Vụ tai nạn ở Bình Thuận: Đau đớn nhận xác người thân

Qua giám định ADN, cơ quan chức năng đã xác định được danh tính một số nạn nhân đã chết trong vụ tai nạn thảm khốc.

Ngày 23-5, UBND tỉnh Bình Thuận đã thành lập tổ chỉ đạo phối hợp giải quyết, khắc phục hậu quả vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam vào rạng sáng 22-5.

Theo ông Phạm Văn Nam, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bình Thuận, có 4 thi thể (trong số 10 thi thể bị cháy không thể nhận dạng) đã xác định được danh tính sau khi đối chiếu ADN của những người con trong gia đình. Cụ thể: Võ Thị Xuân (SN 1964), Lê Thị Thanh Doanh (SN 1962; cùng ngụ xã Đức Chánh, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi), Nguyễn Kim Hoa (SN 1976; ngụ xã Phổ Vinh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) và Võ Thị Anh Đào (SN 1967; ngụ xã Phú Lộc, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai). Trước đó, thi thể bà Nguyễn Thị Liên (71 tuổi, ngụ huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) và ông Phan Văn Thảo (ngụ tỉnh Bình Định) được nhận dạng và đã bàn giao cho gia đình đưa về quê mai táng vào khuya 22-5.

Người thân, hàng xóm gia đình bà Võ Thị Xuân đến chia buồn cùng gia đìnhẢnh: Tử TRỰC
Người thân, hàng xóm gia đình bà Võ Thị Xuân đến chia buồn cùng gia đìnhẢnh: Tử Trực

Trong khi đó, thân nhân của những nạn nhân đang chờ giám định ADN vẫn đang đau khổ chờ đợi tại Bệnh viện Đa khoa Bình Thuận. Bà Trần Thị Đông (SN 1974, quê Hà Tĩnh) là em ruột của nạn nhân Trần Công Định (53 tuổi, lái xe khách giường nằm BKS 38N-5577) thẫn thờ bên cạnh giỏ đồ tang chuẩn bị lo hậu sự cho anh. Bà nói rằng anh mình đã chết nhưng bà không biết chịu đựng nổi không khi được công bố kết quả giám định ADN.

Ngày 23-5, đoàn công tác của UBND tỉnh Quảng Ngãi do ông Phạm Trường Thọ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, làm trưởng đoàn đã đến Bình Thuận thăm hỏi, giúp đỡ các nạn nhân. “Chỉ riêng Quảng Ngãi có 9 người chết và 11 người bị thương trong vụ tai nạn trên. Trong ngày, chúng tôi đã trao cho gia đình có người tử vong 5 triệu đồng/gia đình và gia đình có người bị thương 3 triệu đồng/gia đình, đồng thời đưa các nạn nhân bị nạn về quê an táng” - ông Thọ cho biết.

Trong số 9 người chết, có nhiều trường hợp cùng là người thân, như anh Nguyễn Văn Nghĩa và Võ Thị Trà Mi (cùng ngụ TP Quảng Ngãi) là anh em họ; bà Võ Thị Xuân và Lê Thị Thanh Doanh là em chồng, chị dâu.

Trong căn nhà nhỏ nằm hẻo lánh ở vùng đất cằn cỗi sát biển, từ khi hay tin vụ tai nạn, ông Võ Thế Hà (57 tuổi, chồng nạn nhân Lê Thị Thanh Doanh) ngồi thẫn thờ một chỗ. Không chỉ mất đi người vợ tảo tần, ông Hà còn mất đi em gái ruột Võ Thị Xuân.

Hơn 30 năm chung sống, vợ chồng ông Hà có với nhau 3 mặt con và vợ chồng đều làm nông. Cách đây hơn một năm, con gái út của ông vào TP HCM học đại học. Gia đình quá khó khăn, bà Doanh quyết định vào TP HCM bán vé số lo cho con ăn học. “Cách đây khoảng một tháng, bà ấy về phụ tôi gặt lúa. Đến hôm 21-5, bà ấy với em gái tôi đón xe vào TP HCM để tiếp tục bán vé số. Khi đi, vợ tôi còn mang theo 1,5 tạ gạo, dầu ăn, mắm, muối để vô đó nuôi con nhưng không ngờ…” - ông Hà khóc nghẹn ngào.

Bà Võ Thị Xuân bị bệnh thận rất nặng. Chồng bà qua đời chưa tròn năm do bị ung thư. Vợ chồng bà có 4 con, con trai đầu bị dị tật đã chạy chữa nhiều năm. Chiều 21-5, bà Xuân cùng chị dâu vào TP HCM để khám bệnh đồng thời thăm con gái út đang học tại đây thì gặp nạn.

Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, cho biết sau khi kiểm tra dữ liệu thiết bị giám sát hành trình, xe khách BKS 51B-112.24 của Công ty Phương Trang di chuyển với tốc độ 68 km/giờ vào lúc 4 giờ 14 phút, lúc xảy ra tai nạn. Cùng thời điểm đó, xe khách BKS 38N-5577 của Công ty TNHH Thương mại Sơn Quy lưu thông với tốc độ 56 km/giờ.

Theo Người lao động

Tin tức mới nhất