà trẻ em vẫn còn bị ngược đãi và bạo hành ngay ở chính gia đình của mình thì cần phải có biện pháp, cơ chế kiểm soát ngược đãi trẻ em", ông Hirota Fushihara nói.


 

Người nhà bị hại phản ứng dữ dội với bảo mẫu Mầm Xanh tại toà: Tại phiên toà xét xử 3 bảo mẫu về tội Hành hạ trẻ em, người nhà bị hại đã bức xúc phản ứng dữ dội.

Theo Zing


bạo hành trẻ em bạo hành

Tin tức mới nhất