10 bí mật của ngành công nghiệp điện ảnh Hollywood

Vì lợi ích của hãng phim và tác phẩm, nhà sản xuất nắm giữ không ít bí mật phía sau hậu trường. Nhưng “cây kim trong bọc” thì “cũng có ngày lòi ra”.


Thực hiện trailer có mục đích: Một trong những điều khán giả phàn nàn là việc các trailer tiết lộ quá nhiều tình tiết, khiến họ không có trải nghiệm trọn vẹn khi tới rạp phim. Theo khán giả, trailer đã bao gồm những cảnh quay hoành tráng nhất, quan trọng nhất, và chứa đựng nội dung đắt giá nhất. Và họ không hiểu vì sao các nhà sản xuất lại làm như vậy.


Nhưng trên thực tế, việc chọn lọc chi tiết để cắt dựng trailer đều đến từ chủ đích của nhà phát hành. Đạo diễn Robert Zemeckis cho biết theo nghiên cứu thị trường, phần đông khán giả muốn chắc chắn rằng những gì xuất hiện trong trailer sẽ có trong phim. Do đó, trailer luôn là những điều “tinh túy” của tác phẩm. “Là một người yêu phim, học điện ảnh và làm đạo diễn, tôi không hề thích điều đó. Nhưng số đông công chúng thì khác. Giống như khi đến một quán ăn McDonald’s, bạn đã nắm rõ từng hương vị, thậm chí chẳng cần đọc thực đơn”, ông nói.


Kỹ thuật ngừa lão hóa trên phim đã có từ lâu: Một hiệu ứng kỹ xảo được áp dụng trong thời gian gần đây là che giấu tuổi tác diễn viên trên phim. Để giúp trẻ hóa một cá nhân hoặc thậm chí tái hiện một người đã mất, người phụ trách hậu kỳ sẽ sử dụng công nghệ CGI.


Kỹ thuật đã được các hãng phim nghiên cứu từ thập niên 1990, và bắt đầu phổ biến rộng rãi trong thế kỷ XXI. Nhờ kỹ xảo, khán giả có thể chiêm ngưỡng nhan sắc của các diễn viên khi đã được loại bỏ nếp nhăn hoặc vẽ thêm vết chân chim nhằm tái tạo một khuôn mặt như ý muốn. Tuy nhiên, chi phí để thực hiện là không nhỏ.


Diễn viên hạng A đeo tai nghe để được nhắc thoại: Các diễn viên hạng A đều sử dụng tai nghe cho các đoạn đối thoại. Điều này giúp rút ngắn tiến độ ghi hình. Trước đó, một số báo cáo cho biết Johnny Depp sử dụng tai nghe để tránh phải học thoại. Nhưng tài tử đã lên tiếng rằng việc đeo tai nghe cốt nhằm giúp anh nghe thấy âm thanh hiện trường, giúp bản thân đắm mình vào cảnh quay.


Diễn viên Robert Downey Jr. có lần thừa nhận rằng anh đã sử dụng tai nghe khi đóng Sherlock Holmes vào năm 2009. Việc này giúp anh tránh phải học lại những câu thoại nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Anh em nhà Russo cũng khen ngợi phương pháp này bởi họ có thể thêm thoại ngay ở hiện trường, còn các diễn viên không cần mất nhiều thời gian để học thuộc.


Những cảnh nóng luôn được quay cuối cùng: Cảnh nóng luôn là chủ đề thu hút khán giả. Nhưng việc phải ghi hình cảnh ân ái trước mặt đoàn phim là điều không dễ dàng. Do đó, đạo diễn thường sắp xếp cho quay các cảnh nóng khi phim gần đóng máy để các diễn viên thoải mái hơn.


Xét về mặt lý thuyết, cách tiếp cận giúp các diễn viên có thời gian làm quen với nhau trong quá trình quay. Điều này không chỉ giúp họ cởi mở với nhau, mà còn giúp tạo ra sự ăn rơ giữa các cặp diễn viên.


Các studio thường không tiết lộ đúng kinh phí và doanh thu: Mặc dù trên giấy tờ, chi phí đều được liệt kê rõ ràng, như ngân sách và lợi nhuận, nhiều con số thực tế không chính xác. Khán giả có thể thấy những bộ phim được đón nhận nồng nhiệt, nhưng cuối cùng không mang lại lợi nhuận. Các “kế toán Hollywood” đôi lúc làm vậy để tránh phải trả quá nhiều tiền thuế hoặc tiền thưởng theo lợi nhuận cho các thành viên.


Đơn cử, diễn viên David Prowse của Star Wars từng không nhận được tiền thưởng vì hãng phim báo cáo lợi nhuận phòng vé bằng 0, trong khi bộ phim đã thu về hơn 475 triệu USD trên toàn thế giới. Hay thời gian gần đây, Yesterday gây nghi ngờ khi Universal báo lỗ gần 90 triệu USD, trong khi doanh thu tác phẩm cao gấp 6 lần kinh phí sản xuất.


Nước đóng vai trò quan trọng để tăng sáng: Khi quay các cảnh đêm, ngoài sử dụng đèn hay gương phản xạ, đoàn phim thường lợi dụng nước làm công cụ hữu ích để góp phần tăng sáng. Họ sẽ cố tình tạo ra bối cảnh như sàn nhà ướt, trời vừa mưa để phản chiếu ánh sáng.


Ngoài ra, nước còn được dùng để làm không gian trong phòng trông rộng và tươi sáng hơn. “Mánh khóe” này đang được các nhà làm phim áp dụng rộng rãi vào các cảnh đêm.


Apple không cho nhân vật phản diện sử dụng iPhone: Các thương hiệu thường muốn sản phẩm được lồng ghép trong phim. Chiêu thức quảng cáo không còn mới mẻ, nhưng nếu diễn viên sử dụng điện thoại của hãng Apple, họ phải là nhân vật chính diện.


Nói về bộ phim Knives Out, Rian Johnson chia sẻ những yêu cầu đến từ "nhà Táo" rằng: “Tôi không biết có nên nói ra điều này hay không, nhưng tôi nghĩ thông tin này rất thú vị. Apple cho phép diễn viên sử dụng điện thoại của họ trên phim, nhưng nếu bạn để ý, bạn sẽ không tìm ra nhân vật phản diện nào cầm iPhone trên màn ảnh đâu”.


Diễn viên phải mặc lại trang phục bẩn: Đa số quần áo của các diễn viên đều đến từ các nhà tài trợ nhằm giúp giảm chi phí cho nhà sản xuất. Những bộ trang phục đó đều phải mặc đi mặc lại nhiều lần, thay vì đem đi giặt. Bởi nếu mang đi giặt, trang phục có thể bị phai màu hoặc rách. Điều này dễ dẫn tới hậu quả sai raccord (thuật ngữ để chỉ sự tương hợp tối đa của mọi yếu tố trong các cảnh quay).


Để đảm bảo vệ sinh, các bộ quần áo thường được mang đi làm sạch bằng cách xịt hỗn hợp vệ sinh và nước hoa. Khán giả có thể trầm trồ trước bộ quần áo Leonardo DiCaprio đang diện trong phim, nhưng có thể tài tử đã phải mặc chúng trong liên tục hơn 60 giờ đồng hồ.


Sử dụng thuốc để làm thay đổi vóc dáng: Để phù hợp với tạo hình nhân vật, diễn viên có lúc phải thay đổi ngoại hình như trông mập hơn hoặc gầy đi. Có khi, diễn viên phải thật vạm vỡ, có nhiều cơ bắp mới có thể thực hiện tốt vai diễn. Ngoài việc ăn uống, sinh hoạt theo chế độ của các chuyên gia dinh dưỡng, đôi khi các diễn viên còn phải sử dụng thuốc tăng trưởng để kích thích phát triển cơ.


Theo ước tính, có khoảng 20% diễn viên sử dụng HGH (hormone tăng trưởng dành cho người) để thay đổi ngoại hình. Điều này không phải quá phổ biến ở các diễn viên, nhưng họ sẽ sử dụng thuốc nếu cần phải “làm mới” mình trong một thời gian ngắn.


Âm thanh là phần việc cuối cùng trong khâu sản xuất: Mặc dù âm nhạc được ví là một phần xương sống của bộ phim, phần việc này được thực hiện ở công đoạn cuối cùng trong khâu sản xuất. Phim Aliens của James Cameron là một ví dụ. Nhà soạn nhạc James Horner từng đến trường quay với hy vọng sẽ có 6 tuần hoàn thành phần nhạc nền.


Nhưng khi Horner đã hoàn thành công việc, Cameron lại chỉnh sửa nhiều phân cảnh, khiến phần nhạc của ông trở nên lệch lạc. Cuối cùng, James Horner chỉ còn 4 ngày để sửa lại phần nhạc nền cho thành phẩm.

Theo Zing

Xem link gốc Ẩn link gốc https://zingnews.vn/10-bi-mat-cua-nganh-cong-nghiep-dien-anh-hollywood-post1092818.html?fbclid=IwAR0oldHbeeWhxYtNQwDWH5aElf7i3k2t9oOfNWYXWwcen3t7Rp_l3CoHkkI

phim điện ảnh Hollywood

Tin tức mới nhất