Vương miện và sự cám dỗ

Không quá khi nói rằng, chỉ nhìn vào cuộc thi Hoa hậu, chúng ta đã thấy một bước tiến lớn trong nhận thức về các nhu cầu văn hóa khác nhau.

Trong khi ở thời kỳ trước, xã hội chỉ nhấn mạnh đến vẻ đẹp của trí tuệ, của nhận thức thì càng về sau, người ta bắt buộc phải thừa nhận nhu cầu thưởng thức cái đẹp hình thể, cái đẹp “vật chất” của công chúng. Đây là một nhu cầu bị bỏ quên trong rất nhiều năm bởi trùng điệp những điều cấm cản.

Hoa hậu Đỗ Thị Hà thì tự tin: “Tôi từng nghe đến câu nói: 'Khi đội chiếc vương miện lên đầu có nghĩa là bạn sẽ phải làm hoa hậu cả đời'. Tôi biết mình đang mang một danh hiệu cao quý nên không thể để cám dỗ làm xấu đi hình ảnh, danh dự của mình. Trước những cám dỗ, tôi luôn vững tâm và bản lĩnh để vượt qua”.

Sức cám dỗ của hai chữ: Hoa hậu

Không khó để kể tên những người đẹp dự thi 2-3 thậm chí là 4-5 cuộc đua nhan sắc. Lịch sử Hoa hậu Việt Nam ghi tên Trịnh Chân Trân với lần thi thứ ba đã “lột xác” trở thành một cá thể rạng ngời so với 2 lần thi trước và đàng hoàng giành ngôi Á hậu 1 tại cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2004.

Đến với đấu trường Hoa hậu, mỗi cô gái đều có hy vọng về hào quang, có những nỗ lực thể hiện bản thân trong thời gian ngắn, phải khép mình vào kỷ luật, phải chấp nhận lộ sáng với truyền thông, sự tị hiềm của các “đấu sĩ” khác…

Hoặc giả như ở cuộc thi Hoa hậu Việt Nam, các cô gái phần đông chỉ sống thuần chất trong mái ấm gia đình đã thử sức mình ở những dự án nhân ái, chia sẻ và giúp đỡ những số phận thiếu may mắn trong cộng đồng.

Thế giới mới mẻ, tràn ngập gợi mời và có sức hút lạ lùng với những tâm hồn trẻ trung, còn đang háo hức về những điều kỳ thú chưa từng biết.

Thi Hoa hậu có thể ví như một kỳ rèn luyện kỹ năng sống tuyệt vời, nơi mà trong một thời gian ngắn, một cô gái trẻ măng có thể có được những kinh nghiệm mà một người bình thường phải mất nhiều năm mới thu lượm được.

Người ta cần đủ lớn và đủ mạnh để đương đầu với nó, nếu không, có thể sẽ bị nó đè bẹp. Quả là… nguy hiểm nhưng đầy kích thích.

Hoa hậu Đỗ Mỹ Linh cho biết: “Tôi không nhận những lời mời gặp gỡ riêng không quang minh chính đại. Chính vì luôn nói không với những điều như thế, chưa có cám dỗ nào đến với tôi”.

Vương miện và sự cám dỗ-1
Thi Hoa hậu luôn là hoạt động hấp dẫn các cô gái trẻ.

Người hiểu showbiz đều biết, có “danh” là có rất nhiều. Vương miện và cả những danh hiệu trao cho cô gái đẹp cơ hội đổi đời ngoạn mục, thậm chí thực tế còn vượt xa cả những giấc mơ.

Hoặc giả chỉ đơn giản như câu chuyện mà hoa hậu Hà Kiều Anh đã chia sẻ trong một talk show. Đã hơn 30 năm kể từ ngày đăng quang, hoa hậu Hà Kiều Anh vẫn nhớ những cảm xúc của ngày định mệnh đó. “Khi đó tôi bị sốc tâm lý, khóc đến mức rơi hết cả lông mi”.

Cô cũng thẳng thắn khi tiết lộ mục đích thực sự của việc đi thi Hoa hậu: “Thời đó một người mẫu đi diễn cho một chương trình chỉ 120 ngàn đồng, cao lắm chỉ là 180 ngàn đồng, nhưng hoa hậu khi xuất hiện thì từ 800 ngàn đến 1,2 triệu đồng.

Hoa hậu được mặc những bộ cánh lộng lẫy, được xuất hiện ở vị trí vedette và còn được nhận cát-xê cao gấp nhiều lần người bình thường. Tôi cũng mong muốn được như vậy nên tôi đăng ký đi thi hoa hậu”.

Còn hoa hậu Mai Phương Thúy thì nói về sự sang trang của cuộc đời mình như thế này: “Khi đăng quang Hoa hậu Việt Nam 2006, tôi quyết tâm đưa danh hiệu hoa hậu trở nên thiết thực, gần gũi hơn với cộng đồng và tôi đã làm được. Tôi nghĩ đời mình cũng được đổi sang một trang khác, một con đường khác, nhưng may mắn là con đường tôi đi nó sạch và đẹp”.

Vương miện và sự cám dỗ-2

Cám dỗ quanh chiếc vương miện, nguy cơ song hành cơ hội

Sau mỗi cuộc thi Hoa hậu, hoa khôi, cuộc sống của những người đẹp đăng quang có nhiều biến đổi. Họ có nhiều cơ hội hơn trước ngưỡng cửa cuộc đời nhưng cơ hội và nguy cơ bao giờ cũng ngang nhau.

Biết rằng cạm bẫy có ở mọi nơi, người giàu- kẻ nghèo, người đẹp - người xấu… nhưng vương miện cùng với tuổi đời còn rất trẻ là một khung kính rất mỏng manh khiến mọi cám dỗ đều muốn đến gõ cửa.

Hoa hậu Đỗ Mỹ Linh kể rằng, trước khi khoảnh khắc trao lại vương miện diễn ra, Linh đã tưởng tượng rất nhiều kịch bản trong đầu mình cùng với những cảm xúc trái ngược. Tuy nhiên, cảm xúc thực nhất nằm ở câu mà nàng hậu đã nói trong hậu trường khi đó là: “Chị đội vương miện lại cho em, còn giờ chị đi bar nhé”.

Một sự nhẹ nhõm mà chắc chỉ những ai từng là Hoa hậu, chịu sự căng thẳng của trách nhiệm giữ gìn và làm sáng vương miện giữa muôn vàn thử thách trên bước đường đời mới có thể chia sẻ được.

Việc bị cám dỗ không khiến bạn thành người xấu. Kinh Thánh cho biết tất cả chúng ta đều bị cám dỗ. Điều thật sự quan trọng là cách chúng ta phản ứng trước cám dỗ. Một số người cưu mang ham muốn sai trái và trước sau gì cũng sẽ chiều theo ham muốn đó. Số khác thì nhanh chóng loại bỏ nó vì ý thức nó là sai.

Một thiếu nữ đẹp, được giáo dục hợp lý… sẽ có những dự cảm và phân vân nhất định khi đứng trước những việc không đáng làm. Với cuộc thi Hoa hậu Việt Nam, những năm gần đây, sau khi đăng quang, các cô gái đều có một ê-kíp hỗ trợ làm hình ảnh, được quản lý khá chặt chẽ.

Còn Hoa hậu Đỗ Thị Hà thì tự tin: “Tôi từng nghe đến câu nói: 'Khi đội chiếc vương miện lên đầu có nghĩa là bạn sẽ phải làm hoa hậu cả đời'. Tôi biết mình đang mang một danh hiệu cao quý nên không thể để cám dỗ làm xấu đi hình ảnh, danh dự của mình. Trước những cám dỗ, tôi luôn vững tâm và bản lĩnh để vượt qua”.

Vương miện và sự cám dỗ-3

Á hậu Hoa hậu Việt Nam 2000 Ngọc Oanh từng chia sẻ về cách ứng xử của cô sau đăng quang:

“Trước mọi quyết định lớn nhỏ về công việc cũng như trong cuộc sống, Oanh đều hỏi ý kiến gia đình, đặc biệt là bố, một chánh án tòa án. Một lần từ miền Nam có người xưng là đại diện một công ty gọi điện mời Oanh tham gia một show quảng cáo của họ. Bố Oanh đã kiểm tra lại thông tin thấy công ty đó có thật nhưng không có show quảng cáo nào cả”.

Hoa hậu đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất Bùi Bích Phương cho biết, chị tự hào nhất với danh hiệu này. Thời Phương đăng quang và sau đó trong thập niên 90, tuy cuộc sống còn thuần chất hơn bây giờ, mạng xã hội cũng không phát triển mạnh như hiện nay nhưng chị đã chủ động tìm cho mình một lối sống giản dị, không tạo cớ cho cám dỗ tìm đến.

Bùi Bích Phương chỉ có trang cá nhân trong thời gian rất ngắn, về sau chị “biến mất” khỏi Facebook, hoàn toàn không sử dụng mạng xã hội để lan tỏa hình ảnh cá nhân. Chị là hoa hậu “im tiếng”, theo đuổi con đường học vấn và kinh doanh, không chạy theo những hào nhoáng của cuộc sống showbiz.

Sự cám dỗ xung quanh vương miện hoa hậu luôn luôn tồn tại như hai mặt của một tấm huy chương. Chọn mặt nào ấy là do sự can đảm và phúc phận của mỗi hoa hậu vậy.

Theo Tiền Phong

Xem link gốc Ẩn link gốc https://tienphong.vn/vuong-mien-va-su-cam-do-post1499714.tpo?fbclid=IwAR2rIu94B38kiyeorGDPeAiIjFmuIpXWMfF0hAPHVDJm4rCGspdhZnv97l8

Đỗ Thị Hà Hoa hậu Việt Nam Đỗ Mỹ Linh

Tin tức mới nhất