Phim Việt giành giải lớn ở quốc tế nhưng lận đận trên sân nhà

Đây dường như là một nghịch lý tồn tại từ lâu trong làng điện ảnh Việt: những tác phẩm thắng ở các LHP quốc tế nhưng thường sẽ lận đận trên sân nhà.

Vợ ba

Vợ ba là tác phẩm của nữ đạo diễn Việt kiều Nguyễn Phương Anh (Ash Mayfair), kể về hành trình của một cô gái 14 tuổi trở thành vợ ba của một gia đình địa chủ ở nông thôn miền Bắc vào thế kỉ 19. Tại LHP quốc tế Toronto 2018, bộ phim giành giải Phim châu Á hay nhất của Mạng lưới phê bình phim châu Á Thái Bình Dương (NETPAC).

Bộ phim cũng giành giải TVE - Another Look Award tại LHP San Sebastián, giải Gold Hugo dành cho những dạo diễn mới nổi tại LHP Chicago 2018, giành giải Phim xuất sắc nhất, trị giá 71.000 USD tại LHP Kolkata (Ấn Độ).

Phim Việt giành giải lớn ở quốc tế nhưng lận đận trên sân nhà-1
Poster phim "Vợ ba"

Dù thành công rực rỡ ở nước ngoài nhưng ở rạp chiếu trong nước, Vợ ba lại "chết yểu" khi chỉ ra rạp một thời gian ngắn rồi phải dừng chiếu. Nguyên nhân là vì dư luận tạo sức ép quá lớn quanh việc nữ diễn viên nhí Nguyễn Phương Trà My mới 13 tuổi đã phải thực hiện nhiều cảnh quay nhạy cảm.

Về việc này, đoàn làm phim đã chia sẻ quá trình quay phim hoàn toàn có sự giám sát, đồng thuận của người giám hộ (mẹ diễn viên) và có sử dụng thiết bị bảo hộ. Nữ diễn viên trẻ Trà My cũng như gia đình em, trong tất cả các cuộc phỏng vấn trong và ngoài nước đều cho biết em rất thoải mái và không có vấn đề gì bất ổn trong việc phải thể hiện những cảnh thân mật trong phim, và các cảnh quay đều được trao đổi rõ ràng, thẳng thắn, làm việc trên tinh thần tự nguyện.

Cuối cùng, để tránh sự việc đi quá xa, để bảo vệ diễn viên nhí trước những làn sóng dư luận, nhà sản xuất bộ phim đã gửi văn bản lên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xin rút phim ra khỏi rạp chiếu.

Phim Việt giành giải lớn ở quốc tế nhưng lận đận trên sân nhà-2
Phim Việt giành giải lớn ở quốc tế nhưng lận đận trên sân nhà-3

Thông tin này khiến không chỉ cộng đồng mạng mà một số nghệ sĩ Việt tiếc nuối. Thậm chí, nhiều khán giả bức xúc vì một bộ phim theo hướng nghệ thuật, từng giành nhiều giải thưởng quốc tế danh giá không có cơ hội trình chiếu rộng rãi tại Việt Nam.

Cha cõng con

Cha cõng con là bộ phim của đạo diễn Lương Đình Dũng được đại diện Việt Nam dự Oscar phim nói tiếng nước ngoài năm 2018. Bộ phim có thời lượng 90 phút, là câu chuyện đẹp về tình phụ tử với bối cảnh chính ở Hà Giang.

Phần lớn các diễn viên trong phim là diễn viên nghiệp dư, ngoại trừ hai gương mặt quen thuộc là NSƯT Trần Hạnh và nam chính Ngô Thế Quân, từng tham gia phim Thời xa vắng.

Phim Việt giành giải lớn ở quốc tế nhưng lận đận trên sân nhà-4
"Cha cõng con" được đánh giá cao về hình ảnh và tính nhân văn

Tác phẩm điện ảnh này đã "chu du" tới nhiều liên hoan phim quốc tế, được chọn trình chiếu tranh giải chính thức (điển hình như giải Phim dài xuất sắc tại Liên hoan Canadian Diversity Film Festival, giải Quay phim xuất sắc tại Liên hoan phim Barcelona Planet…), tham gia LHP Quốc tế Houston lần thứ 50 (một liên hoan phim độc lập lâu đời trên thế giới với 4.500 bộ phim tham dự đến từ 74 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới), LHP Quốc tế Boston…

Giành được nhiều giải thưởng quốc tế, tuy nhiên, Cha cõng con lại thua trên… sân nhà khi không nhận được đánh giá cao từ giới chuyên môn trong nước. Bộ phim tham gia lễ trao giải Cánh Diều 2016, hạng mục Phim điện ảnh xuất sắc nhưng không giành giải mà chỉ nhận được bằng khen.

Sự việc gây ồn ào khi đạo diễn Lương Đình Dũng đã trả lại bằng khen cho ban tổ chức vì cho rằng "Ban giám khảo chưa tiếp cận được bộ phim một cách đầy đủ".

Còn đại diện ban giảo khảo giải thưởng Cánh Diều cho biết Cha cõng con không nhận được giải Cánh Diều Vàng hay Cánh Diều Bạc bởi bộ phim chưa có nhiều đột phá, cách thể hiện chưa thực sự đổi mới, diễn biến chậm, không nhiều biến cố, có thể khiến người xem cảm thấy mệt mỏi.

Phim Việt giành giải lớn ở quốc tế nhưng lận đận trên sân nhà-5
Tuy vậy, giới chuyên môn trong nước cho rằng bộ phim chưa thực sự đổi mới, diễn biến chậm, không nhiều biến cố

Hành trình ra rạp của Cha cõng con cũng không hề đơn giản. Theo đạo diễn Lương Đình Dũng chia sẻ, anh cho rằng phim của mình thiếu những yếu tố bạo lực, kinh dị, những hành động kịch tính, cảnh nóng… nên bị khán giả quay lưng.

Đảo của dân ngụ cư

Đảo của dân ngụ cư là bộ phim đầu tay của Hồng Ánh trên cương vị đạo diễn, chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Đỗ Phước Tiến. Khác với các bộ phim khác trong nước, Đảo của dân ngụ cư ra mắt lần đầu vào giữa năm 2017 tại Madrid, Tây Ban Nha.

Trước khi chính thức công chiếu trong nước, phim đã nhận được cơn mưa giải thưởng tại nhiều LHP quốc tế như LHP quốc tế Á Âu (Kazakhstan), LHP quốc tế Cairo (Ai Cập), LHP quốc tế Warsaw (Ba Lan), LHP Đông Á tại Luân Đôn, LHP châu Á - Thái Bình Dương tại Đài Loan, LHP Palermo (Italia)...

Phim Việt giành giải lớn ở quốc tế nhưng lận đận trên sân nhà-6
Đảo của dân ngụ cư nhận nhiều giải thưởng quốc tế

Tuy nhiên, khi ra rạp, phim lại không nhận được nhiều tình cảm từ khán giả đại chúng. Các suất chiếu thường xuyên trong tình trạng vắng khách và thời gian trụ rạp của phim không dài.

Giải thích lý do phim không tạo được sức hút, nhiều ý kiến cho rằng phim đôi khi thừa tình tiết vì kéo giãn bối cảnh. Ngoài ra, còn ""tội rời rạc, thiếu nhất quán. Đảo của dân ngụ cư rơi vào tình trạng lỡ dở, cái gì cũng chưa tới, đến cả cảm xúc vui, buồn của nhân vật cũng lửng lơ đâu đó, "nhạt nhòa như một cảnh quay"…

Dùng bạo lực, dùng cảnh nóng để nói đến ẩn ức, khát vọng tự do, khát vọng được giải thoát  chẳng phải chuyện mới mẻ. Đảo của dân ngụ cư quy tụ hầu hết những chiêu được coi là hút khách: cảnh nóng, bạo lực, máu me… để chuyển tải thông điệp phim.

Tuy nhiên giữa thị trường phim ảnh mới được dán nhãn hiện nay, cảnh nóng trong Đảo của dân ngụ cư vẫn chưa tạo được ấn tượng gì mạnh mẽ. Bạo lực cũng như tình dục trong phim, dùng thủ pháp âm thanh để diễn tả cao trào, đôi khi hơi lạm dụng.

Phim Việt giành giải lớn ở quốc tế nhưng lận đận trên sân nhà-7
Tuy nhiên phim không nhận được nhiều tình cảm của khán giả trong nước 

Ròm

Bộ phim Ròm trở thành tác phẩm điện ảnh Việt đầu tiên có mặt tại hệ thống rạp chiếu trên toàn quốc sau đại dịch COVID- 19. Phim được phát triển từ phim ngắn cùng tên nhận được nhiều sự tán thưởng của đạo diễn Trần Thanh Huy. Ròm mất 8 năm mới hoàn thành, nhưng liên tục đối mặt nhiều sự cố.

Phim Việt giành giải lớn ở quốc tế nhưng lận đận trên sân nhà-8
Ròm khai thác góc tối cuộc sống Sài Gòn

Bộ phim được trao giải New Current tại LHP Busan - Hàn Quốc năm 2019, nhưng về nước bị phạt hành chính 40 triệu đồng vì… chưa được cấp phép. Khi duyệt phát hành cho bộ phim Ròm, Cục Điện ảnh nhận định: "Phim phản ánh mặt trái quá đen tối của những con người mong muốn đổi đời bằng việc trông chờ vào những con số may mắn để trúng lô, đề. Những tệ nạn xã hội như chơi lô, đề, cho vay nặng lãi, đòi nợ, mê tín, bao lực xuyên suốt bộ phim, kết phim bi quan, bế tắc, không lối thoát, thiếu tính nhân văn.

Câu chuyện phim diễn ra tại TP.HCM nhưng không có sự quan tâm của chính quyền và cơ quan chức năng. Đồng thời, phim cũng thể hiện nhiều thông tin tiêu cực, phản cảm, mang ẩn ý và ám chỉ không tốt về chính trị, mang màu sắc phê phán chính trị - xã hội, thể hiện cách nhìn tiêu cực về đất nước, văn hóa, con người Việt Nam". Vì vậy, bộ phim Ròm phải cắt bỏ một số đoạn và chỉnh sửa cho phù hợp.  

Phim Việt giành giải lớn ở quốc tế nhưng lận đận trên sân nhà-9
Bộ phim gặp nhiều lận đận mới có thể ra rạp

Phim từng được lên lịch công chiếu vào ngày 30/7 nhưng phải hoãn vì COVID- 19. Bây giờ, sau khi dịch bệnh đã được khống chế cơ bản, bộ phim Ròm chính thức ra mắt khán giả từ ngày 25/9 và nhận được nhiều phản hồi tích cực từ khán giả.


Trailer Ròm 

Theo Đất Việt 

Xem link gốc Ẩn link gốc http://tiin.vn/chuyen-muc/phim/phim-viet-gianh-giai-lon-o-quoc-te-nhung-lan-dan-tren-san-nha.html?fbclid=IwAR0Cq1wMvbksvt25wDWAegOVJC3FNBf1IqrXH4CCufXy4QYhauElcU0xoUU

phim việt nam

Tin tức mới nhất